Hãy lắng nghe trẻ em thay vì buộc các em phải lắng nghe như một hình thức tra tấn

     Là những nhà giáo dục chân chính, ai cũng mong muốn cho học trò của mình, con cái của mình có được sự thăng tiến về nhiều mặt. Đó là động lực chính đáng cho những nỗ lực của nhà giáo dục. Tuy nhiên, ước mong đó đôi khi trở thành những kỳ vọng vượt quá sức của các em. Và khi các em không thể đáp ứng những kỳ vọng đó, thậm chí đi ngược lại với ước mong của người lớn, thì các em không tránh khỏi việc bộc lộ những khuyết điểm, giới hạn, hoặc lầm lỗi của bản thân.

     Trong chiều hướng đó, các nhà giáo dục lại tiếp tục cố gắng nhồi nhét thật nhiều những bài học, những tư tưởng để tiếp tục nhào nặn các em và ‘ép chín’ các em càng nhanh càng tốt. Biểu hiện của điều này là nhà giáo dục sẽ rót vào tai của các em rất nhiều thứ với những hình thức khác nhau, có thể là nói trước một tập thể lớn hoặc nói với cá nhân.

     Cho dù đó là những tư tưởng tốt, nhưng nếu nó được nhồi nhét với một mật độ dày đặc trong ngày thì nó sẽ bị phản tác dụng, nó sẽ trở thành một hình thức tra tấn bằng cách bắt các em phải lắng nghe thật nhiều: trên trường có thầy cô, về nhà lại tới lượt ba mẹ. Tệ hơn nếu như những lời giáo huấn của người lớn không có tính hợp lý, không thuyết phục, hoặc mang hình thức chì chiết, bắt lỗi, răn đe…thì trẻ sẽ cảm thấy nặng nề, mất kiên nhẫn, mệt mỏi, chán ngán, và coi đó như là một hình thức bị tra tấn với vũ khí là ‘lời giáo huấn’. Những hậu quả từ việc ‘lạm dụng lời nói’ này đã xuất hiện quá nhiều trong thời gian qua, và có lẽ chúng ta không cần phải nhắc lại.

     Do đó, thật cần thiết, khi các nhà giáo dục biết lắng nghe thay vì bắt trẻ em phải lắng nghe mình một cách tuyệt đối. Nếu muốn trẻ lắng nghe, nhà giáo dục cần làm gương trước bằng cách kiên nhẫn và chủ động lắng nghe các em. Từ đó, các em sẽ thấy mình được tôn trọng, mình có tiếng nói trong cuộc sống của các em.

     Biết đối thoại hai chiều như thế thì khi nhà giáo dục nói, các em sẽ lắng nghe một cách chủ động hơn, vì khi ấy, các em cảm thấy mình không phải là một đối tượng bị ‘dày vò’ bằng lời nói nữa, mà là một cá nhân đang cùng làm chủ cuộc nói chuyện. Và như thế, trong cuộc đối thoại này, nhà giáo dục sẽ biết cần phải nói cho trẻ những tư tưởng phù hợp thay vì cứ áp đặt một cách máy móc những tư tưởng mà các em đã chán ngấy.

     Don Bosco thành công trong việc thu phục thanh thiếu niên là bởi vì ngài biết lắng nghe. Lắng nghe là một đặc tính nổi bật nhất của Don Bosco. Trong ‘Hệ thống giáo dục dự phòng’, ngài nói: “Hãy để cho học sinh dễ dàng tự do bày tỏ tư tưởng của chúng…Bề trên hãy để cho chúng nói nhiều, còn mình nên nói ít đi” (Giáo dục theo gương Don Bosco, Carlo Ambrogio SDB).

     Bạn thân mến! Từ mẫu gương ấy của Don Bosco – vị Thánh của người trẻ, trong mỗi vai trò khác nhau của sứ mệnh giáo dục người trẻ, chúng ta cần lắm rèn luyện bài tập ‘lắng nghe’ như một phương thế không thể thiếu để chu toàn bổn phận cao cả, là giáo dục con em chúng ta trở thành những Kitô hữu tốt lành và những công dân lương thiện. Được như thế, năm học mới của các em sẽ thực sự là ‘mới’.

Lm. Augustinô Đỗ Phúc, SDB

Visited 167 times, 1 visit(s) today