Nguyễn Xuân Quang sdb
1. Bối cảnh cuộc sống hôm nay
Sợ hãi là một phần của bản năng con người. Chúng ta được sinh ra với nỗi sợ hãi được in trong não, và nó được viết bằng mã di truyền. Trong thời nguyên thủy, sự sợ hãi là một công cụ sinh tồn mạnh mẽ, có biết sợ mới có thể sống và tồn tại được, chỉ khi nào “điếc mới không sợ súng” mà thôi. Nhờ có nỗi sợ, tổ tiên chúng ta đã không lao vào đầm lầy hay khu rừng đầy thú ăn thịt, không tự đốt mình khi đám lửa bùng lên.
Vậy có nghịch lý hay không, khi chúng ta sống trong thời hiện đại hôm nay, một thế giới an toàn hơn, tuổi thọ của chúng ta ngày càng cao hơn, kỹ thuật hiện đại hơn, sự hiểu biết rộng lớn hơn, nhưng nỗi sợ hãi của chúng ta vẫn chưa biến mất? Và có lẽ nó càng nhiều và nặng hơn thì phải. Nhưng đây là quy luật: cùng với sự phát triển của xã hội loài người, nỗi sợ hãi cũng phát triển, thay đổi hình dạng. Theo thống kê của trang The Phobias List, có 530 nỗi sợ được gọi một lần. Bạn sẽ nhận ra rằng hầu hết mọi thứ trong cuộc sống đều gắn liền với một nỗi sợ hãi.
Không có gì lạ khi các nỗi sợ lớn nhất của thế kỷ 21 đều liên quan đến trạng thái cô đơn và mất kết nối. Bởi vì đặc trưng của thời đại này là cuộc cách mạng công nghệ và thông tin liên lạc, lại diễn ra với tốc độ chóng mặt. Cũng giống như tổ tiên từng đắn đo trước một vùng đất lạ, bộ não chúng ta đang tiết ra những chất hóa học âu lo để nhắc nhở, ghìm cương ta lại trước một thế giới mới mẻ nhưng cũng đầy rẫy nguy cơ.
Có một nhận thức về nỗi sợ hãi rất hữu ích, được khái quát bằng câu nói nổi tiếng của Franklin D. Roosevelt: “Không có gì đáng sợ bằng bản thân của nỗi sợ.” Nỗi sợ không ở ngoài kia, mà nằm ngay bên trong chúng ta. Nỗi sợ là thứ thuộc về tinh thần, vì thế chúng ta sẽ vượt qua nó bằng chính sức mạnh tinh thần. Những người trẻ thế kỷ 21 – những người sinh ra và lớn lên cùng Internet, smartphone và mạng xã hội – đang phải đối diện với màn đêm sâu thẳm hơn, vô định hơn, khi giai đoạn trưởng thành của chúng ta cộng hưởng thêm nhiều nỗi sợ mới. Người trẻ vẫn luôn phải sống cùng nỗi băn khoăn và sợ hãi vô hình về sự tồn tại. Nhưng có lẽ, so với những người trẻ của thế kỷ trước, ngày nay nỗi sợ đó biểu hiện rõ ràng hơn, đa diện hơn. Đơn giản, bên cạnh đời sống thực tế, chúng ta có thêm môi trường hiện diện mới: Thế giới mạng.
Những phát kiến khoa học mở ra trước mắt chúng ta một vũ trụ mênh mông vô tận. Nhưng nhận thức về sự nhỏ bé chỉ thật sự đến khi ta tiếp xúc với mạng xã hội. Không còn quẩn quanh trong các mối quan hệ gần gũi, ta có thể mở rộng liên hệ với bất kỳ ai trên địa cầu. Ta thấy mình ở trong một vòng tròn của những mối quan hệ khổng lồ và náo nhiệt. Chúng ta là một phần của mạng lưới, nhưng nếu một ai đó biến mất thì mạng lưới ấy cũng có ảnh hưởng gì đâu. Sâu trong cảm thức, mỗi cá nhân dần nhận biết sự tồn tại của chính mình bấp bênh và bé mọn thế nào. Do đó nỗi sợ hãi, biểu hiện theo hai hướng: sợ mọi thứ trên Internet và sợ mình không xuất hiện trên Internet. Giới trẻ vẫn thường nói với nhau: “mất gì tao không sợ, tao chỉ sợ mất mạng (wifi) thôi!!!”. Không gian ảo là một nguồn xúc tác cho nhiều nỗi sợ khác nhau.
