Ngày 10-5-1968, cụ Chiuminatti, cựu học sinh cuối cùng của Don Bosco qua đời, hưởng thọ 93 tuổi. Cụ không bao giờ quên được Don Bosco. Tại sao? Vì khi còn nhỏ cụ đã gặp nơi Don Bosco một linh mục ân cần và hiểu biết. Từ ấy cụ luôn biết ơn Don Bosco.
Những ngày đầu được nhận vào trường Valdocco, cậu Chiuminatti lúc nào cũng mang trong tâm hồn một nỗi buồn xâu xé trái tim. Don Bosco vốn có lòng ân cần dịu dàng cao độ, nhìn thấy cậu và chạy vội đến. Lúc ấy đang giờ giải trí, ngài tới bên cậu, hỏi tên, quê quán và gia đình. Bất chợt, ngài hỏi:
– Tại sao con lại buồn sầu như vậy?
Một cách thành thật, cậu bé trả lời ngay, và cậu hiểu rằng chính ngài là con người có thể nâng đỡ tâm hồn cậu và làm cho cậu sống vui suốt ngày:
– Thưa cha, con không quen biết ai cả.
– Vậy, hãy nói cho cha biết, con muốn cha làm gì cho con?
– Xin cha cho con một trái banh.
Hôm sau, Chiuminatti nhận được một trái banh, món quà của Don Bosco. Mọi u sầu tan biến. Cậu tập họp các bạn, thành lập một đội banh, và sau nhiều lần tập luyện, đội bóng của cậu đã có thể chiến thắng đội của bề trên.
Làm sao để có thể giúp được những người đang sống trong hoàn cảnh khó khăn? Phải biết ân cần. Người ta nói: “Ân cần là một thứ thiên tài, một thứ bông hoa: bông hoa của đức ái”.
Hãy nói cho trẻ em biết rằng ai cũng khao khát được người khác quan tâm. Thiếu điều ấy, lắm người cảm thấy đau khổ quá mức. Mỗi người một cách, một lúc nào đó đều có thể thốt lên một tiếng kêu thất vọng: “Tôi cần đến sự quan tâm của bạn”.
Làm thế nào để dạy cho trẻ em đức tính ân cần này? Sự ân cần là một trong những nét chính của sự tôn trọng và bác ái mà chúng ta phải tỏ ra đối với cận nhân. Nó tựa hồ một lời van xin người khác. Ân cần với ai là coi người ấy đáng được để ý tới, đáng được ta dành trọn tấm lòng, dù chỉ trong giây lát. Nó có nghĩa là cảm thông với người bên cạnh và cho họ niềm tự hào vì được hiện hữu. Ai cũng cảm thấy mình có giá trị khi được đối xử cách ân cần.
Muốn dạy trẻ em biết ân cần đối với người khác, phải lưu ý ba điều:
* Hãy dạy trẻ em biết chiến thắng tính ích kỷ. Theo bản năng, trẻ chỉ chú ý đến mình. Cái tôi của mình, tuy rất thèm muốn được chú ý, nhưng cần phải biết từ chối; biết nhường chỗ cho người khác đóng vai chính. Khả năng quên mình vì người khác thường cũng là dấu hiệu của một con người quân bình.
* Hãy dạy trẻ em biết kiên nhẫn. Để ân cần với người khác, cần phải biết chờ đợi. Kiên nhẫn là tình yêu kéo dài. Người thiếu kiên nhẫn không bao giờ chú ý tới người khác, không thể hiểu những khó khăn người khác gặp phải.
* Hãy dạy trẻ em biết biểu lộ một sự quan tâm chân thành. Lưu ý hay giả vờ lưu ý tới người khác là chuyện vô ích, nếu không sẵn sàng chia sẻ đau khổ và vấn đề của họ. Phải biểu lộ một sự quan tâm chân thành đối với người khác; và họ phải nhận thấy điều đó, nếu không, họ sẽ không cảm thấy mình được thông cảm.
Điều kỳ diệu là sự ân cần có phản ứng dây chuyền. Thật vậy, khi rơi vào bất hạnh hay gặp hoàn cảnh khó khăn, nếu một người cảm thấy có ai đó quan tâm tới mình, thì thường người ấy cũng bắt đầu quan tâm đến kẻ khác. Tình yêu phát sinh tình yêu; đó là điều kỳ diệu nhất của sự ân cần. Vì sự ân cần cũng giống thiên tài: “Nó sáng tạo”.
“Đừng tìm cách minh oan về các khuyết điểm của bạn; trước hết, hãy tìm cách sửa chúng”. (Don Bosco)
Tác giả: Lm. Carlô Ambrôgiô SDB
Người dịch: Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB