Lời Chúa: Mc 16,15-20
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”
Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.
Công đồng Vaticanô II xác định rất rõ: Truyền giáo không chỉ là mệnh lệnh của Đức Giêsu, nhưng còn chính là bản chất của người Kitô hữu. Lời khẳng định như thế được khởi đi từ đâu, nếu không phải là từ những lời chúng ta vừa nghe trong đoạn Tin mừng hôm nay. Khung cảnh của nó gợi lên trong ta về một lý tưởng rất cao đẹp, đẹp từ suy nghĩ, đẹp đến ngôn từ, và đẹp cả những bước chân của người được sai đi, đó là hành trình của những con người được mời gọi ra đi trên nẻo đường truyền giáo.
Thế nhưng, khi đọc lại và suy gẫm đoạn Tin mừng hôm nay, chúng ta sẽ nhận ra Đức Giêsu nói đến không chỉ với người được sai đi: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”, nhưng Ngài còn nhắc đến những người được lãnh nhận Tin mừng nữa: “Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án”. Chính vì điều đó mà chúng ta sẽ thấy rõ hơn hình ảnh và dáng dấp của mình qua những lời giáo huấn của Đức Giêsu: Tôi vừa là người được lãnh nhận Tin mừng, đồng thời, tôi cũng là người được sai đi. Vậy thì điều gì chúng ta cần khám phá, suy gẫm và sống qua đoạn Tin mừng hôm nay?
Trước hết, chúng ta phải nói rằng, giáo huấn của Đức Giêsu, tuy có vẻ rất đơn giản và bình dân, ai cũng có thể tiếp cận và thực hành. Tuy nhiên, đơn giản không có nghĩa là hời hợt – bình dân không có nghĩa là thiếu đi sự dứt khoát. Hàm chứa trong lời giảng dạy của Đức Giêsu đó chính là sự quyết liệt và tính triệt để của Tin mừng: Tin thì được cứu, không tin sẽ bị kết án. Như thế, trong lời giáo huấn này, chúng ta sẽ không nhận ra một chỗ nào cho sự nửa vời: 50-50. Khi nhận ra điều đó, chúng ta cũng bắt đầu khám phá ra được con người thật của chính mình: Một đàng, chúng ta là những người đã tin và cũng đã được rửa tội; đàng khác, chúng ta lại nhận ra, trong tôi, vẫn còn tồn tại cái gọi là “không tin” trong cách suy nghĩ, trong lối hành động, và đôi khi ngay cả trong đời sống chứng tá.
Thứ đến, chúng ta cũng cần nhắc đến “qui luật nhân quả” mà Đức Giêsu đã áp dụng và được các Thánh Sử ghi lại rất rõ: lòng tin và lời tuyên xưng niềm tin, luôn đi kèm với hiệu quả. Hễ ai tin sẽ được chữa lành và được cứu độ. Và ngày hôm nay, Đức Giêsu cũng lập lại những hiệu quả đó cho những người tin: “Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.” Hiệu quả và ân sủng sẽ nói lên chính niềm tin và mức độ tin của mỗi người chúng ta.
Nếu quả là thế, thì một lần nữa, lại có dịp để chúng ta phải đấm ngực ăn năn về chính thái độ và vai trò của mình trong tư cách là những người môn đệ của Đức Giêsu, và được Ngài trao cho một sứ vụ. Bởi lẽ, cả một đời theo bước Đức Giêsu, chúng ta vẫn chưa nhận được nhiều sự biến đổi của anh chị em mà mình đang phục vụ và đang sống với họ. Tuy nhiên, điều đó không làm cho chúng ta nhục chí và bỏ cuộc, bởi lẽ, khi bước đi trong hành trình phục vụ anh chị em của mình, chúng ta vẫn có Chúa đang cùng hoạt động với chúng ta, và Ngài không ngừng dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận những lời rao giảng và việc làm của chúng ta.
Với khoé nhìn như thế, chúng ta mới thực sự nhìn ra điểm nổi bật trong cuộc đời của Thánh Phanxicô Xaviê, một giáo sư triết học trẻ tuổi, với một tương lai đầy hứa hẹn trong giới kinh viện mà sự thành công, uy tín và vinh dự đang chờ đón. Phanxicô Xaviê đã nhận ra tiếng gọi từ những lời của Đức Giêsu: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì có lợi gì?” (Mt 16,26a). Lời chất vấn đó tuy nhẹ nhàng và vắn gọn, nhưng sức mạnh và giá trị của nó thì không nhỏ chút nào. Lời đó đã trở nên một lời tâm niệm của Thánh Phanxicô Xaviê. Quả thật, lời của Đức Giêsu đã trở nên sự lựa chọn, trở thành sức mạnh giúp thánh nhân định hướng đời sống của mình.
Để kết luận, chúng ta cũng nên nhắc lại lời của Thánh Inhaxiô đã nói với Phanxicô Xaviê, một con người đầy cao vọng, nhất là những ước vọng lành thánh rằng: “Con người nhiều cao vọng như anh mà chịu dừng lại trong vinh quang trần thế thì quá uổng. Thiết nghĩ chỉ có vinh quang Thiên Chúa mới xứng với tầm cao ước vọng của anh”. Mong thay đó cũng chính là hướng đi và lối hành động của chúng ta trong cuộc đời phục vụ anh chị em của mình.
Gia Thi, SDB