Nhân đóng sầm cửa. Hai từ “con nghiện” vẫn văng vẳng mãi trong đầu. “Con nghiện”. “Con nghiện”. “Con nghiện”… Tại sao cụm từ đáng ghét ấy cứ ám ảnh Nhân mãi vậy. Nhân muốn quên đi cơ mà?
- Xuống ăn cơm đi con! – Tiếng mẹ gọi vọng lên.
- Mẹ ăn đi, con không đói – Nhân sẵng giọng. Không có tiếng trả lời. Nhân cũng mặc kệ.
Hai tiếng đồng hồ trôi qua. Chuông đồng hồ đổ dồn. Nhân ngẩng lên. Hai giờ chiều. Nhân cảm thấy đói, bất đắc dĩ đành mở cửa phòng bước xuống. Mẹ Nhân vẫn ngồi đó, trước mặt là mâm cơm lạnh ngắt. Thấy Nhân bước xuống, mẹ Nhân mừng rỡ, lật đật đứng dậy xới cơm.
- Ngồi xuống ăn đi con!
Nhân và cơm. Miệng đắng ngắt. Mẹ nhanh nhẹn gắp hết thức nọ đến thức kia vào chén cho Nhân.
- Con no rồi – Nhân đặt mạnh đôi đũa xuống bàn, quay mặt rồi đi một nước.
Mẹ Nhân thoáng buồn, nhìn vào chén còn lôm nhôm vài hạt cơm thừa. Lên phòng, Nhân nằm vật ra giường. Một giọt nước rơi xuống gối. Mặn chát.
* * *
Sài Gòn, buổi trưa oi bức…
- Bác ráng hỏi giúp con, con chỉ cần một việc ổn định thôi, lương bao nhiêu không quan trọng…
Nhân nói với giọng khẩn khoản. Người bác có vẻ mặt nhân hậu, từ tốn gỡ cặp mắt kính, nheo nheo đôi mắt nói:
- Được rồi, để bác coi sao, con cứ về đi, có gì bác nhắn con lên!
- Dạ, con cám ơn bác nhiều lắm. Vậy xin phép bác con về, có gì bác nhắn giùm con nhen!
Nhân khoác cái balo nhỏ xíu, đi ra cửa, cúi xuống buộc dây giày. Tấm rèm che khuất thân hình nhỏ bé của Nhân. Giọng bác gái văng vẳng hằn học làm Nhân giật mình.
- Ông nhận lời giúp thằng đó làm gì không biết. Con nghiện kiểu đó thì làm được cái gì. Dăm bữa nửa tháng nó lên cơn người ta lại tới mắng vốn mình.
Nhân thu nắm đấm. Gân tay nổi lên, run lên bần bật. Tiếng người bác ôn tồn:
- Bà cứ nói quá! Nó cũng cai rồi chứ bộ. Kệ tui đi! Nó đi làm được thì cũng khỏe cho em mình chứ cho ai!
- Đó! Ông nói nha! Sau này người ta tới mách tội thì ông ráng mà nghe đó! Đừng trách tui không nói trước!
Nhân chạy ào đi. Quãng đường từ Sài Gòn về Phan Thiết chưa bao giờ dài đến thế.
* * *
- Công việc cũng ổn, con làm được, mẹ đừng lo!…Thôi, con vô làm đây, khi nào rảnh con về.
Nhân cúp máy. Nhờ người bác giới thiệu, Nhân được một chân phục vụ ở một quán café nhỏ. “Không được để bác mất mặt”, Nhân nhẩm đi nhẩm lại câu đó trong đầu, cố gắng chăm chỉ làm việc. Khoảng 8 giờ sáng quán đón khách, nhưng 7giờ30 Nhân đã có mặt, phụ giúp mọi người lau dọn và chuẩn bị. Khi khách về hết Nhân cũng ở lại phụ dọn quán rồi mới về. Mới làm được hai tuần nhưng anh chủ đã rất hài lòng và tin tưởng Nhân.
- Ê, nghe nói thằng Nhân nó từng nghiện đó! Cai nghiện mất đâu hai năm trời! – Giọng Hằng – quản lý ca sáng làm Nhân khựng lại.
- Thiệt hả chị? Hèn gì thấy nó ốm nhách, còm nhom, không có chút sức sống nào hết! Có khi nào nó nghiện lại không ta?
Nhân tái mặt. Giọng Thanh nhấn nhá càng làm cho câu chuyện thêu dệt về Nhân thêm huyền bí.
- Cũng có thể lắm chứ. Nghiện rồi thì dễ nghiện lại lắm. Mười người cai thì hết chín người tái nghiện rồi. Eo ôi! khách khứa mà biết thì sao hả trời?
- Suỵt – Hằng lên tiếng – Nói nhỏ thôi, người ta nghe thì mệt lắm. Mà nghe nói nó vô đây làm là do bác nó quen với sếp mình mà…
- Ra vậy – Giọng Thanh mỉa mai – Cuộc đời bất công nên cọng lông không thẳng…
Nghe đến đây, mặt Nhân đỏ bừng, bặm môi, tay thu nắm đấm.
- Sao vậy anh Nhân?
Quay lại, thấy Huyền đang ngơ ngác nhìn mình, Nhân gượng cười.
- Anh không sao, hơi nhức đầu tí thôi. Anh xin nghỉ hôm nay đây, em giúp anh tính tiền bàn 12 đi! – Không kịp đợi Huyền phản ứng, Nhân dúi vào tay Huyền tờ hóa đơn rồi đi thẳng.
