Giới trẻ và văn hóa sử dụng Facebook

Nhân dịp Tết cổ truyền Tân Sửu 2021 của Việt Nam, ngài Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chúc Tết âm lịch bằng bốn thứ tiếng Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc, và Việt Nam. Chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi “status” bằng tiếng Việt có lượt tương tác cao gấp vài lần cho tới cả chục lần ngôn ngữ khác. Việt Nam là một trong những nước sử dụng mạng xã hội Facebook phổ biến nhất. Theo các thống kê hiện nay Việt Nam là một trong những nước có người dùng Facebook nhiều nhất thế giới, với khoảng 2/3 dân số có “chơi Facebook”. Đương nhiên sử dụng Facebook có cả người già, người trẻ, người không già và cũng không trẻ. Thế nhưng rõ ràng với những tiện ích như Facebook thì số người trẻ sử dụng chiếm số đông. Cái gì cũng có hai mặt của vấn đề và việc sử dụng Facebook cũng vậy, đó chính là điều rất cần sự trách nhiệm của những người trẻ khi sử dụng Facebook.

1. Facebook là mạng Xã hội được nhiều người yêu thích nhất với hơn 1 tỷ người trên toàn thế giới sử dụng và con số này không ngừng gia tăng. Facebook được sử dụng mọi lúc mọi nơi và được xem là công cụ không thể thiếu trong đời sống của nhiều người.

Có lẽ nói tới Facebook không ai không nghĩ tới những tiện ích mà mạng xã hội này mang tới. Những kiến thức từ Facebook được viết bởi rất nhiều người có các trình độ khác nhau trong xã hội, ở các nền văn hóa khác nhau nên những điều mọi người học hỏi nhau được qua đây là rất lớn. Những phản biện, những góc nhìn khác nhau trên Facebook, nhất là từ trang của những người nổi tiếng với các bài viết phản biện xuất sắc mang tính khai sáng cao có thể giúp mỗi người tự điều chỉnh để hoàn thiện mình. Có lẽ, một trong những tiện ích mà Facebook mang lại lớn nhất đó chính là tin tức được cập nhật và truyền đi nhanh chóng. Nhờ tính năng nổi trội đặc biệt này mà rất nhiều người thất lạc lâu năm đã tìm được nhau. Trong đợt lũ lụt khủng khiếp ở miền Trung năm 2020, nhờ Facebook mà những tấm lòng nhân ái ở khắp mọi nơi trên đất nước đã hội tụ. 

Cả năm 2020, thế giới và Việt Nam chao đảo trong đại dịch COVID-19, nhiều nơi, nhiều vùng bị cách ly. Tết Tân sửu, đợt dịch thứ 3 bùng phát mạnh ở Việt Nam làm cho dự định của biết bao nhiêu người về quê ăn Tết đã không thể thực hiện được, không những vậy, nhiều người còn bị cách ly. May thay, trong bối cảnh ấy, con người vẫn còn mạng xã hội, vẫn còn Facebook để giao tiếp cùng nhau. Nhờ mạng xã hội, trong đó có Facebook mà xã hội có thể bị cách ly song lòng người lại được mở rộng. Facebook là mạng xã hội mở nên giúp mỗi người có thể bày tỏ quan điểm cá nhân của mình một cách dễ dàng (tất nhiên phải đúng luật). Nhiều người đã sử dụng tiện ích của Facebook để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, bán hàng onile mang lại hiệu quả rõ rệt v.v…Sở dĩ phải dài dòng liệt kê như vậy để thấy tiện ích mà Facebook mang lại cho con người, cho xã hội là rất lớn.

