Năm Giấc Mơ của Cha Bề Trên Cả

Sau khi toàn Tu hội mừng 200 năm ngày sinh nhật của Don Bosco kết thúc, Cha Bề Trên Cả nói lên những ước mơ của mình. Qua những ước mơ này, chúng ta hiểu được cõi lòng của Đấng Kế vị Don Bosco trong thời hiện tại ra sao.

1. Cha mơ ước một Tu Hội của những Salêdiêng hạnh phúc

Ngay từ đầu, Cha mời gọi anh em hãy vượt qua cái cám dỗ mang tính phàm nhân khi suy nghĩ một cách tiêu cực, cho rằng Cha nói như thế chỉ vì anh em Salêdiêng chúng ta không hạnh phúc.

Ngược hẳn lại! Tình trạng không phải là như thế! Cha xác tín rằng đa phần anh em Salêdiêng chúng ta hạnh phúc, rất hạnh phúc sống ơn gọi của mình, trong đó có cả cha nữa, vì Cha cũng thấy mình rất hạnh phúc. Tuy nhiên, Cha tin rằng chúng ta còn cần phải vươn tới một hạnh phúc vĩ đại hơn, ai cũng vậy, và không một hội viên nào cảm thấy ở bên lề cuộc hành trình của chúng ta, khi họ cảm thấy mình không vươn lên được, hoặc mục tiêu này lại không dành cho họ. Đây là mục tiêu dành cho tất cả mọi người, bởi vì nói theo bình diện nhân bản thôi, nỗi khao khát sâu xa này đã cắm rễ sâu trong con tim mỗi người, ngay từ khi chúng ta bắt đầu hiện hữu.

Vì lẽ đó, Cha muốn chia sẻ với anh em ước mơ vĩ đại của Cha. Ước mơ về một Tu Hội của chúng ta, trong đó, mỗi anh em Salêdiêng có thể tự nói với chính mình, trong tận sâu thẳm hữu thể mình, và tận đáy lòng mình, trong con người thật của mình rằng: “Tôi hạnh phúc, tôi cảm thấy tràn đầy sức sống và niềm vui vì được sống trong tư cách là một Salêdiêng Don Bosco”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đề xuất cho những tu sĩ chúng ta chương trình này: “Ngập tràn niềm vui, hãy biểu tỏ cho mọi người thấy rằng việc theo Đức Kitô và thực hành Tin Mừng sẽ làm cho tâm hồn anh chị em ngập tràn hạnh phúc. Hãy lan tỏa niềm vui này cho những người bên cạnh anh chị em”[1]

Anh em hội viên thân mến, Cha tin rằng đây là điều mấu chốt: hân hoan sống cuộc đời chúng ta cách sâu đậm hơn. Cha có thể diễn tả theo cách của Cha, nhưng chúng ta đã nói điều đó trong Tổng Tu Nghị vừa qua. Chúng ta nói rằng chúng ta cảm tạ Chúa về “sự trung thành của rất nhiều anh em hội viên, và về sự thánh thiện của một số thành viên trong Gia Đình Salêdiêng mà Giáo Hội đã chuẩn nhận. Hằng ngày, chúng ta tiếp xúc với nhiều người lớn và người trẻ, tiếp xúc với các hội viên cao niên hay trẻ tuổi, những anh em đau ốm hay những anh em đang hừng hực sức sống để làm việc, tất cả đang làm chứng cho niềm ngây ngất say mê tìm kiếm Thiên Chúa, hân hoan sống triệt để Tin Mừng và với lòng đam mê sâu sắc dành cho Don Bosco”.[2] Đây là quà tặng chúng ta đang có trong Tu Hội: Hàng ngàn ngàn hội viên mỗi ngày đang xả thân và hiến dâng cuộc đời với lòng quảng đại thật đáng kinh ngạc. Cha tiếc cho nỗi đau của những anh em hội viên không cảm nhận được điều này. Có những anh em Salêdiêng mà cuộc sống và tâm hồn đang mang chở những vết thương trĩu nặng, những anh em cảm thấy mình khốn khổ, và bộc lộ nỗi đau khổ đó ra hẳn bên ngoài! Cha hết sức ước mong, nhờ sức mạnh đến từ Thiên Chúa, với sự đồng cảm và gần gũi của anh em hội viên nào đó, các anh em ấy sẽ khôi phục lại niềm tin tưởng và lấy lại được niềm hy vọng về những điều thiện hảo trong cuộc sống mình. Có những anh em hội viên đang trải qua những hoàn cảnh khó khăn, hay những anh em đã mất đi niềm mê say của Tình Yêu ban đầu mà tất cả chúng ta đều cảm nhận khi được Chúa mời gọi. Có cả những anh em đang sống một lối sống chẳng chút gì xứng đáng với danh nghĩa là những tu sĩ Salêdiêng Don Bosco. Thật hạnh phúc cho Cha biết bao, nếu những anh em này để cho Thiên Chúa chạm đến hầu Ngài dẫn đưa anh em ấy làm “tiến thêm một bước nữa.” Cha sẽ cảm thấy rất hạnh phúc nếu những anh em đó để cho Thiên Chúa làm cho mình ngạc nhiên. Chắc chắn Chúa luôn dẫn đưa ta tới đi vào những hoàn cảnh sống vượt quá mức ta tưởng tượng!

Anh em hội viên thân mến, dẫu biết nhiều hay ít về Don Bosco, chúng ta đều rất rõ là đối với Don Bosco, niềm vui và hạnh phúc của các Salêdiêng và thanh thiếu niên, là quan trọng biết bao, không phải là không có hy sinh, và lẽ dĩ nhiên, với điểm then chốt và thiết yếu là sống trong Chúa và vì Chúa. Chúng ta đã chọn lựa những quyết định quan trọng nhất và có ảnh hưởng xa nhất trong cuộc đời chúng ta, tột đỉnh với lời “Xin Vâng Phục” Thiên Chúa, và sau đó, những gì còn lại phải giúp chúng ta sống “hết lòng hết dạ” một cách sung mãn, ý thức về việc chúng ta đang sống một cuộc đời đầy ắp ý nghĩa và hạnh phúc với cuộc sống ấy.

Hơn ba mươi năm trước, Tổng Tu Nghị Đặc Biệt 20 đã trích dẫn thông điệp Chứng Tá Tin Mừng để nói với chúng ta rằng “Niềm vui được thuộc trọn về Chúa mãi mãi, chính là hồng ân vô giá của Thánh Thần mà không gì có thể sánh bằng. Anh em đã từng kinh nghiệm điều ấy. Khi tâm hồn tràn đầy bằng niềm vui . . ., hãy học cách hướng về tương lai với niềm tin tưởng.”[3]

Anh em hội viên thân mến, nói thật lòng, điều mà Cha đang đề cập về ước mơ hạnh phúc cho từng người, đó chính là ơn gọi cao đẹp và cuộc sống tự hiến của chúng ta không phải là một  công việc làm ăn, đôi khi làm chúng ta phấn chấn, nhưng lắm lúc chúng ta lại hoạt động quá sức khiến dễ rơi vào tình trạng “duy hoạt động”, làm kiệt quệ ngọn lửa bùng cháy trong ta và dẫn chúng ta đi vào trạng thái “cằn cỗi trong thực tiễn,”vốn là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc đến. Cha ước mơ mỗi người chúng ta sẽ sống ơn gọi của mình như Don Bosco đã sống, biết quên mình và luôn ngập tràn lòng đam mê dành cho Chúa và cho các thanh thiếu niên.

Quả thật, giữa nhiều ân điển của mình, Don Bosco có khả năng lớn lao là “giúp các thanh thiếu niên bị gạt ra bên lề xã hội vào thời của Ngài có cơ hội để các em sống cuộc đời như ngày lễ, và sống đức tin như niềm hạnh phúc”. [4]

Anh em có thể nghĩ tưởng, ước mơ của Cha về từng anh em đây có liên quan chặt chẽ với những kinh nghiệm mà Cha đã trải qua sau 15 tháng làm Bề Trên Cả, khi Cha vẫn nghĩ về từng người trong anh em. Ví dụ, Cha cũng không thể che dấu nỗi buồn khi có một anh em Salêdiêng linh mục viết đơn xin chuẩn miễn lời khấn để trở thành linh mục triều, sau khi anh em đó đã xin được một Giám mục giáo phận chấp nhận cho nhập tịch. Cha tự hỏi, trong những trường hợp như thế, đâu rồi lòng yêu mến Don Bosco nơi anh em, và đâu rồi những nhiệt tình trước đây khi người anh em đó muốn trở thành Salêdiêng. Nơi họ, những kinh nghiệm mục vụ cho đến lúc ấy chỉ là một kiểu công việc để có thể dễ dàng chuyển đổi . .  .? Cha chợt nhớ lại giai thoại về chàng Gioan Cagliero khi Cagliaro đi đi lại lại trong sân Nguyện Xá Valdocco, suy nghĩ đắn đo về gợi ý Don Bosco đề ra cho mình. Chúng ta cũng biết đó là lời đề nghị thành lập một Tu Hội, và những thành viên của Tu Hội đó được gọi là Salêdiêng. Sau khi suy nghĩ kỹ, Cagliero đã tuyên bố một câu để đời: “tu hay không tu, tôi ở lại với Don Bosco”.

Cha cũng nghĩ về sự kiện ngày 14 tháng 5 năm 1862, ngày mà 22 bạn trẻ cùng với Don Bosco lần đầu tiên đã tuyên khấn để trở thành Salêdiêng (MB VII, 101). Họ chỉ là những thiếu niên rất bình thường đã lớn lên bên cạnh Don Bosco. Họ đã can đảm khởi đầu một Dòng Tu mới, và hết sức phấn khởi tuyên khấn, tin tưởng vào những gì Don Bosco giúp họ nhìn thấy.

Suy tư về cội nguồn của chúng ta không ngừng tác động tâm hồn Cha và củng cố niềm xác tín mạnh mẽ nơi Cha, đó là phải luôn đặt Thiên Chúa vào chỗ tối thượng trong cuộc sống, phải luôn ôm giữ giới trẻ trong con tim mình, đặc biệt những em nghèo khổ nhất, những em cần chúng ta nhất. Cha muốn khẳng định rằng, cuộc sống chúng ta đã được vạch rõ, -dường như là “dứt khoát” để sống hạnh phúc như là những Salêdiêng Don Bosco. Cha thật sự tin điều này, bởi lẽ, như đã được đề cập đến trong văn kiện Aparecida (Thượng Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ Latinh), chắc chắn rằng “cuộc sống chúng ta chỉ tăng triển khi chúng ta biết trao hiến và cuộc sống sẽ trở nên suy yếu khi chúng ta sống ích kỷ trong đơn độc hay hưởng thụ. Quả thật, những ai vui hưởng cuộc sống nhất lại  chính là những người bỏ lại những đảm bảo an toàn, và nhiệt tình dấn thân vào sứ mạng thông truyền sự sống cho người khác.”[5]

2. Cha ước mong một Tu Hội gồm những Con Người sống Đức Tin và đầy ắp Thiên Chúa

Tại sao Cha ước mơ như thế? Anh em có thể hỏi, chúng con lại không phải là những người như thế ư?

Một lần nữa Cha phải nói rằng cha xác tín rằng hàng ngàn ngàn anh em hội viên Salêdiêng chúng ta đều sống đức tin sâu xa và đầy cảm thức về Thiên Chúa. Thế thì tại sao Cha lại ước mơ như thế? Cha xin trả lời.

Nhìn về toàn Tu Hội chúng ta trên khắp thế giới, một điều tế nhị chúng ta phải lưu tâm là tại nhiều nơi, nhiều quốc gia, anh em đã cật lực và quảng đại dấn thân vào công việc, chúng ta được nhận biết qua công việc chúng ta thực hiện; song, điều không được biết đến là tại sao chúng ta đang làm những việc ấy và động lực sinh tử sâu xa bên trong đến từ đâu. Chúng ta được mọi người thán phục vì những công cuộc phục vụ giới trẻ, mạng lưới trường học chúng ta được đánh giá rất cao, đặc biệt các công cuộc dạy nghề và giúp các bạn trẻ vào đời mưu sinh. Việc chúng ta dấn thân lo cho các trẻ đường phố được nhiều người nể phục và ủng hộ. Nhiều người khen ngợi sự tận tụy và sáng kiến trong nhiều nguyện xá chúng ta. Những lưu xá cho trẻ em và thanh thiếu niên nghèo nhận được nhiều sự chú ý, v.v . .

Tuy nhiên, thường là người ta lại không hề biết chúng ta là ai, và còn tệ hơn nữa, họ không biết tại sao chúng ta làm công việc đó, và tại sao chúng ta  sống như thế. Vì vậy, đây là mơ ước của Cha: đó là bất cứ ai gặp gỡ một tu sĩ Salêdiêng, hay bất cứ người nào khi đến một cộng thể Salêdiêng đều được đánh động tâm hồn, bởi vì họ đã gặp gỡ những con người đầy đức tin, một đức tin sâu xa và đích thực, được biểu hiện qua lối sống và hành động giản dị, và dù không cố ý, vẫn tỏa chiếu được bậc sống của mình là tu sĩ, là những con người được Thiên Chúa thánh hiến cho chính Ngài cũng như được Thiên Chúa thánh hiến cho giới trẻ.

2.1. Hành trình đức tin và tìm kiếm Thiên Chúa

Anh em thân mến, cha tin rằng mối ưu tư và cảm nhận của Cha về điều này không phải là mới. Trong những văn kiện của Tu Hội, chúng ta đã thấy “cuộc đấu tranh mãnh liệt” trong Tổng Tu Nghị Đặc Biệt 20 chính là mối căng thẳng giữa thánh hiến và sứ mệnh. Kết quả công việc vĩ đại đó đã thành tựu trong ánh sáng của công đồng Vaticanô II, xác định đoàn sủng chúng ta một cách mới mẻ và thật sâu xa, biểu lộ đoàn sủng ấy trong bản Hiến Luật mới thật phong phú của chúng ta. Nhiều năm tháng đã dành để phân định trong ba Tổng Tu Nghị. TTNĐB 20 và TTN 21 đã khôn ngoan coi thời gian sáu năm thử nghiệm bản Hiến Luật mới là chưa đủ và đã gia hạn thêm sáu năm tiếp, và TTN 22 đã đạt được tiến trình hiểu biết chín chắn hơn quan niệm thánh hiến như là “Hành Động của Thiên Chúa.”

Cha tin rằng, trong Tu Hội, chúng ta không có vấn đề gì về chân tính đoàn sủng hoặc sự hài hòa giữa tất cả những yếu tố cấu thành nên đoàn sủng ấy. Từ Hiến Luật và từ nhiều văn bản khác, chúng ta tìm thấy một loạt những yếu tố soi sáng và làm phong phú chúng ta.

