Hội nhập Văn hóa bản địa

Vài nét khái quát

Vương quốc Căm-bốt là một đất nước ngay sát cạnh Việt Nam, nằm ở Tây Nam bán đảo Đông Dương, phía Tây và Tây Bắc giáp Thái Lan (2.100 km), phía Đông giáp Việt Nam (1.137km), phía Đông Bắc giáp Lào (492 km), phía Nam giáp biển (400 km). Sông ngòi: tập trung trong 3 lưu vực chính (Tônlê Thom, Tônlê Sap và Vịnh Thái Lan). Đồng bằng chiếm 1/2 diện tích tập trung ở hướng Nam và Đông Nam, còn lại là núi, đồi bao quanh đất nước.
Vương quốc có diện tích 181.023 cây số vuông với thủ đô là Phnôm-Pênh. Vương quốc có những tỉnh và thành phố lớn như Phnôm Pênh, Bắt-đom-boong (Battambang), Kom-pông Chàm (Kompong Cham), Xi-ha-núc Vin (Sihanouk Ville), Xiêm Riệp (Seam Reap). Trong vương quốc này, đa số là người Khmer (90%), gồm nhiều loại như Khmer giữa (tiếng Khmer là Khmer Kandal), Khmer Thượng (Khmer Loeur) và Khmer Hạ (Khmer Krom). Ngoài ra còn có một vài dân tộc thiểu số như người Mã Lai, Chàm, Lào, Miến Điện, Việt Nam, Thái Lan, Hoa (10%). Mọi công dân Căm-bốt được gọi là người mang “quốc tịch Khmer”. Dân số hiện nay khoảng 15,76 triệu người (nam 6,5 triệu, nữ 6,9 triệu) với tỉ lệ tăng dân số 1,54%/năm (2008). Ngôn ngữ chính thức là tiếng Khmer (95%).

Theo Hiến pháp năm 1993, Căm-bốt là quốc gia Quân chủ lập hiến. Hệ thống quyền lực được phân định rõ giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp gồm: Vua, Hội đồng ngôi Vua, Thượng viện, Quốc hội, Chính phủ, Toà án, Hội đồng Hiến pháp và các cơ quan hành chính các cấp.

Những trải nghiệm truyền giáo
Tôi đang dấn thân và làm việc tại Vương quốc Căm-bốt được 9 năm, tính từ năm 2008. Đây là cánh đồng truyền giáo mà các Sa-lê-diêng sống giữa người dân mà đa số theo đạo Phật (chiếm khoảng 97%), trong khi người Công giáo chỉ vỏn vẹn 0,15% (20,000 tín hữu).
Sau một khoảng thời gian không ngắn lắm, mà cũng chẳng quá dài, tôi dần dần cảm nghiệm được thế nào là niềm vui theo Chúa, niềm vui phục vụ qua đời sống dấn thân, cho đi và quên mình ngay trong những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo, và con người. Dẫu những khác biệt ấy vốn dẫn đến những khó khăn, khiến con người không dễ chấp nhận nhau và khó lòng cộng tác với nhau, nhưng nhờ lý tưởng ơn gọi và ân sủng của Chúa, tôi dám chấp nhận vượt qua những khó khăn, thách đố để can đảm mở lòng đón nhận tha nhân. Qua những năm tháng phục vụ, tôi hiểu hơn về văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo, và người dân tại đây và phần nào trở nên như họ. Tôi giữ trong trái tim tôi hình ảnh của họ, và mơ ước một ngày nào đó, với ơn Chúa, họ có thể đón nhận Tin mừng.

Như người Sa-lê-diêng, tôi sống và làm việc trong niềm vui phục vụ qua việc dấn thân, cho đi và quên mình. Dấn thân bởi vì mọi thứ đến với tôi đều mới lạ, từ công việc cho tới văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo, và con người. Tất cả đều là thách đố, là biên cương mới đòi hỏi mình phải hy sinh, phải mở lòng đón nhận. Cho đi là chia sẻ những gì tôi có: tri thức, sức khỏe, và lòng mến. Quên mình là luôn ý thức mình được sai đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Vì thế, phục vụ chính là quên mình, là hiến tặng nhưng không, và là chứng nhân của Đức Kitô Phục sinh.
Điều luôn làm anh em truyền giáo Sa-lê-diêng phải trăn trở, đó chính là việc hội nhập văn hóa bản địa, học ngôn ngữ của họ, và sống hài hòa với dân chúng địa phương, đặc biệt thành phần giới trẻ. Khó khăn và thách đố nảy sinh từ sự khác biệt. Nhờ tình yêu của Chúa Ki-tô, ý hướng ngay lành và với sự nâng đỡ của các anh em truyền giáo khác, tôi mới có thể đứng vững trước những thách đố, dám ôm lấy những khác biệt và đương đầu với những khó khăn để tiến bước trên đường phục vụ. Tôi thường hay nói đùa: “Cuộc sống chỉ đơn giản có thế thôi: Có gì thì ăn nấy, làm được gì thì làm hết mình, học được gì thì học cho tốt, và nếu có cơ hội thì nói về Don Bosco và ơn gọi”.

Nhiều lần tôi đã từng trăn trở câu hỏi, làm sao mình có thể hòa đồng với giới trẻ Khmer? Một lần kia, tôi chợt nhớ đến câu nói của cha Thánh Bosco: “Hãy thích những gì trẻ thích, rồi chúng sẽ thích những gì mình thích.” Từ đó, tôi tập mở lòng mình, mở ra với mọi người, từ học sinh cho tới giáo viên, tham gia mọi sinh hoạt nhà trường cũng như cộng thể, và làm những gì trong khả năng của mình. Tôi giữ người trẻ trong trái tim mỗi khi tôi làm việc cũng như cầu nguyện. Tôi mơ ước các em học sinh có một tương lai tốt, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Xa hơn nữa, tôi ước mơ một ngày nào đó không xa, với ơn Chúa, các em trở nên con cái Chúa.

Không ai không có một hành trình. Đây là hành trình theo Chúa trong đời sống thánh hiến Sa-lê-diêng và đặc biệt trong ơn gọi truyền giáo. Với niềm tin vào sự chở che và dìu dắt của Mẹ Phù Hộ, tôi luôn khao khát đi trọn con đường phục vụ trong sứ mệnh Sa-lê-diêng, một sứ mệnh được Thiên Chúa trao phó qua việc phục vụ thanh thiếu niên nghèo, bị bỏ rơi, và đang sống trong nguy hiểm. Đồng hành cùng các em, tôi ao ước các em trở thành những công dân lương thiện, những giáo hữu tốt như tôn giáo của các em mong đợi, và nếu Chúa muốn, các em sẽ trở thành những Ki-tô hữu thánh thiện khi ân sủng đến biến đổi.

Sư Huynh Martinô Nguyễn Tấn Tài, truyền giáo Căm-bốt

Visited 8 times, 1 visit(s) today