2. Thế nhưng, bất cứ điều gì cũng có tính 2 mặt và Facebook cũng không ngoại lệ.

Facebook có nhiều ưu điểm thế nhưng cũng có không ít nhược điểm. Những tính năng, những ưu điểm tuyệt vời của Facebook ta đã nói, nhưng không phải Facebook không có những mặt hạn chế, nhược điểm. Facebook làm cho giao tiếp trực tiếp giữa người với người giảm đi. Nhiều người gặp nhau nhưng lại không thể nói chuyện cùng nhau mà đều dán mắt vào màn hình Facebook. Cá biệt có những người bạn hẹn gặp nhau ra quán cafe để rồi dán mắt vào Facebook (tất nhiên đó là những lúc không chống dịch). Nếu những hành động ấy cứ tiếp diễn như vậy thì cuối cùng bạn bè đâu còn nhu cầu gặp nhau, khi đó người ta sẽ nhờ cầu nối là Facebook. Trên nhiều trang Facebook thì ôi thôi, nhiều người đăng những dòng trạng thái mơ hồ, nội dung “tào lao bí đao” chỉ với mục đích câu được nhiều like. Nhiều người quá chú tâm vào mạng xã hội mà quên đi các mục tiêu thực sự của cuộc sống, thậm chí sống ảo theo trào lưu “đu trend) của mạng xã hội. Nhiều người, thay vì hãy sống và đi bằng hai chân trên mặt đất thì suốt ngày “lơ lửng trên không trung”, “mơ mơ màng màng” vì bận bỏ thời gian, công sức để đếm like, để phấn đấu trở thành “anh hùng bàn phím”. Cá biệt, có những người sử dụng Facebook để đăng những dòng trạng thái kêu gào bạo lực, giết chóc, gây hận thù dân tộc, tôn giáo, xuyên tạc, vu khống…khiến người khác “lạnh gáy” khi đọc phải. Có người quan niệm rằng Facebook là mạng xã hội mở nên tưởng rằng muốn viết sao thì viết và tin rằng nó vô thưởng vô phạt. Đúng là Facebook là không gian mở, bởi vậy nó không phải là nơi kín đáo như phòng ngủ để ai đó muốn vứt bừa bãi cái gì ra cũng được. Đã có không ít những câu chuyện rất tác hại do người dùng Facebook gây ra như tung các clip nữ sinh đánh hội đồng bạn học, những hình ảnh giết vọc dã man, những người trẻ chụp hình gợi cảm đưa lên mạng, hoặc rao tình trên Facebook. Thậm chí có người còn thách đố trên Facebook là nếu nhận được đủ số nút like sẽ tới….đốt trường học. 

3. Thế giới mạng đầy rẫy những cạm bẫy và lừa lọc, nơi mà một anh xe ôm cũng có thể là giám đốc doanh nghiệp lớn, chị bán xôi cũng có thể là nữ doanh nhân thành đạt.

Nếu những người dùng Facebook không đủ tỉnh táo để phân biệt đúng sai và kiểm chứng tính xác thực của thông tin, hay hùa theo “tâm lý đám đông” sẽ rất nguy hiểm. Còn nhớ, ngài Samdech Hun Sen, Thủ tướng Campuchia – một người dùng Facebook thường xuyên – đã có lần bị một số người Việt vào của ngài và viết lên đó những điều rất khó nghe. Sự việc diễn tiến tới mức sau đó cả hai bên ở cấp phát ngôn viên Bộ Ngoại giao đã phải lên tiếng. Năm 2020, khi cả miền Trung oằn mình chống lũ, trong lúc nhiều chiến sỹ, sỹ quan quân đội, công an, nhiều lãnh đạo địa phương hy sinh trong khi làm nhiệm vụ chống lũ, khi mà nhiều đồng bào bị chết, bị thương, mất nhà cửa tài sản thì ở đâu đó có những người suốt ngày lên Facebook khoe những hình ảnh “sang chảnh”, khoe đồ hiệu đắt tiền, khoe ăn sáng ở khách sạn 5 sao, uống coffee trên đỉnh tòa tháp mấy chục tầng v.v…Đã đành, cho dù thế nào thì cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, song làm như vậy có bất nhẫn quá hay không? Facebook là không gian ảo nhưng hiệu ứng xã hội mà nó mang tới là thật, hậu quả mà nó gây ra cũng là thật. Bởi vậy, những người dùng Facebook có văn hóa, cần phải nhận thức đúng đắn những phát ngôn, những hình ảnh mình đăng tải và chia sẻ trên Facebook. Thận trọng, suy nghĩ chính chắn tránh làm tổn thương đến người xung quanh và chính bản thân mình; suy nghĩ kỹ trước khi nhấn nút like; không nên dành quá nhiều thời gian cuốn theo facebook trong khi cuộc sống còn rất nhiều điều thực tế quan trọng, thiêng liêng cần làm.

Dù chúng ta ở đâu, là ai, làm gì, nhưng nếu ta sử dụng Facebook thì từ câu chuyện nêu trên có thể là lời nhắc nhở để mỗi người dùng Facebook thật sự là những bộ óc thông thái với trái tim nhân hậu và rộng mở yêu thương. Facebook sẽ thật sự phát huy hiệu quả khi những người dùng nó đưa những thông tin hữu ích cho cộng đồng như những thông tin về khoa học, giáo dục, văn hóa, những phận đời cơ cực cần giúp đỡ, những thông tin về các cuốn sách hay và bổ ích v.v…Xã hội sẽ tốt đẹp hơn khi mỗi người luôn có một suy nghĩ và một lối sống tích cực. Trong quá trình ấy, việc sử dụng Facebook thật lý trí và nhân văn sẽ giúp cuộc sống tốt đẹp hơn./.

                                                                  Vũ Trung Kiên

Visited 70 times, 1 visit(s) today