Suy niệm Lời Chúa – Chúa Nhật 14 Thường niên năm B

Đức Giêsu – Vị Tiên tri bị chối từ

Nỗi lòng của người đi xa khi trở về cố hương, ai lại chẳng muốn mình được đón tiếp nồng hậu, tay bắt mặt mừng, khi gặp lại những người thân quen, những bạn bè xưa cũ hay bà con lối xóm. Khi trở về Nazareth, Đức Giê-su đã không có được ước mơ cỏn con ấy. Thái độ của những người đồng hương như một gáo nước lạnh hắt vào mặt Đức Giê-su, khiến Ngài rất ngạc nhiên. “ Bởi đâu ông ta làm được những phép lạ như thế? Ông ta không phải là bác thợ mộc, con bà Maria, và là anh em của các ông Giacôbê, Gio-xét, Giu-đa và Simon sao?… Và họ vấp ngã vì Người”(Mc 6,1-3). Thánh Marcô thuật lại sự kiện này và cho chúng ta thấy thấp thoáng hình bóng thập giá ngay từ giai đoạn khởi đầu sứ vụ rao giảng của Đức Giê-su. Đó là câu chuyện về một vị ngôn sứ bị chối từ ngay tại chính quê hương của mình. Các bài đọc lời Chúa trong phụng vụ hôm nay phác vẽ dung mạo của Đấng bị con người loại trừ và trong số những con người đó, có thể gồm chứa mỗi người nơi chúng ta.

Đức Giêsu, một mầu nhiệm ẩn kín

Đức Giê-su vẫn mãi luôn là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm về Thiên Chúa luôn thách đố mọi người, và Thiên Chúa dường như vẫn còn đang giấu mặt. Trong bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Edêkien nói về dân Israel như là ‘những đứa con mặt dày mặt dạn, lòng chai dạ đá… Chúng vốn là loài phản loạn, chúng có thể nghe hoặc không nghe, nhưng chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng’ (Ed 2,4-5). Sự cố chấp chai lỳ mà vị ngôn sứ nói tới chính là con đẻ của thói vô ơn và phản bội, trải dài trong suốt lịch sử dân Do Thái năm xưa, có thể còn kéo dài mãi cho đến chúng ta ngày hôm nay. Tân ước cũng nhiều lần nhắc lại sự phản bội và vô ơn này. Mười người phong hủi được Đức Giê-su chữa lành, nhưng chỉ có duy nhất một người trở lại tỏ dấu biết ơn. Bẽ bàng thay, đó lại là một người ngoại giáo, một cư dân Samari. Cả ngàn người được Chúa cho ăn bánh no nê, nhưng chỉ có một người ghé vai vác đỡ Thập Giá khi Chúa oằn vai lê bước trên đường lên núi sọ. Đó cũng lại là một người ngoại giáo, gốc Xyrênê. Cao điểm của sự vô ơn này là toàn dân đồng thanh đả đảo, đòi kết án và xử tử Đấng Thánh của Thiên Chúa, Đấng đã đến thi ân và yêu thương mọi người. Tương tự như thế, Thánh Marcô hôm nay nhắc lại sự kiện Đức Giê-su bị chối từ và bị hắt hủi bởi chính những người đồng hương thân thuộc, những con người rất thân quen, ngay cả những người có liên hệ máu mủ ruột thịt đã sống cận kề với Ngài suốt 30 năm ở Nazareth. Đây là một sự thật rất phũ phàng và khó hiểu!

Sự từ khước nơi mỗi người

Sự phũ phàng đó có thể vẫn còn đang được lặp lại ngày hôm nay nơi chính bản thân mỗi người chúng ta. Sự chối từ Thiên Chúa được thể hiện qua nhiều dạng thức khác nhau. Chúng ta vẫn tuyên xưng Thiên Chúa là tình yêu nhưng trong thực tế, chúng ta lại mang theo mình biết bao dao găm và lựu đạn của oán thù. Đó là một sự giả dối và bội phản. Chúng ta vẫn tự mãn nghĩ mình là người có đạo, vẫn tôn thờ Thiên Chúa, nhưng trong cuộc sống chúng ta lại thượng tôn tiền bạc, chạy theo một lối sống ích kỷ và hưởng thụ. Đây cũng là một lối sống vô thần thực hành, dần dần gạt bỏ Thiên Chúa ra bên ngoài. Giáo hội không sợ tuyên chiến với những con người tự cho mình là vô thần và không tin Thiên Chúa, nhưng Giáo hội lại rất khiếp sợ những con người tuy mang danh nghĩa là tín hữu, mà lại sống còn khủng khiếp hơn cả những người vô thần.

