Làm một vòng qua phố lớn, ngắm xem con người và cảnh vật, các thứ hàng hoá bày bán vui mắt khắp nơi, mới hay mọi sự sao mà đa dạng. Mà đâu chỉ có thế, không ít lần chúng ta phải nhức đầu với các cuộc hội họp vì phải đối diện với cảnh chín người mười ý để đi đến sự đồng thuận nào đó. Với kinh nghiệm sống, ai cũng dễ dàng nhận thấy mọi sự quanh ta rất đa dạng, phong phú với bao nét khác biệt. Mở ra với thế giới và với mọi người khác ta, đồng nghĩa với việc chấp nhận đi vào một cuộc phiêu lưu của sự thay đổi.
Trong cuộc sống đầy sự khác biệt ấy, việc đi tìm hợp nhất hài hoà những thứ khác biệt ấy quả thật là điều gian nan, vậy mà chúng ta lại phải nhất định đi làm điều ấy vì sống là sống chung. Chẳng ai sống một mình bao giờ. Việc cần phải thay đổi để có thể chung sống là một điều cần nhưng thật khó.
Thứ nhất, khó với những người bảo thủ vì họ e sợ rằng việc mở rộng và phải thay đổi thường xuyên cho phù hợp với sự sự đa dạng của những con người, sự vật, sự việc… dễ khiến người ta đánh mất sự thống nhất và tính thuộc về trong nhóm nhỏ của mình, thường là điều giúp một người cảm thấy “an toàn” trong tương quan. Ngược lại, những ai thích đời tự do theo hướng cá nhân chủ nghĩa thì lại sợ “sự ràng buộc tập thể”, đó là việc phải đặt bản thân mình trong các mối tương quan với một nhóm, hay với một cộng đồng rộng lớn hơn, điều này khiến họ lo sợ rằng sẽ đánh mất nét đặc trưng của bản thân và sự tự do của riêng.
Khác biệt chưa bao giờ là xấu, mà nó còn làm nên sự độc đáo của một con người, làm cho họ thấy mình tồn tại và đáng được lưu tâm vì thực sự, chẳng ai muốn là bản sao của người khác. Tuy nhiên, để chung sống người ta cần hài hoà những khác biệt để chúng trở thành sự bổ xung lẫn cho nhau, làm phong phú và cùng nhau tạo sức mạnh. Đây cũng là “dụng ý” của Tạo Hoá khi Ngài chẳng cho ai hoàn hảo tuyệt đối, chẳng ai là đủ cho chính mình.
Bởi sự khác biệt nằm trong bản thể của cá nhân, nên việc hài hoà ấy cần được xây dựng trong thời gian và qua những tương tác. Trước hết, là tìm kiếm một hình thức tương quan hài hoà, của sự nhất trí cao nhất cho mọi người mà có thể vẫn giữ lại hay thể hiện được sự tôn trọng nhu cầu và tự do của từng cá nhân. Đó là sự hòa giải giữa tính chất “thuộc về” một nhóm cộng đồng xã hội và tính cách riêng tư của một cá nhân. Đó cũng là sự hợp nhất giữa các cá nhân với nhau, hay là sự liên kết giữa các cá nhân khác nhau trong các mối tương quan, với tư cách là các chủ thể khác biệt, chứ không phải là một khối thống nhất nhờ “thoả thuận theo số đông”, một “tập hợp” của những người xem nhau “bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ”, hay một mô hình hiện hữu chung giữa các “bản sao” giống hệt nhau.
