Giuse Nguyễn Xuân Quang, sdb
Bạn trẻ thân mến, trong tâm tình của tháng 10 (tháng Mân Côi), cùng với việc hưởng ứng một sự kiện rất quan trọng của Giáo Hội trong ngày 18/10 tới đây trong sáng kiến nhằm “Trợ giúp các Giáo Hội đang đau khổ vì đại dịch Covid-19”: “Vì hiệp nhất và hòa bình, một triệu trẻ em đọc kinh Mân Côi” để cầu nguyện cho thế giới, tôi muốn cùng các bạn chúng ta hãy chuẩn bị mình để tham gia tích cực cho sáng kiến này với câu hỏi: “Sao em không lần chuỗi?”. Tôi nghĩ rằng đây cũng là hiện trạng và não trạng của các bạn hiện nay trong khi chúng ta đã bước vào tháng 10 rồi, nhiều bạn sẽ tự hỏi: “Sao phải lần chuỗi, ích lợi gì, có còn hữu dụng hay không…? Trong suy tư này, làm tôi chợt nhớ đến Đức Ông Thi sĩ Xuân Ly Băng viết bài thơ “Sao không”, rất tâm tình và cũng rất dễ thương. Lời thơ như một lời nhắc nhở, hãy siêng năng cầu nguyện với Đức Mẹ bằng kinh Mân Côi một cách tâm tình như nói chuyện với Mẹ vậy. Nhạc sĩ Thông Vi Vu (ĐGM Giuse Vũ Duy Thống) dệt thành ca khúc “Sao không”, Tam Ca Áo Trắng hát với cả tâm hồn mến yêu.
Sao em không lần chuỗi?
Những lúc trời gió mưa,
Khi đêm về tăm tối,
Khi lá rụng vườn trưa.
Sao em không lần chuỗi?
Khi trời mới rạng đông,
Khi sương mai ngọt bùi,
Tỏa ngát trên ruộng đồng.
Sao em không lần chuỗi?
Cảm tạ MẸ nhân lành
Ơn MẸ như mưa tưới,
Hồn em cánh đòng xanh.
Sao không lần chuỗi?
Sao không lần chuỗi?
Bước đường em đi tới,
Lần chuỗi nhé em ơi!
Sao em không lần chuỗi?
Mái tóc thề chấm vai,
Bâng khâng ngày dong duổi
Nhung nhớ bóng hình ai.
Sao em không lần chuỗi?
Khi lặng ngắm chiều buông,
Trong cô đơn ngậm ngùi,
Lệ đắng chảy vào hồn.
Sao em không lần chuỗi?
Cảm tạ MẸ nhân lành
Ơn MẸ như mưa tưới,
Hồn em cánh đòng xanh.
Sao không lần chuỗi?
Khi trái gió trở trời,
Em mong manh yếu đuối,
Đến cùng MẸ em ơi.
Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhận định và quả quyết, trong Tông Thư “Rosarium Virginis Mariae” [RVM] (Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria) của Ngài ở số 42, về việc cầu Kinh Mân Côi với trẻ em và giới trẻ như sau: “Cầu nguyện bằng Kinh mân côi cho trẻ em, và hơn thế nữa, với các con cái, dạy dỗ chúng từ thuở ấu nhi biết ngừng lại mỗi ngày để cầu nguyện với gia đình, phải thú nhận rằng đó không phải là giải pháp cho mọi vấn đề, nhưng đó là một trợ giúp thiêng liêng mà ta không thể hạ giá. Người ta có thể phản đối là Kinh mân côi dường như khó mà phù hợp với sở thích của các trẻ nhỏ và người trẻ của ngày hôm nay. Nhưng có lẽ sự phản đối nhắm đến một cách thức nghèo nàn của việc đọc kinh Mân côi. Hơn thế nữa, nếu không có thành kiến với cơ cấu nền tảng của Kinh mân côi, thì không có điều gì ngăn cản các trẻ nhỏ và người trẻ cầu nguyện với Kinh mân côi – hoặc trong gia đình hoặc trong nhóm – với những trợ giúp có tính biểu tượng và thiết thực tương xứng để hiểu biết và quý trọng. Tại sao ta không thử? Với ơn Chúa giúp, một lối tiếp cận với người trẻ mà tích cực, sôi nổi và sáng tạo – như đã tỏ cho thấy qua các ngày Quốc tế Giới trẻ! – có khả năng đem lại nhiều kết quả đáng kể. Nếu Kinh mân côi được trình bày rõ ràng, tôi tin chắc rằng người trẻ sẽ lại một lần nữa làm cho người lớn ngạc nhiên vì cách họ làm cho lời kinh trở thành của riêng họ và đọc kinh với sự nhiệt tình đặc trưng của lứa tuổi họ”.
