Suy niệm Lời Chúa – Chúa Nhật 26 Thường niên năm B: Ghen tương, căn bệnh trầm kha

Cái tôi vị kỷ thật đáng ghét (Le moi est haissable). Nhưng thoát bỏ cái tôi ấy không đơn giản chút nào. Từ khuynh hướng vị kỷ này, chúng ta rất dễ tỏ ra ghen tị trước những thành công của người khác. Sự ghen tương thường vẫn xảy ra trong mỗi giáo xứ hay ngay tại các cộng đoàn tu sĩ. Có thể chúng ta đã từng trải nghiệm điều này rất rõ và rất cụ thể. Gioan, vị tông đồ được Đức Giêsu yêu mến đặc biệt, là một trong ba người học trò thân tín nhất, vẫn biểu tỏ sự ghen tương nhỏ nhặt như Tin mừng hôm nay thuật lại: “ Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ, chúng con đã cố gắng ngăn cản vì người  ấy không theo chúng ta”(c 38). Câu trả lời của Chúa Giêsu gợi mở một chân trời đức ái, trong đó chúng ta phải cố gắng thắng vượt sự ghen ghét, vốn đã ăn sâu nơi bản tính mỗi người.

Ghen ghét là thuốc độc giết chết trái tim

Đây là tư tưởng của triết gia Voltaire. Cho dù sau này ông ta sống như một kẻ vô thần nhưng ông rất có lý khi đưa ra xác quyết này. Ghen ghét như một thứ thuốc độc cực mạnh bóp chết con tim yêu thương của chúng ta. Trong bài đọc thứ nhất, tác giả sách Dân số cũng thuật lại câu chuyện về ông Giôsue. Ông cảm thấy khó chịu và trình bày với Môisê khi thấy hai vị bô lão nói tiên tri. Hai vị này không nằm trong số những người được tuyển chọn. Sự ghen tương bộc lộ khi Giôsuê thấy Thần khí được ban cho hai lão già vô danh tiểu tốt kia. Theo lẽ thường, Giôsuê có lý, nhưng đó là sự hợp lý theo logic của loài người, còn trong trật tự nước trời thì không phải thế. “ Gió muốn thổi đâu thì thổi” (Ga 3,8).Tác động của Thần khí và ân sủng được ban tặng không theo bất cứ một quy chuẩn nào do con người thiết định. Câu trả lời của Môisê: “ Anh ghen dùm tôi hay sao”( Ds 11,29) cũng tương hợp với lời khẳng định của Chúa Giêsu: “ Đừng ngăn cản người ta” ( Mc 9,39), gợi mở cho chúng ta chiều kích đức ái, loại bỏ sự ghen ghét.

Thái độ của Giôsuê và của Gioan trong bài Tin mừng hôm nay vẫn luôn mang tính thời sự đối với tất cả mỗi người chúng ta ngày hôm nay. Trong một cộng đoàn giáo xứ, nếu có một vị nào ít trổi trang, nhất là lại vướng một tì vết nho nhỏ nào đó mà được chọn đảm nhận một chức vụ, chắc chắn sẽ bị dư luận ném đá dữ dội. ‘Cái ngữ ấy mà làm ông trùm ai coi được’. Trong cộng đoàn tu sĩ hay trong hàng ngũ linh mục cũng thế, sự ghen tương cho dù không lộ ra cách minh nhiên, nhưng ngấm ngầm và nhiều khi cũng không kém dữ dội. Có lúc sự tỵ nạnh và ghét ghen còn ghê rợn hơn nơi giáo dân rất nhiều. Có một điều chắc chắn là ghen tương cuối cùng sẽ gây ra chia rẽ. Nó giống như những ngòi nổ chỉ chờ dịp bùng phát và hậu quả sau cùng là, chiến tranh sẽ xảy ra.

Bài ca đức ái

Khuất phục sự ghen ghét này là cả một cuộc chiến trường kỳ và khốc liệt. Tội đầu tiên đến trong trần gian đó là tính kiêu căng. Con ngươì muốn ngang bằng Thiên Chúa. Adam đã rơi vào sự sa ngã này. Tội kế tiếp chính là sự ghen ghét. Cain đã giết Abel em mình cũng vì ghen tương. Đây là 2 giống tội đi đôi với nhau. Trong ba năm rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng đã phải đối kháng mạnh mẽ với nhóm biệt phái. Ngài kịch liệt đả kích thói kiêu ngạo, sự giả dối và tính ghen tương nhỏ nhặt nơi họ. Chúa chữa lành các bệnh nhân phát xuất từ tấm lòng yêu thương vô điều kiện của Ngài. Ngài bứt phá những rào cản trói buộc, bước qua những luật lệ cứng ngắc mà những người biệt phái vẫn khăng khăng ôm giữ. Bởi vì, đối với Chúa, chỉ có một lề luật duy nhất, đó là luật của tình yêu. Ngược lại, khi thấy Chúa Giêsu làm những điều tốt lành, nhóm biệt phái lại cau có và khó chịu. “Họ giận điên lên và tìm cách để hại Ngài” (Lc 6,11). Tất cả đều xuất phát do sự ghen ghét mà ra.

