Chuyện kể rằng, có một người ăn xin ngồi bên vệ đường, ngày này qua tháng khác, anh chỉ làm một động tác duy nhất là chìa tay xin khách qua đường bố thí. Nghĩ về thân phận hẩm hiu của mình, anh ta không ngớt than thân trách phận. Anh than Trời, anh trách cả các đấng đã có công sinh thành dưỡng dục anh.
Ngày kia, thấy một nhà hiền sĩ nọ đi ngang, như một cái máy, anh ngửa nón ra xin giúp đỡ. Vị hiền sĩ không có gì để cho anh cả, nhưng ngài dừng lại, nhìn sâu vào mắt anh và hỏi:
- Anh biết có cái gì trong cái thùng mà anh đang ngồi lên không?
- Có gì à? Tôi không biết, tôi ngồi lên và nghĩ rằng đơn giản nó là cái ghế – Anh điềm nhiên trả lời.
- Thế có khi nào anh thử mở để xem có cái gì ở trong đó không?
- Ồ không!
Tuy nói với vẻ phớt lờ, nhưng sự tò mò thúc bách anh làm một hành động rất khác với ngày thường. Anh đứng lên, mở chiếc hòm. Khi mở ra, anh quá ngỡ ngàng vì ở trong đó có tới mấy chục đồng vàng. Anh chợt nhớ về câu nói của người cha lúc lâm chung nhưng anh không hề nghĩ đến và bản thân anh đôi chút mơ hồ cảm thấy. Cho nên, anh buồn nản với định mệnh của mình. Còn khách qua đường, dầu có giúp đỡ nhưng chưa một ai gợi ý cho anh mở cái hòm đó bao giờ.
Có một kho báu trong mỗi người
Khi nói về những kho báu ẩn chứa nơi con người, người ta thường hay nghĩ đến các nhân đức, các khả năng hay một thiên khiếu nào đó. Tuy nhiên, trong những thập niên gần đây một số đông các nhà tâm lý khám phá ra loại kho báu khác và đang nghiên cứu. Kho báu này có ảnh hưởng lớn và sâu xa trên lối suy nghĩ và lối hành xử của mỗi người, nhưng người ta không thường xuyên ý thức về sự hiện diện của nó, hoặc giả như có nhận ra, họ lại không dám đối diện và thậm chí còn tránh né nữa.
Kho báu ấy là gì thế?
Thưa, kho báu đó chính là tình cảm, là nguồn mạch của mọi nguồn cảm xúc bên trong chúng ta. Rất nhiều lần trong cuộc sống ta cảm thấy có một “thế lực” nào đó chỗi dậy trong ta, nó vượt tầm kiểm soát và đôi khi còn chi phối khiến ta không điều khiển được lời nói, hành động, đôi lúc còn có những phản ứng điên rồ nữa.
Là kho báu ai cũng có, nhưng không phải kho tàng nào cũng chất chứa các bảo vật như nhau, bằng nhau. Mỗi người mỗi khác, điều này góp phần làm nên sự độc đáo và khác biệt giữa những con người. Thế nên, việc tìm ra kho báu này hết sức quan trọng, vì biết nó, ta sẽ có thể biết cách làm chủ và chế ngự các cảm xúc của mình, để có một lối hành xử đúng mực và dễ thương.
Những cụ thể trong cuộc sống
Sáng nay, một thày dạy trong trường đến xin nghỉ dạy môn Thể dục nhịp điệu. Thày nói: “Tui xin nghỉ không phải vì sợ học sinh, cho bằng tui sợ chính bản thân mình. Tui sợ có lúc mình kiềm chế không được. Vừa rồi tui gặp một học sinh bướng bỉnh. Tui đã phải vòng tay lại để giữ mình khỏi táng hắn, nhưng tui còn đôi chân nữa… Tui sợ mình…”. Quả thật, trong thày đang có một “ngọn núi lửa” đang hoạt động. Ai làm về giáo dục sẽ trải nghiệm được rằng không phải các học sinh đều dễ thương, và giáo viên có rất nhiều cơ hội để luyện mình, nhưng nếu thày giáo có lúc nào đó bình tĩnh, nhìn lại cái gốc làm cho mình dễ “nổi trận xung thiên” chắc là vấn đề sẽ nhẹ hơn.
Trường hợp khác, em H.A rất chăm chỉ học hành, nhưng mỗi khi thầy giáo gọi lên bảng là trong đầu em mọi sự trống rỗng. Càng cố gắng em càng không nặn ra được một chữ nào để nói. Thế mà, vừa mới về đến chỗ ngồi thôi là tất cả mọi thứ em đã học bỗng quay về như một bộ phim, khiến em nhiều khi tự trách mình là bất tài vô dụng.
Trường hợp của P.T. thì lại khác. Em luôn thấy mình bị bỏ rơi, bị bạn bè bo-xì, nhưng vấn đề là tại ai? Thực ra, các bạn rất e ngại khi chơi với em vì họ không lường trước được khi nào em nổi nóng. Những thay đổi thất thường và mất tự chủ trong tình cảm của em đã khiến cho bạn bè sợ hãi, ngại ngần, và họ dần xa cách em.
Với những trường hợp này, giả như có ai đó nới với em về nguyên do, chỉ dẫn em cách vượt qua thì chuyện sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Chìa khoá nào giúp vượt qua tình thế?
Ta thử tưởng tượng: Một người thợ xây không thể leo lên cao để xây dựng nếu không thắng vượt được cảm giác sợ độ cao. Một người bác sĩ không thể thực hiện được những ca phẫu thuật tinh tế và phức tạp nếu không giữ được tôi tay và tâm trí trong sự bình thản, nhanh nhẹn và hoạt bát…
Vậy, chìa khoá giúp chúng ta sống bình an hạnh phúc, và để xây dựng các mối tương quan tốt đẹp với những người xung quanh, là làm chủ tình cảm. Đây là một khả năng thiết yếu không thể coi nhẹ. Làm chủ được bản thân là tiền đề quan trọng giúp thành công trong cuộc sống. Bởi nhiều lúc ta không làm chủ được hoàn cảnh, nhưng ta lại có thể làm chủ được mình trước nhưng biến chuyển của hoàn cảnh.
Vậy làm chủ tình cảm nghĩa là gì? Tự chủ tình cảm không phải là dồn nén vào bên trong tất cả mọi cảm xúc tiêu cực, coi như chưa bao giờ có chuyện gì xảy ra; nhưng cũng không phải là người ngay lập tức xả hết trên người khác những căng thẳng, những stress của mình.
Có rất nhiều khái niệm về khả năng làm chủ tình cảm. Đề xuất đầu tiên giúp bạn xây dựng khả năng làm chủ và huấn luyện tình cảm đó là “hãy tập ý thức về những gì đang diễn ra nơi bạn”. Cụ thể, đứng trước những biến cố, mỗi phản ứng, bạn hãy dừng lại một phút, suy nghĩ về lối phản ứng của mình và gọi đúng tên những cảm xúc mà mình có đang khi trải qua biến cố đó.
Điều này không dễ với tất cả mọi người đâu bạn ạ. Bởi trong ta có nhiều cảm xúc đang xen. Chẳng hạn bạn cảm thấy buồn khi thấy người bạn thân mà bạn thương mến bỗng quan tâm đến người khác hơn bạn. Tên tâm trạng mà bạn thấy hiển hiện lên là “buồn”, nhưng gốc sâu của cảm xúc ấy trong lòng bạn là “Ghen”. Vâng chính xác là bạn đang ghen. Cho nên, không dễ để gọi tên đúng cảm xúc; có thể vì không dám, không tinh tế đủ, không sáng suốt đủ, thậm chí không muốn.
Tuy nhiên, chính ý thức về thực trạng con tim của bạn sẽ là bước đầu tiên giúp bạn điều chỉnh lối suy nghĩ và cách ứng xử của mình. Sẽ có thể là tự bạn khám phá ra, cũng có khi cần “một hiền triết” chỉ cho “kẻ ăn mày” là chính bạn về cái kho tàng bạn đang ngồi lên.
Cầu chúc bạn làm tốt bài tập này để phát triển khả năng làm chủ tình cảm của mình. Khi bạn ý thức được kho báu quý giá ở trong bạn, dẫu hoàn cảnh không giảm bớt những phức tạp và khó khăn, lòng bạn vẫn cảm thấy bình an hơn rất nhiều khi đứng trước những hoàn cảnh ấy.
Bài viết: Nhật Tâm