Các biện pháp cấm vận quốc tế đối với chính phủ Syria, có hiệu lực kể từ khi bùng nổ cuộc xung đột 12 năm trước, hạn chế nghiêm trọng việc tiếp cận và trao đổi các nguồn tài nguyên và vật chất của đất nước. Ở đây ta thấy sự nghịch lý mà những người Salêdiêng ở Syria nhấn mạnh đến trong thời điểm bi kịch sau trận động đất xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, đó là trong khi tình liên đới quốc tế đã được huy động, nhưng không phải lúc nào cũng tìm được cách đưa đồ cứu trợ đến với những người nhận cuối cùng. Tuy nhiên, hoàn cảnh này cho thấy khả năng tự xoay xở của người Syria, ít nhất là trong trường hợp ứng phó bước đầu, rồi đối với tình trạng khẩn cấp đang diễn ra.
“Các huynh trưởng đã dành cả ngày lẫn đêm để chào đón và ở bên những đứa trẻ sợ đang rất hãi – Zeina Chahoud – là kỹ sư xây dựng, đồng thời cũng là huynh trưởng tai nguyện xá Salêdiêng ở Aleppo – làm chứng. Họ không nói về điều gì khác ngoài trận động đất, họ chia sẻ nỗi sợ hãi của họ, nhưng việc trú lại tại nhà các Salêdiêng là một chiếc ô an ủi và hy vọng cho mọi người hiện diện”.
“Ngay sau trận động đất, tôi được bệnh viện gọi để sơ cứu – một huynh trưởng khác của nguyện xá Salêdiêng ở Aleppo, bác sĩ phẫu thuật Cezar Ward – cho biết. Tôi không biết nói gì hơn, tôi mệt mỏi và bối rối sau nhiều giờ tiếp đón và điều trị cho các nạn nhân động đất, cố gắng an ủi và trấn an tất cả những người đến, đồng thời cảm thấy hiện cảnh như xé nát trái tim mình. Chúng tôi đã chứng kiến một số lượng lớn người đến và tập trung tại phòng cấp cứu, những trường hợp mà chúng tôi cho là vô vọng vì nhiều lý do, cũng có một người đàn ông nhảy từ tầng sáu xuống và hầu như không hề hấn gì, hoặc một người khác bị đá đè lên nhưng vẫn còn có thể đi được. Một bé gái 5 tuổi nằm dưới đống đổ nát cả buổi sáng nhưng họ đã đưa được bé ra ngoài mà không hề hấn gì. Có những dấu chỉ của Thiên Chúa được tỏ hiện ngay cả khi mọi thứ xung quanh dường như chìm trong bóng tối”.
“Người dân Damascus đã quyên góp hàng hóa để hỗ trợ đồng bào ở Aleppo. Gia đình chúng tôi đã thu thập những món quà và, như thường lệ, những người có ít nhất đã cho đi nhiều nhất,” Cha Alejandro León, Bề trên Giám Tỉnh Trung Đông (MOR) làm chứng. Ngài bình luận: Thực phẩm, thuốc men, quần áo, chăn màn “là dấu chỉ sưởi ấm trái tim và là nguồn hy vọng”.
Viện trợ kinh tế cũng đang chảy vào từ cộng đồng người Syria, tiền này được giao cho những người không lo vào việc cứu hộ sau cùng, mà nhằm mua các nhu yếu phẩm cơ bản cho làn sóng người di tản mới sẽ phát sinh trong những ngày tới.
Các Salêdiêng hiện diện ở thủ đô Damascus (4 anh em) và ở Aleppo (5 anh em); đang xem xét đưa ra quyết định về khả năng sử dụng cộng thể ở Kafroun, nơi tổ chức các trại hè của Phong trào Giới trẻ Salêdiêng, nhưng đường đến đó gặp khó khăn vì đây là một khu vực miền núi (độ cao 550 mét so với mực nước biển), trên hết không dễ dàng đi đến được đó trong điều kiện thời tiết hiện tại.
Trong mọi trường hợp, tình liên đới Salêdiêng quốc tế chắc chắn không hề mất. Và về phần mình, Cha Daniel Antúnez, Trưởng Văn phòng Truyền giáo Salêdiêng ở Turin, nói: “’Missioni Don Bosco’ có mối hiệp thông liên lỉ với những Salêdiêng ở Syria và có thể nói là đồng hành từ bên trong, những diến biến hiện tại. Chúng tôi sẵn sàng can thiệp với sự trợ giúp cần thiết – Cha Antúnez kết luận -. Nhiệm vụ của chúng tôi bây giờ là đồng hành cùng các gia đình để tự sắp xếp lại, để ổn định tạm thời trong điều kiện thiếu thốn phương tiện cuộc sống. Khi sự quan tâm quốc tế bắt đầu giảm, như chúng tôi đang chứng kiến điều đó đối với Ukraine, chúng tôi sẽ ở đây để bắt đầu lại với những người trẻ và gia đình của họ”.
Chuyển ngữ: Lm. Đoàn Quốc Kỳ, SDB