Anh chị em thuộc Gia đình Salêdiêng thương mến, các bạn hữu xa gần của Don Bosco trong các công cuộc của ngài và hết thảy mọi người mà cha gặp mỗi tháng qua những trang báo này thân mến,
Cha tiếp tục lặp lại ở nhiều nơi và trong nhiều dịp: mọi ngày những “phép lạ” diệu kỳ của giáo dục đang xảy ra. Chúng vĩnh viễn làm thay đổi cuộc đời của nhiều thiếu niên nam nữ. Cha nói điều này cách chắc chắn, bởi vì chính cha đã là chứng nhân về điều ấy. Và khi tâm trí cha gợi nhớ lại điều này, trái tim cha dâng tràn niềm vui và hy vọng.
Ngày lễ Don Bosco ở Sierra Leone
Năm nay cha cử hành Lễ trọng kính Don Bosco, ngày 31 tháng Giêng, tại Sierra Leone. Cha muốn chia sẻ ngay lễ đó với các anh em Salêdiêng đang làm việc tại vùng đất đó và với những trẻ em và dân chúng trong vùng ấy. Cha đã qua một buổi sáng với những người trẻ bị giam tù trong thủ đô ấy. Quanh cha, cha thấy quá nhiều đau khổ nhưng cả niềm hy vọng rất lớn. Niềm hy vọng này có nhiều liên quan đến các Salêdiêng và những thiện nguyện viên giáo dân hằng ngày hiện diện trong chốn đau khổ đó.
Cha đã ở với những người trẻ được mang về từ hè phố. Chúng nay đang sống và được giáo dục trong nhà Don Bosco. Cha rất xúc động khi lắng nghe một phụ nữ trẻ, khoảng 25 tuổi, tâm sự và kể lại chuyện đời mình trước mọi người hiện diện – giữa họ là 38 người nữ trẻ được thoát khỏi những cạm bẫy của sự khai thác tình dục.
Người phụ nữ trẻ đó đã bị lạm dụng và bạo hành khủng khiếp trong gia đình mình từ khi mất mẹ; nhưng cuối cùng khi thành công trốn khỏi gia đình và thành phố của mình, nàng đã đến nhà của Don Bosco. Ở đó nàng tìm được một mái ấm, một gia đình, một trú ẩn an toàn để nơi đó [chị] chuẩn bị sống cuộc đời mình.
Câu chuyện của nàng làm cha xúc động nhiều – trên hết khi người phụ nữ đó can đảm kể cho giới trẻ đang lắng nghe sự tự do quan trọng nhất mà chị trải nghiệm là đã được tìm được một mái ấm và có thể học hành để chuẩn bị chính mình cho cuộc đời, khi chị được giải thoát khỏi xiềng xích của bạo lực và lạm dụng. Nay nàng có thể cung cấp cho chính mình một đời sống hạnh phúc và một việc làm có kinh nghiệm lành nghề.
“Đừng khóc”
Hơn bao giờ hết, cha thâm tín mỗi ngày “những phép lạ ngoại thường về giáo dục” xảy ra trong nhiều miền quanh thế giới – và chắc chắn rằng điều này xảy ra trong hầu hết các nhà Salêdiêng. Đây là những phép lạ thật sự nơi những người trẻ nam nữ, các thiếu niên nam nữ, những người đã tìm được một cơ hội, những người đã được phục hồi từ các hè phố, những người đã thấy được đón chào trong nhà Salêdiêng, nơi đó họ gặp được những người cha người mẹ chân chính vốn chỉ sống để yêu thương và giáo dục chúng. Đây là những phép lạ vĩnh viễn biến đổi cuộc đời chúng và phá đổ bức tường áp bức và bạo tàn của sợ hãi vốn làm chúng khổ sở từ lúc sinh để cho phép đi vào trong điều chúng cần để sống – như không khí: hơi thở mới ấy được gọi là HY VỌNG.
