NGƯỜI DÂN BẢN ĐỊA Ở CAMPUCHIA THAM GIA CHƯƠNG TRÌNH “CẦU NỐI ĐA NGÔN”

(ANS – Kep) – Ban Truyền thông của Phụ tỉnh Salêdiêng Campuchia, trực thuộc Tỉnh dòng “Thánh Phaolo” của Thái Lan (THA), vào ngày 27 và 28 tháng 1 tại trung tâm “Don Bosco Kep” – trường kỹ thuật và cũng là trung tâm dành cho trẻ em ở Đông Nam Campuchia – đã tổ chức chương trình “Voices – Cầu nối Đa ngôn” (tiếng nói của các nhóm bản địa) với sự tham gia đại diện của 8 nhóm bản địa.

Tiếp nối chương trình lần trước của “Voices”, được tổ chức tại Hua Hin, Thái Lan, vào tháng 9 năm 2023, cha Albeiro Rodas và Bonny Seun, cựu học sinh của “Don Bosco Kep” và cũng là Già làng của người Jarai, đã tổ chức chương trình mới này. Trong phiên bản mới này ban tổ chức mời những nhóm người bản địa khác nhau ở Campuchia đến tham dự, đặc biệt là từ tỉnh Ratanakiri phía bắc, và các tỉnh khác như Oddar Menchey, vùng đất tổ tiên của người Kuy.

Sự kiện bắt đầu bằng lễ chào đón trước biểu tượng được phục dựng theo Ngôi nhà ở Beckki, với lời giới thiệu của cha Albeiro Rodas, Giám đốc trung tâm nghề. Tiếp theo là thông điệp của cha Harris Pakkam, thuộc Ban Truyền thông Xã hội của Roma, Giám đốc Biên tập của tờ báo ANS. Tiếp theo là tất cả 8 Già làng cùng nhau cầu nguyện và ban chúc lành như là cử chỉ truyền thống cho vùng này và cho chương trình này.

Cuộc hội thảo diễn ra trong “Phòng Rong” được trang trí với phông nền là những hình ảnh và hình vẽ cùng với những khẩu hiệu và câu trích dẫn truyền thống của người bản địa. Sau phần giới thiệu ngắn gọn của tất cả những người tham gia, ý nghĩa của chương trình này cũng được giải thích cho mọi người cùng biết. Chương trình bắt đầu với phần thảo luận của từng nhóm bản địa, sau đó là phần tổng kết và chia sẻ chung. Do đó, người dân bản địa có cơ hội nói về bản sắc, ngôn ngữ, truyền thống, tâm linh, lãnh thổ và những khó khăn của họ. Trong trang phục truyền thống, một chàng trai và “Cha Thom”, Già Làng, giải thích những chủ đề này cho những người khác, thêm vào đó là những câu chuyện, thách thức, đề xuất, giải pháp và yêu cầu được giúp đỡ.

Trong cuộc họp, cha Gildasio Mendes, Tổng Cố vấn về Truyền thông Xã hội Saledieng, cũng có lời chào trực tuyến đến tất cả mọi người và tỏ lòng biết ơn to lớn đối với người dân bản địa, những người mà Tu hội Salêdiêng luôn đồng hành cùng với họ. Do đó, kết thúc ngày đầu tiên là một buổi tối giao lưu văn hóa với âm nhạc và điệu múa truyền thống của tổ tiên, do học sinh thuộc nhiều nhóm bản địa khác nhau biểu diễn.

Ngày thứ hai, các nhóm dân bản địa cùng nhau chia sẻ, bày tỏ mối quan tâm của họ về những thách thức mà họ phải đối mặt cũng như những hy vọng và khát vọng cho tương lai của họ. Buổi chiều, tất cả những người tham gia đi thăm ngọn núi trong Vườn Quốc gia Bokor, nơi linh thiêng của người Campuchia. Trên Núi Bokor, tất cả những người tham gia tập trung bên trong một ngôi nhà thờ Công giáo bị bỏ hoang hàng trăm năm để cầu nguyện. Sau đó là một nghi thức ngắn được Cha Rodas và Cha Pakkam hướng dẫn, trong đó mọi người bày tỏ sự cam kết của mình trong việc bảo vệ và bảo tồn các quyền và truyền thống bản địa cũng như chia sẻ văn hoá của họ với các nhóm bản địa khác.

Lễ bế mạc chương trình “Cầu nối Đa ngôn” diễn ra vui vẻ bên đống lửa, dưới ánh trăng rằm và cũng là dịp để 8 nhóm cùng nhau chia sẻ. Đại diện các nhóm là một Già Làng và một bạn trẻ, chia sẻ những ấn tượng của họ về chương trình này. Những Già làng bày tỏ lòng biết ơn về chương trình này, về cơ hội được chia sẻ văn hoá của bộ lạc mình và hiểu thêm văn hoá của các nhóm bản địa khác. Họ cũng đề nghị rằng tất cả các cuộc thảo luận và chia sẻ về chương trình này nên được ghi lại và xuất bản thành một cuốn sách bằng tiếng Khmer và tiếng Anh.

Một Già Làng của nhóm bản địa Lun cho biết: “Tôi rất biết ơn vì đã nhận được lời tham gia này. Đây là lần đầu tiên tôi gặp thành viên của các nhóm bản địa khác và tôi không chỉ tìm thấy nhiều điểm tương đồng trong truyền thống của chúng tôi mà còn những vấn đề và thách thức của chúng tôi.”

Một thanh niên khác thuộc nhóm bản địa Lun: “chương trình này đã mang lại cho chúng tôi một nền tảng để đoàn kết, bảo vệ bản thân và nói lên những mối quan tâm của mình. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để ghi lại di sản của mình và chia sẻ truyền thống của chúng tôi với các bộ lạc khác.”

Nói về kết quả của chương trình “Cầu nối đa ngôn”, cha Albeiro Rodas nhận xét: “Tôi rất vui khi Don Bosco Kep có thể trở thành trung tâm để đoàn kết, đồng hành và hướng dẫn các nhóm bản địa ở Campuchia. Năm nay chúng tôi chỉ có đại diện của 8 nhóm và năm tới tôi hy vọng sẽ có đại diện từ các nhóm khác”.

Bonny Seun, Tù trưởng trẻ tuổi của nhóm Jarai, người điều phối toàn bộ sự kiện, cho biết: “Đây là một sự kiện lịch sử đối với người dân bản địa, vì đây là lần đầu tiên họ tụ tập dưới chương trình “Cầu nối Đa ngôn” để tham gia, phát biểu và bàn luận. Tôi hy vọng rằng qua chương trình này người dân bản địa sẽ có thêm nhận thức và ước mơ về tương lai của riêng mình.”

Sự kiện này còn có sự tham dự của Mark Saludes, nhà báo của cơ quan báo chí “Licas” ở Bangkok, và một số sinh viên từ “Don Bosco Kep”, thuộc nhiều nhóm bản địa khác nhau.

Nguồn: https://www.infoans.org

Chuyển ngữ: Jose Ngọc Toản SDB

 

Visited 64 times, 1 visit(s) today