Ngày 10-5-1884, Don Bosco đã gởi một lá thư dài cho các tu sĩ Salêdiêng ở Nguyện xá Valdocco, Torinô. Đó là một viên ngọc quí giá, tỏ lộ tấm lòng bao la của Don Bosco. Ngài viết:
“Dù gần hay xa, cha vẫn tưởng nghĩ tới các con. Ước nguyện duy nhất của cha là thấy các con sung sướng ở đời này và đời sau. Các con yêu mến, cha cảm thấy càng xa các con, càng nặng tình luyến nhớ. Không được nhìn thấy các con, không được nghe tiếng các con nói là một nỗi đau khổ mà các con không thể tưởng tượng được.
Sau đó, với giọng văn lưu loát và thanh tao, ngài kể lại một giấc mơ, ngài thấy hai cảnh tượng hiện ra như trên màn ảnh: Nguyện xá vào thời gian đầu, với các học sinh hồi ấy đang chơi trong giờ giải trí; và Nguyện xá của năm 1884, trong đó ngài “không thấy sự linh động và sức sống như trong cảnh trước”. Don Bosco đã hỏi người hướng đạo bí mật đi theo ngài trong giấc mơ:
– Làm sao để các học sinh được sinh động, lấy lại niềm phấn khởi, hoạt bát, vui vẻ và cởi mở của thời xa xưa ấy?
– Phải dùng tình yêu cha ạ!
– Tình yêu à? Thế học sinh của tôi chưa được yêu mến đầy đủ sao?
– Nhưng còn thiếu một điều quan trọng.
– Điều gì thế?
– Yêu mến học sinh mà thôi chưa đủ, còn phải làm thế nào để chúng nhận thấy ta yêu mến chúng. Phải yêu mến học sinh trong chính những điều chúng ưa thích, và chúng sẽ yêu thích những điều mà các người giáo dục yêu thích. Phải thân thiết với học sinh, nhất là trong giờ chơi. Ai muốn được yêu mến, cần phải tỏ ra mình yêu mến. Chúa Giêsu đã trở nên bé nhỏ với những người bé nhỏ: chính Ngài là Vị Thầy của tình thân thiện. Vì thế, người giáo dục phải trở nên mọi sự cho hết mọi người, sẵn sàng lắng nghe mọi nỗi nghi ngờ hay than vãn của thanh thiếu niên, hiểu chúng, mở to đôi mắt của người cha hiền để chăm sóc tính tình con cái, rộng mở cõi lòng tìm kiếm lợi ích thiêng liêng và vật chất cho hết thảy các thanh thiếu niên Chúa Quan phòng trao phó cho mình.
Hiểu người khác. Đó là qui luật quan trọng mà Don Bosco đã tìm cách vun trồng. Ngày nay, tâm lý học cống hiến cho chúng ta một từ ngữ mới, khó hơn, nhưng có cùng nội dung: đó là “cảm thông”. Cảm thông là khả năng biết coi trọng những tình cảm của người khác, nhưng không làm cho họ bị dao động, đến độ ảnh hưởng tới sự phán đoán của riêng họ. Đó là một trạng thái tâm hồn mà mọi người có thể sở hữu, phát huy và hoàn thiện.
* Hãy dạy cho trẻ em biết coi trọng những tình cảm của người khác. Một học giả đã ghi nhận: “Ta có thể hóa giải được nhiều nguyên nhân gây bực mình, nếu mỗi khi có ai làm điều gì khiến ta phải tức giận, ta biết tự hỏi ngay: “Phản ứng như vậy có đúng không?” Ví dụ: một đứa bé đã la ông bố: “Tôi ghét ông. Tôi muốn ông chết quách đi cho rồi!” Nếu ông bố ấy biết cảm thông, thì sẽ đi sâu vào tình cảm đã gây nên thái độ ấy và hiểu ra đứa bé muốn nói rằng: “Tôi cần đến bố, nhưng bố lại không quan tâm đến tôi. Tôi van xin bố tỏ cho tôi thấy rằng bố muốn điều tốt cho tôi”. Sự cảm thông cũng gần giống như thiện cảm. Thiện cảm thì nói rằng: “Bố chia sẻ với những tâm tình của con”; còn cảm thông lại nói: “Bố hiểu những tâm tình của con”. Sự hiểu biết ấy nâng đỡ rất nhiều cho những người đang gặp khó khăn và đau khổ. Nói cho cùng, thì giống như khi người ta buộc dây vào nhau để leo núi, nếu có người tuột xuống triền dốc, thì những người kia không nhảy xuống để cứu người đó, nhưng sẽ cố gắng đứng vững để có thể kéo người đó lên.
* Hãy dạy trẻ em biết đặt mình vào chỗ của người khác, biết nhìn với cặp mắt của người khác. Chớ không phải cặp mắt của mình. Chẳng hạn, người già thiếu cảm thông vì họ thường coi những sự lạ đời và ngu xuẩn của thanh thiếu niên là thảm họa; thay vì nhớ lại xem mình đã xử sự thế nào khi còn trẻ, họ lại muốn trẻ em xử sự như người trưởng thành. Người ta sẽ sẵn sàng giao mọi sự cho ta, miễn là họ biết ta cảm thông với tâm tình đã gợi lên những lời nói và hành động của họ. Việc hiểu tâm tình của người khác sẽ giúp ta khỏi bị tổn thương trong những tâm tình của ta.
* Hãy dạy trẻ em biết đọc ra được sự cô đơn đè nặng trên người khác. Một sinh viên đại học viết: “Tôi thường có cảm tưởng mình là một con số không, đang lang thang trên đôi chân của mình. Hình như không ai lưu ý đến tôi hay đến cuộc sống của tôi. Xin các bạn vui lòng đối xử với tôi như một con người và làm ơn lưu ý đến tôi một chút”. Hiểu sự cô đơn và tâm tình của người khác là bí quyết làm cho việc giáo dục được hữu hiệu. Một công nhân nhà máy cảm thấy chủ coi mình như là một bánh xe răng trong cỗ máy, tất nhiên sẽ làm việc với năng suất thấp. Trái lại, khi họ cảm thấy chủ thực sự quan tâm tới họ, tới những vấn đề của họ, tới tương lai và những điều kiện sống của gia đình họ, chắc chắn họ sẽ làm việc với năng suất cao.
Muốn học hiểu tâm tình của người khác, cần phải kiên nhẫn lắm. Nhưng có đi sâu vào tâm tư và cõi lòng của người khác, mới thu được một kinh nghiệm quan trọng và hữu ích. Sự cảm thông không gì khác hơn là đức ái, vì đức ái làm cho người khác cảm thấy rằng chúng ta yêu mến họ.
Tác giả: Lm. Carlô Ambrôgiô SDB
Người dịch: Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB