1. Dẫn Nhập
Bài trước tôi đã trình bày Sứ Điệp của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ XIII (2012), khuyến khích các giáo hội tại Châu Á chọn tân phúc âm hóa bằng thực hiện ba cuộc đối thoại với những người theo các nền văn hóa, với những người theo các tôn giáo kỳ cựu và với những người nghèo chiếm đa số . Lý do là vì người công giáo tại Châu Á chỉ là thiểu số : 3% của dân số Châu Á, sống chung với những người theo các nền văn hóa và tôn giáo, mà đa số là người nghèo. Rồi Liên Hội Đồng Giám Mục Châu Á đã suy tư và chọn lựa để tân phúc âm hóa Châu Á bằng tiến hành ba cuộc đối thoại nói trên. Tuy nhiên, Bản Tin Hiệp Thông số 98 của HĐGM Việt Nam trang 103 cho biết: “Trong quá khứ, vì hoàn cảnh riêng, Hội Thánh Việt Nam ít liên lạc với những Văn phòng của Liên HĐGM Châu Á”… Nhưng may thay, cũng trong Bản Tin Hiệp Thông số 98, trang 22 có đăng bản dịch Sứ Điệp của Liên HĐGM Châu Á lần thứ XI, 20 – 11 – 2016, với chủ đề là “Gia đình công giáo tại Châu Á, giáo hội tại gia của người nghèo thi hành sứ vụ thương xót”. Bản dịch này do Văn phòng HĐGMVN thực hiện, dài 40 trang giấy, khổ 14 x 20, đọc lướt qua thôi cũng mất hơn một giờ đồng hồ. Việc dịch để đăng Sứ điệp của Liên HĐGM Châu Á là dấu chỉ Giáo hội Việt Nam đã quan tâm đến hoạt động của Liên HĐGM Châu Á để liên lạc và thông tin.
1.1. Đọc lướt qua, tôi thấy ngay một điểm làm tôi tâm đắc đó là bản gốc tiếng Anh nói: “Family – Missionary Disciple”, Văn phòng dịch là: “Gia đình – môn đệ được sai đi”; – “The whole church is missionary”, Văn phòng dịch: “Toàn thể Hội thánh phải mang tính thừa sai”, – “The catholic family is by identity a missionary disciple”; Văn phòng dịch là “Gia đình Công giáo tự căn tính là môn đệ được sai đi”. Đang khi đó nhiều bản dịch từ lâu nay như: của Giáo hoàng học viện, của Từ điển công giáo 500 từ, của Sách giáo lý GHCG (số 850), của Phaolô Phạm Xuân Khôi vẫn dịch không đúng là: “giáo hội tự bản chất là truyền giáo”, hoặc “môn đệ truyền giáo”…
1.2. Ngoài ra có ba chỗ độc giả cần lưu ý trong bản dịch của Văn phòng, để hiểu cho thật đúng:
a) Bản gốc số 3 viết: “The family is the focal point of evangelization” thì Văn phòng dịch lần 1 ở số 3 là “cứ điểm của phúc âm hóa”, lần 2 ở số 22 cũng dịch là “cứ điểm”, lần 3 ở số 44 thì lại dịch là “tâm điểm”. Mà “cứ điểm” thì Tự Điển Việt Nam dịch là “vị trí phòng ngự có công sự vững chắc”, hoặc “chỗ làm điểm tựa”. Còn Từ Điển Pháp Việt thì dịch “focal point” là “tiêu điểm”, nghĩa là điểm hội tụ chùm tia hình nón hình thành sau khi khúc xạ”, hoặc “nơi tập trung cao độ các hoạt động khác nhau và từ đó tỏa ảnh hưởng lớn ra các nơi khác”. Cái nào đúng ở đây?
b) Bản gốc số 22 viết: “Missio is the birthright of the catholic family”, Văn phòng số 22 dịch là “Sứ vụ là giấy khai sinh của gia đình công giáo”, Từ điển Pháp Việt dịch “The birthright” là “quyền được sở hữu, hoặc đặc quyền mà một người có khi sinh ra”. Còn “birth certificate” mới là giấy khai sinh…?
c) Bản gốc số 58 E. Family – in –Mission of Mercy, Sent by the Holy Spirit”, và chín dòng nữa dẫn đến linh đạo của hiệp thông, thế mà Văn phòng đã bỏ quên không dịch và in cả đoạn này.
