SAO CON CỨ NÓI “KHÔNG”

Chuyện từ cuộc sống

Chị Mai băn khoăn chia sẻ với tôi: “Con em mới hơn 2 tuổi, thế mà ai nói gì nó cũng trả lời “không”. Không hiểu sao bỗng nhiên cháu lại đổ đốn ra như thế. Ngay cả em nói mà nhiều khi nó cũng hất miệng lại như thế. Một hôm đi trên xe buýt, muốn xỏ dép vào chân cho cháu mà cháu nhất định không chịu. Cứng cũng không được, mềm cũng không xong. Thái độ hỗn láo của cháu làm em nhiều khi cảm thấy xấu hổ và tự trách mình là đã không biết dạy một đứa con nhỏ trở nên ngoan ngoãn vâng lời. Mà lạ thật, tay chân cu cậu thì vụng về nhưng cứ đòi tự làm và không muốn sự trợ giúp của ai hết”.

Mỗi khoảnh khắc và mỗi giai đoạn trong cuộc đời đều rất quan trọng, mỗi hành vi và mỗi lối cư xử, dù ý thức hay vô thức, đều có nguyên do. Tuy thế, vẫn có những giai đoạn rất tế nhị trong tiến trình phát triển của một con người. Điều quan trọng là chúng ta nhận biết và giúp trẻ phát triển cách lành mạnh về mọi mặt. Khi tiếp cận với các bậc cha mẹ và học sinh, không ít lần Nhật Tâm đã được lắng nghe những tâm sự tương tự như vấn đề chị Mai đang quan tâm. Ước mong câu trả lời đơn sơ sau có thể lý giải được một vài khúc mắc cho các bậc cha mẹ có con cái trong độ tuổi.

Từ khi sinh ra con, cha mẹ quan sát con rất kỹ, nhờ quan sát với tình yêu cha mẹ chú ý và ghi nhận từng đặc điểm rất nhỏ và những nét rất riêng của con mình (ví dụ: Chị Hồng nói “thằng Bin nhà em, cứ vào khoảng 8 giờ tối là nó muốn đi ngủ, nó rất thích anh cháo nhưng nhất định không chịu ăn rau, nó rất thích chơi với con chó nhỏ…”). Một cách tự nhiên, khi con trẻ còn nhỏ cha mẹ quyết định thay cho con tất cả. Ví dụ: hôm nay con mặc áo này, đi đôi giầy này, ăn cái này thay vì ăn cái kia, thậm chí chơi với bạn này hay chơi với bạn khác…

Cho đến một ngày, mọi thói quen vẫn đều đặn như thế nhưng cha mẹ cảm thấy giật mình khi thấy cô bé, cậu bé của mình phản bác lại bằng những câu nói “không” cộc lốc. Điều này khiến nhiều bậc cha mẹ không khỏi băn khoăn.

Cha mẹ lưu ý nhé

Nhà tâm lý học Selma Fraiberg và nhiều nhà tâm lý học phát triển khác chuyên nghiên cứu về tương quan mẹ con đã nhận xét rằng những câu nói “không” đầu đời của bé, tuy chưa ý thức cao, muốn diễn tả và khẳng định với mẹ của mình là bé hiện hữu, bé là một người khác với mẹ, bé có suy nghĩ và quan điểm cá nhân riêng. Để bé được phát triển lành mạnh, rất cần một người mẹ có khả năng lắng nghe và thấu hiểu, cho bé có cơ hội khám phá và diễn tả bản thân mà không phải luôn luôn bị đè bẹp bởi những lời đe loi trách phạt cứng ngắc. Đứa trẻ có thể cảm thấy hoang mang và sợ hãi nếu cha mẹ và các nhà giáo dục bé coi đó là một hành vi nghiêm trọng và hỗn láo. Cha mẹ sẽ giúp cho bé thật nhiều nếu như biết đón nhận giai đoạn này của bé với sự bình tĩnh và dần dần giúp bé lý luận trên từng sự việc.

Giúp bé thế nào?

