PHÚC ĐƯỢC THA THỨ

Tờ báo Il Tireno của Ý phát hành ngày 16.02.2014 kể lại cuộc gặp gỡ thật cảm động giữa Claudia Francardi 45 tuổi, vợ của viên cảnh sát Antonio Santarelli bị giết trong khi làm nhiệm vụ, và Irene Sisi 39 tuổi, người mẹ của kẻ sát nhân là Matteo Gorelli 22 tuổi bị kết án 20 năm tù vì tội giết người. Lẽ ra sau thảm kịch ấy họ phải hay có thể căm thù nhau. Nhưng sự kỳ diệu của tình yêu và tha thứ đã biến hận thù thành bạn hữu. Hai người phụ nữ ấy đã trở thành bạn của nhau sau “một chặng đường hòa giải”. Chị Claudia Francardi cho biết chị đã mất một thời gian để hoán chuyển nỗi đau này và tìm được ý nghĩa cho cái chết của người chồng. Cùng lúc đó, chị Irene Sisi cũng đã tìm thấy sức mạnh khi nhận ra chính lỗi của chị trước trách nhiệm và bổn phận làm mẹ. Kết quả này không phải tự nhiên đạt được, cho dù cả hai người đều phải chiến đấu rất nhiều nơi cõi sâu tâm hồn mỗi người. Chị Claudia qủa quyết sự hoà giải và tha thứ này phải  đến từ Thiên Chúa. Sự tha thứ không phải là kết qủa của những nỗ lực từ chúng ta, mà đó là tặng phẩm, một ân phúc của Chúa Thánh Thần.

Đức Giê-su đã thiết lập Bí tích Hòa giải để chúng ta vừa được lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa , vừa trở nên chứng nhân của lòng Thương xót tha thứ của Người. Tuy chỉ mình Thiên Chúa mới có thể tha thứ tội lỗi, nhưng Đức Giê-su đã ban quyền đó cho các thừa tác viên chức thánh: Giám mục là người ưu tiên được chỉ định để tha tội. Còn linh mục là người cộng tác với giám mục trong việc tha tội này. Họ thay mặt Chúa mà tha tội.

Với hối nhân muốn lãnh nhận Bí tích Hòa giải, họ cần thực hiện 4 việc: Xét minh – Ăn năn dốc lòng chừa – Xưng tội – Đền tội. Hối nhân ăn năn trở lại và thừa tác viên chức thánh nhân danh Thiên Chúa tha tội cho người ấy.

Đền tội là trả lại hay đền bù sự gì bất công mình đã sai phạm. Đền tội không phải chỉ làm trong ý nghĩ, nhưng phải tỏ ra trong việc bác ái và liên đới với người khác. Người ta cũng đền tội bằng cầu nguyện, ăn chay, giúp người nghèo về tinh thần và vật chất. 

Vấn nạn được nêu lên ở đây: Nếu không có tội nặng, người tín hữu có được xưng tội không? Câu trả lời rằng: Không có tội nặng thì không buộc xưng tội. Nhưng xưng tội là một ơn lớn để được chữa lành và làm cho người ta được kết hợp chặt chẽ hơn với Chúa.

Vậy có tội nào nặng đến nỗi linh mục bình thường không tha được không? Có những tội mà con người hoàn toàn quay lưng lại với Chúa vì mức độ nặng nề của nó, nên không những mắc tội nặng, nhưng còn bị vạ “tuyệt thông” nữa. Để chứng tỏ mức độ nặng nề đó, chỉ có giám mục tha vạ này. Trong ít trường hợp, chỉ độc nhất Đức Giáo hoàng mới có quyền tha vạ tuyệt thông. Tuy nhiên, trong trường hợp nguy tử (vì phần rỗi linh hồn), bất cứ linh mục nào cũng được tha mọi tội và vạ tuyệt thông.

Bạn thân mến!

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong một buổi tiếp kiến chung, đã tha thiết kêu gọi các tín hữu đến với Bí tích Hòa giải: “Anh chị em đừng sợ đi xưng tội! ngay cả xấu hổ khi xếp hàng xưng tội. Nhưng hãy nhớ, sau khi xưng tội xong, chúng ta ra về thơi thới tự do, lớn hơn, đẹp hơn vì được tha thứ, trong trắng hơn, hạnh phúc hơn vì được tự do, được đón nhận lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, tìm lại được chính mình, giao hòa với Chúa, với Hội Thánh, với anh em và với vạn vật”.

Bí tích Hòa giải tỏa sáng cách đặc biệt trong Năm thánh Lòng Thương Xót này. Bạn hãy hoàn toàn tín thác vào lòng thương xót Chúa được tỏ lộ cách cụ thể cho bạn qua các thừa tác viên của lòng thương xót. Cầu chúc bạn trải nghiệm được lòng thương xót của Thiên một cách ý nghĩa và trọn vẹn trong năm thánh này.

Diễm Hương, FMA


Visited 12 times, 1 visit(s) today