“Đức Maria ghi nhớ những điều đó, và suy niệm trong lòng” (Lc 2,19).
Chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng, Mầu Nhiệm Nhập Thể giống như việc Thiên Chúa cùng hợp tác với Đức Maria, khi đem một nhiễm sắc thể thần linh Y phối hợp với một nhiễm sắc thể nhân loại X, để tượng hình nên Đức Giêsu, Đấng vừa là Thiên Chúa, vừa là con người. Quan niệm sai lầm này xem Đức Giêsu chỉ là một sản phẩm được giao phối cách nhiệm mầu, giống như chuyện thần thoại về Hercules, chứ không phải là Đấng Cứu Thế như Kinh Thánh mô tả. Trong một khảo luận, tôi đã chỉnh sửa quan niệm sai lầm này và trình bày như sau: “Lãnh vực vô hạn siêu nhiên và chân trời vô hạn vượt xa lý luận của đầu óc con người, đã hiển thị nơi Đức Giêsu Nazareth, từ lúc hoài thai trong cung lòng mẹ Maria.”
Lễ trọng mừng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa đưa dẫn chúng ta đến những chân lý quan trọng về mầu nhiệm liên quan đến Đức tin, mà chúng ta chẳng cần nhọc công vắt óc để suy nghĩ. Chúng ta gọi Đức Maria là “Mẹ Thiên Chúa” và chúng ta xác tín như thế, không phải vì Thiên Chúa đã nắn hình tượng Đức Giêsu trong cung lòng Đức Maria, và phủ bao một thực thể thần linh vào trong thai nhi đó. Chúng ta xác quyết, người con của Đức Maria mang bản tính Thiên Chúa tròn đầy ngay từ ban đầu. Cho dầu có hai bản tính, Đức Giêsu Kitô vẫn là một hữu thể đơn biệt, và Đức Maria vẫn là Mẹ của Ngài cách thực sự.
Nếu điều này thách đố những suy tưởng của chúng ta, chúng ta hãy nhìn lên để cung chiêm ‘Người Mẹ được chúc phúc’ như Tin mừng Luca nói tới. Thánh ký dẫn mời chúng ta đến chuồng bò ở Belem. Các mục đồng chăn chiên ở gần đó đã đến ngắm nhìn đứa trẻ mới được sinh ra, là Đấng Messia và cũng là Đức Chúa mà Thiên Thần đã loan báo. Luca kể lại rằng, các mục đồng đã thuật lại những điều đã được khải thị về trẻ thơ này. Sau đó, các thiên sứ từ trời ca hát rộn ràng ngợi khen Thiên Chúa. Luca đã tóm tắt thái độ của ‘Người Mẹ Được Chúc Phúc’ bằng một câu rất giản đơn: Đức Maria ghi nhớ những điều đó, và suy ngắm trong lòng.
Kinh Thánh kể tiếp biến cố cắt bì cho trẻ Giêsu, tám ngày sau khi sinh. Điều này khá quan trọng. Việc cắt bì của Đức Giêsu dẫn chúng ta đến nội dung mà bài đọc thứ hai đề cập tới. Thánh Phaolô cho chúng ta biết, Đức Giêsu “được sinh ra dưới lề luật để chuộc những ai sống dưới lề luật”. Ngài huấn thị cho tín hữu Galát biết rằng, lề luật được trao ban đã được Thiên Chúa chúc lành, và đó là con đường giúp tôi luyện con người vươn tới sự thánh thiện. Nhưng lề luật cựu ước chỉ là cái khung bên ngoài để uốn đúc. Khi Đấng Cứu Thế đến, Ngài mới hoàn thiện lề luật, mặc cho lề luật cũ một chiều kích mới, hầu đưa dẫn con người đến sự sống trong Thần Khí. Thánh Phaolô muốn nói cho chúng ta biết rằng chỉ trong Thần Khí, Thần khí lưu ngụ sâu tận trong tâm hồn mỗi người, chúng ta mới có thể đi vào mối tương giao mới, rất sâu xa và thân tình với Thiên Chúa. Ngụp lặn trong mối tương giao thân tình đó, chúng ta gọi Chúa là “Abba, Bố ơi,”.