1. Chuỗi Mân Côi đã bị lãng quên
Tuy nhiên, thực tế ngày hôm nay nhiều người trong chúng ta, đặc biệt là giới trẻ chưa hiểu, chưa thuộc hoặc thậm chí là không biết Kinh Mân Côi là kinh gì, là kinh như thế nào và đọc ra làm sao. Đó cũng là một thách đố đòi hỏi trách nhiệm của những người hữu trách, của các bậc làm cha mẹ,… và của mỗi Kitô hữu chúng ta.
Trong mỗi người chúng ta, đâu đó đã một lần được nghe một câu hỏi hay một thắc mắc của một ai đó rằng Kinh Mân Côi là kinh gì? Đọc như thế nào? Đọc vào thời gian nào?… Nếu chúng ta không biết, không thuộc, không hiểu thì làm sao chúng ta có thể giải thích một cách thấu đáo, đầy đủ cho người hỏi được? Người lớn phải có trách nhiệm giải thích và dạy dỗ cho những người trẻ, đặc biệt là con em mình học hiểu và suy niệm về Kinh Mân Côi để giúp con em mình sống đạo ngày một tốt hơn.
Chúng ta thường viện vào nhiều lý do để “lãng quên” việc lần chuỗi mân côi, theo cha Giuse Nguyễn Thành Long thì có ba lý do chính yếu[1]:
– Thứ nhất là do não trạng chung, người ta vốn xem thường các việc đạo đức bình dân.
Vì là bình dân, nên nhiều người cho là bình thường, thậm chí là tầm thường, là việc của mấy bà già. Cơm bình dân thì giới bình dân ăn; việc đạo đức bình dân thì người bình dân làm. Đọc kinh, viếng Chúa, đi Đàng Thánh Giá đã mệt, lại còn mất công, tốn thời gian. Lần hạt thì toàn lặp đi lặp lại những kinh nhàm chán và buồn ngủ; trong khi đó cuộc sống hôm nay có những thứ khác hấp dẫn hơn, lý thú hơn nhiều. Rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ vẫn thường suy nghĩ như thế!
– Thứ hai là do cuộc sống ngày hôm nay vốn nhiều bận bịu lo toan, nhất là việc học hành, làm ăn.
Người lớn thì căng thẳng vì chuyện cơm áo gạo tiền, hay vì chuyện công ăn việc làm, có khi phải tăng ca tăng kíp, có khi làm ngày không đủ phải tranh thủ làm đêm. Người trẻ thì bù đầu vào chuyện học hành: học chính khóa, học thêm, học tăng cường, học phụ đạo, học nâng cao… Tất cả những thứ đó đã khiến cho nhiều người cảm thấy mệt mỏi sau một ngày làm việc, hay học hành; vì thế mà họ không còn hứng thú, hay sốt sắng để làm các việc đạo đức nữa.
– Thứ ba là do các thú vui giải trí từ ngành công nghệ truyền thông.
Đây là lý do chính. Rảnh rang được giờ nào là xem Tivi, chat chit, lướt web, hay chơi game. Tivi thì nhiều chương trình, nhiều kênh đài phong phú và hấp dẫn, phát sóng 24/24. Đặc biệt những chương trình nóng, “hot” lại rơi vào những giờ vàng, giờ Kinh Lễ, khiến cho người ta không sao rời khỏi cái màn hình Tivi – con quái vật một mắt. Nếu rời được cái Tivi thì quay sang ôm cái điện thoại, là thứ mà lúc nào cũng kè kè bên mình: hết gọi điện lại nhắn tin, hết nhắn tin lại chơi game, hết chơi game lại nghe nhạc, hết nghe nhạc lại selfie. Chưa hết, dứt được cái điện thoại, lại chụp ngay cái máy vi tính: lướt web, chat chit, xem phim, chơi game thỏa thích, v.v…
Ngày hôm nay không ai phủ nhận những tiện ích lớn lao từ cuộc cách mạng công nghệ thông tin mà Apple, Microsoft… mang lại cho con người. Thế nhưng, có thể nói Apple, Microsoft đang là những “nhà vô địch” trong việc “đánh cắp” các linh hồn. Dĩ nhiên, chính những người sử dụng các phương tiện, cũng có phần trách nhiệm vì đã “thỏa hiệp” với những “kẻ đánh cắp” ấy.