* * *
Sóng đánh dữ dội vào bờ cát. Những con thuyền nhỏ xíu phía chân trời cũng dập dềnh thành một hàng những điểm nối đuôi nhau nhỏ xíu. Nhân ngồi trên cồn cát, mặt đăm chiêu nhìn về biển. Hừ, Con nghiện. Đã gần một năm trôi qua rồi, tại sao cái từ đó vẫn dai dẳng bám lấy Nhân, không buông tha cho Nhân?
Nhân chẳng đổ lỗi cho tuổi trẻ nông nổi, chẳng đổ lỗi cho mẹ đã quá nuông chiều. Nhân biết tất cả là tại mình. Cái tuổi 17 và những đam mê trượt dài trong thứ bột trắng đầy quyến rũ. Mẹ Nhân khóc cạn nước mắt, đưa Nhân đi hết trại cai nghiện này đến trại cai nghiện khác ròng rã hai năm trời. Những lần ôm song sắt gào thét, những lần lên cơn điên đến đập đầu chảy máu, những lần bị xiềng xích bởi chính mẹ của mình đã khiến Nhân thấm thía. Lúc 20 tuổi, Nhân muốn làm lại cuộc đời. Nhưng mà sao cuộc đời quá ác với Nhân như vậy. Nhân đã cai nghiện rồi. Nhân không còn là con nghiện nữa, không còn là công tử suốt ngày lêu lổng hết bar này đến bar khác, ôm em này đến em khác, thích tìm cảm giác mới lạ trong những thứ hàng cấm kia nữa. Tại sao Nhân vẫn bị mọi người chê bai, vẫn bị mọi người xì xào bàn tán là “con nghiện”, vẫn bị người ta khinh khi, không tin tưởng, coi Nhân là người mang một tội lỗi ghê gớm nào đó vĩnh viễn không thể xóa trừ? Nhân không hiểu, hoàn toàn không hiểu. Nhân sống cuộc đời của mình, Nhân muốn làm một công việc bình dị, tự nuôi sống mình, làm lại mọi thứ… những điều đó có gì là không tốt, là không được? Tại sao mọi người cứ đóng ấn hai chữ “con nghiện” vào số phận của Nhân?
- Bác Hải vừa gọi, nói con xin nghỉ việc, anh chủ quán đang thắc mắc đó! – Nhân quay lại. Mẹ đã đứng sau lưng từ lúc nào.
- Con không thể làm việc ở những nơi lúc nào người ta cũng nhìn mình như một con nghiện được – Nhân thở dài. Mẹ Nhân ngồi xuống cạnh, gương mặt bình thản.
- Con nói vậy là mẹ mừng rồi. Thì thôi, không làm ở Sài Gòn nữa, về làm ở quán nhà mình cũng được.
- Không đâu mẹ – Nhân buồn bã lắc đầu – Con chọn Sài Gòn vì nó xa nhà, vì người ta sẽ không biết quá khứ của con, nhưng chẳng hiểu sao người ta vẫn tìm ra. Muốn làm người tốt không dễ chút nào. Mà té rồi, đứng lên làm người tử tế càng khó hơn.
- Buông bỏ đi con! Dằn vật mà làm gì. Dẫu sao đó cũng là sự thật mà. Quan trọng là con đừng để họ xác nhận con là một “Con nghiện”, ngang qua cách sống của mình. Nhưng có lẽ con phản ứng mạnh không phải vì người ta nói đâu, mà vì chính con vẫn còn nghĩ mình là “con nghiện”, nên hễ ai đụng tới hai từ đó, con như bị chạm nọc, rồi khó chịu, bực bội. Đã làm người, ai cũng có lúc lầm lỗi. Cái đáng nói là họ đã vượt qua lầm lỗi ấy và đứng lên thế nào. Buông bỏ và tha thứ cho chính mình, con sẽ thấy tâm mình nhẹ lại, sẽ dễ dàng đón nhận mọi thử thách. Con không thể ngăn những lời nói, thái độ của người khác đối với mình, nhưng con có thể chứng minh về chất lượng sống tốt của mình. Con à! Con buông bỏ được cho mình thì mọi người sẽ buông bỏ được thôi…
Nhân không nói gì. Sóng biển vẫn nhấp nhô, vỗ về bờ cát.
* * *
Tháng 12. Hà Nội.
Nhân choàng cái áo to sụ, hai tay xoa xoa vào nhau rồi mở cửa quán. Hà Nội lạnh khiếp, mặc bao nhiêu vẫn không đủ, nhưng chỉ một cốc trà nóng vào buổi sáng lại khiến người ta ấm áp lạ thường. Nhân sắp xếp bàn ghế, bày vài bộ cờ tướng, vừa làm vẫn vừa xuýt xoa vì lạnh.
- Anh đi làm sớm thế?
Nhân quay lại. Là Nhung, cô gái mới xin vào quán làm cách đây vài bữa. Nhân gật đầu khẽ cười. Nhung nhanh nhảu giúp Nhân dọn quán, pha trà, chuẩn bị café buổi sáng.
Mẹ nói đúng, khi tha thứ cho chính mình rồi thì mọi việc có vẻ đơn giản hơn nhiều, tự tin để làm việc và có quyền mơ ước một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhân làm việc ở đây đã được hơn hai tháng, cảm thấy như mình đang sống một cuộc sống khác, một con người khác, và Nhân thấy thích con người của mình ở hiện tại hơn. Chọn một cuộc sống ở một vùng đất mới, sống theo lối sống mới, Nhân cảm thấy mọi thứ rất ổn. Và nếu có ai khám phá ra Nhân đã từng là con nghiện thì cũng chẳng sao. Bởi đối với Nhân, con nghiện ấy đã đi vào dĩ vãng.
Khi mình nghĩ mình không còn là con nghiện nữa, thì mặc nhiên, mọi thứ xung quanh mình bỗng khác đi.
Bài viết: Tuỳ Phong