Để giúp bé học làm chủ bản thân cha mẹ cũng phải biết nói không cách tích cực và dứt khoát. Đây là một công việc đòi hỏi kiên nhẫn và thời gian hơn là đe loi và cấm đoán. Trong bối cảnh xã hội hôm nay, rất nhiều bậc cha mẹ rơi vào hai thái cực, hoặc là để con tự do muốn sao cũng được, thích gì cũng chiều, hay thái cực thứ hai đó là cấm đoán một cách nghiêm ngặt, không để sơ hở bất kỳ một điều gì. Cả hai lối diễn tả đều không giúp cho con cái chiếm hữu được khả năng làm chủ bản thân trong những lần xung khắc. Trong những trường hợp cha mẹ quá nghiêm khắc, la mắng gay gắt thì trẻ thường phản ứng mạnh mẽ để làm đòi “quyền” của mình và có những trẻ hờn dỗi thật lâu để đạt cho bằng được mục tiêu của mình. Và đến khi cha mẹ mệt mỏi, muốn cho yên chuyện nên phải đáp ứng các yêu cầu của trẻ. Nhưng lần sau trẻ sẽ tiếp tục dùng chiêu hờn dỗi đó vì kinh nghiệm rằng cứ làm như thế thì sẽ được thỏa mãn. Vậy phải cư xử với trẻ thế nào?

Trước hết các bậc cha mẹ hãy tỏ sự quan tâm tới trẻ, tránh để trẻ khóc hờn quá lâu và cũng không nên đáp ứng mọi nhu cầu của trẻ ngay lập tức. Bên cạnh đó, cũng có thể sử dụng phương pháp “đánh lạc hướng” trẻ bằng cách hướng trẻ đến những trò chơi hay hoạt động khác thích thú hơn. Bởi ở tuổi này trẻ vẫn dễ quên những đòi hỏi không hợp lý của mình và cũng dễ bị thu hút bởi những điều mới lạ khác.

Ví dụ: Bin cứ đòi chơi mắt kiếng của bố. Bố không muốn vì e rằng Bin sẽ đập bể nó. Thay vì quát mắng Bin gay gắt “buông ra, bỏ xuống” thì lấy một đồ chơi mà Bin ưa thích rồi làm cho nó trở nên hấp dẫn hơn. Nói với Bin rằng “cái này của con, còn cái này của bố”. Một thái độ kiên nhẫn và bình tĩnh sẽ giúp trẻ bớt cảm thấy hụt hẫng và biết tự chủ, tự lập hơn.

Tập dợt để đi vào cuộc sống

Khi khẳng định sự hiện hữu của mình thì không thể tránh được những xung đột, mâu thuẫn có thể đến từ bên ngoài hay bên trong. Khi diễn tả ý kiến cá nhân của mình thì không thể nào tránh được những đối kháng. Những câu nói “không” của trẻ chính là những lần tập dợt đầu đời để diễn tả suy nghĩ và sở thích của mình. Tuy thế, trẻ cần học biết là mình không phải là cái rốn của vũ trụ và mọi ước muốn của sở thích của mình có thể có liên quan đến những người xung quanh. Một nhân cách trưởng thành thường có khả năng dung hòa bản thân với người khác, dung hòa quan điểm của mình và quan điểm của người khác, không quá khẳng định bản thân và cũng không quá khúm núm sợ sệt, nhưng biết cách sống và tương quan với người khác. Những viên gạch đầu tiên để xây dựng một tòa nhà kiên cố quan trọng như thế nào thì, những giai đoạn tuổi thơ cũng ảnh hưởng rất lớn trên tiến trình phát triển và hình thành nhân cách của một con người như thế.

Thay cho lời kết luận, Nhật Tâm muốn nói với quý phụ huynh có con em ở tuổi 2 hay 3 rằng: Đừng hốt hoảng hay buồn phiền khi trẻ nói không, vì đó là điều sẽ xảy ra trong tiến trình tăng trưởng của một con người. Bình tĩnh và kiên nhẫn giải thích cho trẻ là một sự trợ giúp để em lớn lên, khẳng định bản thân và dần hình thành căn tính của mình. Kinh nghiệm này còn giúp em nhận ra sự khác biệt của mình với người khác.

Bài viết: Nhật Tâm


Visited 3 times, 1 visit(s) today