NÊN THÁNH NHƯ DON BOSCO

Khi tìm hiểu về các vị thánh, chúng ta muốn thấy điều gì nơi các ngài. Phải chăng đó là những đặc ân lạ thường, những sự kiện kỳ bí, những phép lạ và những biến cố ngoại thường? Điều đó là hợp lý, bởi chúng ta muốn tìm lời giải đáp cho một sự tò mò thánh thiện: tại sao vị đó được Hội thánh tôn phong trên bàn thờ? Vị thánh đó có gì trổi vượt hơn chúng ta? Nhân đức và đời sống của ngài có gì khác với chúng ta. Dù vậy, khi tìm hiểu về các vị thánh, chúng ta còn có một khát vọng thâm sâu khác: Liệu vị thánh đó có gì giống với chúng ta không? Liệu chúng ta có thể học hỏi được gì từ vị thánh đó? Liệu ngài là một mẫu gương để chúng ta bắt chước hay chỉ là một hình mẫu xa vời khiến chúng ta chỉ có thể nhìn ngắm mà thôi. Nói khác đi, con người của thời đại hôm nay muốn kéo các vị thánh xuống gần với họ: cùng vật lộn với những bất toàn của bản tính tự nhiên, cùng dấn mình vào mọi trạng huống vui buồn của cuộc sống, cùng lao mình vào những nỗi khốn nạn của kiếp nhân sinh, cùng ngẩng cao đầu hướng về thiên quốc dù đôi chân vẫn còn vương vấn bùn đen. Vâng, Don Bosco là một vị thánh như thế: Ngài đã trở nên một vị thánh hoàn hảo sau khi đã vật lộn với biết bao khiếm khuyết và bất toàn của kiếp người. Ngài đã không an phận nhưng nỗ lực hết mình để vươn đến đỉnh cao của sự thánh thiện. Nhờ vậy, ngài trở nên mẫu gương cho mỗi người chúng ta trong chính sự yếu đuối và bất toàn của mình. Với những triền tư tưởng đó, chúng ta hãy cùng tìm hiểu và học hỏi về Cha thánh Gioan Bosco qua chủ đề: Nên thánh như Don Bosco. Qua đó, chúng ta sẽ thấy Don Bosco thật giống, thật gần gũi, thật bi đát như chúng ta. Nhờ vậy, Chúng ta sẽ thoải mái chung sống và bước theo ngài trên con đường nên thánh trong sứ mạng tông đồ người trẻ.

Don Bosco là một trong những vị thánh đặc biệt của Giáo hội. Ngài là Đấng sáng lập Tu hội thánh Phanxicô Salê và dòng Con đức Mẹ Phù Hộ. Ngài đã khai mở và làm tăng trưởng vườn hoa thánh thiện Salêdiêng. Chỉ chưa đầy 200 năm qua, vườn hoa đó đã tranh nhau đua nở với 9 vị hiển thánh, 86 chân phước và 40 đầy tớ Chúa.  Ngài được người trẻ khắp nơi yêu mến và tung hô với tước hiệu là Cha, Thầy và Bạn của giới trẻ. Dù vậy, cha thánh của chúng ta không phải là một vị thánh bẩm sinh. Trái lại, ngài cũng được sinh ra như một con người bình thường với đầy những bất toàn của kiếp nhân sinh. Sinh thời, ngài cũng có đầy những giới hạn của bản tính tự nhiên, vẫn chịu những cám dỗ của thế gian và ma quỷ.

Lúc còn nhỏ, hàng xóm của Gioan Bosco thường mô tả cậu là một đứa trẻ nhút nhát, lầm lì, nghiêm nghị và ít nói. Rồi lúc lên 9, dung mạo và tính cách tự nhiên của Gioan Bosco lại được phác họa một cách rõ ràng hơn trong một giấc mơ đặc biệt. Trong giấc mơ đó, khi nhìn thấy những đứa trẻ đánh nhau và ăn nói phạm thượng, Gioan Bosco đã ngay lập tức lao vào giữa chúng và vung tay đánh đấm túi bụi để bắt chúng câm miệng. Chỉ một thoáng như vậy cũng đủ cho chúng ta thấy rằng, tự bản chất, Gioan Bosco là một người rất nhiệt thành trong việc bảo vệ danh dự cho Thiên Chúa nhưng đồng thời, cậu cũng là một người nóng nảy và hung hăng.

