HÃY DẠY TRẺ EM BIẾT QUAN TÂM TỚI NGƯỜI KHÁC

Một hôm, về tới gần Nguyện xá Valdocco, Don Bosco gặp một thanh niên đầu đảng của một băng nhóm khét tiếng. Ngài mỉm cười chào hắn. Hắn rất ngạc nhiên khi thấy Don Bosco quan tâm tới mình. Ngài thật tốt lành và vui tươi. Do đó, hắn cũng chào lại: – Kính chào cha, hắn vừa nói vừa cúi đầu.

Don Bosco đã tỏ ra quan tâm hơn và nói với hắn:

– Cha rất sung sướng khi gặp được con. Con giúp cha một tay nhé.

– Nếu được, con sẵn sàng.

– Đương nhiên. Con đi ăn cơm với cha được không?

– Ăn cơm với Don Bosco ư?

– Phải, tại sao không? Hôm nay chỉ có một mình cha.

– Cha lầm rồi, có lẽ cha đã lầm con với ai đó.

– Cha không lầm đâu. Con là Giorgio chứ còn ai, đúng không?

– Thưa cha, đúng.

– Vậy thì con đến với cha nhé.

– Thôi, phiền cha quá.

– Con đừng khách sáo. Cha đã quyết định; con hãy đến.

– Nhưng con không có can đảm đến, vì quần áo con rách bươm, tay chân bẩn thỉu.

– Không hề gì.

– Nhưng … có lẽ mẹ con đang chờ con ở nhà.

– Cha sẽ cho người đi báo.

Đứng trước áp lực đầy dịu dàng của Don Bosco, gã thanh niên ấy đành phải nhượng bộ. Anh ta đã dùng bữa với Don Bosco. Khi về nhà, anh ta rất phấn khởi: Don Bosco đã thông truyền cho anh ngọn lửa thiêng liêng và đã làm cho anh lây nhiễm lòng tốt của ngài. Anh ta đã thay đổi nếp sống và trở nên một học sinh tốt.

* Mỗi đứa trẻ đều có một khả năng tiềm ẩn kỳ diệu là biết quan tâm đến người khác. Khả năng tiềm ẩn này được phát triển hay không còn tùy ý chí của em. Thế nhưng, ý chí phải được rèn luyện. Nó không luôn tự phát. Triết gia Hy Lạp, Socrate, ám chỉ điều đó khi nói: “Trước khi có thể lay chuyển thế giới, người ta phải lay chuyển chính mình”. Phải dạy trẻ em biết quan tâm tới anh chị em, tới người bên cạnh, tới bổn phận đã được trao cho em.

* Cách tốt nhất để phát triển khả năng quan tâm của trẻ em là để em tự do phát triển điều em cảm nghĩ. Người lớn thường có khuynh hướng ngăn chặn những tình cảm của trẻ em. Họ thường nghiêm khắc bảo em: “Hãy liệu mà làm chủ bản thân. Đừng nông nổi chạy theo xung động”. Thế nhưng, những biểu lộ ấy thường lại là dấu hiệu cho thấy trẻ em biết quan tâm: nếu bị dồn nén liên lỷ, em có thể bị tê liệt hoặc làm chết hẳn khả năng rộng mở với người khác.

* Hãy dạy trẻ em nghệ thuật biết tự hiến cho người khác, nhất là biết gần gũi người đau khổ, và biết tỏ ra quan tâm đặc biệt đối với những người bị xã hội ruồng bỏ. Một phụ huynh kể lại: “Có lần tôi ra bãi biển với con gái tôi. Nước lên. Trời chiều trắng đục êm ả. Sóng biển hết đợt này tới đợt khác dâng dần lên bãi cát khô. Con gái tôi khẽ thốt lên: “Ba ơi, hay quá! Ba có thấy biển đang hôn đất không?”

Đất thì dửng dưng, tuy nhiên nó vẫn chờ đợi. Còn biển thì không, nó cứ tới. Quả là một bài học tuyệt vời! Hãy dạy cho trẻ em biết sống như Chúa Giêsu đã dạy: “Trở nên người bên cạnh của người khác”, mỗi ngày làm vài việc nhỏ bé, không cần ai biết tới, nhưng đầy lòng tốt và tình yêu đối với người bên cạnh hay người mình gặp gỡ. Như thế chẳng tốt đẹp lắm sao?

“Chúa đã đặt chúng ta trong thế gian này vì người khác”. (Don Bosco)

Tác giả: Lm. Carlô Ambrôgiô SDB
Người dịch: Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB


 

Visited 4 times, 1 visit(s) today