Lòng kiên nhẫn có giới hạn không?

Thưa cha, con có một đứa con trai 15 tuổi. Cháu đang làm con lo lắng. Có thể nói cháu là một thiếu niên nhiều khả năng, cháu không gặp khó khăn trong học tập cũng như tương quan với bạn bè. Nhưng cái xấu nơi cháu cũng không thiếu, nhất là mê chơi điện tử và tuyệt đối không muốn ở nhà một phút và cũng không muốn nhúng tay vào bất cứ việc gì tại gia đình. Con thấy mình cũng có lỗi một phần, bởi vì cháu là con trai một, nên con không bao giờ tập cho cháu công việc nhà. Và bây giờ con hối tiếc về điều đó. Con cảm thấy mình không còn có thể chịu đựng hơn được nữa. Thưa cha, liệu lòng kiên nhẫn có giới hạn không?


Chị thân mến,

Cảm ơn chị đã thắc mắc với chúng tôi về một cố tật mà hầu như nhiều thiếu niên nam, nữ mắc phải. Tôi đã nghe nhiều bà mẹ than phiền rằng con cái của họ “cư xử như thể gia đình là quán trọ vậy”. Cả các em nữ cũng mắc phải tật này. Tôi cũng nghe một bà mẹ kể rằng đứa con gái 14 tuổi của bà nói với bà rằng: “Từ trước tới nay một mình mẹ vẫn làm tốt đó thi. Tại sao mẹ lại bắt con làm?”.

Đây là vấn đề. Các thiếu niên do nông nổi, chúng thường xem việc cha mẹ phải phục vụ chúng là điều tất nhiên. Và từ vấn đề này phát sinh ra những khó khăn không hề nhỏ sau này, đó là tinh thần trách nhiệm và khả năng tham gia vào tập thể. Điều này cũng có thể lý giải được do việc các cha mẹ đã phục vụ con cái như thể diễn tả cử chỉ yêu thương. Những lo lắng, vất vả của cha mẹ là đúng, nhưng nhiều bậc cha mẹ mới chỉ dừng lại ở suy nghĩ này mà chưa nghĩ đến tính giáo dục cần có để chuẩn bị cho con cái về kỹ năng sống, họ đã lấy hết chỗ của con cái, ngay cả trong những thứ mà con cái có thể tự mình làm được và có thể tự phục vụ.

Mặc dù họ lớn tiếng, đe dọa con rằng sẽ phạt, rằng sẽ không bao giờ làm thay cho con, nhưng rồi các cha mẹ ấy lại làm tất cả, với lý do biện hộ là để tránh sự cứng cỏi, rằng việc ấy họ chỉ làm một thoáng là xong, hoặc nói rằng họ phải làm trước để con cái nhìn thấy mà tự học. Làm như thế, phụ huynh chúng ta đã tước đi kỹ năng sống của trẻ rồi.

Thực sự, những đứa trẻ biếng nhác chúng rất giỏi để cho cha mẹ phải xiêu lòng mà gánh vác công việc cho chúng, dù cho đó là các công việc rất nhỏ. Cứ thế, cha mẹ sẽ tạo ra một thế hệ những thiếu niên rất thành thạo với những thiết bị điện tử nhưng lại không biết làm bất cứ thứ gì khác.

Trong trường hợp đứa con của chị đã 15 tuổi thì quả là hơi khó, vì cháu đã hình thành lối suy nghĩ rằng việc nó được phục vụ là điều tất nhiên. Cho nên, với cháu, chị cần đưa ra một “quan điểm” rất rõ với con, chẳng hạn: “Chúng ta là cha mẹ của con, chứ không phải là quản gia hay người ở. Thật là điên rồ khi con không cho mình có bổn phận với căn nhà mình đang sống và không có trách nhiệm về gia đình mình. Ba mẹ muốn nói với con rằng con đang lợi dụng tình thương của ba mẹ đó. Này nhé, tại sao con không nghĩ đến số tiền phải trả với các cuộc ‘nấu cháo điện thoại’ của con, những cuộc nhắn tin bất kể ngày đêm của con? Tại sao con luôn đòi hỏi phải sắm cho con thứ này thứ nọ? Tại sao con dễ dàng quẳng tiền của ba mẹ đi như thế? Tại sao con không bao giờ tắt điện, đóng cửa khi ra khỏi nhà? Tại sao con không chịu cất đi hoặc sắp xếp lại tử tế những thứ con đã sử dụng? Có khi nào con tự động để mà thay cuộn giấy trong nhà vệ sinh, làm sạch phòng tắm khi con ra khỏi? Hay là con chỉ biết gào lên “Mẹ ơi” khi con không tìm ra thứ mình muốn? Con ơi, con cần phải học và phải biết làm việc. Tự con phải làm những sự ấy, con không được phép đùn đẩy nó cho ba mẹ. Cả trong những việc đơn giản con cũng chẳng lo giải quyết, cái gì cũng trút hết lên đầu ba mẹ. Con để mình ra như đứa trẻ ba tuổi. Khi nào thì con mới quyết định để lớn lên đây?”

Một thiếu niên 15 tuổi thì chắc chắn đã có đủ nhận thức để đảm nhận trách nhiệm về mình và tự lo về những thứ thuộc về nhu cầu bản thân như giặt giũ, ủi đồ, học tập, lau bụi trong phòng, quét dọn, lau nhà… Bởi chẳng có ai là kẻ ngoài lề đối với gia đình lẫn cộng đồng nhân loại.

Riêng chị, khi hỏi về giới hạn của sự kiên nhẫn thì tôi thấy bản chất đức kiên nhẫn bắt đầu mất rồi! Nói như thế, có nghĩa rằng chị đừng bao giờ để mình bị rơi vào cạm bẫy của sự thất vọng. Hãy tin rằng con chị là người tốt, có thể thay đổi. Chỉ cần anh chị có cách thức và chiến lược tốt trong giáo dục, nhất định sẽ thành công.

Tôi chỉ xin lưu ý rằng, đã 15 năm nay phụ huynh thả lỏng cháu, trong  khi nhận thức và tính cách con người lớn lên theo thời gian với sự hướng dẫn. Chính vì thế, ngay từ hôm nay, chị nên dịu dàng chỉ bảo cháu, quan trọng hơn là luôn ở bên cháu trong công việc. Cho cháu một danh sách các việc cháu nên tự làm (từ ít đến như phải đòi hỏi), và kiên nhẫn dậy cháu từ những công việc nhỏ nhất, với những cách thức khoa học nhất. Rồi đôi khi phải nhắm một mắt để thông cảm, tuy nhiên phải kiên trì cho đến khi cháu đạt được thói quen cần thiết.

Cuối cùng, tôi xin chúc chị thành công, trước tiên là đối với bản thân: không mất đi lòng kiên nhẫn, vì trong giáo dục, lòng kiên nhẫn là chìa khóa mở ra thái độ hoán cải nơi con cái và là hy vọng để chị tiếp tục giáo dục con.

Linh mục chủ biên

Visited 65 times, 1 visit(s) today