Internet và mạng xã hội cho ta cảm giác tự do. Chúng ta tin rằng chúng ta đang chủ động, nhưng chúng ta chịu sự chi phối của chính nó “mạng” (internet). Chúng ta hãy cùng quan sát các hoạt động hàng ngày của một bạn trẻ: sáng sớm, việc đầu tiên cần làm là lấy điện thoại, kiểm tra xem có tin nhắn nào đến trong đêm hôm qua không. Trong bữa sáng, bạn trẻ ấy đọc email, kiểm tra xem ai thích bài mình đã đăng /ảnh của mình trên Facebook, Twitter, Instagram. Ở giảng đường hay nơi làm việc, chốc chốc ta liếc mắt qua trang báo mạng ưa thích xem có tin tức gì mới. Và tất nhiên, (đặc biệt các bạn nữ) sao có thể cưỡng lại sức hấp dẫn của news feed (go food)…, rồi ta cần thả tim, gõ vài bình luận dưới một clip hay một bức ảnh… Trong lớp học hoặc tại nơi làm việc, thỉnh thoảng lướt web để xem tin tức trực tuyến … Những hành động này lặp lại cho đến khi chúng ta đi ngủ. Thế là cả một ngày sống, bạn hoàn toàn chìm ngập trong thế giới ảo, giao tiếp với con người ảo, môi trường làm việc ảo, và thậm chí sống ảo. Trong tâm trí bạn luôn có dòng chảy liên tục của hình ảnh, bình luận, số lượt thích, lượt thả tim, thả yêu thương; xem xét thông tin nào được công bố để được chú ý và tương tác. Nhìn sâu hơn, đó là một nỗi ám ảnh về sự hiện diện. Viễn cảnh không thể trò chuyện và những sự kiện nóng bỏng sẽ khiến chúng ta lo lắng, và gần như bị lãng quên. Internet đã phát triển rất nhanh, vượt qua cảm giác về thời gian của mọi người. Các nhà khoa học cho biết bộ não con người không được thiết kế để chống lại những thay đổi trong cách giao tiếp quá nhanh. Như một phản ứng phòng thủ, những nỗi sợ hãi mới tự phát sinh, được gọi với một cái tên khá thời trang: «iFear» (tương tự như iPhone, iPad, iTune, iMac…).
Trong giới hạn của bài viết này, tôi nhấn mạnh đến ba nỗi sợ phải đối mặt của những người trẻ ở Việt Nam hiện nay:
Thứ nhất, nhiều người trẻ nói rằng họ tin rằng thế giới là một nơi rất nguy hiểm. Hầu hết những người được phỏng vấn đều nói rằng thế giới hiện tại quá nguy hiểm, từ bệnh tật, tội ác, thảm họa môi trường đến khủng bố, chiến tranh … Bạn có tin vào điều này không? Vào thập niên 90, ở Nhật xuất hiện khái niệm Hikikomori[1] – những người trẻ chỉ muốn sống trong 4 bức tường, không đi học đi làm, không giao tiếp xã hội, và tất nhiên không lập gia đình. Vốn dĩ họ giống như mọi người bình thường khác. Nhưng do một sự kiện nào đó, thường là áp lực từ gia đình hoặc xã hội, khiến họ trở nên sợ hãi thế giới ngoài kia, từ chối trở thành một phần trong đó. Hikikomori thường được dùng làm ví dụ cho mặt trái của đời sống hiện đại. Trong mắt một Hikikomori, bước ra thế giới bên ngoài giống như lạc vào hành tinh xa lạ.
Ở một lẽ nào đó, môi trường Internet là xúc tác cho nhiều nỗi sợ của các Hikikomori thế kỷ 21. Nhiều bạn trẻ cho biết họ cảm thấy thế giới là nơi cực kỳ nguy hiểm. Năm 2016, sau cuộc khảo sát ở hơn 100 nước với hàng trăm ngàn người tham gia, tờ Rolling Stone nhận định: “Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên sợ hãi”. Hầu hết người được hỏi đều cho rằng thế giới hiện tại quá nhiều hiểm nguy, từ bệnh tật, tội phạm, thảm họa môi trường cho đến khủng bố, chiến tranh… Không tin ư? Bật máy tính hoặc điện thoại của bạn, tìm hiểu thông tin nào thu hút sự chú ý của bạn lần đầu tiên! Phân tích thêm các nỗi lo sợ bắt nguồn từ Internet, có thể thấy người trẻ chúng ta vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân của chính mình. Mạng xã hội tiềm ẩn nhiều mối đe dọa. Những kẻ bắt nạt ngoài đời xem ra ít đáng sợ hơn so với những kẻ bắt nạt trên mạng. Bạo lực tinh thần ngày càng nghiêm trọng hơn. Chúng ta trở nên dè chừng bởi một hình ảnh ngớ ngẩn hay câu nói dại dột nào đó của bản thân cũng có thể trở thành đề tài đàm tiếu trên Facebook. Nỗi lo âu hình ảnh và uy tín bị hủy hoại là có thật. Ta lo lắng sự riêng tư bị xâm phạm. Tuy nhiên, ta không thể dừng thói quen phơi bày các khoảnh khắc riêng tư cũng như hứng thú đào bới sự riêng tư của người khác. Ai trong chúng ta chưa từng tung lên các hình ảnh ăn uống, tiệc tùng, du lịch, thậm chí cả trong phòng ngủ? Và tệ hại hơn nữa, một lệch lạc rất lớn của các bạn trẻ hôm nay khi đánh đồng quan niệm “có sao nói vậy”, “tốt khoe xấu che” khi sẵn sàng livestream cả những điểm nhạy cảm nhất trên cơ thể mình để câu views, để thu hút sự hiếu kỳ và để đạt mục đích “lợi nhuận kinh tế” với châm ngôn “miễn sao có tiền là được”.
Bạn có biết không, Internet và mạng xã hội là vùng đất tự do. Nhưng tính ẩn danh của nó là nguồn cơn kích hoạt rất nhiều thói xấu: Đố kị, hung hăng, khoe mẽ… Ở một khía cạnh nào đó, người sử dụng các công cụ này đều có khả năng trở lại “tính ác” nguyên thủy, sẵn sàng lao vào nhau đả kích hay hùa vào đám đông nào đó để ném đá con mồi. Bằng các thông tin thật giả lẫn lộn (Fake news), Internet còn biến con người thành những con rối mang cảm xúc thái quá. Chúng ta dễ dàng nổi giận vì một tin tức vu vơ chưa kiểm chứng, nối tiếp là nỗi thất vọng, buồn nản hoặc lo âu. Chuỗi phản ứng thường xuyên này dần dần biến thành trạng thái bất ổn, lan truyền theo mạng, tạo nên một môi trường căng thẳng dù cuộc sống thực tế vẫn tiến triển theo chiều hướng tích cực.
Thứ hai, đó là những áp lực vô hình. Khác với cha anh, thế hệ Millennials (thế hệ mới) có một nhận thức mạnh mẽ về sự quý giá của thời gian. Tuổi trẻ chỉ có một lần, vậy nên có một thôi thúc mạnh mẽ về việc tận hưởng và trải nghiệm càng nhiều càng tốt. Trào lưu “YOLO”[2] hay còn gọi là “Rủ Nhau Đi Trốn” là những minh chứng. Tuy nhiên, chính nỗi sợ “sống không đủ” này tạo nên kiểu áp lực mới. Nếu trước kia, cuộc sống cá nhân chỉ là của riêng mỗi người, thì nay đã khác. Chúng ta khao khát trải nghiệm nên dễ bị ảnh hưởng bởi trải nghiệm mà người khác phô bày trên mạng. Chẳng hạn như khi thấy những ai đó du lịch, thưởng ngoạn, tức khắc trong đầu ta phác thảo ngay kế hoạch lên đường. Áp lực càng đè nặng khi người xung quanh đã thực hiện xong những chuyến du hành. Ta không muốn bị bỏ lại, ta sợ hãi bị xem là kẻ lạc thời, ta muốn nếm trải những điều đang được bàn tới. Ta nỗ lực để được như thế, dù đôi khi đó không hẳn là điều thực sự cần thiết cho ta.
Tương tự, việc phải sở hữu những món đồ đắt giá, tận hưởng dịch vụ cao cấp cũng trở thành một kiểu áp lực mới. Dĩ nhiên có áp lực sẽ có nỗ lực phấn đấu vươn lên. Tuy nhiên, khi chưa đạt tới “chuẩn mực”, nhiều bạn trẻ tủi thân, mặc cảm, buồn bã và cả lo sợ. Sống ảo là một giải pháp cho tình thế này. Thực sự, khi đọc những bài bóc mẽ ai đó sử dụng hàng fake, dùng đồ đi mượn để sống ảo, có lẽ chúng ta nên cảm thông hơn là chế giễu. Bởi sâu xa, những người trẻ ấy cũng là nạn nhân của nỗi ám ảnh từ thế giới mạng mà thôi.
Chưa có thời đại nào mà đòi hỏi về diện mạo tác động đến từng cá nhân sâu sắc như hiện tại. Xấu xí, kém hấp dẫn, không hợp thời trở thành nỗi lo sợ không riêng với các cô gái mà cả các chàng trai. Bạn có cằm V-line chưa? Da bạn không trắng trẻo nhỉ? Bạn xấu hổ không khi quá to béo? Sao bạn dám khoác lên người bộ thời trang năm một ngàn chín trăm hồi đó? Những vụ “bóc phốt” sự khác biệt giữa hình ảnh thật ngoài đời và hình ảnh trên mạng không hoàn toàn đem đến tiếng cười. Nhìn sâu vào các sự vụ ấy, ta nhận ra cách mà thế giới mạng đang điều khiển chúng ta, mang đến vô số hệ lụy chua chát.
Nhưng có lẽ, không có nỗi sợ nào kinh khủng bằng nỗi sợ “không thành công”. Các nhà xã hội học chỉ ra đây chính là căn bệnh của thời đại. Định nghĩa thành công thời hiện tại đã thay đổi rất xa. Ngoài việc đạt được các mục tiêu về vật chất hay sự nghiệp, giờ đây, thành công còn hàm chứa nhu cầu được công nhận, được xã hội xung quanh ngưỡng mộ. Không đạt được mục tiêu này, hay nhận ra năng lực của bản thân có giới hạn, nhiều người trong số chúng ta rơi vào nỗi thất vọng sâu thẳm. Ta sợ hãi trước viễn cảnh mãi mãi là một kẻ nhỏ bé thoáng qua, một hình nhân vô nghĩa giữa cuộc đời. Vì sao tôi không được sinh ra ở gia đình tốt hơn? Vì sao tôi không giỏi giang như người khác? Hay vì sao tôi không thể may mắn như họ? Thay vì là động lực thúc đẩy phấn đấu, những câu hỏi ấy lại khiến rất nhiều người trẻ hôm nay dằn vặt bất an và mặc cảm nhiều hơn.
Cuối cùng, có lẽ không có nỗi sợ nào tệ hơn nỗi sợ “thất bại” (bản thân của nỗi sợ hãi). Các nhà xã hội học chỉ ra rằng đây là căn bệnh của thời đại. Định nghĩa hiện tại của thành công đã thay đổi từ xa. Ngoài việc đạt được các mục tiêu vật chất hoặc nghề nghiệp, thành công bây giờ cũng chứa đựng nhu cầu được công nhận và ngưỡng mộ bởi xã hội xung quanh. Không đạt được điều này hoặc nhận ra rằng khả năng của chúng ta bị hạn chế, nhiều người trong chúng ta rơi vào trầm cảm. Tại sao tôi không được sinh ra trong một gia đình tốt hơn? Tại sao tôi không tốt như những người khác? Hay tại sao tôi không thể may mắn như họ? Thay vì là động lực đằng sau cam kết, những câu hỏi này khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy bất an và tội lỗi hơn ngày hôm nay.
2. Phân tích bối cảnh trong nhãn quan thần học (cái nhìn đức tin)
Chúa Kitô sống. «Người ở trong các con, Người ở với các con và Người không bao giờ bỏ rơi các con. Dù các con có lạc xa đến đâu đi nữa, Người, Đấng Phục Sinh, vẫn luôn ở đó. Người gọi các con và Người chờ đợi các con quay về với Người và làm lại từ đầu. Khi các con cảm thấy mình già đi vì đau khổ, giận hờn hay sợ hãi, nghi ngờ hay thất bại, Người sẽ luôn ở đó để phục hồi sức mạnh và niềm hy vọng của các con». (ChV. 2) Thiên Chúa biết mọi sự đang diễn ra trong chúng ta. Ngài biết rõ những thách thức chúng ta gặp phải trong cuộc sống, đặc biệt là khi chúng ta phải đối mặt với những lựa chọn cơ bản về việc chúng ta sẽ như thế nào và chúng ta sẽ làm gì trong thế giới này. Đó là “sự hồi hộp” mà chúng ta cảm thấy khi phải đối mặt với các quyết định về tương lai, tình trạng sống, và ngay cả “ơn gọi” của chúng ta. Trong những khoảnh khắc này, chúng ta vẫn gặp rắc rối và chúng ta vẫn đang mang trong mình nhiều nỗi sợ hãi.
Không phải Kinh thánh không biết đến những kinh nghiệm của con người về nỗi sợ cũng như những nguyên nhân của sợ hãi. Abraham đã sợ hãi (x. St 12,10), Giacop đã sợ hãi (x. St 31,31; 32,7), và Môsê (x. Cr 2,14; 17,4), Phêrô (x. Mt. 26,69tt) và các Tông đồ (x. Mc 4,38-40; Mt 26,56) cũng rơi vào nỗi sợ hãi như thế. Chính Chúa Giêsu, mặc dù theo cách không thể sánh được, cũng đã cảm nghiệm nỗi sợ hãi và thống khổ (x. Mt 26,37; Lc 22,44). Đức Maria, giống như những người khác trong Kinh Thánh, run rẩy trước mầu nhiệm trong lời mời gọi của Thiên Chúa, là Đấng trong giây phút ấy đã đặt trước Mẹ sự bao la trong kế hoạch của chính Người và làm cho Mẹ cảm thấy tất cả sự nhỏ bé của mình như một sinh vật khiêm tốn. Thánh Thiên Thần, nhìn thấu sâu thẳm con tim Mẹ, nên nói: “Đừng sợ!” Thiên Chúa cũng đọc thấu tận cùng tâm hồn của chúng ta. Người biết rõ những thách đố mà chúng ta phải đối mặt trong cuộc sống, đặc biệt là khi chúng ta phải đối mặt với những lựa chọn cơ bản quyết định chúng ta sẽ là gì và sẽ làm gì trong thế giới này. Đó là cái “rùng mình” mà chúng ta cảm thấy khi phải đối mặt với những quyết định về tương lai, điều kiện sống, và ơn gọi của chúng ta. Trong những giây phút như thế chúng ta thấy mình bối rối và bị tóm lấy bởi bao nhiêu những nỗi sợ. Chúa luôn mời gọi bạn: “đừng sợ”. Đừng sợ hãi vì Chúa luôn ở bên bạn. Đừng sợ hãi vì Chúa Giêsu Kitô đã chinh phục thế giới. Ngài cũng đã trách các môn đệ, vì họ thiếu niềm tin và sợ hãi: “Sao nhát thế? Sao anh em vẫn chưa có lòng tin như thế?” (Mc 4:40). Khi khuyên nhủ các môn đệ của mình, Chúa Giêsu giúp chúng ta hiểu được lý do tại sao trở ngại chính cho đức tin thường không phải là sự hoài nghi nhưng chính là sự sợ hãi. Như thế, chúng ta hiểu được rằng việc phân định giúp nhận ra những nỗi sợ của chúng ta, và sau đó, có thể giúp chúng ta vượt qua chúng, mở đường cho chúng ta đến với sự sống và giúp chúng ta bình tĩnh đối mặt với những thách thức đang xảy đến với mình. Đối với chúng ta đặc biệt là các Kitô hữu, những nỗi sợ không bao giờ có tiếng nói chung cuộc nhưng trái lại nên là một dịp tốt để thể hiện đức tin nơi Thiên Chúa… và nơi cuộc sống! Điều này có nghĩa là tin tưởng vào sự tốt lành cơ bản của sự hiện hữu mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta và tin tưởng rằng Ngài sẽ dẫn dắt chúng ta đến một kết thúc tốt đẹp, thậm chí dù có phải vượt qua những hoàn cảnh và những thăng trầm làm chúng ta hoang mang. Tuy nhiên, nếu chúng ta che giấu những nỗi sợ, chúng ta sẽ trở nên hướng nội và đóng cửa để bảo vệ bản thân khỏi mọi thứ và mọi người, và chúng ta sẽ bị tê liệt. Chúng ta phải hành động! Không bao giờ tự chôn kín chính mình! Trong Kinh Thánh, cụm từ “Đừng sợ” được lặp đi lặp lại đến 365 lần với các biến thể khác nhau, như để nói với chúng ta rằng Chúa muốn chúng ta thoát khỏi sợ hãi, mỗi ngày trong năm.[3]
Sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống ngày nay là rất quan trọng. Đây là điều kiện để chúng ta sống đức tin; bởi vì sau khi được nuôi dưỡng bởi Bánh Sự Sống (Bí tích Thánh Thể), sau một kinh nghiệm đức tin mạnh mẽ, chúng ta bắt đầu với sự lo lắng, để bắt tay vào một cuộc sống không mấy tươi sáng. Đặc biệt là đối mặt với các sự kiện mới đang diễn ra trên khắp thế giới, động đất, sóng thần, tai nạn, gió lốc, chiến tranh, đã giết chết rất nhiều người khi chúng ta không bao giờ nghĩ rằng cái chết lại đến quá nhanh như vậy, v.v … “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” (x. Mc 4, 38): họ nghĩ rằng Chúa Giêsu không quan tâm đến họ, rằng Ngài không quan tâm đến họ. Giữa chúng ta, trong các gia đình, một trong những điều làm đau lòng nhất, đó là khi chúng ta nghe nói: ”Anh chẳng quan tâm gì đến em sao?”. Đó là một câu làm thương tổn và tạo nên bão tố trong tâm hồn. Câu ấy cũng làm tổn thương cả Chúa Giêsu. Vì chẳng có ai quan tâm đến chúng ta hơn Ngài. Thực vậy, sau khi được kêu cầu, Chúa đã cứu vớt các môn đệ thiếu lòng tin[4].
Chúa Giêsu đã thấy trước những khó khăn, thử thách và đấu tranh dai dẳng mà các môn đệ sẽ phải đối mặt với các thế lực trần gian, do đó Ngài trấn an các môn đệ: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục” (Mt 10,28 ). Bằng cách thấy trước cuộc bức hại mà các Tông đồ sẽ phải đối mặt, Chúa Giêsu trấn an chúng ta: đừng sợ! Lời trấn an này không chỉ là một lời an ủi, khích lệ và tâm lý, mà còn là một từ đi kèm với quyền năng đồng hành của Thiên Chúa “bởi vì Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (x. Mt 28,20). Đây là một sức mạnh tương đương với vũ khí bảo vệ được đưa ra như một cuộc chiến khi bạn phải chiến đấu một mình chống lại mọi nghịch cảnh. Do đó, sau đó, hầu như không có môn đệ nào sợ sức mạnh của thế giới, bắt bớ kẻ thù.
3. Cùng người trẻ vượt qua nỗi sợ hãi (đồng hành)
Và hỡi các bạn trẻ, nỗi lo sợ của các bạn là gì? Điều gì làm các bạn lo lắng nhất? Một nỗi sợ hãi “tiềm tàng” của nhiều bạn là lo sợ mình không được yêu, không được ái mộ hay không được chấp nhận trong tình trạng như mình hiện là. Ngày nay, có rất nhiều người trẻ cảm thấy cần phải khác với những gì họ thực sự đang có, trong một nỗ lực để thích ứng với một tiêu chuẩn thường khi là giả tạo và không thể vươn tới được. Họ liên tục “photoshop” hình ảnh của mình, núp đằng sau những mặt nạ và những bản sắc giả, đến mức gần như làm giả chính bản thân mình. Nhiều người bị ám ảnh bởi việc càng nhận được nhiều cái “likes” càng tốt. Nhiều nỗi sợ hãi và những bất định xuất hiện từ cảm thức thấy mình không thích hợp này. Những người khác sợ rằng họ sẽ không thể tìm thấy một sự an toàn về tình cảm và rằng họ sẽ mãi mãi cô đơn. Nhiều người, đối diện với sự bấp bênh của công ăn việc làm, sợ không thể tìm được một vị trí nghề nghiệp thỏa đáng, hoặc không thể hoàn thành ước mơ của họ. Ngày nay, một số lượng lớn thanh thiếu niên cảm thấy đầy những nỗi sợ, cả những người có niềm tin lẫn những người vô tín ngưỡng. Thật vậy, những người đã đón nhận hồng ân đức tin và tìm kiếm ơn gọi của mình một cách nghiêm túc cũng không được miễn trừ khỏi những nỗi sợ. Một số người nghĩ: có lẽ Chúa đang yêu cầu hoặc sẽ đòi hỏi nơi tôi quá nhiều; hay có lẽ là, nếu tôi đi theo con đường Người đã vạch ra cho tôi, tôi sẽ không thực sự được hạnh phúc, hoặc tôi sẽ không thể làm những gì Người yêu cầu nơi tôi. Những người khác lại nghĩ: nếu tôi đi theo con đường mà Chúa chỉ cho tôi, ai có thể đảm bảo rằng tôi sẽ có thể đi đến tận cùng trên con đường đó? Liệu tôi sẽ nản lòng chăng? Liệu tôi có đánh mất đi nhiệt tình của mình không? Liệu tôi có thể bền đỗ suốt trọn đường đời tôi không?[5]
Trong những khoảnh khắc khi những hoài nghi và nỗi sợ hãi tràn ngập con tim chúng ta, sự phân định là cần thiết. Nó cho phép chúng ta khống chế sự hoang mang trong những suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta, để chúng ta có thể hành động một cách chính đáng và thận trọng. Trong quá trình này, bước đầu tiên để vượt qua những nỗi sợ là xác định chúng một cách rõ ràng, để không thấy mình lãng phí thời gian và sức lực đương đầu với những bóng ma hư vô. Chạy trốn không phải là một lựa chọn. Bạn có thể nhớ những lời của cậu học trò với giáo viên của mình trong bộ phim Karate Kid: “Con vẫn muốn lên thi đấu vì con còn sợ. Con không muốn ngày hôm nay kết thúc mà con vẫn còn nỗi sợ này. Dù thắng hay thua, con vẫn phải làm để con không còn sợ nữa” Và vì vậy, tôi mời gọi tất cả các bạn nhìn sâu trong tâm hồn mình và gọi “đích danh” những nỗi sợ hãi của các bạn. Hãy tự hỏi: điều gì làm tôi phiền lòng, điều gì làm tôi sợ nhất trong thời điểm cụ thể này của cuộc sống hôm nay? Điều gì cản trở tôi và ngăn cản tôi tiến lên phía trước? Tại sao tôi thiếu can đảm để đưa ra những lựa chọn quan trọng tôi cần phải làm? Đừng sợ phải đối mặt với những nỗi sợ của các bạn một cách trung thực, để nhận ra chúng là những gì và đối phó với chúng ra sao.
