“Vua người Do Thái mới sinh ra ở đâu?”(Mt 2,2)
Nhiều người trong chúng ta đã từng thực hiện những cuộc hành trình dài. Suốt quãng đường đi, có khi xảy đến những trục trặc và gian nan mà chúng ta không thể lường trước. Song một khi đã đến đích, mọi nhọc nhằn sẽ mau chóng tan biến. Niềm vui lúc về tới đích sẽ hóa giải tất cả những mệt nhọc của cuộc hành trình đã đi qua. Nếu lên đường trong hy vọng, cuộc hành trình cho dù dài đến mấy hay gian khổ đến đâu, cũng không làm chúng ta nản lòng hay bỏ cuộc. Hy vọng là động cơ giúp chúng ta vượt thắng mọi khó khăn trong bất cứ cuộc hành trình nào.
Theo Tin Mừng Matthêu, các nhà đạo sỹ biết họ sẽ thực hiện một cuộc hành trình dài để đi về đâu, và họ biết “con trẻ” mà họ sẽ kiếm tìm là ai? Vì vậy, họ hỏi “Vua người Do Thái mới sinh ra ở đâu? Chúng tôi đã thấy ngôi sao lạ khi nó mọc, và chúng tôi đến để triều bái, dâng lễ phẩm cho Ngài”. Cha Raymond E. Brown S.S nhắc cho chúng ta biết rằng, vượt xa những thực tại lịch sử nơi cuộc hành trình của ba vị đạo sĩ, Tin mừng Matthêu còn vén mở cho chúng ta thấy những thực tại linh thiêng sâu xa hơn. Kinh Thánh của người Do Thái đã tiên báo về thực tại đó, và đây là lúc khải thị cho thế giới lương dân biết về sự tỏ hiện thần linh của chính Đức Giêsu Đấng Messia, Đấng mà người Do thái vẫn được nhắc đến, và họ vẫn luôn mòn mỏi đợi chờ.
Tuy nhiên, dọc suốt quãng đường dài từ Ba Tư, Babylon hay Ả Rập, chúng ta hỏi xem các vị đạo sĩ đã trải nghiệm điều gì khi họ đặt chân đến Bêlem? Cuộc hành trình vất vả, dài đằng đẵng có làm cho họ nản lòng muốn quay trở về hay không? Matthêu không đặt chú tâm vào cuộc hành trình khá gian nan đó, và Thánh ký chỉ muốn nhấn mạnh rằng, cuối cùng các vị đạo sĩ đã đến, đã gặp gỡ được Hài nhi Giêsu và đã khám phá ra nguồn mạch ơn cứu độ.
Tuy nhiên, khi đến Belem, họ vẫn còn thiếu một cái gì, nên đã đến với Hêrôđê để hỏi ông ta. Điều họ thiếu, chính là nội dung mạc khải đã được công bố từ lâu cho người Do Thái như Tin Mừng Matthêu trình thuật lại, được trích dẫn qua lời các ngôn sứ (Mi 5,1 và Sam 5,2): “Hỡi Bethlem, đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel sẽ ra đời”.
Riêng đối với ba vị đạo sĩ, khi họ thấy ngôi sao lạ lại xuất hiện, họ rất vui mừng. Bước vào nhà, họ gặp thấy con trẻ cùng với Maria thân mẫu Ngài. Họ quỳ gối tiến dâng lễ phẩm, rồi họ mở tráp, lấy ra vàng, mộc dược, nhũ hương để dâng kính’. Nếu lên đường ngập tràn trong hy vọng, thì những thất vọng và lo âu sẽ được hóa giải hoàn toàn, khi chúng ta đã đạt đến đích điểm của cuộc hành trình.
Họ sẽ trở về nhà cẩn trọng hơn, vì đã được báo mộng đừng trở lại với Hêrôđê. Chúng ta sẽ không sai khi kỳ vọng rằng con người của họ đã được biến đổi khi trở về, bởi vì họ đi về mang theo một ánh sáng mới. Chúng ta so sánh ba vị đạo sĩ với Hêrôđê, hai hình ảnh hoàn toàn tương phản. Hêrôđê cũng biết Kinh Thánh. Ông ta cũng muốn gặp Vua người Do Thái mới sinh, nhưng lộ trình mà Hêrôđê gợi ra chỉ là con đường chìm trong tăm tối và tuyệt vọng. Hài nhi Giêsu, đã trở nên như một mối đe dọa đối với quyền lực và ngai báu của ông ta. Giêsu là niềm hy vọng cho con người và cho thế giới, nhưng niềm hy vọng đó đã bi Hêrôđê hủy diệt và bóp chết ngay từ trong tâm hồn chai cứng của ông ta.
Có lẽ, các nhà đạo sĩ đã phải đối diện với những câu hỏi được đặt ra: tại sao họ lại phải vất vả đi khá xa như thế, đến tìm Hài Nhi mới sinh để làm gì? Tại sao họ lại đi theo ánh sao lạ? …Để trả lời, chúng ta có thể tóm kết rất giản đơn: Con đường mà họ đã đi qua để đến Belêm là “Con đường của hy vọng”. Đây là con đường không phải chỉ dành riêng cho họ, mà cho mọi người. Cha Brown suy tư tiếp về cuộc hành trình ấy: “Nơi ba vị chiêm tinh, Matthêu nhìn ra sự hiện thực lời hứa của chính Đức Giêsu. “Tôi nói cho các ông biết, nhiều người từ đông sang tây sẽ được ngồi đồng bàn với Abraham, Isaac và Giacóp trong Nước Trời” (Mt 8,11). Cuối cùng, các vị đạo sĩ là chuẩn mẫu để chúng ta cùng bắt chước, cùng dấn bước trên một lộ trình thật sự. Lộ trình đó không phải dẫn chúng ta đi xa, xa mãi, nhưng là lối bước đưa dẫn chúng ta trở về nhà với Chúa. Đây chính là Thiên Chúa, Đấng đã mang lấy thân phận con người và đến cư ngụ giữa chúng ta trong dáng dấp của một thơ nhi bé bỏng. Chính thơ nhi đó sẽ chỉ cho chúng ta con đường về nhà của mình.
John.W.Martens.
GB Văn Hào SDB chuyển ngữ