Chìa khóa căn bản nằm ở chỗ chúng ta sống căn tính của mình một cách hài hòa. Nhiều lần chúng ta đã nói và nhắc nhở rằng chúng ta không phải là những viên chức làm công tác xã hội, hoặc những công cuộc của chúng ta chỉ là để cung cấp dịch vụ xã hội, đơn thuần nhắm đến những phúc lợi, dầu đó là những thiện ích hết sức lớn lao chúng ta đã thể hiện trong và qua những công cuộc ấy. Trên hết, chúng ta là những con người của đức tin, những con người được Thiên Chúa thánh hiến để sống bậc sống tu trì, và “thật tốt biết bao khi một lần nữa Ngài chạm đến cuộc đời chúng ta và thúc đẩy chúng ta chia sẻ sự sống mới của Ngài! Và cuối cùng là, “điều chúng tôi đã thấy, đã nghe,  chúng tôi loan báo cho anh em” (1 Ga 1,3). [6]

Anh em thân mến, Cha thâm tín rằng đây chính là nẻo đường mà ngày nay chúng ta rất cần phải tiến bước. Đó là, phải chăm sóc, phải nuôi dưỡng và đào sâu đức tin (trở thành những con người đầy đức tin), chúng ta thực hiện tất cả những gì mình đang làm bởi vì chúng ta cảm thấy mình đang được Đức Giêsu hấp dẫn và cuốn hút; một cách thong dong, chúng ta cảm nhận được niềm vui vĩ đại khi thưa lời “xin vâng” đáp lại Thiên Chúa, đấng thánh hiến chúng ta qua việc tuyên khấn tu trì (con  người đầy ắp Thiên Chúa). [7]

Trước đây, khi đọc một số trang sách về đời sống tu sĩ, Cha rất ấn tượng về tường trình của một nữ tu. Chị ấy viết rằng vào một dịp nào đó ở Vienna, một Bề trên của chị nói về tình trạng vô thần trong tuổi già xảy ra nơi một số tu sĩ, cả nam lẫn nữ. Chị ghi nhận là e rằng chúng ta đều biết rõ một số nữ tu (công bằng mà nói, cả nam tu sĩ nữa[8])  cứ mở miệng ra là nói lời ca thán . . .  và chúng ta có thể nói, họ lộ rõ lòng bất mãn thầm kín bên trong đối với Thiên Chúa…Vị nữ tu đó tự hỏi “Phải chăng cách chúng ta suy nghĩ, nhận định, và hành động thường là do một thứ đức tin đang mê ngủ, do một mối liên hệ với Thiên Chúa mà chẳng yêu thương?”[9]

Trước chứng từ này, Cha vẫn luôn nghe vang vọng bên tai câu hỏi trong thánh vịnh “Này Thiên Chúa ngươi đâu?” (Tv 42,4), hay chúng ta có thể hỏi “Lạy Chúa của con, Chúa ở đâu?” Đối với Cha, đây chính là vấn đề và thực trạng sinh tử mà cộng thể cũng như cá nhân cần phải hết sức lưu tâm; bởi lẽ dù có làm việc giữa thanh thiếu niên hay giới trẻ, chúng ta cũng không miễn nhiễm trước lối sống không yêu mến Thiên Chúa hoặc âm thầm bất mãn với Ngài.

2.2. Hãy lưu lại, yêu thương và sinh hoa kết trái

Đây là ba từ ngữ trong ảnh tượng trình bày cây nho và cành nho (Ga 15, 1-1), mà Tổng Tu Nghị 27 đã chọn làm chủ đề. Bức ảnh này mời gọi chúng ta ý thức là phải hoàn toàn cắm rễ nơi Đức Giêsu hầu lưu lại vững chắc trong Ngài, và nhờ Ngài chúng ta sống một cuộc sống huynh đệ đầy hấp dẫn và đưa chúng ta tới việc phục vụ giới trẻ.

Vì lý do đó, ước mơ về một Tu Hội gồm những con người sống Đức Tin, đầy ắp Thiên Chúa, chính là làm sao cho việc đặt Thiên Chúa vào chỗ tối thượng trở thành thực sự trong cuộc sống mà không bao giờ quên rằng trên hết mọi sự, chúng ta phải là “những người đi tìm Thiên Chúa,”[10]  để làm chứng cho Tình Yêu Ngài dành cho thanh thiếu niên, và những em nghèo khổ nhất trong số đó.

Hiến Luật cao quý của chúng ta, tức sách Tin Mừng diễn đạt theo ngôn ngữ Salêdiêng, chứa đầy cảm thức về Thiên Chúa nói trên và lời mời gọi sống đức tin như thế đã từng diễn ra trong cuộc đời và sứ mệnh của Don Bosco một cách tuyệt đối.

Trong Hiến Luật, chúng ta đọc thấy: “khi làm việc vì phần rỗi thanh thiếu niên, người Salêdiêng cảm nghiệm tình phụ tử của Thiên Chúa” (HL 12), duy trì cuộc đối thoại đơn sơ thân tình với Chúa Kitô hằng sống và với Chúa Cha mà họ cảm nhận gần bên. Và nhờ thế, ý thức tiếng Chúa mời gọi để trở nên phần tử của Tu Hội Salêdiêng” (x. HL 22), và sống chứng tá cuộc gặp gỡ tình yêu giữa Thiên Chúa, đấng kêu gọi và người môn đệ đáp trả, họ thực hiện một trong những sự chọn lựa cao cả nhất mà một tín hữu có thể thực hiện (x. HL 23). Cùng lúc đó, ngập chìm trong thế giới với những bận tâm mục vụ, người Salêdiêng học biết  gặp gỡ Thiên Chúa xuyên qua những con người họ được gửi tới (x. HL 95).

Anh em thân mến, với sự soi sáng từ Hiến Luật, Cha không cần thêm gì nữa vào mơ ước này của Cha. Cha chỉ xin lặp lại lời mời gọi của Cha trong bài diễn văn kết thúc Tổng Tu Nghị. Với niềm xác tín sâu xa, nên trong bài nói chuyện đầu tiên – tức bài diễn văn kết thúc Tổng Tu Nghị, nhắm tới một kế hoạch phía trước, Cha đã nói cho anh em rằng Cha không chấp nhận tình trạng “lối sống mỏng dòn khi phải “đặt Thiên Chúa vào chỗ tối thượng trong cuộc sống mình”, coi sự mỏng dòn đó là DNA của chúng ta. Lúc đó, cha đã nói là không phải như thế, và bây giờ cha lập lại. Không phải như thế, Không được thế! Cha đã từng nói và bây giờ Cha lặp lại một lần nữa! Don Bosco đã không sống như thế; ngược hẳn lại, Ngài đã sống trọn vẹn cuộc đời với niềm tin sâu xa, đầy ắp Thiên Chúa, và vì thế Ngài đã hiến đời mình cho đến hơi thở cuối cùng và luôn luôn là vì thiện ích thanh thiếu niên của ngài. Ngài đã sống quyết liệt, đặt mình tham dự vào chương trình lịch sử của Thiên Chúa.[11] Đây là ước mơ của Cha đối với Tu Hội, và đối với từng anh em Salêdiêng Don Bosco chúng ta.

3. Cha ước mơ một Tu Hội gồm những Salêdiêng luôn đầy tràn đam mê dành cho thanh thiếu niên, những em nghèo khổ nhất

Đây là một mơ ước nữa, như là hoa trái rõ rệt từ kinh nghiệm Lễ Mừng Đệ Nhị Bách Chu Niên.

Cha xác tín về giá trị cao đẹp nơi chứng tá của nhiều anh em hội viên đang hằng ngày hiến dâng cuộc sống với niềm đam mê giáo dục và rao giảng Tin Mừng phục vụ cho thiện ích của người trẻ. Cha cũng nhận thấy nhiều trung tâm Salêdiêng đang lo lắng cho những người nghèo nhất với một tình ưu ái đặc biệt.

Cha cám ơn Chúa về điều này, và Cha cũng nói với anh em như Cha đã từng nói trước đây: Anh em thân mến, tất cả Salêdiêng, “phải tiếp tục dấn bước hơn nữa,” để trở nên những con người mang một con tim như Don Bosco, con tim của vị Mục tử Nhân Lành để cống hiến những gì tốt đẹp nhất của mình vì thiện ích của người trẻ. Những nhà Salêdiêng nào không trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ những người nghèo nhất phải làm cho chúng ta đau lòng. Chúng ta phải có đầu óc sáng tạo để mọi việc chúng ta làm, suy nghĩ và quyết định một cách nào đó đều là cho giới trẻ, cho những con người đang cần chúng ta nhất.

Đức Thánh Cha Phanxicô trong thông điệp khai mở Năm Đời sống Thánh Hiến đã nói “Anh chị em hãy thức tỉnh thế giới, hãy soi sáng thế giới bằng những chứng tá ngôn sứ đối nghịch lại trào lưu đường thời của chúng ta”.[12]

Cha nghĩ thật rằng cách thức người Salêdiêng chúng ta soi sáng thế giới bằng một chứng tá ngôn sứ và nghịch lại dòng đời đương thời là cách sống triệt để nơi bản thân mọi người chúng ta và trong mọi sự hiện diện của chúng ta. Hãy xác tín rằng, qua phương cách sống như thế, không cần phải nói lên lời, sứ điệp nơi chứng tá ấy quả là thách thức và hết sức mạnh mẽ; hãy xác tín rằng phương thế để tới với những người nghèo khổ nhất sẽ không bao giờ thiếu. Chúng ta hãy nhớ rằng Don Bosco luôn tin tưởng vững chắc vào Chúa Quan Phòng, và khi chúng ta có động cơ chính đáng để làm điều đó, chắc chắn ơn Chúa quan phòng sẽ luôn đến với chúng ta.

3.1. Bởi vì qua bao năm tháng, chúng ta luôn tuyên bố và nhắc nhở chính mình đâu là con đường trung thành.

Với tựa đề này, Cha muốn chỉ ra  cách thức Tu Hội chúng ta qua Giáo Huấn Chính Thức, luôn hướng định chúng ta phải ưu tiên lựa chọn các thanh thiếu niên nghèo khổ nhất. Vì vậy, từng anh em hội viên, mỗi cộng thể địa phương hay mỗi cộng thể tỉnh dòng và ngay tại chính trung tâm của Tu Hội, chúng ta cần phải biến đường hướng đó thành hiện thực. Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta rằng niềm hy vọng mà ngài mời gọi chúng ta sống không phải dựa trên những con số thống kê hay những thành quả, nhưng phải luôn dựa trên “Đấng mà chúng ta tin tưởng” (x. 2Tim 1, 2), đồng thời, ngài cũng mời gọi chúng ta đừng rơi vào cám dỗ chỉ nhìn vào những con số và hiệu năng, và lại càng không nên cậy dựa vào sức lực riêng mình của mình.[13]

Trong Hiến Luật có bảy khoản nói đến thanh thiếu niên nghèo khổ nhất mà chúng ta phải ưu tiên  chọn lựa, và năm khoản khác hướng định chúng ta chú ý tới việc cần phải liên đới với người nghèo. Trong các Tổng Tu Nghị, chúng ta thấy có một tiến trình tiệm tiến liên tục nhắc nhở chúng ta phải lưu tâm đến “sự chọn lựa căn bản này” (đây cũng là thuật ngữ được nói tới trong phiên họp Hội đồng Giám mục Châu Mỹ La tinh nhóm họp ở Puebla). Tổng Tu Nghị Đặc Biệt 20 nói cho chúng ta về thách đố phải nỗ lực chăm sóc thanh thiếu nghèo nhất, và quan tâm đến cả những người lớn đang gặp nguy hiểm, ví dụ những con người rất ít khả năng thể hiện dự định của Thiên Chúa nơi cuộc sống của họ.[14] TTN 21 mời gọi chúng  ta bứt phá để đi đến những nơi con người bị chối bỏ và bị loại trừ.[15] TTN 22 với một sự cân nhắc kỹ lưỡng, đòi hỏi các tỉnh dòng “phải trở về với người trẻ, với thế giới của họ, với nhu cầu và sự nghèo đói của họ, bằng cách giúp họ hưởng nhận sự ưu tiên chân chính được diễn đạt trong việc canh tân sự hiện diện mang tính giáo dục, thiêng liêng và yêu thương ở giữa họ. Các hội viên hãy can đảm lựa chọn đến với những người nghèo nhất, nếu cần thiết, di dời các công cuộc chúng ta về nơi nghèo khổ nhất”.[16] Cũng tương tự, TTN 23 đặt trọng tâm vào việc giáo dục đức tin cho người trẻ; TTN đòi hỏi mỗi tỉnh dòng phải đề ra những biên cương khẩn thiết mới, với công cuộc nào đó như là một “dấu chứng” cho thấy chúng ta có ý hướng tới với những người trẻ mà chúng ta đã chưa đến được.[17]

Quả là điều tốt khi chúng ta thấy nhiều tỉnh dòng đã có những bước đưa anh em hội viên dấn thân và hợp tác làm việc trong tiến trình này, với nhiều nhạy bén thật khác nhau. Nếu đã được như thế, thì chúng ta còn phải tiếp tục làm những gì nữa ? Câu trả lời là, chúng ta vẫn phải tiếp tục vươn lên hơn nữa cho tới khi từng người Salêdiêng sẽ thấy khổ tâm khi một  bạn trẻ nghèo không thể tìm được chỗ trong nhà Salêdiêng, trong nhà của Don Bosco; cho đến khi mỗi anh em Salêdiêng cảm thấy hối tiếc vì đã không thể chăm sóc từng bạn trẻ nghèo đang cần đến chúng ta. Nếu chúng ta cảm nhận điều đó từ đáy lòng, chúng ta sẽ chắc chắn nghĩ ra những giải pháp và luôn trung thành với sự lựa chọn phục vụ các bạn trẻ nghèo khổ nhất ấy. Chúng ta cần ghi nhớ điều này.

3.2. Luôn tìm kiếm phục vụ, đừng bao giờ tìm quyền lực hay tiền bạc

Anh em thân mến, nhiều người trong anh em đã đọc và suy gẫm Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng. Nếu có ai chưa đọc, Cha khuyến khích người đó hãy đọc và nghiền gẫm. Chắc chắn anh em sẽ rút ra được nhiều bài học quý giá. Cha đã suy gẫm chương II của Tông Huấn, trong đó Đức Thánh Cha nói về việc tìm kiếm quyền lực và tôn thờ tiền bạc như một thứ ngẫu tượng.

Hiến Luật chúng ta đã diễn tả rất hay về người trẻ mà chúng ta được sai đến để phục vụ: “Thiên Chúa đã chỉ rõ cho Don Bosco hướng sứ mệnh đầu tiên và tiên quyết của ngài cho người trẻ, đặc biệt những em nghèo khổ hơn… Và cùng với Don Bosco, chúng ta khẳng định một lần nữa tình yêu ưu tiên của chúng ta dành cho “những em bị bỏ rơi và sống trong nguy hiểm”, là đối tượng cần tình thương và cần được phúc âm hóa hơn cả và chúng ta làm việc cách riêng nơi nhưng khu vực nghèo khổ nhất” (HL 26).

Với ánh sáng của những lời diễn tả rất căn bản và thiết yếu về đoàn sủng chúng ta đây, Cha có thể nói với anh em rằng, khi chúng ta bước theo con đường này, chúng ta không cần phải lo lắng về căn tính sứ mệnh hay lòng trung thành của chúng ta. Chúng ta đang đi đúng đường. Ngược lại, nếu chúng ta không quan tâm đến thanh thiếu niên nghèo khổ, những người cần chúng ta nhất, chỉ lo sống tiện nghi khi có được quyền lực và những phương tiện vật chất, chúng ta phải lo sợ. Cha phải nói cho anh em rằng, cha cảm thấy lo trước những hội viên thực thi quyền bính không phải để phục vụ nhưng là để tỏ ra quyền hành,  những hội viên hành xử quyền bính không phải để phục vụ mà như một thứ quyền lực để sở hữu mọi sự và để làm những gì họ thích, nhất là khi họ nắm trong tay những nguồn tài lực, hoặc tìm cách để có chúng. Sau này  Cha sẽ giải thích thêm điều Cha muốn nói đây.

Trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha đã mạnh mẽ trích dẫn một bản văn cổ của thánh giáo phụ Gioan Chrysostomo. Ngài viết “ Khi không chia sẻ của cải của mình cho người nghèo tức là chúng ta đang ăn cắp của họ, và đang tước đi những gì cần thiết cho cuộc sống của họ. Đó không phải là tài sản của chúng ta, nhưng là của họ”.[18] Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta rằng sự rửng rưng  xơ cứng đang lan rộng khắp hoàn cầu khiến chúng ta không còn khả năng cảm thương trước tiếng  kêu khóc đau đớn của tha nhân, trong nền văn hóa thích sống sung túc đang làm chúng ta u mê (EG 54). Một cách mạnh mẽ, Ngài xin chúng ta coi chừng thứ văn hóa “loại trừ”mà xã hội hôm nay đang tạo ra, trong đó những kẻ bị loại trừ không phải là bị “bóc lột” mà là những con người bị vất bỏ, những người bị coi là “rác rưởi”(EG 53). Việc con người hiện nay sùng bái tiền bạc chính là một thứ tôn thờ ngẫu tượng, phiên bản mới của việc tôn thờ con bò vàng của người Do thái năm xưa (x. XH 32, 1-35). Việc sùng bái này ra rả tuyên bố “khao khát quyền lực và của cải thực là vô đáy”( EG 56). Để kết luận, Ngài xác định rất rõ : “ Tiền bạc là để phục vụ chứ không phải để cai trị!” (EG 58)

Đức Thánh Cha nghĩ tới Giáo Hội và thế giới. Còn Cha chỉ muốn nói ở phạm vi nhỏ hẹp hơn, tức là Tu Hội chúng ta. Cha xác tín rằng sức mạnh của chúng ta hệ tại ở việc phục vụ và mưu cầu thiện ích cho các thanh thiếu niên nam nữ, đặc biệt những em nghèo khổ nhất. Theo lẽ thường, chúng ta rất dễ bị cám dỗ khi đặt kỳ vọng vào những con số, những công cuộc, thành quả, nhưng đó không phải là đường lối của chúng ta. Đức Thánh Cha nói,  “Đừng bao giờ khép lại nơi mình, đừng để bị mình khựng lại vì những tranh cãi về những điều nhở mọn, đừng để mình bị giam hãm với những vấn đề riêng của mình… Cả thế giới đang mong chờ chúng ta: biết bao người nam nữ đang mất đi mọi niềm hi vọng, các gia đình đang gặp khó khăn, những trẻ em bị bỏ rơi, những người trẻ không có tương lai, những người già, người bệnh tật bị lãng quên, những người tuy giàu có với của cải trần thế, nhưng lại nghèo kiết xác trong tâm hồn, những người đang đi tìm lẽ sống, đang khao khát Thiên Chúa.“[19]

Quả là một thách đố lớn lao và đích thực cho chúng ta. Đó là lý do Cha ước mơ về Tu Hội chúng  ta, sau khi đã cử hành Lễ Mừng Đệ Nhị Bách Chu Niên Năm Sinh Don Bosco, là thành phần của Giáo Hội, thấy mình trung thành trong phục vụ, trong sự khiêm tốn, và dùng những phương tiện tài chánh chỉ để phục vụ sứ mệnh giáo dục và loan báo Tin Mừng. Về điều này, cha chỉ xin anh em chúng ta cần phải giúp nhau. Chúng ta giúp nhau khi đôi lúc quyền bính được thực thi như quyền lực chứ không phải là phục vụ. Chúng ta giúp nhau khi ta chỉ  lo tìm kiếm chức vụ, tìm vị thế chỉ huy; chúng ta giúp nhau khi có nguy cơ tìm kiếm vị trí điều  hành, chỉ huy công cuộc như (dẫu miệng vẫn nói là vì thiện ích của tha nhân) như thể đó là đích nhắm đem lại mục đích cho cuộc đời. Chúng ta cần giúp đỡ nhau khi tiền bạc được dùng để gia tăng quyền lực, quyền lấy quyết định trên vụ việc và con người; chúng ta cần giúp nhau khi việc sử dụng và kiểm soát tiền bạc và những phương tiện tài chánh của cộng thể và công cuộc không rõ ràng hay không trong sáng… Chúng ta hãy giúp nhau. Anh em thân mến, chúng ta hãy luôn giúp nhau trong sự thật và sự tự do của Tin Mừng bởi vì những nguy hiểm này cũng đang diễn ra giữa chúng ta.

4. Cha ước mơ một Tu Hội gồm những người rao giảng Tin Mừng và những nhà giáo dục đức tin chân thật

Anh em thân mến, đây cũng là một ưu tư nữa nơi Cha, và ước mơ này không phải chỉ của riêng Cha. Chúng ta cũng đã thấy ước mơ đó xuyên suốt lịch sử của Tu Hội qua hàng trăm trang tài liệu, qua Hiến Luật, qua các Tổng Tu Nghị, qua rất nhiều quả quyết của các Cha Bề Trên Cả. Ước mơ đó thúc đẩy chúng ta phải lưu tâm đặc biệt đến chiều kích này, đó là rao giảng Tin Mừng và trở thành nhà giáo dục đức tin.

Tại sao lại ước mơ như thế? Bởi vì Cha thực sự không muốn những lời của Cha Vecchi trở thành lời tiên tri khi Ngài đề cập đến tính tối thượng của sứ vụ loan báo Tin Mừng. Ngài nói: “Có thể xảy ra là, với một áp lực quá lớn bởi số lượng đông đảo công việc chúng ta làm, lo cho cơ cấu và bận rộn với việc tổ chức, chúng ta dễ có nguy cơ lãng quên chân trời hoạt động của chúng ta và hành xử như bao nhiều nhà hoạt động xã hội hay những lý thuyết gia, những người điều hành công cuộc hay cơ cấu, những ân nhân đáng nể nhưng lại là nghèo nàn xét như là những chứng nhân minh nhiên về Chúa Kitô, những người thông chuyển công cuộc cứu độ của Ngài, những người huấn luyện các tâm hồn và hướng dẫn người khác về đời sống ân sủng”[20]

Khi đọc lại những dòng này, Cha cảm nhận rằng, đây cũng là những điều Cha thâm tín trong những năm tháng sống ơn gọi Salêdiêng. Cũng vậy, Cha cũng rất ngạc nhiên và thích thú thấy  những suy tư của Cha Pascual Chavez, giống như của Cha Edigio Vigano,[21] và của Cha Juan E.Vecchi trước kia,[22] nói lên xác tín của ngài và quyết tâm dẫn đưa chúng ta đi theo chiều hướng ấy.[23]

Những gì Cha trích dẫn ở đây cho thấy chiều kích rao giảng Tin Mừng và giáo dục đức tin chắc chắn là điều Tu Hội chúng ta rất quan tâm, trong suốt chiều dài lịch sử của Tu Hội từ trước tới nay, như Cha vừa nói trên.

