Sức Mạnh Của Lòng Tin

Một ngày Chúa Nhật năm học lớp 8.
Sau khi đi lễ, học giáo lý, như thường lệ, tôi xuống hiệu sách cũ quen thuộc, sắp xếp những cuốn sách mới nhập về phụ cô chủ và luôn tiện thể tìm cho mình một cuốn sách để dành đọc cả tuần. Trong lúc sắp xếp, tôi chợt thấy cuốn “Bỉ vỏ” của nhà văn Nguyên Hồng. Đây là một nhà văn yêu thích của tôi. Tôi ngấu nghiến tất cả các mẩu truyện ngắn của Nguyên Hồng mà tôi vớ được. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là: “Bỉ vỏ” là một cuốn tiểu thuyết. Ở nhà tôi, “tiểu thuyết” là sách dành cho “người lớn”. Và 14 tuổi như tôi thì là trẻ con đứt đuôi rồi, khỏi cần tranh luận. Chần chừ một lát, tôi quyết định mua. Gì chứ, sách vở mà lưỡng lự thì khó kiếm lại lắm, nhất là với một vùng quê nghèo như chỗ tôi. Mua để đó. Nếu bây giờ chưa lớn thì mai mốt lớn, lúc đó đọc cũng được. Vội gì.
Dẫu vậy, trên đường về, tôi suy tính đủ cách để làm sao đọc được cuốn sách này sớm nhất có thể. Quẩn quanh mãi, tôi đành chọn cách…nói thật. Tôi đem cuốn sách đến trước mặt mẹ, giải thích cho mẹ rằng đây là sách của tác giả văn học trong sách Ngữ Văn, rằng thì là mẹ cứ giữ hộ, khi nào đủ tuổi đọc tiểu thuyết – nghĩa là thành “người lớn”, tôi sẽ lấy lại để đọc. Chẳng ngờ, mẹ nói với cha, sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, cha mẹ quyết định giao lại cho tôi, và nói rằng tôi được toàn quyền với cuốn sách này. Nếu thật sự thấy cuốn sách cần thiết để đọc vào thời điểm này (lúc này tôi đang trong đội tuyển học sinh giỏi văn của trường), thì có thể đọc để tham khảo để tăng thêm kiến thức. Tôi mừng rơn, dành luôn ngày nghỉ hôm đó để đọc cho bằng hết cuốn sách. Điều mà tôi chẳng ngờ tới, rằng đó là một cuốn sách hay và ám ảnh đến nỗi tới giờ mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác đọc được đến tận trang cuối cùng. So với những mẩu truyện ngắn trước đó, “Bỉ vỏ” mang đến cho tôi một cái nhìn hoàn toàn khác về thế giới văn học, cho tôi thấy rằng những mẩu truyện trước kia tôi đọc chỉ là những lát cắt mỏng của cuộc sống con người trong thời điểm chiến tranh, bao cấp. “Bỉ vỏ” mở đầu bằng bối cảnh vùng quê Nam Định, trùng hợp thay đó lại là quê hương của mẹ tôi. Thế là liền sau đó, mẹ tôi cũng đọc cuốn sách, rồi đến lượt cha tôi đọc. Trong những bữa cơm tối những ngày sau đó, câu chuyện của cả nhà chỉ xoay quanh Bính, Năm Sài Gòn, về vấn nạn trộm cắp, móc túi…xuất hiện đầy dẫy ở Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội sau những năm tháng chiến tranh. Sau lần tin tưởng đó của cha mẹ, tôi tiếp tục với những cuốn tiểu thuyết, dĩ nhiên là có chọn lọc, và đa số là các cuốn tiểu thuyết Việt Nam trong giai đoạn văn học cận đại, xa hơn một chút là văn học cách mạng Pháp hay văn học Xô Viết. Thế giới của tôi cứ thế được mở rộng dần qua những trang sách. Thư viện trường thường xuyên được tôi ghé thăm, thầy hướng dẫn văn học cho tôi khá hài lòng vì sau cùng, tôi cũng có thể san sẻ tình yêu văn học với thầy chứ không chỉ quanh quẩn trong thế giới truyện tranh của tôi.
****
Sau này khi đã tốt nghiệp ngành điện ảnh, tôi đầu quân trong đoàn phim.
Sau nửa tháng vật vã quay cuồng ở bối cảnh, chú đạo diễn hỏi tôi rằng tôi có biết dựng phim không. Thật tình mà nói, vào thời điểm đó, kiến thức căn bản về dựng phim của tôi chỉ nhỉnh hơn con số 0 một chút. Vậy mà không hiểu sao, tôi không đắn đo, trả lời dứt khoát:
– Con biết cắt và ghép lại thôi, mấy phần về chỉnh này nọ con không làm được đâu chú!
