HÃY GIÁO DỤC TRẺ EM BẰNG CÁCH SỐNG VỚI CHÚNG

Don Bosco đã tận dụng mọi cơ hội để sống giữa trẻ em hoặc tham dự các trò chơi ngoài sân hay ngồi trên đồng cỏ, với bảy hay tám vòng trẻ em vây quanh chăm chú nghe ngài nói, như thể những bông hoa hướng về mặt trời. Kinh sĩ Ballesio, một cựu học viên đầu tiên của ngài đã kể: “Tôi còn nhớ hình ảnh ngài ở trong nhà cơm. Đúng, nhà cơm đầy ắp học sinh đang chơi, hát và gào la. Em thì đứng, em thì ngồi trên ghế, trên bàn. Xung quanh Don Bosco lố nhố những mái đầu xanh. Ngài không quên một em nào: với em này, ngài nói một vài lời; với em kia, ngài đặt tay trên đầu; với em nọ, ngài tặng cho một cái nhìn, một nụ cười. Tất cả đều vui. Ngay cả khi dùng bữa, Don Bosco cũng chu toàn sứ mệnh giáo dục của ngài. Đối với ngài, sống với trẻ em là một đam mê bất khả kháng”.

* Để giáo dục trẻ em, cần phải sống với chúng. Một nhà tâm lý học đã viết: “Giáo dục trẻ em là việc rất dễ, nếu người ta có sự kiên nhẫn của tu sĩ dòng Xitô, thần kinh của phi hành gia và ngủ ít”. Người ta đã hỏi ông: “Ông có ý kiến gì về tuổi thanh thiếu niên?” Ông trả lời: “Tuổi thanh thiếu niên là chặng đường rất bình thường của sự phát triển mà mọi người đều phải trải qua, kể cả cha mẹ của đứa trẻ. Để hiểu và giáo dục trẻ em cần phải sống với chúng, hiện diện ở giữa chúng, chúng ở đâu mình cũng ở đó, như Don Bosco”.

Huyền diệu thay sự hiện diện! Để hiến cho bất cứ ai một niềm vui để nâng đỡ họ, không nhất thiết khi nào cũng phải làm hay nói cho họ một điều nào đó. Vả lại, không phải lúc nào chúng ta cũng làm được như thế. Chỉ cần sống với trẻ em, hiện diện với trọn mối thiện cảm và lòng yêu mến, cũng đã đủ. Một đứa bé khóc vì khiếp sợ. Mẹ nó đến. Nụ cười liền thay chỗ cho nước mắt. Tiếc thay, lắm người cả đời không có lấy một kẻ thân quen nào hiện diện: họ giống như người bất toại nằm bên hồ đã nói với Chúa Giêsu: “tôi không có ai đem tôi xuống hồ mỗi khi nước động”.

Phải dạy trẻ em biết hiện diện ít là trong một số dịp đặc biệt, để làm cho người khác vui hay an ủi họ. Những dịp nào?

* Vào những lúc có niềm vui lớn lao, chẳng hạn như khi người thân trở về sau một thời gian dài đi vắng. Sự hiện diện của mình sẽ gia tăng niềm vui.

* Trong những lúc gặp đau khổ. Trẻ em ít khi tự động nghĩ rằng mình phải có mặt trong những lúc ấy hay cũng có khi sự sợ hãi đã giữ em lại. Phải dạy em đến đó.

* Trong những lần đi thăm người ốm phải sống đơn độc. Hãy dạy trẻ em có thói quen đi thăm nhất là các bạn cùng trang lứa với chúng đang đau khổ hay bệnh tật. Chúa Giêsu đã nhấn mạnh về tầm mức quan trọng của sự hiện diện giữa những người đau khổ. Ngài không chỉ hứa Thiên đàng cho người đã mất, cho người khác một ly nước uống khi họ khát, nhưng còn hứa cho người thăm viếng kẻ cô đơn: “Ta bị tù, ốm đau, và các người đã đến thăm Ta”.

* Để hiểu người khác và để được yêu mến, phương thế đơn giản nhất là hiện diện, là ở bên cạnh họ. Làm như thế là đã để cho một góc chạn trời của tâm hồn chúng ta tỏa sáng.

Don Bosco biết điều đó và chính vì thế ngài không bao giờ mệt mỏi khi sống giữa các học sinh.

Tác giả: Lm. Carlô Ambrôgiô SDB
Người dịch: Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB


 

Visited 1 times, 1 visit(s) today