Hiến Luật cũng nhiều lần nhắc nhở và thôi thức chúng ta về khía cạnh thiết yếu này. Trong Hiến Luật, chúng ta đọc thấy: “Trung thành với những cam kết Don Bosco truyền lại, chúng ta là những người rao giảng Tin Mừng cho thanh thiếu niên, cách riêng những em nghèo khổ hơn cả” (HL 6). Và rồi, như Don Bosco đã nói với chúng ta rằng Tu Hội được khởi đầu với một bài giáo lý đơn sơ, thì “chúng ta cũng vậy, việc rao giảng Tin Mừng và huấn giáo là chiều kích nền tảng của sứ mệnh chúng ta” (HL 34). Chúng ta thực thi sứ mệnh với phương cách “ Giáo dục và phúc âm hóa theo một kế hoạch thăng tiến toàn diện con người, hướng tới Đức Kitô, con người hoàn hảo” (HL 31). Bởi lẽ chúng ta thực sự tin rằng Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta  nơi các thanh thiếu niên, để ban cho chúng ta ân huệ được gặp gỡ Ngài và xếp đặt để chúng ta phục vụ các em, nhìn nhận phẩm giá nơi các em và giáo dục các em sống thật sung mãn.”[24]

Cha dám nói rằng, cách này hay cách khác, tất cả anh em Salêdiêng chúng ta đều đã được nghe, và được đào luyện để thực thi điều này. Cha thực sự tin rằng, nếu chúng ta gặp khó khăn khi thực thi sứ mạng rao giảng Tin Mừng, nói chung, đó không phải vì chúng ta không biết đâu là cốt lõi để là Salêdiêng, những nhà truyền giáo cho thanh thiếu niên. Thiết nghĩ, chúng ta thực sự đều tin “phải loan báo Đức Giêsu.” Ai cũng có quyền được biết Chúa Kitô,”[25] và trong tư cách là những người rao giảng Tin Mừng và những nhà giáo dục đức tin, chúng ta muốn giúp người trẻ nghe được tiếng Chúa Cha và nhận biết Đức Giêsu. Chúng ta xác tín rằng, đem Tin Mừng đến cho các bạn trẻ là chúng ta đem lại cho họ nguồn sinh lực vô song để xây dựng nhân cách của mình, giúp họ đạt đến sự phát triển toàn diện mà  mỗi bạn trẻ đều đáng phải được.[26]

Cha tin rằng thách đố và khó khăn là ở chỗ khác. Thách đố lớn lao là chúng ta cần phải hết sức nỗ lực thực thi trách vụ và sứ mạng này dẫu thường là khó khăn khi người trẻ chưa thực sự sẵn sàng hoặc họ chưa cảm nhận được thúc đẩy. Tại một số lục địa, – rõ rệt nhất là Âu Châu, mà cha cảm nhận – việc minh nhiên loan báo Tin Mừng, ngay cả khi  được thực hiện với những kỹ thuật hay với những phương pháp giáo dục thích hợp, lại không luôn thấy được thành công và đem lại hiệu quả. Hệ quả, theo lẽ tự nhiên thuộc bản tính con người là thụt lại, hoặc tệ hơn, là dừng lại và tiêu tốn rất nhiều thời gian cho những yếu tố dẫn nhập vào đức tin. Vì lý do đó, thách đố lớn lao đầu tiên là phải xác tín về tầm quan trọng tối thượng của sứ mệnh chúng ta, và tìm ra nghị lực cần phải có để toàn tâm dấn thân vào, dẫu chúng ta biết là mình sẽ không được hân hoan đón nhận hoặc không được để ý tới. Mặt khác, chúng ta cũng phải biết rằng những hoàn cảnh gây nên khó khăn, sự rửng rưng và đôi lúc có cả chống đối đã bắt nguồn từ việc loan báo Tin Mừng trước đây. Cũng vậy, rất thường xảy ra, là sự khác biệt về tôn giáo khiến chúng ta nhụt khí không dám rao giảng về Đức Kitô. Chúng ta chỉ dừng lại trong những hoạt động xã hội mang tính từ thiện mà thôi, cho dù những việc đó tự chúng là tốt. Nhưng nếu không có rao giảng Tin Mừng và giáo dục đức tin trong những việc ấy, chúng ta mới chỉ dừng lại ở nửa đường.

Bên cạnh những thách đố như lãnh đạm, rửng rưng, ngay cả sự chống đối, không cần đến Thiên Chúa trong những môi trường khác nhau mà chúng ta gặp phải như nói ở trên, còn nhiều khó khăn khác mà Cha dám nói thẳng là chúng ta phải trả giá đắt cho những gì chúng ta quyết định hay hành động của chúng ta: đó là chúng ta quá bám vào cơ cấu, vào gánh nặng điều hành, việc quản trị, phát triển và chồng chéo các hoạt động và nhiều thứ khác trói buộc chúng ta. Điều đó làm tiêu hao sinh lực, khiến niềm vui và hạnh phúc trong ơn gọi Salêdiêng bị suy giảm hay cạn kiệt. Trên hết, chúng có thể làm cho chúng ta không gần gũi được với người trẻ. Và nếu chúng ta không ở với người trẻ, và không luôn luôn nhắm phục vụ các em, thì không thể rao giảng Tin Mừng được.

Anh em hội viên thân mến, với cả tấm lòng của Cha, Cha không muốn anh em nào cắt nghĩa những điều Cha nói ở trên như là những lời bi quan. Chúng ta không phải là những con người  bi quan. Nhưng ngược lại, Cha vẫn nói từ lâu và tiếp tục xác định rằng chúng ta đang có một Tu Hội tốt đẹp. Trong Tu Hội này, không phải là không có khó khăn, chúng ta đang làm được rất nhiều điều tốt lành và chúng  ta cần phải cảm tạ Chúa về điều đó. Tuy nhiên, những gì Cha nói ở trên về những nguy hiểm, những sợ hãi, những khó khăn hay những giới hạn, tất cả đều không phải là những điều mới. Chúng ta đã biết, đã nghe những điều ấy khá nhiều lần. Vấn đề quyết liệt sẽ đã điều nghiên và biết rõ nguyên nhân.

Ở đây, Cha muốn nói với anh em rằng, khi Cha đọc lại các lá thư của Don Rua, Don Albera và Don Rinaldi viết cho Tu Hội vào những thập niên đầu tiên khi Tu Hội mới được hình thành, Cha rất tâm đắc đường hướng mà các Ngài vạch dẫn. Đó là những lá thư rất chân tình, rất mộc mạc về hình thức, nhưng qua đó nắm bắt được cách thức Tu Hội gia tăng và phát triển,  tổ chức Tu Hội với những ánh sáng và bóng tối, và với những thách đố lớn lao đang xuất hiện, kể cả cuộc thế chiến thứ nhất. Đó là những lá thư chỉ ra nguy cơ “xao nhãng” điều cốt lõi Don Bosco đã để lại trong câu châm ngôn “ Da mihi animas coetera tolle”, tức là việc chúng ta ngày nay rao giảng Tin Mừng và giáo dục đức tin, hoàn toàn tận hiến cho thanh thiếu niên và vì thanh thiếu niên. Khi đối diện trước những thách đố này, các vị đã không ngại đưa ra những lời nhắc nhở rất mạnh mẽ là không được xao nhãng lý do nền tảng khiến Don Bosco dâng hiến cuộc sống cho Tu Hội Salêdiêng.

Cùng hòa nhịp với xác tín của các Cha Bề Trên Cả trước đây, từ Bề Trên Cả  đầu tiên đến các vị mới đây, qua lá thư này Cha muốn nói những gì sâu tận từ trái tim Cha. Cha cũng cương quyết xác tín rằng, trong cái mà Cha đã quyết định gọi là “Ước mơ của Cha – gồm 5 điều”, Cha trình bày cho anh em nhiều về cuộc sống và những phong phú nhất của Tu Hội, Cha hết sức kỳ vọng rằng chúng ta sẽ tiếp tục dấn bước theo nẻo đường này, tiếp tục phát triển và thăng tiến những gì nền tảng, những gì thực sự làm nên căn tính của chúng ta. Cùng với các Cha Giám tỉnh trong những dịp khác nhau, Cha nói với các vị rằng chúng ta đừng bao giờ để những vấn đề các vị gặp phải làm lu mờ cái nhìn về vô số điều thiện hảo và tốt đẹp trong tỉnh dòng của mình… Đương nhiên phải đối diện với những khó khăn ta gặp, nhưng tốt hơn hãy khích lệ từng và mọi hội viên Salêdiêng tiếp tục dấn bước, cống hiến những gì tốt nhất nơi họ, những gì tốt nhất nơi chính căn tính chúng ta, nghĩa là, biểu tỏ qua cách chúng ta sống như là những người rao giảng Tin Mừng, và những nhà giáo dục, chúng ta là những người luôn mang đầy niềm đam mê dành cho người trẻ, tham gia vào hoạch định của Thiên Chúa, để làm sao cùng với các anh em Salêdiêng khác tại các cộng thể chúng ta, cùng với rất nhiều những nhà giáo dục nam nữ, các bạn bè, các người đời tích cực dấn thân, chúng ta tiếp tục giấc mơ của Don Bosco, với cùng một nhiệt tình mà Ngài đã chuyển giao cho các Salêdiêng và giáo dân tiên khởi, sống xứng đáng với danh hiệu Đức Phaolo VI ban cho chúng ta, là “những nhà truyền giáo của thanh thiếu niên.”

5. Cha ước mơ Tu Hội của chúng ta luôn là một Tu Hội truyền giáo

5.1. Bởi vì đây chính là cấu tố đặc trưng của chúng ta

Chúng ta đọc thấy trong Hiến Luật như sau: “Những dân tộc chưa được rao giảng Tin Mừng là đối tượng đặc biệt của sự quan tâm và nỗ lực tông đồ nơi Don Bosco. Họ vẫn tiếp tục khơi dậy lòng nhiệt thành của chúng ta và giữ cho nó luôn sinh động. Chúng ta nhìn nhận việc truyền giáo là một nét thiết yếu của Dòng chúng ta”[27] (HL 29). Với hoạt động truyền giáo, chúng ta kiên trì thực thi công cuộc phúc âm hóa và thiết lập Hội Thánh nơi một nhóm người.” (HL 30)

Xin cho phép Cha nhắc lại ở đây điều mà chúng ta đã biết rất rõ: Ngay khi còn trẻ, Don Bosco đã có ước mơ muốn đi truyền giáo. Don Cafasso, khi đồng hành với Ngài trong việc biện phân ơn gọi, đã “cản” Ngài lại và nói rằng việc truyền giáo không phải dành cho Ngài (x. MB II, 160-161). Tuy vậy Don Bosco luôn có ý tưởng đó trong đầu và trong tận đáy lòng, nên Ngài đã thực hiện ước mơ truyền giáo qua các con cái mình. Bắt đầu vào ngày 11 tháng 11 năm 1875, Ngài chọn từ các Salêdiêng đầu tiên một nhóm người và gửi họ đến Châu Mỹ để phục vụ nhu cầu thiêng liêng cho các di dân, và cũng để đem Tin Mừng đến những ai chưa biết Chúa. Từ cuộc xuất phát truyền giáo đầu tiên vào năm đó cho đến nay, tức đến ngày 27 tháng 9 năm 2015, đã có 146 cuộc lên đường truyền giáo. Chỉ rất sớm sau cuộc phát xuất đầu tiên của anh em Salêdiêng, các Nữ Tu Con Đức Mẹ Phù Hộ cũng đều đặn hằng năm lên đường đến các vùng truyền giáo. Hiện nay, các cuộc xuất hành truyền giáo được tổ chức mỗi năm với sự có mặt của cả những giáo dân nam cũng như nữ ra đi truyền giáo.

Chúng ta đừng quên một sự kiện tự nó đã nói lên ý nghĩa, đó là điều mà Cha đã nhắc tới trong lá thư lần trước (Công Báo số 419). Lúc Don Bosco qua đời, ở Châu Mỹ La tinh đã có 153 hội viên Salêdiêng, tức 20% trong tổng số các hội viên lúc bấy giờ theo niên giám của Tu Hội.

Trong một lá thư của Cha Bề Trên Cả Don Albera viết năm 1912, Ngài cũng đề cập đến ước nguyện của Don Bosco: “Việc truyền giáo là đề tài được Cha thánh rất quan tâm qua những buổi nói chuyện. Ngài cũng biết cách khởi hứng trong tâm hồn mọi người ước muốn mãnh liệt trở nên  những nhà truyền giáo như thể đó là một công việc rất bình thường trong thế giới ngày nay”.[28]

Cha vẫn luôn thâm tín rằng chiều kích truyền giáo là cấu tố thiết yếu  làm nên căn tính của chúng ta như là một Hội Dòng. Càng tham khảo những tài liệu, Cha càng xác tín mạnh mẽ hơn về điều này. Những trích dẫn sau đây minh chứng điều ấy. TTN 19 đòi hỏi Tu Hội phải làm sống lại “lý tưởng của Don Bosco,” Ngài muốn  rằng công cuộc truyền giáo phải là mối quan tâm thường hằng của Tu Hội quan tâm, theo mức đó là điều làm nên bản chất và mục đích của Tu Hội”.[29]  Vào thời mình, Cha Vecchi viết “Vì ý thức truyền giáo không phải là một đặc tính tùy thích chọn hay không, nhưng là cấu tố làm nên tinh thần Salêdiêng mọi thời và mọi nơi, trong mọi chương trình làm việc của Bề Trên Cả cũng như ban Tổng Cố Vấn, chúng ta đề nghị mọi Tỉnh Dòng coi đây như một lãnh vực phải được lưu tâm đặc biệt”.[30]

Chúng ta biết rất rõ, cho dầu Don Bosco chưa bao giờ đi xa để trực tiếp làm việc tại những vùng đất lạ, nhưng Ngài biết cách khơi dậy nơi các con cái Ngài ở Valdocco niềm đam mê truyền giáo và nhiệt tình rao truyền Tin Mừng. Những gì ngài viết, tờ Thông Tin Salêdiêng, và bất cứ phương cách gì hữu ích hoặc kịp thời, đều được tận dụng để phổ biến ước mơ truyền giáo này.

5.2. Bởi vì thời đại chúng ta đang sống hết sức đòi hỏi điều đó

Ở đây, Cha không muốn nêu ra điều gì mới. Những nguồn liệu quý giá của chúng ta đã quá dồi dào. Tuy nhiên, Cha muốn nhấn mạnh vài điều suy nghĩ từ đáy lòng của Cha mà Cha gọi đó là ước mơ của Cha:

a- Chiều kích truyền giáo phải là nét đặc trưng nơi từng anh em chúng ta. Bởi vì nó làm nên chính tinh thần Salêdiêng. Điều này có nghĩa là việc truyền giáo không phải chỉ là công việc phụ cộng thêm vào, hoặc chỉ dành cho một số người. Đó chính là cấu tố thiết yếu làm nên trái tim mục tử của chúng ta. Và rồi, chắc chắn nhiều hội viên chúng ta nghe được tiếng Chúa mời gọi cá nhân họ cách đặc biệt để đi truyền  giáo ‘ad gentes’.

b- Hơn bao giờ hết, để thể hiện lòng trung thành đối với Tin Mừng, đối với Giáo Hội và đối với Don Bosco, Tu Hội chúng ta cần phải tiếp tục là [tu hội] truyền giáo. Trong một số dịp, Cha đã liệt kê ra thách đố truyền giáo cho một số miền chúng ta đang nhắm đến và một số cánh đồng truyền giáo chúng ta cần phải củng cố.

c- Ngay bây giờ Cha cũng lập lại lời kêu gọi, gửi tới những ai cảm thấy mình được Thiên Chúa kêu gọi để đi truyền giáo ‘missio ad gentes et ad vitam’ (truyền giáo cho  muôn dân và suốt đời) là hãy đón nhận lời mời gọi đó, để chúng ta có thể phân định ơn gọi truyền giáo ấy vào một thời điểm thích hợp. Cha cũng đã nhận được thư các hội viên viết, thường là những anh em trẻ, cho cha hay rằng anh em ao ước muốn đi truyền giáo nhưng bị bề trên (đôi khi là Giám đốc, đôi khi là Giám tỉnh) ngăn cản, hoặc cấm đoán hoặc không cho phép.

