Tâm tình chia sẻ của cha Andrew Nguyễn Trung Tín SDB, sau 20 năm truyền giáo ở Mông Cổ

Bài viết của cha Andrew Trung Tín, SDB

Cha Andrew Nguyễn Trung Tín năm nay 53 tuổi,  là một trong những hội viên Salêdiêng Việt nam tiên phong lên đường truyền giáo Ad Gentes vào đợt xuất phát truyền giáo Salêdiêng năm 2000. Cho đến hôm nay, ngài đã trải qua 20 năm trong sứ vụ truyền giáo nơi đất nước Thành Cát Tư Hãn. Hiện nay, cha Andrew Trung Tín đã trở về Mông cổ sau 10 tháng bị cầm chân ở Việt nam  do dịch bệnh Covid 19. Ngài là một thành viên của cộng đoàn SDB ở Darkhan. Từ năm 1999 đến nay, tỉnh dòng Việt nam đã gửi hơn 130 anh em hội viên đi truyền giáo hải ngoại ở khắp nơi, trong đó có các anh em ở Mông Cổ. Sau đây là 1 vài tâm tình chia sẻ của cha Andrew Nguyễn Trung Tín, SDB.

1- Đâu là động cơ khiến cha tình nguyện viết đơn xin đi truyền giáo từ 20 năm trước, và bây giờ thì động cơ ấy ra sao ?

+ Động lực thúc đẩy ngọn lửa truyền giáo nơi tôi đã bắt đầu nhen nhúm từ năm nhà tập. Lúc đó tôi chỉ mong muốn được làm việc cho giới trẻ và sẵn sàng đi đến bất cứ nơi đâu mà bề trên sai tôi tới. Sau này, trước khi lãnh nhận thánh chức linh mục, tôi cũng được đánh động bởi lời mời gọi của cha Bề Trên cả. Ngài phát động cuộc phát xuất truyền giáo Salêdiêng trong toàn Tu hội vào năm thánh 2000. Cha Luciano Odoricco, Tổng Cố vấn Truyền giáo lúc bấy giờ, cũng xem xét đơn xin và khích lệ chúng tôi dấn thân lên đường. Vì vậy tôi đã quyết định ra đi, để hiến mình trọn vẹn phục vụ các bạn thanh thiếu niên nghèo khổ và bị bỏ rơi tại những phương trời xa xôi nhất.

Cho đến hôm nay, tôi đã rời xa quê hương Việt nam tròn 20 năm. Dịp tết vừa qua, tôi có dịp trở về quê nhà để thăm viếng gia đình. Do tình hình dịch bệnh Covid 19, tôi mắc kẹt phải ở lại Việt nam trong gần 10 tháng vì không có chuyến bay trở về Mongolia. Nhiều người nói với tôi rằng, thôi cứ ở lại Việt nam để làm việc, không cần trở lại Mông Cổ làm gì nữa, vì ở Việt nam cũng còn rất nhiều công việc phải làm. Tuy nhiên, tôi đã cố gắng vượt thắng cám dỗ này và lại tiếp tục trở về vùng truyền giáo, vì nơi đây tôi vẫn khám phá ra tiếng Chúa mời gọi tôi đến để phục vụ. Tại đây, tôi đã từng được hít thở bầu khí Salêdiêng nơi vùng truyền giáo. Tại nơi đây, tôi cũng cảm nhận ra bầu khí thiên đàng thực sự qua việc khiêm tốn phục vụ Chúa nơi những con người rất dân dã và mộc mạc. Đó là những người mà Chúa sai tôi đến để phục vụ.

2- Điều gì khiến cha cảm thấy hạnh phúc thực sự khi trở thành một nhà truyền giáo ?

+ ‘Cha có cảm thấy mình là một nhà truyền giáo hạnh phúc hay không ?’ Câu hỏi này rất ý nghĩa đối với tôi. Một nhà truyền giáo hạnh phúc là một con người luôn có sự bình an trong tâm hồn, luôn lạc quan và mỉm cười trước mọi khó khăn, mọi chống đối, mọi sỉ nhục, mọi gian nan khốn khó…nhất là những khi bị hiểu lầm chỉ vì mình là một ngoại kiều. Làm sao tôi có thể luôn mỉm cười khi gặp những trạng huống éo le như thế ? Thật ra cũng có nhiều lúc tôi bị nhụt chí và xuống tinh thần. Nhưng với niềm tin vào tình thương Thiên Chúa, tôi vẫn cố sống vui tươi và lạc quan vì tôi biết, đây là hoạch định Chúa đã dành cho tôi. Chính Chúa đã mời gọi tôi dấn thân vào sứ vụ truyền giáo và tôi vẫn còn cảm nhận được niềm vui nơi những con người mà tôi tiếp xúc gặp gỡ hằng ngày. Giữa những khó khăn và thử thách, tôi vẫn còn nhìn thấy tia hy vọng và tương lai luôn rộng mở. Tại nơi đây, chúng tôi thực thi việc truyền giáo giáo ngang qua sứ mệnh giáo dục. Khi tiếp xúc với các bạn trẻ nơi môi trường giáo dục, chúng tôi từ từ khai mở và gieo trồng hạt giống đức tin nơi tâm hồn của các bạn.

3- Đâu là những khó khăn và thách đố tại môi trường truyền giáo ở đây, thưa cha ?

+ Khó khăn thì rất đa dạng và về mọi mặt. Nói chung, anh em chúng tôi phải hy sinh rất nhiều. Hy sinh thứ nhất, đó là phải rời xa quê hương, gia đình, bạn bè, nhất là phải lìa xa cha mẹ khi các ngài đã khá lớn tuổi và ốm yếu. Thật không dễ chút nào khi phải bỏ lại tất cả sau lưng để lên đường đến một nơi chốn xa xăm. Khó khăn kế tiếp, đó là phải sống và tương tác với một nền văn hoá hoàn toàn mới, không có gì quen thuộc đối với mình. Mọi sự đều trở nên khác lạ, từ ngôn ngữ, đồ ăn, phong hoá đến cả cách sống thường ngày. Sau đó, khó khăn đặc biệt đối với các anh em truyền giáo như chúng tôi là phải sống khá cô đơn, không ai thân thiết, không có ai tri kỷ hay tin tưởng để có thể tâm sự hoặc trao đổi…Vì những khó khăn đó, chúng tôi rất dễ bị hiểu lầm và ít khi được cảm thông.

Đặc biệt, rào cản về ngôn ngữ luôn là khó khăn đầu tiên mà chúng tôi phải cố gắng để vượt qua. Nếu không rành rẽ ngôn ngữ bản địa, chúng tôi phải dùng đến ngôn ngữ tay chân (body language), và sẽ rất phức tạp khi phải sử dụng loại hình ngôn ngữ này.

Ngay việc sống chung và làm việc chung với nhau trong cộng đoàn cũng không phải là chuyện giản đơn. Các hội viên ở đây gồm nhiều quốc tịch khác nhau (7 quốc tịch), và đương nhiên sự dị biệt đó nơi các anh em hội viên cũng không phải là chuyện đơn giản. Đôi khi, có anh em tỏ ra khá rửng rưng, lầm lỳ, ít nói…bởi vì có nhiều điều họ không thể nói ra hết được do sự dị biệt về ngôn ngữ.

Sau cùng, tôi cũng muốn chia sẻ về một khó khăn khác, đó là khó khăn trong việc truyền giảng Tin mừng. Muốn rao giảng Tin mừng có hiệu quả, anh em chúng tôi phải hiểu rõ về văn hoá của người Mông Cổ, phải sống chết với họ và chia sẻ cuộc sống giống như họ..

Ngoài ra, vấn đề về sức khoẻ cũng là một khó khăn rất đáng kể. Thời tiết ở đây rất khắc nghiệt. Mùa đông có năm nhiệt độ xuống tới âm 40 độ C. Nếu bạn có sức khoẻ kém, bạn không thể trụ lại ở vùng đất này được. Vì thế, nhiều khi chúng tôi bị cám dỗ muốn quay trở về Việt nam.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tin tưởng vào sự che chở của Chúa. Cho dầu sức lực con người rất mỏng manh và yếu đuối, nhưng quyên năng của Thiên Chúa luôn thắng vượt tất cả. Ngài sẽ biến đổi tất cả mọi sự theo thánh ý của Ngài.

4- Xin cha chia sẻ đôi nét về sự phong phú của những cộng thể quốc tế ở những vùng truyền giáo như tại Mông cổ.

+ Quả đúng là có những sự phong phú và đa dạng nơi các cộng thể của chúng tôi, nhưng ngược lại cũng có nhiều thách đố. Phụ tỉnh Mongolia của chúng tôi có 2 cộng thể gồm 9 hội viên, nhưng thuộc 7 quốc tịch khác nhau. Vì thuộc những nền văn hoá đa dạng nên anh em có rất nhiều sáng tạo và anh em cũng phát huy được nhiều khả năng trong sứ mạng tông đồ. Các anh em hội viên trong cộng thể luôn trân trọng lẫn nhau, biết cách lắng nghe nhau và tìm cách tốt nhất để cộng tác với nhau trong bầu khí gia đình hầu phát huy đoàn sủng Salêdiêng, biến cuộc sống cộng thể thành cuộc sống gia đình và đem lại hạnh phúc cho nhau cách thực sự.

Tuy nhiên, những thách đố xảy đến không phải là ít. Nhiều khi, có hội viên nói không rõ ý, khiến các anh em khác không hiểu hoặc dễ hiểu lầm. Anh em sử dụng tiếng Anh để thông tri với nhau, nhưng trình độ Anh ngữ của nhiều anh em cũng khá bị hạn chế. Vấn đề sửa lỗi cho nhau cũng vậy, đó là cả một nghệ thuật. Đôi khi một sự việc rõ ràng bị coi là một lầm lỗi khá nghiêm trọng, nhưng đối với não trạng của cá nhân ấy, đó lại là một điều rất bình thường.

5- Sau 20 năm truyền giáo ở Mông Cổ, cha có ước mơ gì về phụ tỉnh Mongolia trong tương lai ?

+ Đó là những ước mơ. Chúng ta là con cái của Don Bosco, một vị thánh nổi tiếng với những giấc mơ. Chúng ta cũng vậy, chúng ta cần phải có những ước mơ.

Trước hết, tôi mơ ước về các anh em Salêdiêng truyền giáo nơi đây. Ước gì họ luôn là những hội viên mẫu mực, luôn là những nhà truyền giáo nhiệt thành và hạnh phúc, biết yêu thương nhau và biết quan tâm đến nhau. Chớ gì anh em chúng tôi luôn mang nơi mình một con tim truyền giáo, biết cùng nhau làm việc và biết hoạch định chương trình để cùng tiến tới một hướng đích chung, nhằm phục vụ cho phần rỗi của các bạn trẻ tại đây.

Sau đó, tôi cũng mơ ước về sứ mệnh Salêdiêng ở đây. Làm sao để sứ mệnh giáo dục các thanh thiếu niên tại Mông Cổ đạt được kết quả tốt nhất, không phải chỉ là truyền đạt về tri thức hay về kỹ thuật, nhưng là giáo dục các bạn hướng tới sự phát triển toàn diện. Làm sao để giáo dục các bạn trẻ ở đây trở nên những công dân lương thiện và nên những Kitô hữu tốt lành hầu phục vụ cho xã hội và cho Giáo hội.

Chúng tôi cũng mơ ước về một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân Mông Cổ. Ước mong sao tất cả mọi người đều có công ăn việc làm, no cơm ấm áo và có một mái ấm gia đình để hưởng nhận tình yêu thương.

Cuối cùng, chúng tôi cũng ước mơ một tương lai tươi sáng cho Giáo hội tại đây. Chớ gì Giáo hội tại Mông Cổ ngày càng phát triển, Tin mừng Chúa Giêsu được loan báo rộng rãi, để ánh sáng Tin mừng sẽ giúp cải biến xã hội ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.

Văn Hào, SDB chuyển ngữ

Visited 24 times, 1 visit(s) today