Các nhân chứng còn nói thêm rằng, lúc niên thiếu, Gioan Bosco thường tỏ ra là một đứa trẻ khó vâng lời và không chịu khuất phục ai. Cậu không dễ nhượng bộ và luôn muốn bảo vệ quan điểm của mình cho tới cùng. Cha xứ của Gioan Bosco thì nhận xét một cách ngắn gọn và dứt khoát: “Kỳ lạ và cứng đầu”. Bên cạnh đó, việc sở hữu một trí thông minh ưu việt cùng nhiều khả năng đặc biệt cũng khiến cậu dễ rơi vào thái độ tự cao tự đại, thích được chú ý và kiêng nể.

Những giới hạn của bản tính tự nhiên nơi Don Bosco không chỉ hiện hữu khi ngài còn niên thiếu nhưng chúng vẫn đeo bám ngài cho tới khi ngài đã là một linh mục. Dù là một trong những môn sinh đầu tiên và trung thành nhất của Don Bosco, Hồng y Cagliero vẫn thẳng thắn nhận xét: “Ngài nóng tính và tự cao, không chịu đựng một chống đối nào”. Đức cha Bertagna, người bạn thân của Don Bosco còn thêm: “Tôi tin rằng quả thật Don Bosco bẩm sinh đã có tính nóng. Ngài rất cứng cõi và không dễ nhượng bộ khi có ai khuyên bảo những gì không hợp với dự tính và quan điểm của ngài.” Chưa hết, bà hầu tước Barolo sau khi thuyết phục Don Bosco lo cho các trẻ nữ của bà mà không thành công đã dám gọi ngài là một người “bướng bỉnh, cứng đầu và kiêu ngạo”.

Ngoài những giới hạn đó, đôi lúc Don Bosco còn tỏ ra mình là một người hám danh, thích được người ta để ý và kiêng nể. Không ít lần ngài đã phóng đại và cường điệu hóa khi nói về các công cuộc của mình. Chính Don Bosco cũng từng tự nhận mình là một kẻ hám danh khi sửa soạn bài giảng một cách trau chuốt chỉ để được người đời ca tụng. Và lẽ dĩ nhiên, điều đó không đẹp ý Chúa: Ngài đã bị té ngựa, hôn mê và đánh mất cơ hội để công bố bài giảng đó.

Hung hăng, nóng nảy, cứng đầu, kiêu ngạo, tự mãn, hám danh… nếu Gioan Bosco cứ an lòng và xuôi theo những xu hướng tiêu cực như thế, chắc chắn chúng ta đã không có được một vị thánh sáng lập dòng thánh thiện, một vị thánh giáo dục tài ba và một vị thánh mục tử hoàn hảo như chúng ta có ngày nay. Trái lại, Don Bosco đã dứt khoát từ khước bản thân trong sự phó mình cho quyền năng Thiên Chúa và sự chuyển cầu của Mẹ Phù Hộ. Bên cạnh đó, chính lòng ưu ái đặc biệt dành cho thanh thiếu niên đã giúp ngài không ít trong hành trình đi từ một con người với nhiều xu hướng bất toàn tiến lên vị trí vinh hiển trên bàn thờ.

Xác tín về sự hiện diện của Thiên Chúa, sự chăm sóc của Mẹ Maria, Gioan Bosco đã lao mình vào một cuộc khổ chế liên tục, một sự từ bỏ ghê gớm và đi theo con đường chay tịnh, tiết chế và phạt xác. Ngài làm những điều này vì ngài nhận ra rằng có những lúc ngài đã thấy tự mãn về những tài năng phàm tục của ngài trong quá khứ như thể thao, làm xiếc, ảo thuật và chơi vĩ cầm. Ngài đã từ bỏ hết những tài năng này dù tự chúng chẳng có gì là xấu, nhưng với ngài, chúng không phù hợp với sự trang nghiêm của một linh mục và quan trọng hơn, có lẽ vì chúng thường dẫn ngài quay về với xu hướng tự mãn của mình. Cũng vậy, ngay khi nhận ra rằng tính hung hăng của mình là một tật xấu, ngài đã làm đủ mọi cố gắng để sửa mình đến độ ngã bệnh, mất máu và kiệt sức.

Bên cạnh đó, việc thực thi sứ mệnh tông đồ người trẻ cũng chính là con đường để ngài vươn đến sự thánh thiện. Chính ngài tự thú nhận: “Nếu Thiên Chúa không dẫn dắt cha theo con đường này, chắc chắn cha đã rơi vào đại họa lạc đường”. Thật thế, lòng ưu ái đặc biệt dành cho thanh thiếu niên đã khiến ngài thấy mình phải mặc lấy sự dịu ngọt và lòng hiền từ của thánh Phanxicô Salê và lòng kiên nhẫn của ông Gióp. Đây là những nhân đức hoàn toàn trái ngược với xu hướng tự nhiên của ngài. Nhưng vì lợi ích linh hồn người trẻ, ngài đã dốc lòng rèn luyện bản thân và đã có khả năng tự kiềm chế bản thân một cách phi thường và kiên vững. Ngài đã có được một lòng kiên nhẫn thật đáng kính nể và một phong thái dịu hiền không ai sánh kịp. Nói thì ngắn gọn và đơn giản như vậy, nhưng trong thực tế, Don Bosco đã phải trải qua những giây phút chiến đấu anh hùng đến độ “đổ mồ hôi máu”. Thật vậy, đám trẻ ngổ ngáo mà ngài đã thu nhận từ khắp các hang cùng ngõ hẻm đã liên tục kích thích sự nóng nảy và khiêu khích lòng kiên nhẫn của ngài. Có lẽ chúng không có chủ đích xấu nhưng vì hoàn cảnh sống đã khiến chúng trở nên những con người lập dị như thế. Chúng đóng tai, thóa mạ và bỉ báng những gì liên quan đến tôn giáo; chúng sẵn sàng đánh lộn ở mọi lúc mọi nơi và những lời lẽ thô tục, phạm thượng thì gắn liền trên môi miệng… Đã có lần người ta thấy ngài đỏ bừng mặt đuổi theo một đám học sinh quậy phá, nhưng rồi ngài lại nhẹ nhàng trách yêu: “Những đứa trẻ có phước này”. Cũng có lần người ta thấy ngài vung tay định giáng vào đầu một học sinh nhưng rồi cánh tay ấy lại đứng khựng trong không khí. Rồi khi những sự chống đối, sỉ nhục, cáo gian… ập xuống trên ngài đến mức nghẹt thở, máu nóng trong người Don Bosco sôi lên sùng sục và mọi giác quan như muốn nổi loạn. Ngài gồng mình, mồ hôi trán ứa ra, đôi tay thì siết chặt và run lên bần bật nhưng rồi ngài đã nhanh chóng lấy lại bình tĩnh để hồi đáp tất cả với một sự thanh thản và vị tha mà hiếm ai có được.

Cứ như thế, Don Bosco đã từng bước thắng vượt bản thân và vươn tới đỉnh trọn lành. Nơi con người của ngài toát lên một sự thánh thiện phi thường giữa cuộc sống và những con người bình thường. Nét đẹp riêng nơi sự thánh thiện của ngài là không chói lóa như mặt trời nhưng êm dịu và thanh khiết như vầng trăng. Chính vì thế, sự thánh thiện và những đặc ân phi thường của ngài đã không làm người ta khiếp sợ nhưng luôn gần gũi và thân thương. Ngài là một trong những vị thánh hoàn hảo nhất trong lịch sử Giáo hội. Sự hoàn hảo ở đây không có ý nói ngài là một người không vương tì vết nhưng là một sự kết hợp hài hòa giữa thực tại trần thế và viễn ảnh trời cao; giữa những xu hướng tự nhiên thấp kém với những nhân đức thiêng liêng cao cả. Quả vậy, Don Bosco đã luôn sống trong ánh nhìn của Thiên Chúa và chính ngài cũng sống như thể đang nhìn thấy Đấng Vô Hình. Giờ đây, Don Bosco đã mặc lấy một con người mới. Sự hung hăng ngày nào giờ đây đã được Don Bosco thay thế bằng sự dịu hiền của thánh Phanxicô Salê và đức ái của Đức Kitô mục tử. Sự cứng đầu và ương ngạnh của ngài đã được chuyển hóa thành sự kiên định và liều lĩnh trên đường dấn thân phục vụ. Chứng kiêu ngạo và hám danh một thời giờ được ngài gán hết cho vinh quang Thiên Chúa và phần rỗi các linh hồn… Chúng ta hãy lắng nghe lời của Đức giáo hoàng Piô XI minh chứng đều này: “Đời sống Don Bosco lúc nào cũng là một lễ hy sinh liên lỉ trong đức ái, một sự đắm chìm trong kinh nguyện… Tư tưởng của ngài như là tư tưởng của một người đang ở với Thiên Chúa. Đời sống ngài là một đời sống đầy sự thánh thiện và suy tưởng, cầu nguyện liên lỉ cả ban ngày lẫn lúc đêm trường và giữa những lao nhọc không ngơi nghỉ.”

Don Bosco là như thế, ngài đã vươn đến sự thánh thiện tột cùng với những điểm xuất phát hèn kém nhất. Là con cái của Don Bosco, chúng ta học được gì từ nơi ngài? Câu trả lời có thể sẽ khác nhau tùy theo cách mà Chúa soi sáng cho từng người chúng ta. Riêng với bản thân con, trên đường nhân đức, điều quan trọng nhất và khẩn cấp nhất là mình phải trở nên khiêm tốn để tự biết chính mình, để can đảm nhìn nhận rằng mình chưa hoàn hảo. Đây là một điều rất quan trọng vì ta không thể thăng tiến một điều gì mà chính chúng ta lại không tự nhận thấy rằng nó cần được thăng tiến. Tuy nhiên, sự nhận thức đó cũng mới chỉ là bước khởi đầu của tiến trình vượt thắng bản thân đầy gian nan phía trước. Vậy làm sao để chúng ta có thể vượt thắng bản thân, có thể vươn lên trong sự yếu đuối của mình? Don Bosco đã cung cấp cho chúng ta một hình mẫu rất khả dụng: Trong mọi sự, chúng ta hãy phó mình cho quyền năng của Thiên Chúa và vâng nghe lời dạy bảo của Đức Maria, bà giáo của mỗi người chúng ta. Bởi dù chúng ta có bất toàn đến đâu thì Thiên Chúa vẫn có cách để giúp chúng ta nên thánh và Mẹ Maria thì biết rõ kế hoạch của Thiên Chúa hơn ai hết. Bên cạnh đó, việc ra sức phục vụ anh em đồng loại và nhất là các thanh thiếu niên nghèo khổ cũng chính là con đường giúp chúng ta vươn tới sự hoàn thiện. Một khi chúng ta hết lòng yêu thương và sống hết mình cho giới trẻ, chúng sẽ dạy cho chúng ta biết mình phải làm sao để trở nên một công dân tốt và một Kitô hữu thánh thiện theo cách mà chúng đang cần. Như thế, việc dấn thân phục vụ của chúng ta không phải là một việc bố thí hay một chương trình từ thiện nhưng là một lối tu đức hiện đại giúp cho cả chúng ta lẫn những người trẻ mà chúng ta phục vụ được nên thánh.

Phàm là dòng dõi của Adam, tất cả chúng ta đều được sinh ra trong tội, trong những bi đát và những khiếm khuyết của phận người. Nhưng tự trong thâm tâm, Thiên Chúa đã đặt để một lời mời gọi, một khát vọng siêu việt để chúng ta tìm về với ngài. Đó là một hành trình rất hấp dẫn, rất tươi đẹp và là một món hời cho chúng ta. Tuy nhiên, đó cũng là một hành trình đầy cam go và cay đắng. Bởi chúng ta phải chiến đấu và vượt qua chính mình. Có lắm lúc chúng ta quá đau thương, quá thất vọng, quá nản chí… và muốn buông xuôi, bỏ cuộc. Điều đó là hợp lý vì chúng ta cảm thấy tất cả mọi thứ như muốn chống lại chúng ta: từ môi trường, con người, cảnh vật… cho đến chính bản thân của mình. Nhưng trước khi bỏ cuộc, chúng ta hãy nhìn vào mẫu gương của chúng ta là Cha thánh Bosco. Ngài cũng có đủ lý do để bỏ cuộc nhưng ngài đã không làm thế. Trái lại, ngài đã nỗ lực hết mình để vượt thắng tất cả nhờ lòng tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, sự cậy trông vào Mẹ Phù Hộ cùng việc hăng say thực thi sứ mệnh dấn thân cho người trẻ. Ngài đã nên thánh từ chính sự yếu đuối của mình để đến lượt chúng ta, chúng ta được thêm nguồn hy vọng và khích lệ để nên thánh như ngài dù vẫn còn đó bao bất toàn phải vượt qua.

Như thế, việc nên thánh giờ đây đã không là một chuyện quá xa vời, một việc dành cho ai đó chứ không phải là mình. Trái lại, tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh ngay trong chính bậc sống, vai trò, công việc… mà mình đang thực thi. Đó không phải là một hành trình thêm vào nhưng gắn liền với vận mạng của mỗi chúng ta. Chúng ta, những Kitô hữu buộc phải nên thánh hoặc sẽ hư mất đời đời và không là gì hết.

Nhờ lời chuyển cầu của thánh Gioan Bosco, đặc biệt trong ngày chúng ta mừng kính ngài sắp tới, xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta được ơn khiêm nhường để nhìn nhận những thiếu sót của bản thân, ơn khôn ngoan để tìm ra phương thế, ơn sức mạnh để vượt thắng bản thân và một lòng cậy tin mến yêu rằng một ngày kia: tất cả chúng ta lại được gặp nhau trên Thiên Đàng, nơi mà Don Bosco đang chờ đợi chúng ta.

Hồ Chính, SDB

Visited 20 times, 1 visit(s) today