Viện cớ cuộc sống có nhiều áp lực và căng thẳng, nên cần giải trí, cần thứ giãn, và dần dà người ta sa đà và bị cuốn vào những thứ giải trí thường vô bổ. Hậu quả là gì? Hậu quả là các thứ này sẽ lấy hết những khoảng thời gian rảnh rỗi ít oi, và cũng xâm chiếm hết tâm trí của con người, khiến cho người ta không còn trí lòng nào, khoảng trống nào cho Chúa Mẹ và cho các việc đạo đức. Cầm điện thoại thích thú hơn cầm sách Lời Chúa, lướt web lý thú hơn lần hạt, chat chit chí thú hơn đọc kinh, v.v… Đây là một thực tế đối với nhiều bạn trẻ ngày nay.
Có thể nói chính vì những nguyên nhân trên mà lớp trẻ ngày nay đang bắt đầu rơi vào một cuộc “đại khủng hoảng” về các việc đạo đức, xa hơn sẽ là một “thảm họa” về đời sống thiêng liêng. Cứ thử xem trong giáo xứ có bao nhiêu bạn trẻ còn lần chuỗi Mân Côi mỗi tối, bao nhiêu thanh thiếu niên còn viếng Chúa Giêsu Thánh Thể mỗi ngày thì sẽ thấy thảm họa về đời sống thiêng liêng là không còn xa.
2. Để ghi nhớ: trách nhiệm của những bậc làm cha mẹ.
Trước hết, chính các bậc làm cha mẹ hãy nêu gương sáng cho con cái mình. Đây là điều quan trọng nhất. Nếu không chính các bậc làm cha mẹ là những người có lỗi trước mặt Chúa. Mai sau ra trước tòa phán xét, Chúa sẽ hỏi các bậc cha mẹ về trách nhiệm này, trách nhiệm răn dạy và làm gương sáng cho con cái của mình. Cha mẹ mà không có lòng yêu mến Chúa, không đọc kinh lần chuỗi thì khó mà mong con cái có được lòng yêu mến Chúa, Mẹ Maria và yêu mến chuỗi Kinh Mân Côi. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaol ô II khẳng định: “Quả là đẹp và mang lại kết quả khi phó dâng cho lời kinh này sự tăng trưởng và phát triển của các con cái. Kinh mân côi đã chẳng dõi theo cuộc đời của Đức Kitô, từ lúc thụ thai đến cái chết, và rồi từ phục sinh đến vinh quang sao? Các bậc cha mẹ càng ngày càng cảm thấy khó mà theo dõi cuộc sống của các con cái khi chúng tăng trưởng đến tuổi trưởng thành. Trong một xã hội với nền kỹ thuật tân tiến, các phương tiện truyền thông xã hội và toàn cầu hoá, mọi sự đều trở nên hối hả, và sự cách biệt văn hoá giữa các thế hệ đang gia tăng ngày càng lớn hơn. Những thông tin khác biệt nhất và những kinh nghiệm không thể đoán trước được nhanh chóng thâm nhập vào cuộc sống của các trẻ nhỏ và thiếu niên, và các bậc cha mẹ có thể rất lo âu về những nguy hiểm mà con cái đương đầu. Đôi khi các bậc cha mẹ rơi vào thất vọng não nề khi con cái thất bại trong việc chống trả những quyến rũ của nền văn hoá ma túy, sự lôi cuốn của chủ nghĩa khoái lạc vô độ, cám dỗ giải quyết bằng bạo lực, và những biểu lộ muôn mặt của vô nghĩa và thất vọng”. (RVM, 42)
Có một thực tế đáng buồn là ngày hôm nay, nhiều bậc cha mẹ phó mặc việc dạy dỗ con cái giữ đạo, sống đạo là việc của các cha xứ, của giáo lý viên,… Ước mong các bậc làm cha mẹ hãy quan tâm và danh thời gian để giáo dục con cái trong việc sống đạo, luôn làm gương cho con cái noi theo bằng chính những việc làm đạo đức đơn giản hàng ngày như tổ chức và duy trì thói quen giờ kinh sáng tối trong gia đình, đọc lời Chúa hằng ngày,… có như vậy con cái của chúng ta mới có thể sống đạo tốt và tương lai của mỗi người, mỗi gia đình và tương lai của giáo hội phụ thuộc vào chính những hành động nhỏ được duy trì và những lời kinh cầu nguyện của mỗi chúng ta ngày hôm nay.
Thứ đến, các bậc cha mẹ hãy quản lý con cái của mình, quản lý cái Tivi và cái máy vi tính. Đừng cho con cái mua sắm những cái điện thoại đắt tiền, nhiều chức năng mà không dạy chúng “cách sử dụng trước khi dùng”. Chúng sẽ tiêu tốn hết thời gian rảnh rỗi của nó vào những chuyện vô bổ, tả pí lù. Bởi vì chúng chưa biết làm chủ bản thân, chưa biết sử dụng đúng đắn. Thay vì những phương tiện đó đem lại những cái hay cái được, thì lại đem đến những cái dở cái mất: mất giờ, mất tiền, mất sức và mất nết. Hãy cho con biết sống “giờ nào, việc nấy”, biết quân bình và quản trị thời gian sống một ngày thật tốt những nhiệm vụ chính yếu của chúng: ăn, ngủ, học hành và vui chơi, giải trí…
Cuối cùng, các gia đình trẻ trong đời sống đạo hôm nay cũng phải đối mặt với nhiều thách đố của thời cuộc. Các bạn trẻ thường dành quá nhiều thời giờ cho công việc, cho những nhu cầu vật chất mà quên đi đời sống tinh thần sống đạo hàng ngày, quên thời gian dành cho Chúa và Mẹ Maria, quên cầu nguyện chung với nhau mỗi tối. Chính vì thế, hơn bao giờ hết, những gia đình trẻ nếu đang và sẽ bị các sự dữ tấn công, tiền tài, danh vọng, đam mê hưởng thụ và việc sống đạo gặp nhiều khó khăn bởi nhiều nguy cơ khác nhau nhằm lôi kéo các thành viên ra khỏi gia đình của mình, thảm họa ly lị ly thân ngày một tăng… thì Kinh Mân Côi chính là vũ khí lợi hại nhất để đẩy lui sự dữ. Hãy cậy trông và bám lấy Mẹ Maria thì chúng ta sẽ thoát khỏi đời sống Hôn Nhân rơi vào bế tắc, để hàn gắn lại vết đau thương và sống với nhau trong một gia đình hạnh phúc yêu thương nhau
3. Kinh Mân Côi, một kho tàng cần được khám phá
Để tránh sự nhàm chán khi lần chuỗi mân côi, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khuyên rằng: “Đọc kinh Mân côi đòi hỏi sự yên tĩnh và tập trung. Lời kinh đưa chúng ta đến với Chúa Kitô cùng với sự đồng hành, dẫn dắt của Mẹ. Khi lặp lại nhiều lần, các lời kinh vén mở cho chúng ta biết mọi ý nghĩa của chúng. Lời của sứ thần nói với Đức Maria: “Mừng vui lên hỡi bà đầy ân sủng”, cũng nói với dân tộc Israel, với nhân loại và toàn thể vũ trụ, hãy vui mừng với Mẹ. Ơn cứu rỗi bắt đầu từ lời kinh này.
Vì vậy, bất cứ khi nào chúng ta đọc kinh Mân côi, chúng ta luôn chia sẻ niềm vui đón nhận Đấng Cứu Thế của Đức Maria”. Và để tránh lặp lại “cách máy móc”, nghĩa là “làm mới lại” mỗi lần chúng ta suy niệm chuỗi hạt Mân Côi, Thánh Gioan Phaolô II đã mời gọi chúng ta cùng với Đức Maria suy niệm về mầu nhiệm cuộc đời của Chúa Kitô (Vui – Thương – Sáng – Mừng). Chúng ta có thể tập trung vào một hình ảnh hoặc vào một đoạn Tin Mừng, chẳng hạn như chậm rãi đọc lời chào của sứ thần hoặc chỉ đơn giản là suy niệm những khía cạnh khác nhau trong cuộc đời của Chúa Kitô vào những thời điểm khác nhau trong ngày. Thánh Gioan Phaolô II mời gọi: “Tôi nhìn đến toàn thể anh chị em, những anh em, chị em thuộc mọi bậc sống, đến anh chị em, các gia đình Kitô giáo, đến anh chị em, những người bệnh và cao tuổi, đến các con, những người trẻ: Hãy cầm lấy lại chuỗi mân côi với lòng tin tưởng. Hãy tái khám phá Kinh mân côi dưới ánh sáng của Kinh Thánh, trong sự hài hoà với Phụng vụ và trong bối cảnh của đời sống hằng ngày của anh chị em” (RVM, 43).
Ước mong chúng ta sẽ cùng nhau vào ngày 18/10 này, hãy cầm lấy lại chuỗi mân côi, bạn và tôi chúng ta với lòng tin tưởng: tái khám phá lại kho tàng chuỗi mân côi và cùng với Giáo Hội cầu nguyện cho những anh chị em chúng ta trên toàn thế giới hiện đang gặp rất nhiều khó khăn trong cơn đại dịch Covid-19 này. Nào hãy cùng bắt đầu từ hôm nay bạn nhé.
[1] Trích trong: Lần chuỗi mân côi – một việc đạo đức bị giới trẻ “xếp xó” (Nguyễn Thành Long).