KHÔNG ĐỂ MẤT CƠ HỘI

Ngày 23 tháng 6 năm 1866, vọng lễ thánh Gioan Tẩy giả, Bổn mạng của Don Bosco, cha Lemoyne, giám đốc trường Salêdiêng ở Lanzo Torinese, cùng với một học sinh đến Torinô để chúc mừng Don Bosco. Cha kể lại: “Lúc đó, trời đã xế bóng, gió mát, cây cối lao xao. Tôi lên phòng Don Bosco và ở đó với ngài suốt hai giờ. Trên các cửa sổ của Nguyện xá đèn lung linh sáng trong những chiếc ly màu bằng giấy. Khi ban nhạc trổi lên, Don Bosco và tôi lại gần cửa sổ. Một niềm vui khôn tả xâm chiếm cõi lòng chúng tôi. Don Bosco cười và tôi nói với ngài:

– Thưa cha, chiều nay đẹp quá! Cha có nhớ tới những giấc mơ của ngày xưa không? Đây là những trẻ em và các linh mục mà Đức Mẹ đã hứa cho cha!

– Thiên Chúa thật tốt lành – Don Bosco trả lời.

Hai người đã nói về nhiều chuyện. Trước khi từ giã, Don Bosco xin Cha Lemoyne chờ ngài viết một lá thư cám ơn các học sinh ở Lanzo về những lời chúc mừng của các em. Thánh nhân hiểu rằng đó là một cơ hội rất thuận lợi để chiếm được cõi lòng của các thanh thiếu niên. Ngài đã viết một lá thư tuyệt diệu:

“Các con yêu dấu, các con không thể tưởng tượng được cuộc viếng thăm của cha Lemoyne, giám đốc của các con, cùng với em Chiriglione, đại diện của các con và là bạn của cha, đã mang cho cha một niềm vui lớn đến mức nào. Niềm vui ấy càng tăng lên khi cha đọc những lá thư đầy lòng yêu mến các con đã gởi cho cha từ nhiều lớp khác nhau, do nhiều học sinh, hộ trực viên và thầy giáo. Cha muốn đọc hết tất cả mà không ngừng lại nếu không phải vì những giọt nước mắt đầy xúc động. Cha hy vọng được sớm gặp lại các con và chúng ta sẽ nói cho nhau về nhiều điều quan trọng. Nguyện xin ơn Chúa luôn ở cùng các con và nguyện xin Đức Nữ Trinh trợ giúp tất cả các con tiến bước trên đường về trời. Amen. Với lòng yêu mến tràn đầy người bạn yêu dấu của các con trong Chúa. L.M. Gioan Bosco”.

Don Bosco có cả một nghệ thuật tận dụng các cơ hội, kể cả cơ hội nhỏ bé, để nói với cõi lòng thanh thiếu niên.

Ngài không bỏ lỡ một cơ hội nào mà không gợi ra cuộc đối thoại với học sinh, một cuộc đối thoại bình thản và siêu nhiên.

Cha mẹ phải biết làm như thế với con cái. Nhiều cha mẹ thường lấy cớ là thiếu giờ. Họ lầm. Cuộc đối thoại với con cái là một phương thế giáo dục không thể thiếu được.

Đối với người mẹ, công việc nội trợ có thể là dịp tiếp xúc với đứa con này hay đứa con kia và tạo nên sự tín nhiệm lẫn nhau.

Người cha có thể lợi dụng một cuộc đi dạo đồng quê với một đứa con để khơi dậy sự cảm thông.

Giờ phút cuối cùng của một ngày, giờ phút của “huấn từ tối”, chính là giờ phút để trò chuyện đúng đắn, giờ phút tổng kết cả ngày, là dịp của trò chuyện, tâm sự.

Có một kỹ sư tử trận anh hùng như một sĩ quan của đoàn quân thiện chiến núi Alpes. Trong cuốn sổ nhật ký, ông đã ghi một câu hỏi đáng nhớ: “Tôi có biết dành cho con cái tôi mối ân cần, thời gian, lời nói mà chúng chờ đợi không? Khi viết cho chúng, tôi có biết sinh động hóa, hướng dẫn và soi sáng tâm hồn chúng không?”

Cha mẹ có bổn phận giáo dục con cái Chúa đã trao phó. Gia đình là cộng đoàn Kitô hữu, trong đó cuộc gặp gỡ đầu tiên với Thiên Chúa được thực hiện.

“Khi một đứa con bỏ cha mẹ để vâng theo ơn gọi, Chúa Giêsu Kitô sẽ đến thay chỗ của em trong gia đình”. (Don Bosco)

Tác giả: Lm. Carlô Ambrôgiô SDB
Người dịch: Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB


Visited 5 times, 1 visit(s) today