Để chiến thắng căn bệnh thâm canh cố đế này, thánh Phaolô đã phác vẽ cho chúng ta một ‘lược đồ chữa trị’ còn được gọi là ‘Bài ca Đức ái’. Trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô, Ngài viết: “ Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả”(1C 13,4-7 ).

Tương tự, thánh Augustinô cũng đã nói: “ Con người là sự hoàn thiện của vũ trụ. Tình yêu là sự hoàn thiện của con người. Đức ái là sự hoàn thiện của tình yêu”. Đức ái mà thánh Phaolô nói đến là chìa khoá dẫn đưa chúng ta đến sự hoàn thiện. Đó cũng chính là liệu pháp chữa trị tận gốc căn bệnh ghen ghét mà chúng ta thường hay mắc phải.

Đức ái được Chúa Giêsu tiếp tục quảng diễn trong bài Tin mừng hôm nay bằng sự quảng đại biết cho đi, tức là bứt phá khỏi cái tôi ích kỷ: “ Ai cho anh em một bát nước lã…Thầy bảo thật anh em người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (c.41). Thánh Giacôbê, vị lãnh đạo cộng đoàn Giêrusalem, là một chuyên gia mục vụ về đức ái cũng truyền đạt cho chúng ta những huấn dụ tương thích trong bài đọc thứ 2 hôm nay. “Đừng bám vào của cải vật chất với tấm lòng keo kiệt. Vàng bạc, những thứ rỉ sét ấy là bằng chứng buộc tội các người. Nó sẽ như lửa thiêu huỷ xác thịt các ngươi” (Gc 5,1-3). Tất cả các nết xấu ấy đều khởi nguồn từ tính ích kỷ nhỏ nhen mà ra.

Như vậy, Đức ái chính là khung căn bản định hình sự thánh thiện, và đó cũng là phương thế giúp chúng ta chiến thắng tội lỗi, nhất là tội ghen ghét.

Con người ba phải

Cha Anthony de Mello, một tu sĩ Dòng Tên đã viết một câu truyện ngắn khá thâm thuý. Chúa Giêsu cùng thánh Phêrô đi xem một trận bóng đá. Trận cầu khá hấp dẫn giữa đội bóng Công giáo và đội bóng Tin Lành. 1-0. Đội bóng Công giáo làm bàn trước, Chúa Giêsu reo hò cổ vũ. Vài phút sau, đội Tin lành gỡ hòa 1 đều. Chúa Giêsu ngồi trên khán đài cũng vỗ tay nồng nhiệt để tán dương. Người bên cạnh hỏi Chúa: “ Ông ủng hộ đội nào ?” Chúa nói: “ Cả hai”. Vị khách khó chịu và lẩm bẩm chửi thề: “ Đồ ba phải”. Về đến nhà thánh Phêrô hỏi Chúa: “ Tại sao Thầy trả lời như thế? Thầy quên rằng khi trả lời như vậy Thầy đã bị người Do Thái đóng đinh hay sao. Chúa thở dài nói với Phêrô: “ Người Công giáo hay Tin lành đều là những người có tôn giáo cả, và Ta cũng đã bị đóng đinh bởi dân Do Thái, là những người có tôn giáo cả đấy thôi”.

Lối sống ích kỷ và ghen ghét nơi các đầu mục tôn giáo chính là nguyên do dẫn đến cái chết của Đức Giêsu. Lối sống này vẫn đang còn được lặp lại nơi mỗi người chúng ta hôm nay qua nhiều dạng thức. Chúng ta rất dễ nhìn những thành công nơi người khác với những ‘đôi mắt mang hình viên đạn’, cảm thấy khó chịu và ghen tức khi người khác hơn mình. Sự ghen ghét cũng chính là con đẻ của thói kiêu căng. Vì vậy, Thánh Phaolô dạy chúng ta: “ Đừng làm chỉ vì ganh tỵ hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình” (Phil 2,3).

Kết luận : Có một bài ca…

Có một thời, người ta rất ưa chuộng một bài hát khá phổ thông được bắt đầu bằng câu: ‘Có một bài ca không bao giờ quên’. Nhiều người dí dỏm đổi ca từ thành bài hát: ‘Có một bài ca không ca thì quên’. Đối với Kitô hữu chúng ta, cũng có một bài ca nếu không thường xuyên hát lên, chúng ta sẽ quên hẳn. Đó là ‘Bài ca Đức ái’ mà Thánh Phaolô đã viết trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô. Đây là bài ca mà chúng ta phải học để biết, phải hát lên để khỏi quên, phải nghiền gẫm để ngấm sâu vào máu thịt của mỗi người. Bài ca đó vạch dẫn con đường trọn lành, giúp ta khuất phục những nết xấu, nhất là sự ghen ghét mà chúng ta thường hay mắc phải.

Văn Hào, SDB

 

Visited 126 times, 1 visit(s) today