Cuối cùng, Thánh Luca kể lại câu chuyện đặt tên cho trẻ Giêsu, tên mà thần sứ Gabriel đã nói cho Đức Maria trong ngày truyền tin. Tên gọi Giêsu (Yeshua) có nghĩa là ‘Thiên Chúa cứu’. Điều này hàm ngậm một ý nghĩa sâu xa. Trong Kinh Thánh, tên gọi biểu thị quyền bính của một con người hay một nhân vật. Tên gọi cũng diễn tỏ căn tính người đó như thế nào, và điều này rất rõ nét trong biến cố đặt tên con trẻ Giêsu. Thật là điên khùng và xuẩn ngốc, khi bạn đặt tên cho con của mình là “Chúa cứu” như Gabriel đã nói, khi con của bạn chỉ là một đứa bé bình thường giống như bao đứa trẻ khác.
Đức Maria lưu giữ những điều đó và gẫm suy trong lòng. Mầu nhiệm nhập thể cũng như vai trò làm Mẹ Đấng Cứu thế, không phải là những vấn đề mà Đức Maria phải nhọc công suy nghĩ hay cố phân tích hầu tìm ra những lý lẽ để giải trình. Thánh Luca kể lại, Đức Maria đã đi vào thế giới của mầu nhiệm, chỉ với một thái độ duy nhất: Suy niệm trong lòng. Chúng ta hãy nghĩ xem, thái độ đó gợi nhắc chúng ta điều gì.
Tôi xin được gợi lên hai suy tư. Điều thứ nhất, tôi nghĩ tưởng đến biến cố Giáng sinh với một cảnh tượng huy hoàng bao trùm cả vũ trụ. Các Thiên thần trên trời hát xướng, cùng hòa niềm vui với những khách hành hương nghèo xác nghèo xơ, là những đứa trẻ chăn trâu ngoài đồng, những con người thấp cổ bé họng đang bị xã hội bỏ rơi. Sự kiện đó khiến tôi liên tưởng đến việc Thiên Chúa thường hay thực hiện những ơn sủng phi thường của Ngài xuyên qua những biến cố rất bình thường trong cuộc sống con người. Tôi cũng từng trải nghiệm niềm vui phục sinh mọi nơi mọi lúc. Ví dụ khi tôi nhìn vào cô Rose Marie, một phụ nữ đã thiết lập ngôi nhà mở để tiếp đón những người bất hạnh, và cô gọi đó là ‘Ngôi nhà Lắng nghe’. Cô thực sự yêu thương những người đang sống tại đó, trong đó có cả những người say sưa nghiện ngập, những người ngang ngược, có khi còn chửi bới, đay nghiến cả cô ta nữa. Làm thế nào cô ta lại có tấm lòng như thế. Cô gái muốn khơi dậy niềm hy vọng nơi những con người bất hạnh và tuyệt vọng, giúp họ suy nghĩ là họ vẫn có quyền được yêu thương giống như những con người khác. Đó thực sự là một quà tặng lớn lao, và đây cũng là một phép lạ của tình yêu đang xảy ra trong cuộc sống đời thường của chúng ta hôm nay.
Thứ đến, chúng ta cũng có thể suy niệm về vai trò làm Mẹ của Đức Maria đối với chính chúng ta. Qua người môn đệ được Chúa yêu, chúng ta đón nhận Đức Maria về nhà mình: “Đây là mẹ của anh” (Ga 19,27). Chúng ta sẽ tôn nhận Đức Maria là Hiền Mẫu, bao lâu chúng ta còn đón nhận Đức Giêsu như là Chúa và là người anh cả của chúng ta. Chúng ta đón nhận Mẹ, khi chúng ta nhận ra rằng tình yêu hiền mẫu của Ngài đang lan tỏa trong cuộc đời chúng ta để Vương quốc Đức Giêsu, người con yêu dấu của Mẹ, được ngập tràn nơi cuộc sống mọi người.
Sẽ còn nhiều điều chúng ta cần phải lưu giữ và suy đi nghĩ lại trong lòng.
Peter Feldmeier
Văn Hào, SDB chuyển ngữ