Bằng cách hiểu làm thế nào Internet ảnh hưởng đến tâm trí, chúng ta có thể ngăn chặn các nguyên nhân của suy nghĩ tiêu cực và bi quan. Biết cách vận hành, lợi ích và nguy hiểm của Internet, các cơ chế tạo ra cảm xúc tiêu cực, những gì có thể được sử dụng và những gì cần tránh, chúng ta có thể mô hình hóa các cơ chế phòng thủ của mình. Đây là trường hợp của chàng trai trẻ đấng đáng kính Carlo Acutis. “Cậu biết rất rõ rằng toàn thể các cơ cấu truyền thông, quảng cáo và mạng xã hội có thể được sử dụng để ru ngủ chúng ta, biến chúng ta thành nô lệ của chủ nghĩa tiêu thụ và mua sắm những món hàng mới mà chúng ta có thể, ám ảnh thời gian nhàn rỗi của chúng ta, và giam hãm chúng ta trong tiêu cực. Nhưng cậu đã biết cách sử dụng những kỹ thuật truyền thông mới để truyền thụ Tin Mừng, cùng truyền đạt các giá trị và vẻ đẹp”(ChV 105).
Sự phân định là không thể thiếu được khi chúng ta tìm kiếm ơn gọi của mình trong cuộc đời. Thường khi ơn gọi của chúng ta không rõ ràng hoặc hiển nhiên ngay lúc đầu nhưng là một cái gì đó chúng ta dần dần mới hiểu được. Sự phân định trong trường hợp này không nên được xem như là một nỗ lực tự nhận thức cá nhân, nhằm mục đích hiểu rõ hơn về cấu trúc nội tâm của chúng ta để củng cố chúng ta và đạt được một sự cân bằng nào đó. Trong những trường hợp như vậy, người đó có thể trở nên mạnh hơn, nhưng vẫn còn bị hạn chế trong một chân trời giới hạn bởi những khả năng và viễn tượng của mình. Tuy nhiên ơn gọi là một lời mời gọi từ trên cao, và sự phân định trong bối cảnh này chủ yếu có nghĩa là tự mở lòng mình ra cho một Đấng khác đang mời gọi. Vì thế, cần phải thinh lặng cầu nguyện để nghe tiếng Chúa vang lên trong lương tâm của chúng ta. Thiên Chúa gõ cửa chúng ta, như Ngài đã làm với Đức Maria; Ngài mong muốn thiết lập tình bạn với chúng ta thông qua cầu nguyện, muốn nói với chúng ta qua Sách Thánh, muốn ban cho chúng ta lòng thương xót trong Bí Tích Hòa Giải, và muốn nên một với chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể[6].
Điều quan trọng là phải đối thoại và gặp gỡ người khác, những anh chị em của chúng ta trong đức tin, những người có nhiều kinh nghiệm, vì họ giúp chúng ta nhìn thấy mọi sự tốt hơn và biết lựa chọn khôn ngoan từ những khả thể khác nhau. Khi chàng trai trẻ Samuên nghe tiếng Chúa, anh không nhận ra điều đó ngay. Ba lần anh chạy đến gặp ông Êli, vị tư tế lớn tuổi hơn, là người cuối cùng đã đưa ra một câu trả lời đúng đắn cho lời mời gọi của Chúa: “Nếu Người gọi con, con hãy thưa: ‘Lạy Chúa, xin hãy phán bảo, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe’” (1 Sam. 3: 9). Trong những nghi nan của các bạn, hãy biết rằng các bạn có thể tin cậy vào Giáo Hội. Tôi biết có rất nhiều linh mục, những người nam nữ thánh thiện và các tín hữu giáo dân, nhiều người trong số họ còn trẻ, họ là những người có thể nâng đỡ các bạn như những anh chị em trong đức tin. Được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, họ sẽ giúp bạn hiểu rõ những nghi nan của các bạn và hiểu được kế hoạch Chúa dành cho các bạn trong ơn gọi của mình. Tha nhân không chỉ là một hướng dẫn tinh thần, mà còn là người giúp chúng ta mở rộng chính mình cho sự giàu có vô hạn trong cuộc sống mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Điều quan trọng là tạo ra không gian trong các thành phố và cộng đồng để phát triển, mơ ước và hướng đến những chân trời mới! Đừng bao giờ mất đi sự nhiệt tình trong việc được hưởng sự tháp tùng và tình bạn, cũng như niềm vui khi được cùng nhau mơ ước, khi được đồng hành với nhau. Kitô hữu đích thực không sợ mở lòng mình ra với người khác và chia sẻ với họ những không gian quan trọng của mình, để biến những không gian ấy thành những không gian của tình huynh đệ.
Các bạn trẻ thân mến, đừng để ánh sáng của tuổi trẻ lóe lên trong bóng tối của một căn phòng kín nơi cửa sổ duy nhất nhìn ra thế giới là máy tính và điện thoại thông minh. Mở cánh cửa cuộc sống của bạn! Không gian và thời gian của bạn là nơi sinh sống của những người cụ thể, những mối quan hệ sâu sắc, người mà bạn có thể chia sẻ những trải nghiệm đích thực và thực tế trong cuộc sống hàng ngày. «Thật khó mà chống lại được khuynh hướng thiên về sự dữ cũng như những cạm bẫy và cám dỗ của ma quỷ và tính ích kỷ của thế gian nếu chúng ta sống quá cô lập. Cuộc tấn công dụ dỗ chúng ta đến nỗi, nếu quá cô đơn, chúng ta dễ mất ý thức về thực tại và sự sáng suốt bề trong, và chịu thua»[7]. Điều này đặc biệt đúng với những người trẻ, bởi vì cùng nhau các con có một sức mạnh đáng ngưỡng mộ. Khi các con hứng khởi với đời sống cộng đồng, các con có khả năng hy sinh lớn lao cho người khác và cho cộng đồng. Ngược lại, sự cô lập làm cho các con yếu đi và dễ bị rơi vào những tệ nạn tồi tệ nhất của thời đại chúng ta. (x. ChV, 110)
Để kết thúc, tôi xin gởi đến các bạn trẻ những lời nhắn nhủ sau đây của Đức Thánh Cha Phanxico trong Tông huấn Christus Vivit: “Để chu toàn ơn gọi của mình, một người cần phát triển, tạo ra sự nảy mầm và vun sới tất cả những gì người ấy đang có. Đây không phải là tự chế ra mình, tự tạo ra mình từ nhưng không, mà là tự khám phá chính mình dưới ánh sáng của Thiên Chúa và làm cho mình được thăng hoa: “Trong kế hoạch của Thiên Chúa, mọi người đều được mời gọi phát triển chính mình, vì mỗi cuộc đời là một ơn gọi”.[8] Ơn gọi của chúng ta dẫn chúng ta đến việc rút ra những điều tốt nhất trong chính mình để làm sáng danh Thiên Chúa và vì lợi ích của tha nhân. Nó không chỉ là làm những công việc, mà là làm chúng với một ý nghĩa, với một hướng đi. Về vấn đề này, Thánh Alberto Hurtado đã nói với những người trẻ rằng phải suy nghĩ rất cẩn thận về hướng đi của đời mình: “Trong một con tàu, nếu người hoa tiêu trở nên cẩu thả, người ấy sẽ bị sa thải ngay tại chỗ, vì người ấy nắm trong tay những gì quá thiêng liêng. Và trong cuộc sống, chúng ta có cẩn thận về con đường của mình không? Con đường của bạn là gì? Nếu cần phải tập trung hơn một chút vào tư tưởng này, tôi yêu cầu mỗi bạn phải chú ý đến nó, bởi vì đạt được kết quả trong việc này đơn thuần tương đương với thành công; thất bại trong việc này chỉ đơn thuần là thất bại”.[9] (ChV, 257).
[1] Xem thêm để biết hội chứng Hikikomori: https://japan.net.vn/hoi-chung-hikikomori-nguoi-nhat-tre-tu-xa-lanh-cong-dong-2843.htm
[2] Tìm hiểu trào lưu tại: https://timviec365.vn/blog/yolo-nghia-la-gi-new4135.html
[3] x. Đức Thánh Cha Phanxico, Sứ điệp ngày giới trẻ thế giới lần 33.
[4] x. Đức Thánh Cha Phanxico, Bài giảng ngày cầu nguyện cho thế giới trong đại dịch Covid-19, (27.03.2020)
[5] x. Đức Thánh Cha Phanxico, Sứ điệp ngày giới trẻ thế giới lần 33.
[6] x. Đức Thánh Cha Phanxico, Sứ điệp ngày giới trẻ thế giới lần 33.
[7] x. Đức Thánh Cha Phanxico, Tông huấn Gaudete et exsultate, (19 tháng 3 năm 2018), số 140.
[8] THÁNH PHAOLÔ VI, Thông Điệp Populorum Progressio (26 tháng 3, 1967), 15: AAS 59 (1967), 265.
[9] Meditación de Semana Santa para jóvenes, written aboard a cargo ship returning from the United States in 1946 (https://www.padrealbertohurtado.cl/escritos-2/).