Suy niệm Lời Chúa – Chúa nhật 17 Thường niên năm C

Kinh Lạy Cha : Lời kinh cao đẹp và toàn hảo nhất

Có một vị giáo sĩ nọ đến chủ tọa buổi cầu nguyện chung với dân chúng. Ông mở đầu với lời phát biểu như sau: “Kính thưa quý vị, quý vị đã đọc nhiều lời kinh, đã nghe nhiều câu kinh đến độ thuộc lòng. Hôm nay tôi muốn quý vị thưởng lãm một bài kinh đặc biệt. Vừa dứt lời, bức màn được vén ra, đàn nhạc trổi lên và một điệu múa được bắt đầu. Vị giáo trưởng say sưa nhảy múa và dân chúng cũng hoan vui cùng nhau múa nhảy để chúc tụng Thiên Chúa. Tất cả hội trường biểu tỏ niềm vui và sự hiệp thông trong vũ điệu, biến thành những tâm tình cầu nguyện sống động để ca khen Chúa.

Các bài đọc lời Chúa hôm nay đều nói về việc cầu nguyện. Lời cầu nguyện chân thành không phải là những sáo ngữ rỗng tuếch bên ngoài, nhưng phải phát xuất từ sâu tận, bên trong tâm hồn. Đặc biệt trong bài Tin mừng, chính Chúa Giêsu đã dạy các học trò cầu nguyện với lời kinh Lạy Cha. Đây là lời cầu nguyện hoàn hảo nhất và ý nghĩa nhất để chúng ta diễn bày tâm tình con thảo đối với Cha, đấng ngự trên trời.

Kinh Lạy Cha: Bản tổng lược những định hướng của ơn gọi làm con

Thánh Phanxicô Salê, Giám mục Thành Genève trong một lần thăm viếng mục vụ, đã hỏi một cụ già rất đạo đức xem cụ thường đọc những kinh gì khi cầu nguyện. Cụ già đơn sơ trả lời: “Thưa Cha, con quê mùa dốt nát, kinh kệ chẳng thuộc nhiều, chỉ biết những câu kinh đơn giản, ví dụ kinh Lạy Cha. Nhưng chưa lần nào con đọc hết lời kinh này được. Khi bắt đầu mở miệng gọi Thiên Chúa là Cha, con xúc động quá, nước mắt cứ tuôn trào. Con nghĩ rằng mình là một người tội lỗi mà được gọi Thiên Chúa là Cha thì con không thể nào cầm trí để đọc tiếp”.

Kinh Lạy Cha mà chính Chúa Giêsu đã dạy, tóm kết những định hướng của cuộc sống ơn gọi Kitô hữu chúng ta. Nó khơi dậy tâm tình con thảo, tín thác vào Thiên Chúa là Cha yêu thương, đấng luôn săn sóc và thấu tỏ những nhu cầu của từng người. Nó cũng dạy chúng ta phải yêu mến tha nhân, quảng đại tha thứ cho họ mỗi khi chúng ta bị xúc phạm. Nó khai mở ý thức làm tông đồ để mở rộng Vương quốc Nước Trời, tìm kiếm vinh quang Thiên Chúa chứ không phải hư vinh trần thế. Lòi kinh cũng nhắc cho chúng ta biết rằng, cuộc sống Kitô hữu là một cuộc hành trình đi tìm kiếm và thực hành những điều Thiên Chúa mong muốn. Nói tóm lại, kinh Lạy Cha là một hệ thống chính trị, không phải chính trị theo kiểu thế gian, nhưng là chính trị của Vương quốc Nước Trời.

Con gái ông Karl Marx, một triết gia vô thần, đã thú nhận rằng ngay từ nhỏ cô ta đã được giáo dục để trở nên một người vô tín, không tin vào Thiên Chúa. Nhưng tình cờ có lần cô ta xem một bản kinh mà cô thấy rất thâm thúy. Các bạn hỏi cô xem đó là kinh gì, cô dõng dạc đọc một mạch kinh Lạy Cha bằng tiếng Đức. Rất có thể lời kinh đã tạo nên âm hưởng mạnh mẽ trong cuộc đời của cô, cho dù bề ngoài cô ta vẫn tỏ vẻ như là một người vô thần.

Tâm tình khiêm tốn và tín thác

Một Cha già nọ đã chua chát nhận xét rằng, có nhiều linh mục thời nay khi được giáo dân gọi là ‘Cha’, lại quên mất ơn gọi làm ‘con’ của mình. Đây là ơn gọi căn bản của mọi Kitô hữu, từ các linh mục, tu sĩ đến giáo dân. Mỗi khi dâng Thánh lễ, cả cộng đoàn cùng đọc lên lời kinh mà Chúa Giêsu đã dạy trong Tin mừng hôm nay để hướng lòng chúng ta về Thiên Chúa là Cha chung của mọi người. Chính Chúa Giêsu đã nói : “Đừng gọi ai dưới đất là cha, vì anh em chỉ có một Cha đấng ngự trên trời” (Mt 23,9). Với kinh Lạy Cha, chúng ta mặc lấy tâm tình con thảo để thưa lên với Chúa ‘Abba, Cha ơi’. Cha Thánh Gioan Bosco cũng dạy các con cái mình, đặc biệt các bạn trẻ, phương cách cầu nguyện với 3 sắc nét căn bản: sự đơn sơ (simplicity), tính sống động (liveliness) và lòng chân thành (authenticity). Sự đơn sơ trong phong cách cầu nguyện chính là tâm tình của một người con đang thưa chuyện với ‘bố’ của mình. Vì thế khi cầu nguyện, không cần trưng ra những ngôn từ bác học kiêu sa, không cần phô diễn những sáo ngữ rỗng tuếch hay những nghi thức cồng kềnh. Chính Chúa Giêsu cũng dâng lời cầu nguyện tạ ơn Chúa Cha, vì đã mặc khải những mầu nhiệm cao sâu cho những người đơn sơ nhỏ bé (Mt 11,25). Cũng vậy, sự sống động trong cầu nguyện biểu tỏ thái độ vui tươi khi đến với Chúa, bởi vì cầu nguyện là đối thoại với Thiên Chúa, là Chúa của niềm vui. Nhưng quan trọng hơn cả, lời cầu nguyện của chúng ta phải luôn chân thành, không giả dối, không quá câu nệ vào những nghi tiết trang trọng mang nặng tính hình thức (formalities). Nếu kinh nguyện của chúng ta không gắn kết với cuộc sống, đặc biệt thể hiện qua những nhiệt tình tông đồ để phục vụ cho ‘Nước Cha trị đến’, thì những lời cầu nguyện chúng ta dâng lên Chúa chỉ là những sáo ngữ rỗng tuếch mà thôi. Cha Julius Barberis trong cuốn ‘Vade me cum’ đã viết: “Lòng đạo đức chân thật không hệ tại ở việc đọc kinh nhiều hay ít, nhưng cần nhất là thái độ tâm hồn luôn biết quy hướng về Thiên Chúa (x. chương 35).

Kết luận

Có một bác nông dân nọ quê mùa chất phác ra đồng làm việc. Ông ta vẫn thường mang theo sách kinh để đọc. Một bữa kia vì lơ đễnh, ông để quên sách kinh ở nhà. Đến giờ cầu nguyện như thường lệ, ông bối rối không biết phải làm sao và phải đọc những kinh gì. Ông thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con thật đáng trách. Sáng nay vì vội vàng con quên mang theo sách kinh. Trí nhớ con lại quá kém, chẳng thuộc kinh nào cả. Nhưng con biết Chúa rất thông minh và tốt lành, chẳng chấp lỗi lầm của con. Con sẽ chầm chậm đọc 5 lần 24 chữ cái từ A đến Z. Xin Chúa cứ việc ghép những chữ đó thành một bài kinh như thế nào tùy ý Chúa”. Nghe vậy, Chúa nói với các Thiên Thần: “Trong các lời kinh mà ta nghe hôm nay, đây là lời nguyện hay nhất vì nó xuất phát từ một tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn và rất chân thành.

Mỗi khi mở miệng cầu nguyện với kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu dạy hôm nay, chớ gì chúng ta cũng đọc lên với tất cả sự đơn thành, phát xuất từ tấm lòng con thảo nơi mỗi người.

Văn Hào, SDB

Visited 49 times, 1 visit(s) today