SỐNG ĐẸP TUỔI TRẺ

Khu nhà tôi ở sát chân đồi, ngay cạnh một cánh đồng mênh mông rộng lớn. Và chỉ có ba nóc nhà lẻ loi ở đấy: nhà tôi, nhà anh Huy và nhà nhỏ Hạnh.

Anh Huy lớn hơn tôi và Hạnh năm tuổi, là con trai duy nhất của bác Toàn, gia đình bác di cư vào nam cùng đợt với nhà tôi và nhà nhỏ Hạnh, ngẫu nhiên lại ở cùng một khu heo hút, ba nhà chỉ biết nương tựa vào nhau. Ban ngày, ba chúng tôi cùng nhau đi học, tối về lại cùng nhau tụ tập ở nhà anh Huy để làm bài. Tuổi thơ chúng tôi quanh quẩn với nhau như thế.

Rồi khu xóm heo hút nhà tôi ngày một đông dần.

Năm tôi và Hạnh lên lớp 6, anh Huy lên lớp 10, phải đi học dưới trường huyện, khá xa. Lúc ấy nhà chúng tôi đều đã khá hơn nên bác Toàn thuê phòng ngoài huyện cho anh Huy trọ học, cuối tuần bác lên đón về nhà chơi. Chỉ chờ có thế, tôi và Hạnh hay canh me, nghe tiếng xe bác Toàn là cả hai bổ nhào ra, vây lấy anh Huy, không kịp để anh chào mẹ. Bác gái hiền lành, chỉ cười, nhắc chúng tôi cho anh đi rửa mặt để cùng ăn cơm. Được như thế độ vài tuần, những tuần tiếp sau đó, anh Huy không về nữa. Tôi và Hạnh trông ngóng mãi, chạy qua hỏi bác Toàn, bác Toàn cười xòa.

  • Nó bảo nó ở lại làm mấy việc tình nguyện gì đấy, thôi kệ, nó lớn rồi, đi đây đi đó cho biết…

Tôi với Hạnh tiu nghỉu đi về. Trẻ con mau quên, chung quanh nhà chúng tôi cũng đã có thêm hàng xóm, nên sự vắng mặt của anh Huy chỉ mang lại một cảm giác buồn thoáng qua như một cơn mưa mùa hạ. Tôi và Hạnh lại chơi với những đứa trẻ khác, mặc nhiên để anh Huy đi vào dĩ vãng.

Kết thúc năm thứ I đại học Y anh Huy mới về. Tôi và Hạnh chạy qua. Nhưng vừa đến cửa, mọi sự háo hức đã bay biến khi nghe giọng bác Toàn gằn mạnh.

  • Con nói nghiêm túc chứ?
  • Dạ, đó là mong muốn của con! – giọng anh Huy nhỏ nhẹ.

Tôi và Hạnh không hiểu chuyện gì, cứ im lặng nghe, nhưng rốt cuộc cũng chỉ thấy im lặng kéo dài và tiếng thút thít của bác gái.

Hôm sau, anh Huy kéo tôi và Hạnh đi giúp anh làm một việc “quan trọng”: đem sách giáo khoa và tập vở tặng cho những đứa trẻ trong xóm, thêm vào đó là những cuốn sách nhỏ về các vị thánh, các danh nhân. Tôi làm việc đó một cách nghiêm túc, dù không hiểu mục đích của anh Huy là gì, nhưng khi nhìn thấy những đôi mắt ánh lên vì sung sướng khi nhận được một bộ sách giáo khoa và năm mười cuốn vở của những đứa trẻ trong xóm, lòng tôi cũng xôn xao lạ. Suốt buổi hôm đó, chúng tôi đã đi bộ khoảng ba cây số, tặng sách và vở cho 20 em, đa số là tiểu học, một số là trung học.