1.3. Thực ra tôi không có ý học hỏi bản văn Sứ Điệp mà chỉ muốn giúp độc giả hiểu biết hai điều then chốt sau đây:
1) Một định nghĩa táo bạo về gia đình công giáo tại Châu Á.
2) Một linh đạo hiệp thông cho gia đình công giáo tại Châu Á.
Hai điều này đức Hồng y Telesphore Toppo đặc sứ của đức giáo hoàng Phanxicô tại đại hội Liên HĐGM Châu Á đã có dịp chia sẻ và “mời gọi các giám mục công giáo tại Châu Á biết cảm thương và lắng nghe tiếng kêu của các gia đình với một lòng kiên nhẫn thần thánh, bằng cách tháp tùng họ trong cuộc chiến đấu của họ và những nỗi khó khăn của họ. Những ai có liên hệ trong việc mục vụ gia đình phải ra khỏi vùng tiện nghi của các thể chế, bởi vì các gia đình là niềm hy vọng của chúng ta và là những tác nhân tốt nhất trong việc phúc âm hóa và biến đổi”.
2. Một Định Nghĩa Táo Bạo Về Gia Đình Công Giáo Tại Châu Á
2.1. Đức Hồng y Toppo là tổng giám mục Ranchi, bên Ấn Độ, chính ngài xuất thân từ bộ tộc Oraon, hiện diện ở Đông Bắc Ấn Độ, được đức giáo hoàng cử làm đặc sứ tại Đại Hội Liên hiệp các HĐGM Châu Á, thứ XI, đã mời 140 giám mục có mặt, đến từ 28 HĐGM Châu Á để “định nghĩa một cái nhìn táo bạo về gia đình nhằm mục đích có thể tháp tùng và giúp đỡ các gia đình công giáo tại Châu Á. Để tới lượt họ, các gia đình có thể trở thành Giáo hội tại gia của người nghèo, trở thành những cộng đồng đẹp nhất về lòng thương xót trên trần gian”. Đối với đức Hồng y, thách đố lớn nhất của các giám mục là “ đề ra một cái nhìn chung về tất cả những gia đình tại Châu Á đang sống trong 48 xứ khác nhau trong một bối cảnh khác biệt lớn với nhau về văn hóa, tôn giáo và về hoàn cảnh xã hội”. Đức Hồng y đã nêu bật câu đã được chọn làm đề tài của Đại Hội như là câu: “định nghĩa táo bạo của gia đình công giáo tại Châu Á”, nghĩa là “gia đình công giáo là giáo hội tại gia của người nghèo và là nơi của lòng thương xót, là dụng cụ của lòng thương xót của Thiên Chúa trên trần gian”. Câu định nghĩa này đã lặp lại định nghĩa về gia đình công giáo của Đức Gioan Phaolô II trong Tông Huấn về Gia Đình: Gia đình Kitô hữu là một giáo hội tại gia, thi hành ba tác vụ tiên tri, tư tế và phục vụ trong gia đình. (xem Tông Huấn gia đình số 49, 50). Định nghĩa này cũng lặp lại định nghĩa của Đức Phanxicô trong Tông Huấn Niềm Vui tình Yêu: Gia đình là nơi để hiệp thông và cầu nguyện, là trường học đích thực về Phúc Âm và là giáo hội tại gia. (Cuối Tông Huấn)
2.2. Ngoài ra Sứ điệp còn tiếp tục thêm nhiều câu “định nghĩa phụ” giúp ta tiếp cận để hiểu đầy đủ hơn về gia đình công giáo tại Châu Á, như:
– Gia đình công giáo là tiêu điểm của phúc âm hóa, hướng tới một nền văn hóa sự sống toàn vẹn (số 3).
– Là giáo hội của người nghèo, là một giáo hội chọn lựa người nghèo, liên đới với họ và cố gắng bảo vệ quyền sống và phẩm giá của họ. là một giáo hội chia sẻ và phục vụ để giúp thăng tiến công bằng xã hội cho người nghèo ở nhiều mặt (số 4).
– Gia đình tại Châu Á là giáo hội tại gia của người nghèo có thể dùng đời sống bên trong của mình để loan báo lòng từ bi và thương xót của Thiên Chúa (số 18).
– Gia đình công giáo là đền thánh của tình yêu và sự sống, là hình ảnh của lòng từ bi và thương xót của Chúa. Gia đình phải trở thành trường học để cầu nguyện và thờ phượng (số 20).
– Mỗi gia đình công giáo phải sống cuộc đời đơn giản và chia sẻ như các Kitô hữu đầu tiên (số 21).
– Gia đình công giáo tự căn tính là một môn đệ được sai đi. Việc được sai đi chính là quyền và sở hữu của gia đình công giáo (số 22).
Tóm lại: Các đức giám mục tại Châu Á đã suy tư tìm hiểu về sân khấu hay bối cảnh của các gia đình công giáo tại Châu Á, và nhận thấy các gia đình công giáo chỉ là thiểu số (3%), và sống giữa những người đa số theo nhiều tôn giáo, nhiều nền văn hóa, và nhiều hoàn cảnh xã hội khác nhau. Vì thế các ngài muốn các gia đình công giáo không phúc âm hóa những người đó bằng cách áp đặt đạo của mình cho người khác, mà phải chọn con đường gặp gỡ, đối thoại, chia sẻ đời sống với họ. Do đó gia đình công giáo phải thấu hiểu gia đình công giáo là gì cho thật đúng, rồi còn phải sống theo một linh đạo, nghĩa là một hướng dẫn về mặt thiêng liêng để họ vừa biết sống cho đúng, vừa có thể giới thiệu gia đình công giáo cho những người thân cận theo các tôn giáo hoặc các nền văn hóa khác cũng được hiểu biết gia đình công giáo là gì và sống thế nào.
3. Một Linh Đạo Cho Gia Đình Công Giáo Tại Châu Á
3.1. Đức Hồng y Toppo chia sẻ rằng: Sân khấu xã hội và văn hóa trong thế giới thời nay đã biến đổi khác trước, khiến chúng ta “phải đi tìm một linh đạo mới cho gia đình công giáo tại Châu Á, linh đạo này đặt nền tảng trên sự gặp gỡ cá vị với Chúa Kitô, để có thể giúp các gia đình trải qua những thách đố mới, nhờ có những lúc gia đình cầu nguyện, chia sẻ Lời Chúa. Và khi tập trung linh đạo của gia đình vào Bí Tích Thánh Thể, gia đình có thể sống một đời sống làm ngôn sứ, làm “ môn đệ được sai đi”để tân phúc âm hóa. Ngài còn nhấn mạnh rằng: “đối với các giám mục tại Châu Á, các gia đình công giáo là những trường học trong đó mọi người học cho biết chia sẻ niềm vui Phúc Âm và thực hành lối sống tha thứ. Gia đình giúp mọi thành viên trở nên “những môn đệ thực sự của Chúa Giêsu bằng cách vượt trên những khó khăn và những thách đố của cuộc sống”. Giáo hội tại Châu Á tin tưởng các gia đình công giáo có khả năng trở thành những dụng cụ của tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Đức tin hiện nay của họ đã được bồi dưỡng bởi đức tin của các tín hữu của những thế kỷ trước, họ đã chịu đựng những thời kỳ khủng bố và chia rẽ. Và “bởi vì các gia đình công giáo tại Châu Á sống tiếp xúc với các tôn giáo bạn, nên chính các gia đình công giáo này được sắp đặt tốt hơn hết để loan truyền tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa”.
3.2. Còn Sứ điệp đã dành phần kết luận để đề ra cho gia đình công giáo tại Châu Á một linh đạo hiệp thông: hiệp thông của tình yêu. Sứ điệp giải thích rằng: “Lời đáp trả của gia đình trước những thách đố tại Châu Á phát xuất từ chính tâm điểm của gia đình, bởi lẽ chính ở tâm điểm của gia đình mà chúng ta gặp gỡ được tình yêu chan chứa niềm vui của Thiên Chúa từ bi và thương xót. Thiên Chúa Ba Ngôi yêu thương gia đình và gia đình yêu mến Thiên Chúa Ba Ngôi – đây phải là nguồn suối ban sự sống mà từ đó trào ra mọi thứ đáp trả, mọi thái độ hoặc việc làm mà gia đình cung cấp” (số 51). Nhờ có nền tảng chủ yếu của hiệp thông với Thiên Chúa mà trong gia đình vợ chồng sống linh đạo hiệp thông với nhau, khi chăm sóc dưỡng nuôi nhau, phục vụ nhau, sẵn sàng tha thứ, chịu đựng (số 52).