Trong thực tế, chúng ta dễ dàng cảm nhận có sự hoà hợp khi mọi người cùng đồng thuận hay cùng chấp nhận về một điều gì đó (agreement); trong khi sự hoà điệu (harmony) thì lại khác. Chúng ta có thể hiểu sự khác biệt này khi quan sát một nhóm “người hâm mộ” đến sân vận động xem một trận bóng đá, hoặc tham dự một buổi biểu diễn nhạc rock. Đó có thể là một khối vô danh và không rõ ràng về vai trò được phân công, một tập hợp bị khuấy động bởi cùng niềm đam mê và bởi những kinh nghiệm, cảm xúc, hưng phấn tương tự. Trong khi đó, hãy xem một nhóm các nhạc sĩ, nhạc công cùng hòa tấu một bản giao hưởng: Họ chơi thật “ăn ý” với nhau dù mỗi người phải sử dụng nhạc cụ riêng của mình, phải chơi cách nghiêm túc một số phần, bè nhạc được phân công cụ thể, và chơi với cách thức đặc trưng, hay có lối diễn tấu của riêng mình. Sự hoà điệu lúc đó thật tuyệt vời nhờ sự riêng biệt và nhờ những gì mang đặc trưng tối đa của từng loại nhạc cụ. Cái hay của âm nhạc và nét hoà điệu có thể còn phụ thuộc vào tài năng của người soạn nhạc và của cả người chỉ huy dàn nhạc, nhưng điều quan trọng là các nhạc công phải chơi tốt phần của riêng mình, và ngoài ra còn phải biết lắng nghe sự hài hoà của các phần khác biệt còn lại trong cả dàn nhạc lớn.
Đôi khi chúng ta cảm thấy khó tìm sự hài hoà nơi những gì riêng biệt vì nghĩ đơn giản rằng giống nhau thì hợp nhau, trong khi đó Tạo Hoá vẫn tạo nên trong tự nhiên và nơi con người “những cặp đôi hoàn hảo” mà chỉ thoáng nhìn chúng ta đã thấy sự khác biệt hoặc trái ngược nhau như nước với lửa, nóng với lạnh…
Liên quan đến sự khó khăn trong việc thiết lập các mối quan hệ hài hoà với người khác, chúng ta cũng có thể học được từ sự phức tạp nơi chính bản thân mình, bởi vì “bản ngã” hay “cái tôi” nơi nhân cách mỗi chúng ta cũng là sự điều hợp các yếu tố khác nhau của tính cách, khí chất, năng lực. Đó là một quá trình không phải “dễ dàng”, cũng không là “rõ ràng”, bởi vì bên trong bản thân mỗi người chúng ta, có rất nhiều phần, nhiều điểm mà chính mình không thích nhưng không thể thay đổi, hoặc xem là “không liên quan”, hay không cần quan tâm đến chúng. Đó là những phần đối nghịch nhau trong thế giới nội tâm của con người mà chính chúng ta phải tìm cách làm sao cho hoà hợp, tránh sự phân mảnh, để ta luôn được là chính mình và là một nhân cách trọn vẹn trong thể xác và tâm hồn.
Với chính mình, chúng ta biết rằng cần có sự can đảm để chấp nhận cả những “góc tối” trong bản thân mình. Với người khác, chắc chắn chúng ta cần rộng mở và quảng đại để đi tìm các điều khác biệt nơi họ, những gì có thể làm phiền chúng ta, vì họ không cùng một suy nghĩ, kiểu cách như ta. Những gì nơi những người “xa lạ” mà chúng ta không thích, có cả hình ảnh đẹp mà ta chẳng bao giờ khám phá hết.
Chúng ta chia sẻ với nhau vài ý tưởng về sự khác biệt và sự hài hoà. Nền tảng của những điều này thực ra đã được Thánh Phaolo nói đến, khi ngài mời gọi mọi người rằng: “Anh em hãy hết lòng khiêm nhường và hiền từ với đức đại lượng, chịu đựng lẫn nhau trong lòng mến; hăm hở duy trì sự hiệp nhất của Thần khí, trong giây liên kết hòa thuận: Chỉ có một Thân mình và một Thần khí, cũng như bởi Thiên Chúa đã kêu gọi anh em vào cũng một niềm hi vọng. Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép thanh tẩy. Chỉ có một Thiên Chúa và là Cha mọi người hết thảy, Ðấng trên mọi người, giữa mọi người, và trong mọi người” (Ef 4, 4-6).
Ai cũng muốn được thoải mái hơn và cảm thấy dễ dàng để sống với những điều mà chúng ta thích, những điều mà chúng ta quen thuộc, đã biết rõ, và về cơ bản là đủ và hợp cho mình. Và người khác cũng cần được biết đến như là sự khác biệt mà hoà hợp được với ta.
Lê An Phong, SDB