NHÂN VỊ LÀ TRÊN HẾT

Có biết bao thay đổi trong Giáo triều kể từ khi Đức Jorge Mario Bergoglio lên ngôi Giáo hoàng với tước hiệu Phanxicô. Lối điều hành của ngài đã làm cho thế giới như thoáng thấy một giai đoạn mới của Giáo hội khởi sự, được đặt nền trên lối nhìn về con người như chính Chúa Giêsu đã nhìn thế giới và con người, cách xác tín và kiên quyết hơn. Chúa Giêsu nhìn con người ra sao? Ta có thể tóm lại trong một điều: con người là giá trị hàng đầu mà Thiên Chúa muốn, vượt quá luật lệ, vượt cả nghi thức thanh sạch hay uế tạp, vượt cả hy tế. Thiên Chúa sẵn sàng làm mọi sự để cứu vớt dù chỉ một người.

Đức Phanxicô đã nêu bật điều này trong những giáo huấn cũng như lối hành động của ngài. Ta chỉ cần nhắc lại vài điều giữa muôn vàn lời nói của ngài là đủ.

Thế giới tràn ngập xúc động trước hình ảnh Đức Phanxicô vui sướng dâng lễ giữa những tù nhân, rửa chân cho cả những phụ nữ Hồi giáo trong ngày thứ năm tuần thánh. Khi đến thăm nhà thương Gemelli và phân khoa dược của Đại học Thánh Tâm, ngài nói: “Cách riêng, ngày hôm nay đức tin là một giá trị đang bị khủng hoảng, bởi vì chúng ta luôn bị thúc đẩy tìm kiếm sự thay đổi, cái mới lạ, khi thỏa hiệp với nền tảng của cuộc sống chúng ta, của đức tin. Tuy nhiên, nếu không có sự trung thành ở tận nền tảng của mình thì xã hội không thể tiến tới; nó có thể tiến bộ về kỹ thuật, nhưng đó không phải là một sự tiến bộ toàn diện tới tất cả những gì là nhân bản và cho mọi người.” Rõ ràng, tiến bộ kỹ thuật không làm con người thỏa mãn. Con người cần đến tình thương trung thành của Đức Kitô. Tình thương đó “còn mãi trung tín, Ngài không bao giờ bội phản chúng ta: ngay cả khi chúng ta sai lầm, Ngài luôn chờ đợi để tha thứ chúng ta: Ngài là khuôn mặt của Chúa Cha nhân từ.”

Ngày 19 tháng Sáu năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô nói như sau: “Chúng ta ý thức rằng có quá nhiều lương thực được ban cho nhưng chúng không đến từ Chúa, và xem ra chúng làm ta vừa ý hơn. Một số người nuôi mình bằng tiền tài, số khác bằng thành công và hào nhoáng, số khác nữa bằng quyền lực và kiêu căng. Tuy nhiên thức ăn nuôi dưỡng và làm chúng ta thỏa mãn đích thực chỉ duy nhất có nơi lương thực Chúa ban cho chúng ta! Lương thực Chúa ban cho chúng ta thì khác với những lương thực khác, và có lẽ dường như chúng không có hương vị bằng một số món mà thế giới dọn ra cho chúng ta. Vì thế, ta mơ ước những món khác, giống như người Do thái đã từng nhớ nhung miếng thịt, củ hành bên Ai cập; nhưng họ quên rằng họ đã ăn những bữa ăn đó ở bàn ăn nô lệ. Trong phút giây cám dỗ, họ nhớ lại những thứ đó, một thứ ký ức bệnh hoạn, nô lệ. “Chỉ có một lương thực thỏa mãn con người: con người đói khát sự sống, đói khát tình yêu, đói khát vĩnh cửu. Đó là dấu chỉ manna, là “biểu tượng của lương thực làm thỏa mãn cơn đói sâu xa của con người”.

Nhưng với tôi, bài giảng của Đức Phanxicô tại Belêm quả là rõ nét về chiều hướng nhân vị này. Ngài nói: “Như mọi trẻ sơ sinh, đứa trẻ thành Bêlem cũng mỏng dòn. Ngài không thể nói dù chính mình là Lời nhập Thể đến biến đổi cõi lòng và cuộc đời của mọi người. Như các trẻ khác, trẻ em này cũng dễ bị thương tổn; Ngài cần được chấp nhận và bảo vệ…”. Ngày hôm nay, những trẻ em bị xua đuổi thậm chí còn mạnh mẽ hơn. Ngài nói tiếp: “Buồn thay trong thế giới này, với tất cả kỹ thuật phát triển cao độ, con số trẻ em tiếp tục sống trong những tình trạng phi nhân, bên lề xã hội, trong những phù phiếm của thành phố lớn và miền quê quả là mênh mông. Nhiều trẻ em tiếp tục bị khai thác, đối xử tàn tệ, làm nô lệ, làm mồi cho bạo lực và buôn bán… Khi nhìn nhận điều này, chúng ta cảm thấy xấu hổ trước Thiên Chúa, trước một Thiên Chúa đã trở nên một trẻ thơ “

Như thế, phẩm giá và quyền lợi của từng em chất vấn chúng ta, xem chúng ta muốn là ai khi đối diện với chúng. “Chúng ta là ai, khi chúng ta đứng trước trẻ Giêsu? Chúng ta là ai khi đứng trước những trẻ em hôm nay? Chúng ta có như Đức Maria và Giuse đón chào Đức Giêsu và chăm sóc Ngài với tình yêu phụ tử và hiền mẫu? Hay chúng ta là Hêrôđê muốn loại trừ chúng? Hay chúng ta như những mục đồng, vội vã đến thờ lạy và dâng những tặng phẩm khiêm tốn? Hay chúng ta dửng dưng? Hay có lẽ chúng ta là những người dùng lời lẽ tốt đẹp, đạo đức song lại khai thác những bức tranh về các trẻ nghèo để làm tiền? Chúng ta có sẵn sàng ở đó cho trẻ em, để “mất giờ” với chúng? Chúng ta sẵn sàng lắng nghe chúng, chăm sóc chúng, cầu nguyện cho chúng và với chúng? Hay chúng ta bỏ quên các trẻ bởi vì chúng ta quá bận bịu trong những công việc của riêng mình?”

Dù chúng ta có mang tâm trạng nào thì luôn có một điều không hề thay đổi, đó là Thiên Chúa vẫn lo cho các trẻ thơ của Ngài. Ngài cho chúng ta một dấu hiệu. Dấu nào thế? “Có lẽ trẻ nhỏ đang khóc. Nó khóc vì đói, vì lạnh. […] tiếng chúng khóc thách đố chúng ta. Trong một thế giới mà hằng ngày đổ đi hàng tấn lương thực và thuốc men thì lại có những trẻ đói và khổ vì những bệnh tật dễ chữa đang kêu cứu vô vọng. Trong một kỷ nguyên nhấn mạnh đến bảo vệ các trẻ vị thành niên, thì lại nở rộ buôn bán vũ khí mà kết tận ở tay của những người lính trẻ con. Có những thị trường đầy dẫy đồ dùng được làm bằng sức lao động nô lệ của trẻ con. Tiếng kêu của chúng bị nghẹn. Chúng phải làm việc, phải chiến đấu, không thể kêu! Những những người mẹ của chúng, những Rakel hiện đại, kêu khóc cho chúng. Họ khóc cho con cái họ và không muốn được an ủi. (cf. Mt 2,18).

Theo ánh sáng đó, Đức Thánh Cha Phanxicô dám nói rằng mức độ quan tâm tới trẻ em là cách bắt mạch cho thấy xã hội đó khỏe mạnh hay đau yếu.  Ngài nói: “Mọi trẻ em sinh ra và lớn lên trong mọi miền thế giới chúng ta là dấu bắt mạch cho thấy tình trạng sức khỏe của gia đình, cộng đoàn, quốc gia chúng ta. Bắt mạch thẳng thăn và ngay chính như thế mới có thể dẫn chúng ta tới một phong thái sống mới ở đó những tương giao của chúng ta không còn ghi dấu bởi đối nghịch, đàn áp và tiêu thụ, nhưng bởi tình huynh đệ, tha thứ, liên đới và yêu thương.”

Tất cả điều đó ẩn sâu một chân lý được chính Thiên Chúa ký nhận bằng giá máu của Con mình: Nhân vị là tiên quyết và trên hết, là mục đích chứ không phải phương tiện.

Văn Am, SDB

Visited 5 times, 1 visit(s) today