  • Làm sao anh có được từng này sách vở thế ạ? – Không nén nổi tò mò, tôi đành cất tiếng hỏi khi cả ba sánh bước trên đường về.
  • Có gì đâu! Trên huyện người ta có điều kiện hơn ở mình, nhà mấy bạn có em nhỏ, sách học xong thường đem bán ve chai. Anh nói với họ hoàn cảnh của khu xóm mình, vậy là các bạn anh vui vẻ đem đến cho, nhiều người còn cẩn thận thay bìa bao mới, tẩy những vết bút chì đã viết trong sách nữa. Còn vở thì là tiền thưởng học sinh giỏi của anh dành dụm, anh nói ba mẹ cho anh để anh có tiền mua đó – Anh Huy mỉm cười.

Tôi và Hạnh chỉ còn biết im lặng và thán phục vì lòng tốt của anh đối với những trẻ em trong khu xóm, và trong lòng đứa nào cũng thầm tự hào vì ít ra mình đã giúp một chút công sức mang đến niềm vui cho các em nhỏ cho năm học tiếp theo.

Anh Huy ở lại quê thêm vài ba ngày rồi lên đường. Trong ngôi nhà quạnh quẽ, bác Toàn gái mới tỏ bày nguồn cơn nỗi buồn: Thì ra anh Huy ước muốn được cống hiến sự phục vụ của mình cho người nghèo, đặc biệt người nghèo dân tộc, bởi chính mắt đã chứng kiến nhiều gương sống đẹp từ các bác sĩ tâm huyết cho sự sống của con người. Cho dù bác Toàn đã nhờ nhặn người này người nọ để khi ra trường, anh Huy có thể có chỗ làm tương đối, được nhàn hạ, và cuộc sống không quá vất vả. Nhưng anh gạt đi và thẳng thừng tuyên bố: “Ba mẹ đừng mong con giúp được điều gì cho kinh tế gia đình. Y đức của người thầy thuốc là mạng sống con người”. Rồi bác Toàn gái kết luận:

  • Đấy, hai đứa thấy đấy. Thằng Huy lớn thế mà còn bồng bột lắm. Cứ tưởng cuộc đời này dễ nhá. Nó quá là ngây thơ. Thôi bác cứ kệ nó, muốn làm gì thì làm. Cuối cùng thì bác tin thế nào nó cũng phải ân hận vì những chọn lựa chẳng giống ai. Người ta ai mà chẳng lo để có đời sống an nhàn, thế mà nó lại viển vông.
  • Anh ấy cứ nghĩ mình là hiệp sĩ Đông-Ki-Khốt! – Bác trai thêm vào.

Tôi chỉ biết cúi đầu nghe chăm chú. Tôi tưởng từng lời nói của hai bác đang giáng trên chính mình, bởi đã có lần tôi nói với anh Huy: “Mai mốt em sẽ thi vào trường sư phạm để làm cô giáo. Em sẽ dạy cho các trẻ nghèo, mà dậy miễn phí nhé!”. Tuy nhiên, tôi có thể thông cảm cho hai bác vì chứng kiến những chắt chiu và niềm hy vọng mà hai bác đang đặt trên tương lai của Huy.

Bồng bột, ngây thơ… có thể như thế đấy, nhưng tôi nghĩ đời sống đâu chỉ có tiền, có quyền lợi, mà còn cả lý tưởng sống nữa chứ! Tôi nghĩ, Huy và tôi chẳng hề sai. Bởi chúng tôi cần sống đẹp tuổi trẻ của mình: sống hết mình, cháy hết mình, để ít ra, cho dù thế nào, chúng tôi không phải ân hận vì những rụt rè tính toán với đời và với người.

Tuổi tác và vị trí xã hội đôi khi chẳng giải quyết được nhiều vấn đề. Anh Huy đã cho tôi cảm nghiệm điều đó. Dù ở độ tuổi nào, dù có là gì đi chăng nữa, anh vẫn sống trọn vẹn với nhiệm vụ của mình trong gia đình và xã hội. Ai bảo tuổi trẻ là bồng bột? Nếu bồng bột được như anh, tôi cũng muốn lắm chứ? Bồng bột và đã sống có ích giữa đời, giúp được cho bao nhiêu mảnh đời trên đất nước này.

Bài viết: Tuỳ Phong


 

Visited 1 times, 1 visit(s) today