Giáo hội là thân thể mầu nhiệm Chúa Giêsu. Mỗi chi thể đều quan trọng và cần thiết để cho toàn thân được khỏe mạnh. Các bài đọc Lời Chúa trong phụng vụ hôm nay gợi nhắc chúng ta điều này. Sống trong lòng Giáo hội, chúng ta cần ý thức phần vụ của mình để xây dựng nhiệm thể, đồng thời khi sự sống thần linh được lưu chuyển trong ta, chúng ta sẽ đón nhận được sức mạnh từ nơi Thiên Chúa và cảm nghiệm được niềm vui sâu xa bên trong tâm hồn.
Nhiệm thể Chúa Kitô
Qua bài đọc thứ hai hôm nay, Giáo hội gợi lại tư tưởng của thánh Phaolô trích trong thơ thứ nhất gởi giáo đoàn Côrintô. Thánh Tông đồ nêu bật giáo lý căn bản về Giáo hội. Ngài viết: “Tất cả chúng ta, cho dầu là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều chịu phép rửa trong cùng một Thần khí để trở nên một thân thể” (1Cor 12,12-13). Qua bí tích rửa tội, chúng ta chia sẻ một ơn gọi duy nhất, đó là trở nên con cái Thiên Chúa và được gắn kết nên một với nhau trong Thần Khí. Sự gắn kết này biến chúng ta thành một thân thể duy nhất, và đây là thân thể mầu nhiệm của Chúa Giêsu. Đức Giêsu Kitô là đầu, còn lại mỗi người đều là chi thể trong thân xác nhiệm mầu ấy.
Vì được hút nhựa sống từ thân mình mầu nhiệm thánh thiêng của Chúa, chúng ta được nuôi sống khi ăn Mình Ngài và đón nghe Lời của Ngài. Bàn tiệc Thánh Thể và bàn tiệc Lời Chúa mà chúng ta tham dự mỗi ngày luôn mang chở chiều kích Giáo hội. Nơi cả hai bàn tiệc này, chúng ta được nuôi sống, được tăng trưởng và có được sức mạnh thần linh.
Bài đọc thứ nhất trong phụng vụ cũng thuật lại việc toàn dân tụ tập tại một quảng trường lớn để nghe ông Estra đọc sách luật (sách Torah) và giảng dạy. Người Do thái vẫn đều đặn họp nhau trong các hội đường để nghe sách thánh. Thường mỗi làng có một hội đường để họ quy tụ lại. Bất cứ người đàn ông nào trên 30 tuổi đều có thể được cắt cử để đảm nhận sứ vụ đọc sách luật và sách các tiên tri cho cả cộng đoàn.
Cũng tương tự như thế, thánh Luca trong bài Tin mừng cũng thuật lại thời gian ban đầu khi Đức Giêsu khởi sự sứ mạng rao giảng. Ngài vào một hội đường đọc một đoạn trong sách ngôn sứ Isaia và cắt nghĩa cho dân. Hình ảnh hội đường Do thái giáo trong cựu ước phác vẽ trước hình ảnh Giáo hội. Hạn từ ‘ekklesia’ mang chở cả ba chiều kích : vừa nói về các buổi tụ họp của cộng đoàn dân Chúa, vừa ám thị các nhà thờ, và đồng thời đó cũng chính là Giáo hội của Chúa Kitô (sách Giáo lý Công giáo số 751).
Cảm thức thuộc về Giáo hội (Sensus Ecclesiae)
Giáo hội vừa hữu hình vừa thánh thiêng. Giáo hội hữu hình có cơ cấu phẩm trật, có Đức Thánh Cha, có hàng giáo phẩm, có giáo sỹ và giáo dân như chúng ta vẫn thấy. Giáo hội hữu hình được nhìn thấy rất rõ nét qua các cộng đoàn giáo xứ với những ngôi nhà thờ khang trang và những nghi lễ sầm uất bên ngoài. Nhưng trước hết, Giáo hội tự bản chất là nhiệm thể thánh thiêng của Đức Kitô. Giáo lý Công giáo đã khẳng định ngoài Giáo hội không có ơn cứu rỗi. Bởi lẽ ơn cứu độ đến từ Đức Giêsu, và Chúa Kitô thực hiện ơn cứu rỗi ngang qua Giáo hội, vì Giáo hội là thân thể mầu nhiệm của Ngài. Các Bí tích trong Giáo hội là công cụ Đức Giêsu sử dụng để thông chuyển ơn cứu độ xuống cho nhân loại (xem sách Giáo lý Công giáo số 778-779). Chúng ta được mời gọi khơi dậy cảm thức thuộc về (sense of belonging) để góp nhần xây dựng Hội thánh, cụ thể tại mỗi cộng đoàn Giáo hội địa phương. Chúng ta không chỉ đến nhà thờ tham dự thánh lễ như hưởng nhận một ‘dịch vụ’ xã hội, nhưng cần phải chung tay xây dựng nhiệm thể Đức Kitô, đặc biệt tại Giáo hội địa phương nơi chúng ta thuộc về.