Để sống linh đạo hiệp thông, Sứ Điệp chỉ dẫn rất cụ thể:
1) Cầu nguyện là điều kiện không thể bỏ qua.Có hiệp thông với Thiên Chúa nhờ việc lần chuỗi, đọc kinh trước và sau ăn cơm, đọc và suy niệm Lời Chúa… mới dễ hiệp thông với nhau. Người chồng có trách nhiệm hướng dẫn cầu nguyện trong gia đình, chọn thánh bổn mạng cho gia đình, kể chuyện các thánh tử đạo tại Châu Á (số 53, 54, 55).
2) Tôn thờ Bí Tích Thánh Thể là đỉnh cao của đời cầu nguyện,dự lễ, rước lễ, chầu Thánh Thể (số 56).
3) Từ hiệp thông với Thiên Chúa, với nhau, gia đình vươn tới những người thân cận trong xã hội, bởi lẽ gia đình là dụng cụ của lòng từ bi và thương xót của Thiên Chúa, được Chúa Thánh Thần sai đi để thi hành sứ vụ thương xót (số 58).
4. Để Kết
Chúng ta đều nhận thấy Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn các vị chủ chăn giáo hội, nhất là từ Công Đồng Vatican II đến nay, các ngài luôn tập trung quy về Chúa Kitô và phúc âm của Người, để hiệp thông với Người và với nhau mà đáp ứng các thách đố của xã hội và thế giới luôn đổi mới. Đức Phaolô VI đã chọn cho giáo hội tầm nhìn là: Giáo hội vừa phúc âm hóa chính mình, vừa phúc âm hóa thế giới. Đức Gioan Phaolô II đã khởi xướng cuộc tân phúc âm hóa cho phù hợp với thời đại. Đức Biển Đức XVI và đức Phanxicô cùng với các giám mục thế giới tiến hành việc tân phúc âm hóa thế giới, trong đó các ngài đã khuyến khích các giáo hội địa phương, đặc biệt là các giáo hội tại Châu Á thực hiện việc tân phúc âm hóa bằng tiến hành ba cuộc đối thoại: đối thoại với những người theo các tôn giáo khác (đối thoại liên tôn), theo nhiều nền văn hóa (đối thoại về văn hóa), thuộc nhiều thành phần xã hội mà đa số là người nghèo. Đang khi đó Liên Hội Đồng Giám Mục tại Châu Á, từ nhiều chục năm nay đã có những Văn phòng chuyên trách để suy tư, nghiên cứu, và năm 2016 đã đưa ra những đề nghị cho các Hội Đồng giám mục tại Châu Á: tổ chức các Ban Mục Vụ về gia đình công giáo, giúp các gia đình công giáo tại Châu Á trở thành những giáo hội tại gia của người nghèo và những nơi thi hành lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa, đáp ứng những thách đố riêng biệt mà sân khấu xã hội và văn hóa của Châu Á đang đặt ra. Đề nghị này thật táo bạo và mới mẻ, nâng cao phẩm giá của gia đình công giáo, giúp họ ý thức mình là giáo hội tại gia của người nghèo, là giáo hội tại gia được Chúa Thánh Thần sai đi làm dụng cụ của lòng Chúa thương xót, để tân phúc âm hóa xã hội.
Ước mong giáo hội tại Việt Nam là thành viên của Liên Hội Đồng Giám Mục Châu Á, chọn lựa những đề nghị phù hợp với bối cảnh, với sân khấu của xã hội và văn hóa của Việt Nam, để làm cho gia đình công giáo tại Việt Nam đổi mới thành những giáo hội tại gia của người nghèo, những giáo hội là môn đệ được Chúa sai đi vì lòng thương xót.
Linh mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng