Suy niệm Lời Chúa – Lễ Mẹ vô nhiễm

Này tôi là nữ tì Chúa

    Ngày 08 tháng 12 năm 1854 Đức Thánh Cha Piô IX đã long trọng công bố tín điều Đức Maria vô nhiễm nguyên tội qua thông điệp “ Ineffabilis Deus”. Bốn năm sau, khi hiện ra với thánh nữ Bernadetta tại hang đá Lộ đức, chính Đức Mẹ cũng đã tái khẳng định: “ Ta là Đấng Vô nhiễm nguyên  tội”. Không phải tình cờ mà Giáo hội cử hành phụng vụ tôn kính Mẹ Vô nhiễm trong mùa vọng. Và cũng không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà vài năm trước, Đức Thánh Cha Phanxicô chọn ngày lễ hôm nay để mở cửa năm thánh tôn vinh Lòng Thương Xót Chúa. Mẹ Maria Vô nhiễm chính là Evà mới đã chiến thắng con rắn xưa, mở ra cho chúng ta kỷ nguyên ơn cứu độ, để cùng với Giáo hội chúng ta sống tâm tình mùa vọng mong chờ Đấng Cứu thế, Đấng sẽ đến trong ngày cánh chung để hoàn tất ơn cứu độ theo hoạch định của Chúa Cha. Đồng thời Mẹ cũng được gìn giữ khỏi vết nhơ nguyên tội để cưu mang Đức Giêsu, Đấng đã đến trần gian nhằm diễn bày lòng thương xót của Chúa cho nhân loại tội lỗi. Mẹ Đấng Cứu thế cũng chính là Mẹ của Lòng Thương Xót (Mater Misericordiae).

Sống trong Thần khí

    Thiết nghĩ, chúng ta không cần trưng ra những lý chứng thần học dẫn đến việc Giáo hội công bố tín điều Mẹ Vô nhiễm thai mà chúng ta mừng kính hôm nay. Giáo hội chọn các bài đọc trong phụng vụ của ngày lễ để mời gọi chúng ta chiêm ngắm dung mạo Đức Maria như một nữ tỳ khiêm hạ, sống dưới tác động Thần khí và luôn để cho Thiên Chúa hướng dẫn đời mình. Mẹ là khuôn mẫu tuyệt hảo giúp chúng ta đi sâu vào tâm thức mùa vọng chờ mong Chúa đến. Bài Tin mừng hôm nay thuật lại biến cố truyền tin, một sự kiện quan trọng mở ra cho nhân loại một trang sử mới, đó là kỷ nguyên ơn cứu độ. Đức Maria chỉ là một cô thôn nữ quê mùa chất phác, không học thức, không quyền quý cao sang. Vì vậy Mẹ hoàn toàn ngỡ ngàng trước lời cầu ngỏ của thần sứ Gabriel: “ Việc ấy xảy ra thế nào được, vì tôi không biết đến việc vợ chồng” (Lc 1,34). Có vẻ như Đức Maria bối rối và thoáng chút sợ hãi. Nhưng thần sứ nói với Mẹ: “ Hỡi Maria đừng sợ, vì cô đẹp lòng Thiên Chúa” (Lc 1,30). Trong Tin mừng, khá nhiều lần Chúa Giêsu cũng nói với các học trò để trấn an các ông: “Đừng sợ, vì Ta đã thắng thế gian” (Ga 16,33); “Đừng sợ những kẻ giết được thân xác mà không giết được linh hồn anh em” (Mt 10, 28); “Hãy trỗi dậy, đừng sợ” (Mt 17, 8)… Đây không phải là những liệu pháp mang tính tâm lý, nhưng đó là lời Chúa Giêsu mời gọi các học trò đi sâu vào cảm thức đức tin, tín thác vào Thiên Chúa và quyền năng của Ngài. “Thầy đây, có phải ma đâu, đừng sợ” (Mt 14, 27). Chỉ những tâm hồn thực sự sống trong ân sủng và tin tưởng nơi Chúa mới có được bình an và thoát khỏi sợ hãi. Ngược lại, nếu chúng ta bị cuốn hút bởi những bóng ma của tiền bạc, của lạc thú hay danh vọng phù vân, chúng ta sẽ luôn ngập chìm trong khiếp sợ. Trong thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô đã viết: “Hướng đi của Thần khí là sự sống và bình an”(Rm 8,6). Đức Maria đã được Thánh thần phủ ngập và Mẹ hoàn toàn để Thiên Chúa hướng dẫn đời mình. “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên cô và quyền năng Đấng Tối cao sẽ phủ bóng trên cô” (Lc 1,35). Vì thế, khi mở lòng ra đón nhận Thần khí và ngoan thuần để Thánh Thần hướng dẫn, Mẹ đã hoàn toàn quy thuận thánh ý Thiên Chúa và luôn sống trong bình an: “ Xin hãy thực hiện nơi tôi những gì Chúa muốn” (Lc 1,38).

Đây chính là khuôn mẫu đức tin tuyệt hảo để chúng ta sống tinh thần mùa vọng mà Giáo hội mời gọi. Sách Tông đồ công vụ cũng thuật lại bầu khí cầu nguyện của Đức Maria cùng các tông đồ sau khi Chúa về trời. Kết quả, Thánh Thần đã xuống trên các Ngài, để từ đó, các tông đồ ra đi mọi nơi quảng bá Tin mừng Phục sinh, và Giáo hội bắt đầu triển nở từ đây.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2, khi bắt đầu triều đại Giáo hoàng của Ngài, cũng gửi đi bức thông điệp đầu tay với tựa đề “Đừng sợ”. Ngài cũng muốn lập lại tâm tình tín thác của Đức Maria, luôn để Thánh Thần hướng dẫn, và Ngài không bao giờ sợ hãi giữa bao sóng gió dồn dập xảy đến. Ngài cũng mời gọi chúng ta khi đang sống trong mùa vọng lớn, chúng ta cũng hãy sống khiêm tốn như Đức Maria để chờ mong Chúa đến với tâm hồn ngập tràn niềm vui và an bình (xem Tông huấn Tertio Milennio Adveniente).

Đức Maria, Evà mới

    Trong thư Rôma, thánh Phaolô đã nhắc đến tội nguyên tổ: “ Vì một người duy nhất mà tội lỗi đã xâm nhập thế gian, và tội lỗi gây nên sự chết” (Rm 5, 12). Tội đầu tiên do Ađam gây ra, với sự đồng thuận của Evà. Nhưng khi Đức Giêsu đến trần gian, Ngài đã đóng vai trò của Ađam mới để khai mào kỷ nguyên ơn cứu độ với sự đồng thuận của Evà mới là chính Đức Maria. Trong bài đọc thứ nhất, tác giả sách khởi nguyên thuật lại cho chúng ta câu chuyện về tội nguyên tổ mà Giáo hội trong đêm Thứ Bảy tuần thánh vẫn gọi là ‘tội hồng phúc’ (bài Exultet). Tại sao ? Những trang đầu tiên của bộ Kinh thánh đã công bố cho chúng ta một tin mừng : ‘Dòng dõi người nữ sẽ đạp dập đầu con rắn’. Những trang cuối cùng trong bộ Sách thánh cũng nhắc lại cho chúng ta Tin mừng này: ‘Người nữ khải huyền sẽ chiến thắng con rồng lửa và ném nó xuống biển sâu’. Hình ảnh sự chiến thắng của ‘Người Phụ Nữ’ là biểu tượng nói về cuộc vinh thắng cuối cùng của Con chiên Khải hoàn. Trong đó, vai trò của Đức Maria rất cần thiết và quan trọng, giống như vai trò của Đấng Đồng Công Cứu chuộc. Mẹ đã tự nguyện quy thuận thánh ý Chúa với lời thưa xin vâng để kế hoạch cứu thế được thực hiện, và cuộc chiến thắng con rồng lửa khởi đầu từ đây. Vì thế, trình thuật truyền tin Giáo hội đọc lại trong phụng vụ hôm nay mang chở ý nghĩa sâu xa của tin mừng này. Hình ảnh người nữ trong sách Khải Huyền ám thị Giáo hội là hiền thê của Đức Giêsu, nhưng cũng không sai khi chúng ta áp dụng vào vai trò của Đức Maria. Ơn cứu độ mà Đức Giêsu khai mở chính là cách diễn bày lòng thương xót của Thiên Chúa đối với nhân loại. Đoạn thánh thi thánh Phaolô viết trong thư gửi giáo đoàn Ephêsô mà Giáo hội đọc lên hôm nay diễn tả mầu nhiệm cao cả này : “ Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Ngài ta trở nên tinh tuyền thánh thiện nhờ tình thương của Ngài”. Vì thế đặc ân Vô nhiễm nguyên tội gắn liền với chức phận làm Mẹ Đấng Cứu chuộc, và Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 đã không ngần ngại gọi Mẹ là ‘Mater Misericordiae’, Mẹ của Lòng Thương xót. Có lẽ đây cũng chính là lý do Đức Thánh Cha Phanxicô chọn ngày hôm nay để mở cửa năm thánh tôn vinh Lòng Thương Xót Chúa.

Kết luận

    Vào năm 1989, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 tiếp ông Gorbachop và bà Raissa, phu nhân của ông ta, tại điện Vatican. Lúc bấy giờ Gorbachop là Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên xô, lãnh tụ của một cường quốc vào thời điểm ấy. Sau buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha trao tặng ông Tổng bí thư một cuốn Kinh thánh với hàng chữ bên ngoài “ Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”. Chúng ta biết dụng ý của Đức Thánh Cha muốn ám thị điều gì. Quay sang bà Raissa, vị Thánh Giáo hoàng tặng bà một cỗ tràng hạt với hàng chữ đi kèm “ Nữ Vương ban sự bình an”. Đức Thánh Cha muốn nói cho cả thế giới biết rằng, hòa bình thật sự nhân loại có thể kiến tạo được không phải do tiền bạc, do vũ khí hay sức mạnh quân sự. Nhưng  chúng ta phải học hỏi nơi Đức Maria và sống khiêm tốn như Ngài để có được hòa bình trên thế giới cũng như sự bình an nơi tâm hồn mỗi người. Thánh Phaolô rất có lý khi diễn tả :“Hướng đi của Thần Khí  là sự sống và bình an” (Rm 8,6). Mẹ đã hoàn toàn để Thần Khí hướng dẫn, vượt qua mọi sợ hãi, luôn sống ‘đẹp lòng Thiên Chúa’ và ngập tràn bình an trong tâm hồn. Đó là khuôn mẫu nội tâm cho tất cả mọi người chúng ta noi theo.

 Lạy Đức Maria Vô nhiễm nguyên tội là Mẹ Đấng Cứu thế, cũng là Mẹ của Lòng Thương xót, xin cầu cho chúng con.

Văn Hào, SDB

Visited 5 times, 1 visit(s) today