– Vậy là đủ rồi, để chú liên hệ bên phòng kinh doanh cấp cho chú cháu mình cái phòng, làm tại công ty luôn. Mình dựng bản offline, sau khi hoàn thành đường dây dựng, mình về phòng dựng online. Chú tin là chú cháu mình sẽ làm tốt được bản offline này để khi làm online, mình nhẹ nhàng hơn rất nhiều trong vấn đề chỉnh sửa.
Thú thật mà nói, tôi lo lắm. Tôi nhận lời, đồng nghĩa với việc tôi sẽ vượt chặng đường 30km mỗi ngày để đến chỗ làm, chưa kể đến việc chưa biết tôi làm có trôi chảy không nữa. Nhưng mà đã nói là được rồi, chú đạo diễn cũng chấp nhận, tin tưởng và mở lời rồi, tôi đành theo lao luôn.
Trước tiên tôi dùng kế hoãn binh. Lấy cớ rằng sau khi đi quay cần vài ngày để nghỉ, tôi xin phép cho công việc được dời lại 4 ngày. Mọi người đồng ý. Trong 4 ngày đó, ngày nào tôi cũng sang phòng dựng của thằng em, ngó nghiêng, học hỏi những thao tác của nó sao cho thật “đỉnh”, thật “chuyên nghiệp”. Cái chính là tôi không muốn phụ lòng mọi người. Dù rằng đây là lần đầu tiên tôi cộng tác với công ty này nhưng chẳng hiểu sao tôi lại dành một tình cảm đặc biệt cho nó. Thế nên, chỉ cần có thêm thời gian cộng tác với nơi đây, tôi bất chấp tất cả. Sau ngày nghĩ lại, tôi thấy rằng mọi quyết định liều lĩnh thời bấy giờ của tôi bắt nguồn từ câu nói của chú Giám đốc mà chúng tôi hay gọi thân thương là “sếp tổng”: “Nghề không phụ lòng người đâu cháu à. Nếu cháu thực sự yêu mến và hết lòng vì cái nghề mà cháu đã chọn, thì nghề sẽ đền đáp lại trái ngọt cho cháu. Đừng vì một phút yếu lòng mà từ bỏ”. Với lòng tin của mọi người, tôi quyết tâm làm cho thật tốt công việc được giao.
Suốt một tháng trời sau đó, nhờ sự tin tưởng và kiên nhẫn của chú đạo diễn với một con nhóc loi choi chẳng có mấy kiến thức về dựng phim như tôi, chúng tôi cũng đã hoàn thành xong bản offline cho bản phim. Sau đó, chú đưa tôi lên phòng dựng online. Tại đây, tôi được mở mang tầm mắt, choáng váng với những trang thiết bị máy móc, những kỹ thuật dựng đỉnh cao mà nếu không nhờ chú tạo cơ hội cho làm bản dựng offline, tôi chẳng bao giờ có cơ hội được chứng kiến. Sau lần đó, tôi lại tiếp tục cùng chú làm một bản offline khác, và dĩ nhiên, lần này mọi chuyện trôi chảy hơn nhiều. Sau sáu tháng, tôi kết thúc công việc, hành trang mang theo là một mớ kiến thức về dựng phim căn bản và nung nấu quyết tâm cần đi học hỏi thêm nhiều để sau này có thể dựng phim sao cho thành thạo.
Mãi về sau này, tôi luôn biết ơn những người đã tin tưởng và trao cho mình một cơ hội. Nếu hồi đó cha mẹ giữ vững lập trường rằng “tiểu thuyết chỉ dành cho người lớn” và tịch thu cuốn sách đó của tôi, thì có lẽ, tôi chẳng bao giờ tôi có và gìn giữ được niềm say mê văn học cho đến tận bây giờ. Đó cũng là cột mốc quan trọng, khi mà sau những cuốn sách đó, tôi hình thành cho mình niềm say mê nghiên cứu và tìm hiểu những phong tục tập quán vùng quê ngoại. Nếu hồi đó chú đạo diễn chọn một người khác có khả năng dựng phim tốt hơn tôi, thì có lẽ bây giờ tôi vẫn mãi chỉ có thể làm những công việc của thư ký hay trợ lý mà hoàn toàn chẳng hề biết được sự tuyệt vời của việc cắt dựng phim, chẳng thể nào có thể dựng được những đoạn phim ngắn mà công ty tôi đang làm cần gấp, và cũng chẳng thể nào có được ước mơ đến một ngày có thể tự cắt và dựng một bộ phim ngắn của riêng mình.
Sự tin tưởng giữa những con người với nhau quả là mang sức mạnh khủng khiếp. Nó có khả năng thay đổi quan điểm và hướng đi của cả một đời người, theo những hướng tích cực mà không phải ai trong chúng ta cũng may mắn có được và nắm bắt.
Tác giả: Tùy Phong
Visited 12 times, 1 visit(s) today