Nhìn vào cõi lòng của Don Bosco, Cha nghĩ, Cha có thể nói thẳng ra rằng không ai có quyền ngăn cản những lời mời gọi từ Thiên Chúa liên quan đến ơn gọi của anh em. Những khó khăn  từ cộng thể địa phương hay tỉnh dòng không được ảnh hưởng đến những mong ước quảng đại này. Anh em thân mến, chúng ta đừng bao giờ quên rằng Thiên Chúa luôn quảng đại hơn chúng ta rất nhiều.

Cuối cùng, Cha muốn nói thêm, Cha tin là đã tới lúc chín mùi và vì nhu cầu truyền giáo khuyến cáo, với sự phối kiểm nhịp nhàng và  theo sự hiểu biết của Bề Trên Cả thông qua Cha Tổng cố vấn Miền và Tổng Cố Vấn truyền giáo, chúng ta chúng ta có thể gửi anh em thuộc những tỉnh dòng có nhiều ơn gọi tới giúp đỡ tạm thời những nơi khác hay tỉnh dòng khác của Tu Hội trong một giai đoạn nhất định. Các Cha Giám tỉnh thân mến, các Cha hãy quảng đại hơn [để cho anh em ra đi]. Về  mặt này, Don Bosco quả là xuất chúng.

Cha kết thúc lá thư này nhằm chia sẻ với anh em, với một tình cảm sống động và một xác tín mạnh mẽ, để nhắc nhở các anh em Salêdiêng của Cha rằng đây là lúc chúng ta phải nghĩ về Tu Hội chúng ta, phải nghĩ về Đời Thánh Hiến và Sứ Mạng của chúng ta, đồng thời vẫn luôn cảm tạ Chúa về cuộc sống của từng anh em.

Năm nay có nhiều người đến thăm viếng Valdocco. Sắp tới, Cha cũng sẽ ở đó. Cha hứa sẽ nhớ cầu nguyện với Chúa cho anh em, qua lời chuyển cầu của Don Bosco và Mẹ Maria Phù hộ. Đức Maria không chỉ là người làm mọi sự nơi Don Bosco. Mẹ còn là Mẹ của Giáo Hội, là Đấng Phù Trợ Dân Thiên Chúa. Mẹ đang đồng hành với chúng ta, những người rao giảng Tin Mừng và những nhà giáo dục  đức tin cho giới trẻ vào thời điểm lịch sử mà chúng ta đang sống.

Chúng ta cùng dâng lên mẹ lời kinh nguyện mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết lên trong Tông huấn  Lumen Fidei:

Mẹ ơi, xin trợ giúp đức tin chúng con!

Xin mở rộng đôi tai chúng con để chúng con lắng nghe Lời Chúa,

và để chúng con nhận ra tiếng Chúa mời gọi.

Xin khơi dậy nơi chúng con ước muốn bước theo Chúa,

để chúng con ra đi khỏi đất nước mình và  lãnh nhận điều Chúa đã hứa.   

Xin giúp chúng con được tình yêu Chúa chạm tới

để chúng con cũng được chạm tới Chúa trong đức tin.

Xin giúp chúng con biết tín thác trọn vẹn nơi Chúa,        

Biết tin tưởng vào tình yêu  của Ngài,

đặc biệt khi gặp thử thách dưới bóng Thập giá

lúc đức tin của chúng con được mời gọi trưởng thành

Xin hãy gieo vào niềm tin của chúng con niềm vui của Đấng Phục Sinh

Xin nhắc chúng con luôn nhớ rằng, ai tin sẽ không bao giờ cô độc

Xin dạy chúng con biết nhìn mọi sự với cặp mắt Giêsu

để Ngài trở nên ánh sáng soi bước chúng con đi.

Xin ngọn nến đức tin luôn rực sáng trong chúng con

Cho tới khi bình minh ló rạng khởi đầu một ngày mới không bao giờ tắt

Là chính Đức Kitô, con của Mẹ, và cũng là Chúa chúng con. Amen.

Xin Chúa tuôn đổ phúc lành trên anh em. Cha cũng gửi tới anh em những lời cầu chúc tốt đẹp nhất.

Thân ái!

Angel  Fernandez Artime, SDB

Bề Trên Cả.


[1] Đức Giáo hoàng Phanixcô: “Sứ điệp cho ngày khai mạc Năm Đời Sống Thánh Hiến”, 30 November 2014 Ibid, 4

[2] GC27, n. 4

[3] ET 55 được trích trong SGC20,  n. 22

[4] GC23, n. 165

[5] Hội đồng Giám mục  Mỹ Latinh và Caribê lần thứ 5,  Document of Aparecida (29 June 2007),  n. 360

[6] Đức Giáo hoàng Phanixcô, Evangelii Gaudium, n. 264

[7] Cha Vecchi miêu tả kinh nghiệm về đời sống thánh hiến rất tuyệt như sau: “Bản thân người cảm thấy được kêu gọi sống lối sống này thường trải nghiệm như sau: Chúa Kitô hiện diện rõ rệt với ta một cách hết sức lạ thường, ngài làm ta say đắm, mở ra cho cuộc đời ta biết bao khả thể khi ta tập trung vào Thiên Chúa, mang lại cho ta cảm nghiệm bình an khi ta yêu mến Thiên Chúa bằng một trái tim không phân chia, niềm hân hoan được hiến mình cho sứ mệnh, ân huệ được vui hưởng tình thân với Chúa Kitô và tham dự vào Sự Sống Chúa Ba Ngôi.” Trong  J.E. Vecchi, Educatori appassionati esperti e consacrati per i giovani. Roma, LAS 2013, 112.

[8] Cha thêm vào điều này.

[9] M. Beatrix Mayrhofer, SSND: Paradigma innovador en la Vida Consagrada. Revista Vida Religiosa -Monográfico-. Madrid, 5/2014 Vol 116, p. 65/(513)

[10] GC27, n. 32

[11] Cfr. GC27. Diễn từ bế mạc của Bề Trên Cả; Point 2.2.1

[12] Đức Giáo hoàng Phanxicô: Sứ Điệp Cho Ngày Khai Mạc Năm Đời Sống Thánh Hiến.

[13] x. Đức Giáo hoàng Phanxicô: Tông Thư Gởi Tất Cả Những Người Được Thánh Hiến,…  1 3

[14] Cf. SGC20, n. 181, also in. 70, 71, 76, 181, 596, 603 and 612

[15] Cf. GC21, n. 158, 159 và qui chiếu đến GC20 nn. 39-44, 181, 515 and 619

[16] Cf. GC22, n. 6

[17] Cf. GC23, n. 230

[18] Thánh Gioan Chrysostom, được trích trong EG 57

[19] Đức Giáo hoàng Phanixcô: Tông thư gởi tất cả những người được thánh hiến….., 24

[20] J.E. VECCHI, AGC 373, 36

[21] E. Viganò, x.. Thư luân lưu: Salesian Educational  Project (AGC 290); New education (AGC 337); Educating to the faith in the school (AGC 344); We are educator-prophets” (AGC 346)

[22] J.E.VECCHI, AGC 357, 19sq; AGC 362, 13-16

[23] P. CHÁVEZ, AGC 379, “Dear Salesians,be saints”14,15sq, 19sq; AGC 383, 70 sq; AGC 384, 19-20 and 25-28; AGC 386, 16-19 and 44sq;

[24] GC23, n. 95, cũng được trích trong SALESIAN YOUTH MINISTRY DEPARTMENT, Salesian Youth Ministry. Frame of Reference  Rome, 2014,  60

[25] J. E. VECCHI, AGC 364, 18

[26] SALESIAN YOUTH MINISTRY DEPARTMENT, Ibid, 64

[27] Cha in nghiêng ở đây

[28] Thư luân lưu của cha Phaolô Albera cho các Salêdiêng. Direzione Generale Opere Don Bosco, Torino, 1965, 133

[29] AGC n.. 244, p 178

[30] J.E. VECCHI, AGC 362, 8

Visited 16 times, 1 visit(s) today