RMG – Thử thách cấp bách của Truyền giáo “Ad Gentes” ngày nay

(ANS – Rome) – “Mission Ad Gentes” là một thuật ngữ thường hay được trích dẫn. Nhưng nó thực sự có nghĩa gì? Nó không chỉ là nói về tình nguyện truyền giáo, kinh nghiệm truyền giáo hoặc gây quỹ cho các hoạt động truyền giáo. Từ “Missione”, từ tiếng Latinh missio, có nghĩa là “hành động sai đi”. Trong khi “Ad Gentes” chỉ ra một phong trào “hướng tới tha nhân”, đặc biệt là hướng tới những người không biết Chúa Giêsu hoặc những người đã biết Ngài nhưng đã từ bỏ đức tin Công giáo. Vì thế, “Missione Ad Gentes” là “nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng và thành lập Giáo hội giữa các dân tộc và các nhóm người chưa tin vào Chúa Kitô” (Ad Gentes 6).
 
Ngày nay, thuật ngữ “Missione” không thể chỉ được hiểu theo nghĩa địa lý, như một phong trào hướng tới “các vùng đất truyền giáo” trong quá khứ, mà còn phải được hiểu theo các thuật ngữ xã hội học, văn hóa và thậm chí cả về sự hiện diện trên lục địa kỹ thuật số. Do đó, “Mission Ad Gentes” có mặt ở bất cứ nơi nào có nhu cầu loan báo Tin Mừng, dù ở Châu Phi hay Châu Âu, trong rừng rậm hay trung tâm đô thị. Tương tự như vậy, “có một nhận thức mới rằng hoạt động truyền giáo là một vấn đề liên quan đến tất cả các Kitô hữu, tất cả các giáo phận và giáo xứ, các tổ chức và hiệp hội của giáo hội” (Redemptoris Missio 2). Nếu không có truyền giáo ad gentes, Tu hội Salêdiêng có nguy cơ tự đẩy mình vào tình trạng hướng nội vô ích hoặc kết thúc trong tình trạng tê liệt và mất phương hướng!! (Evangelii Gaudium 27,28)
 
Sách Công vụ Tông đồ chứa đựng một số yếu tố quan trọng như kim chỉ nam cho sứ vụ truyền giáo Ad Gentes của chúng ta ngày nay:
– Cuộc gặp gỡ của Sau-lô với Chúa Giê-su trên đường đi Đa-mát đã dẫn đến một sự hoán cải tận căn (Cv 9). Chúa Giêsu đã gặp Phao-lô và biến đổi ông hoàn toàn. Chúa Kitô là khởi điểm và là mục tiêu cần thiết của sứ mạng Ad Gentes. Đó là vì Chúa Kitô, trên Chúa Kitô và từ Chúa Kitô.
– Trong bài diễn văn của Thánh Phaolô tại Areopagus ở Athens (Cv 17:16-34), ngài đã trích dẫn một số triết gia và thi sĩ Hy Lạp để dẫn nhập vào khái niệm sự sống lại của kẻ chết và ơn cứu độ. Đây là một lời nhắc nhở rằng việc loan báo tiên khởi giúp tạo nền móng và có liên hệ mật thiết với sứ mạng ad gentes.
– Làm chứng cho Chúa Kitô bằng đời sống Kitô hữu đích thực là hoạt động trọng tâm của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi (Cv 2:44-45). Truyền giáo Ad Gentes nhất thiết phải đi kèm với những hành động thiện hảo tận tâm của Kitô hữu cũng như tích cực tìm kiếm những phương thế để giải thoát con người, đặc biệt là những người nghèo và bị gạt ra bên lề xã hội, khỏi bất cứ điều gì trói buộc họ và khiến họ xa rời Thiên Chúa.
 
– Hoạt động của Phi-líp-phê được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thân (Công vụ 8:26, 29, 39). Vì vậy, điều quan trọng ở chỗ, truyền giáo Ad Gentes phải nhận ra sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.
Truyền giáo sinh nhiều hoa trái khi ta biết nhận ra sự hoạt động của Chúa Thánh Thần trong các nền văn hóa, tín ngưỡng và tấm lòng của những người trước khi chúng ta đến. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng hướng dẫn, linh hứng và thúc đẩy truyền giáo ad gentes tiến tới. Thật vậy, Chúa Thánh Thần là tác nhân chính yếu của việc truyền giáo (Redemptoris Missio 21).
– Lễ Ngũ Tuần diễn ra như là kết quả của lời cầu nguyện trong phòng trên lầu cao (Cv 1:13-14). Ngay cả những phép lạ và sự chữa lành cũng xảy đến qua lời cầu nguyện (Cv 3:1-18; 28:8). Thật vậy, mọi môn đệ truyền giáo nhất thiết phải sống một đời sống chìm đắm trong cầu nguyện vì chính nhờ cầu nguyện mà người ta tìm được động lực, sức mạnh, sự khôn ngoan và tình yêu để dấn thân truyền giáo Ad Gentes.
Câu hỏi giúp suy ngẫm và chia sẻ:
Tôi phải làm gì để thúc đẩy truyền giáo Ad Gentes nơi tôi sống và làm việc?
Tôi đang ý thức thế nào về tầm quan trọng trong việc sống chứng tá đời sống Kitô hữu đích thực?
 
Cha Alfred Maravilla, SDB
Tổng Cố Vấn Truyền Giáo
Visited 63 times, 1 visit(s) today