Ông Voltaire là một triết gia người Pháp thuộc thế kỷ thứ 18. Ông là một người Công giáo đã được rửa tội từ nhỏ nhưng khi lớn lên đã bỏ đạo và đi theo cách mạng. Ông tự hào là một trí thức, một triết gia và ông đề ra khẩu hiệu ‘Hãy đánh đổ con quái vật này đi’ (ám chỉ Giáo hội). Ông lập một nhóm lấy tên là Beelzebut để chuyên phá hoại Giáo hội, sát hại các tín hữu, đặc biệt các linh mục. Năm 1753 ông ngạo mạn tuyên bố :“Chỉ cần 20 năm nữa khi khoa học phát triển, Giáo hội sẽ bị triệt phá hoàn toàn và Thiên Chúa có thể về hưu được rồi”. Nhưng 20 năm sau, ông lâm trọng bệnh và nằm đau đớn giẫy chết trên giường bệnh. Ông thấy Giáo hội vẫn tồn tại và Thiên Chúa vẫn chưa ‘về hưu’ như ông đã tiên đoán. Trong đau đớn tột cùng, ông thốt lên: “Tôi đã phạm một sai lầm rất lớn là chống đối Giáo hội. Tôi thấy cửa hỏa ngục đang mở ra và chờ đón tôi”. Ông gào thét trong hoảng loạn và tắt thở. Một người bạn đứng bên giường bệnh khi chứng kiến giây phút kinh hoàng ấy đã nói: “Tôi chưa thấy cái chết nào ghê sợ giống như cái chết của anh bạn Voltaire của tôi.”
Chúng ta đang sống trong lòng Giáo hội và thuộc về Giáo hội. Chúng ta đừng hỏi Giáo hội đã làm được gì cho tôi nhưng hãy hỏi ngược lại là tôi đã làm được những gì cho Giáo hội.
Chúa Giêsu, đầu của Hội thánh
Trong bài Tin mừng hôm nay, tại hội đường Do thái giáo, Chúa Giêsu đã công bố cho mọi người: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe” (Lc 4, 21). Điều mà thính giả vừa nghe đó là lời ngôn sứ Isaia nói về một kỷ nguyên mới do chính Đức Giêsu khai mở. Ngài được ‘Thần Khí Chúa đậu xuống, được xức dầu và sai đi loan báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố năm hồng ân của Chúa’. Hội đường Do thái giáo ngày xưa là hình bóng của Giáo hội ngày hôm nay. Dân Chúa quy tụ bên nhau để cử hành phụng tự hướng về Thiên Chúa. Cũng từ trong lòng Giáo hội, chúng ta được nuôi dưỡng và lớn lên trong đời sống đức tin.
Chúa Kitô là đầu của Hội Thánh. Ngài là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta (châm ngôn của Đức Cha Lambert de la Motte). Cuộc sống chúng ta phải quy chiếu vào Ngài và chúng ta phải đặt Ngài vào chỗ tối thượng trong cuộc hành trình đức tin của chúng ta mỗi ngày.
Kết luận
Ba năm trước Giáo hội cử hành năm thánh Lòng Thương xót. Lòng thương xót đó được diễn bày nơi Đức Giêsu ngang qua Giáo hội. Lòng thương xót là tên gọi thứ hai của Thiên Chúa (tư tưởng của Đức Thánh Cha Phanxicô), song song với tên gọi ‘Tình Yêu’ mà Thánh Gioan đã nói tới trong thơ thứ nhất của Ngài. Lòng thương xót cũng được tỏ bày qua chân dung cứu thế mà Đức Giêsu nói tới trong bài Tin mừng hôm nay: “Thần Khí Chúa sai tôi đi loan báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức”. Đây là sứ mạng cứu thế của Đức Giêsu năm xưa và cũng là sứ mạng của Giáo hội hôm nay. Chúng ta được mời gọi tham phần vào sứ mạng thiêng liêng ấy khi sống giữa lòng Giáo hội, để tiếp nối sứ mạng cứu thế mà Chúa Giêsu đã khởi sự năm xưa.
Trần văn Hào, SDB