Những người nam nữ, giống như Đức Giêsu tại Nain nói “Đừng khóc nữa!”, đang tạo nên những phép lạ này. Thiên Chúa không muốn con người khóc lóc. Như Đức Giêsu, Don Bosco có thể tìm gặp niềm vui sâu xa trong tình yêu của Chúa Cha đối với những kẻ bé mọn của Ngài, với khả năng cùng đau khổ với chúng và làm vơi nhẹ nỗi đau của chúng. Đây là chứng từ mà Don Bosco đã để lại cho chúng ta.
Các Salêdiêng và những người Con Đức Mẹ Phù hộ tiên khởi áp dụng [điều trên] cho chính mình để trao ban những khả thể mới của cuộc đời cho những người đã từng thâm tín rằng họ chẳng có gì. Những người ấy nỗ lực chuẩn bị các thiếu niên nam nữ cho cuộc sống và để có đức tin trong cuộc đời – trong một bầu khí thấm đượm tình yêu và thông cảm.
Một câu chuyện cổ tích thuộc văn chương khôn ngoan, với tựa đề “Bí Quyết” chứng thực điều này. “Từ lúc nhỏ, Mordecai là một đứa phá rối; vì thế, cha mẹ đã đưa cậu tới một vị thánh; cả hai đều nài xin ông giúp đỡ khi họ cần lời khuyên trong những trường hợp khó khăn nhất. Vị thánh nói: ‘Hãy để cậu bé ở với tôi một khắc đồng hồ’. Sau khi cha mẹ rời khỏi phòng, cụ già liền đóng cửa lại. Mordecai sợ hãi. Vị thánh đến gần cậu và ôm lấy cậu chẳng nói một lời. Ông giữ cậu thật chặt [trong vòng tay yêu thương]. Ngày đó, Mordecai học con người được hoán cải như thế nào”.
Rừng kia đang mọc lên
Ngày nay, 30 nhóm thuộc Gia đình Salêdiêng chỉ đang làm mỗi một điều này trên khắp thế giới – mỗi nhóm với những đặc tính biệt loại của mình, đang khi rút từ cùng một nguồn suối là đoàn sủng Salêdiêng.
Trong một thế giới ngày càng trở nên duy vật hơn, hoài nghi hơn, và thực dụng hơn, thì nói về các phép lạ xem ra kỳ quặc. Nhưng cha muốn mọi người hiểu thực tại xán lạn này. Ta không được dấu kín điều tốt ta thực hiện – và đó là một điều lớn. Đức Giêsu đã nói cho các môn đệ: “để họ xem thấy các việc tốt lành của các con”. Ai nấy đều mơ về một thế giới bình an và thanh thản, ở đó mọi người hầu như đều có thể thở hít sự kính trọng và sự quan tâm chú ý ở khắp nơi.
Vậy, anh chị em hãy can đảm. Chúng ta có thể làm ra những phép lạ. Có những người ở tuyến đầu đang giúp đỡ chúng. Có những nhà giáo dục, tu sĩ, và giáo dân, đang tiêu hao từng ngày cuộc đời mình để những người trẻ thua thiệt nhất có thể có được một tương lai và một cảm thức về hy vọng. Chúng ta hãy nâng đỡ và giúp chúng qua các công cuộc của tình liên đới, với tình yêu của chúng ta, và những dâng cúng cụ thể.
Chúng ta biết chân lý sâu xa trong châm ngôn nói rằng “một cây đổ xuống tạo nên ồn ào hơn môt cánh rừng đang mọc lên”. Chúng ta là những người làm cho cánh rừng của hy vọng và của ý nghĩa đời sống lớn lên mỗi ngày trong rất nhiều người trẻ vốn không có gì để mất bởi vì chúng ta mất mọi sự, và những người trẻ vốn có nhiều [điều] để đạt được.
Ước gì đây là trách vụ và cam kết của Gia đình Salêdiêng trong thế giới.