HÃY DẠY TRẺ EM CÓ TINH THẦN CON THẢO

Năm 1886, Don Bosco nhận được một lá thư của Cha giám đốc chủng viện Monpellier bên Pháp. Ngài nài nỉ Don Bosco tiết lộ bí quyết của khoa sư phạm. Đó là lần thứ hai vị giám đốc ấy đã xin Don Bosco. Lần thứ nhất, Don Bosco đã viết trả lời cho ngài: “Thưa cha, con nhận được mọi điều con muốn nơi học sinh của con, nhờ lòng kính sợ Thiên Chúa được phú vào lòng chúng”. Vị giám đốc ấy viết lại ngay: “Chính lòng kính sợ Thiên Chúa là đầu mối ấy, làm thế nào để đưa công việc giáo dục đến chỗ hoàn tất? Xin cha nói cho con biết chìa khóa của hệ thống giáo dục của cha để con có thể sử dụng nhằm mưu ích cho các chủng sinh trẻ của con”.

Gấp lá thư lại, Don Bosco kêu lên: “Hệ thống giáo dục của tôi! Hệ thống giáo dục của tôi! Chính bản thân tôi cũng không biết. Tôi cứ luôn luôn tiến tới như Chúa soi sáng cho tôi và hoàn cảnh đòi hỏi”. Và sau khi ngưng một chút để suy nghĩ, ngài thêm: “Phải yêu mến để được mến yêu”.

* Theo các kết luận của nhiều nhà xã hội học khác nhau, thì thời đại chúng ta đã mất lòng kính trọng; cha mẹ là những nạn nhân đầu tiên của sự thiếu sót này. Người cha sẵn sàng làm “bạn cùng chơi” hơn là làm cha; nhưng rồi, vì mất đi một phần những đặc ân và quyền bính, nên họ lại tách khỏi và xa cách con cái đang khi tưởng rằng không còn những sự xa cách nữa. Thế hệ ngày nay được định nghĩa là “một thế hệ mồ côi”. Thực vậy, thế giới đang biến đổi mau lẹ, nhưng các tương quan nền tảng nối kết con cái với cha mẹ và cha mẹ với con cái lại vượt ra khỏi mọi sự biến đổi. Cách thức có thể biến đổi, nhưng bản chất vẫn nguyên vẹn.

* Tinh thần con thảo hệ tại ở việc kính trọng và lệ thuộc: biết khiêm nhường chấp nhận và ý thức mình lệ thuộc. Thời thơ ấu, trẻ em lệ thuộc hoàn toàn: “sự lệ thuộc ấy giảm dần khi đứa trẻ lớn lên và khi được giáo dục về tự do và trách nhiệm, nhưng không bao giờ mất đi”. Nó được thiêng liêng hóa và trở nên lòng biết ơn.

* Phải dạy trẻ em biết ơn cha mẹ. Con cái không bao giờ được quên đi thời gian mà cha mẹ đã dành hoàn toàn cho chúng, thời gian mà cánh tay mạnh mẽ của người cha là sự nâng đỡ duy nhất cho chúng. Con cái phải luôn biết ơn cha mẹ vì cha mẹ luôn nghĩ về chúng trong tâm tư cũng như trong hành động. Tất cả mọi cha mẹ đều nhất tề nói rằng: “Chúng tôi chỉ làm việc cho con cái chúng tôi”.

* Phải dạy trẻ em biết rằng khi cha mẹ già nua và khi các ngài qua đời em sẽ đảm nhận trọn vẹn địa vị làm con. Địa vị ấy thường đòi hỏi nhiều bổn phận nặng nề. Sự già nua sẽ dần dần phá hủy diện mạo và tinh thần mà một thời chúng ta đã ngưỡng mộ. Bởi thế, người con phải có một sự tinh tế con thảo, biết kìm hãm những cử chỉ nóng giận, lời nói khô khan hay gắt gỏng, những dấu biểu lộ một thần kinh khích động gây tổn thương và đau khổ cho cha mẹ già và làm cho các ngài phải suy nghĩ về sự bất lực và vô dụng cũng như sự hủy hoại thể lý của các ngài. Lúc bấy giờ, bổn phận của người con trở nên anh hùng, và nặng nề đến độ Chúa đã muốn biến nó thành đối tượng của một giới răn đặc biệt: “Ngươi hãy thảo kính cha mẹ”. Cha mẹ già yếu ốm đau quả là một thử thách dài cho người con. Nhưng đó lại là lãnh vực hoạt động dành cho tinh thần con thảo. Người con chăm sóc vị cha già nua, gầy tóp, nhỏ thó; một cách nào đó người con trở thành người cha của cha mình.

* Để dạy cho trẻ em có tinh thần con thảo, người cha phải hướng dẫn, nhưng không được bắt buộc; biết sai bảo, nhưng không có vẻ ra lệnh; biết nhìn nhận sự tự do của con cái trong một bầu khí quyền bính đầy khoan dung. Đặc biệt khi con cái bước vào khủng hoảng tuổi thanh xuân, cha mẹ càng phải biết khéo léo, tôn trọng con, biết thận trọng và nghiêm khắc vừa phải. Sau sự tùng phục của tuổi thiếu nhi, sau những bồng bột hỗn độn và không kiềm chế của tuổi thanh xuân là lòng tin tưởng và biết ơn của người trưởng thành. Từ người cha, con cái đến với Thiên Chúa là “nguồn mọi tình phụ tử trên trời và dưới đất”. Tinh thần con thảo phải được hòa hợp thật tự nhiên với tinh thần tôn giáo. Hệ thống giáo dục của Don Bosco hệ tại ở điều đó.

“Chúng ta hãy gieo hạt, rồi bắt chước người nông dân kiên nhẫn chờ ngày thu hoạch”. (Don Bosco)

Tác giả: Lm. Carlô Ambrôgiô SDB
Người dịch: Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB


 

Visited 1 times, 1 visit(s) today