Năm 1904, viện Hàn lâm Hoàng Gia Anh tổ chức một cuộc triển lãm trong đó có một bức tranh khá nổi tiếng của họa sĩ Kosse, tựa đề ‘Đấng bị chối từ’. Bức tranh vẽ Đức Giê-su đang đứng trong sân một ngôi giáo đường lớn. Trên con đường phía trước, cả ngàn người đang rảo bước đi qua. Chỗ này một chàng thanh niên vừa đi vừa huýt sáo với thái độ rửng rưng bất cần đời. Chỗ kia một nhà khoa học đang mải miết suy nghĩ về công trình ông đang nghiên cứu. Chẳng ai thèm để ý và ngó ngàng tới Đức Giê-su. Một vị linh mục đi ngang qua, chỉ mải chăm chú lần hạt. Một nhà thần học vừa bước đi chậm rãi vừa nhăn trán suy nghĩ điều gì đó trong đầu của ông, cũng không màng đến những việc chung quanh. Chỉ có một nữ tu đang vội bước, lấm lét ngoảnh lại nhìn Chúa Giê-su rồi lại tiếp tục tiến bước. Đức Giê-su vẫn đứng đó, vẫn lặng lẽ và cô đơn một mình. Đôi mắt Ngài thoáng buồn vì sự rửng rưng và vô cảm của đám đông ngay trước cửa một ngôi giáo đường nguy nga đồ sộ. Tác giả ghi chú ở dưới bức tranh: “Bạn là ai trong số những người này?”

Tìm câu trả lời

Câu hỏi đó cũng được Giáo hội lập lại ngày hôm nay: “ Đức Giê-su là ai đối với tôi? Phải chăng, Ngài chỉ là một cư dân Galilê bình thường, là con bác thợ mộc và bà Maria, là người anh em lối xóm với chúng ta, chẳng có gì hơn, giống như ngày xưa những người đồng hương của Chúa vẫn nghĩ như thế.

Dân Galilê ngày trước đã có một thành kiến hẹp hòi về Đức Giê-su. Thành kiến thiển cận và tư duy bảo thủ đó đã làm con mắt đức tin của họ khép lại, khiến họ không thể nhận ra Đấng Cứu thế đang ở giữa họ. “ Phá vỡ một nguyên tử còn dễ hơn là phá đổ một thành kiến”. Người Nazareth ngày xưa đã mắc bệnh thành kiến khi nhìn vào Đức Giê-su, và lấy chủ nghĩa lý lịch để thẩm định về Ngài. Chúng ta ngày nay cũng dễ mắc phải căn bệnh này khi nhìn vào Đức Giê-su hiện thân nơi những cận nhân mà chúng ta tiếp xúc hằng ngày. Chỉ qua lăng kính đức tin, chúng ta mới có thể khám phá và tiến sâu vào mầu nhiệm Đức Giê-su. Ngài luôn hiện diện nơi những người mà chúng ta gặp gỡ, nhất là nơi những anh em cùng khổ và bất hạnh. Đức Thánh Cha Phanxicô luôn mời gọi mọi người hãy lên đường để tìm kiếm Đức Giê-su ở tận những vùng ven (periphery), ở những nơi hẻo lánh và xa xôi nhất. Ngài vẫn ở đó, vẫn đang chờ đợi chúng ta, hiện thân nơi những người bị xã hội gạt bỏ ra bên ngoài.

Kết luận

Đức Giê-su là ai đối với những người đồng hương Galilê năm xưa, cũng như đối với chúng ta ngày hôm nay ? Thiên Chúa dường như vẫn đang giấu mặt, khi chúng ta chứng kiến biết bao bất công xã hội, khi chúng ta đắng lòng nhìn thấy bao trẻ em bị đối xử bất công, khiến chúng tắt lịm niềm hy vọng. Đức Giê-su vẫn luôn là một mầu nhiệm, và chúng ta chỉ có thể đi vào quỹ đạo tình yêu nhiệm mầu của Ngài khi cung chiêm Đấng bị đóng đanh và chết nhục nhã trên Thập Giá.

Chúng ta hãy học lấy kinh nghiệm thần bí của Thánh Phaolô để có thể đi vào quỹ đạo tình yêu này. Trong bài đọc thứ hai, thánh Phaolô đã viết “Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh.” Nơi Thập giá Đức Kitô, thánh nhân đã học được thế nào là nghịch lý của tình yêu. Nghịch lý đó là câu trả lời thuyết phục nhất cho vấn nạn được nêu ra hôm nay: Đức Kitô là ai đối với tôi?

Lm. Văn Hào, SDB

 
Visited 271 times, 1 visit(s) today