GIÁO DỤC THANH THIẾU NIÊN: DỄ HAY KHÓ

Ngày nọ, Don Bosco vào một tiệm hớt tóc ở Tôrinô. Ngài gặp một cậu bé tập nghề và hỏi:

– Con tên gì?

– Dạ, con tên là Carôlô Gastini.

– Cha mẹ con còn sống không?

– Thưa, con chỉ còn mẹ.

– Con bao nhiêu tuổi?

– Thưa, mười một.

– Con đã rước lễ lần đầu chưa?

– Dạ, chưa.

– Con có học giáo lý không?

– Thưa, con đang học.

– Tốt lắm! Bây giờ con cạo râu cho cha.

Ông chủ tiệm la lên:

– Trời ơi! Xin cha đừng mạo hiểm! Thằng này mới học nghề mà! Nó chỉ có thể cạo lông chó thôi!

Don Bosco bình thản đáp:

– Không hề gì! Nếu cậu bé không bắt đầu thực tập, thì sẽ không bao giờ thành nghề được đâu.

– Xin lỗi cha! Nếu cần thực tập, con sẽ cho nó cạo râu người khác, chớ không được cạo râu một linh mục.

– Lạ nhỉ! Thế râu của tôi quí hơn sao? Không có gì phải sợ, bác ạ. Râu của tôi là râu gỗ (Don Bosco dùng tên mình để chơi chữ một cách hóm hỉnh, vì tiếng Piemonte “bosch” có nghĩa là gỗ). Miễn sao nó đừng cắt mũi tôi là được.

Cậu bé học nghề được dịp thực tập. Don Bosco thản nhiên trước sự vụng về của cậu. Song, Ngài nói: “Không tệ lắm! Con sẽ sớm trở thành thợ cạo nổi tiếng!” Sau đó, Ngài còn nói đùa với Gastini và mời cậu đến Nguyện xá vào Chúa Nhật tới. Cậu nhận lời mời của Ngài.

Don Bosco trả tiền cho ông chủ và đi ra. Suốt đoạn đường, thỉnh thoảng Ngài đưa tay lên xoa cái mặt đau rát và nóng bỏng của mình, nhưng Ngài hài lòng vì đã chinh phục được cậu bé.

Giữ đúng lời hứa, Chúa Nhật sau đó, cậu bé tới Nguyện xá. Don Bosco khích lệ cậu, và giúp cậu vui chơi với các trẻ em khác. Sau khi kết thúc các lễ nghi tôn giáo, Ngài nói thầm vào tai cậu vài lời rồi dẫn tới phòng áo, giúp xét mình và giải tội cho cậu. Carôlô xúc động đến rơi lệ. Don Bosco cũng không cầm nổi nước mắt. Từ ngày ấy Nguyện xá đã trở nên ngôi nhà thứ hai của Carôlô Gastini.

Don Bosco chinh phục các thanh thiếu niên nhờ biết tín nhiệm chúng, rồi lôi kéo tới mình để giáo dục và dẫn chúng đến với Thiên Chúa. Một nhà tâm lý đã viết cách khôi hài:

“Người ta có thể giáo dục trẻ em cách dễ dàng nếu có sự kiên nhẫn… của một nghệ nhân (hay tu sĩ Xitô)[1], sự bình tĩnh của một phi hành gia và ngủ ít”. Nói đúng hơn: “Giáo dục trẻ em là chuyện dễ đối với người biết dành cho chúng lòng tín nhiệm và thực sự yêu thương chúng đến độ hy sinh chính mình”.

* Đâu là ngăn trở lớn nhất đối với mối tương quan tốt giữa nhà giáo dục và trẻ em? Thường đó là vì không có khả năng yêu mến chúng đến độ hy sinh. Cha mẹ thường chỉ biểu lộ lòng yêu thương bằng cách cung cấp cho con cái mọi nhu cầu vật chất, đang khi chúng tìm một cái gì hoàn toàn khác. Chúng mong tìm gặp nơi cha mẹ những người bạn để gởi gắm các nỗi niềm thầm kín, những người hướng đạo chững chạc trước các khó khăn của tuổi đời mới lớn. Cha mẹ phải luôn đi bước trước. Con cái sẽ khó đi bước trước được. Nhà giáo dục cũng thế. Để giáo dục một đứa trẻ, dạy giỏi chưa đủ, mà còn phải yêu thương nó và biết cách biểu lộ lòng yêu thương ấy nữa.

* Thanh thiếu niên thường tỏ ra dửng dưng trước vấn đề tôn giáo. Bởi đâu? Một phần do lứa tuổi, một phần do xã hội chung quanh, và một phần cũng do lỗi của người giáo dục, không biết trình bày tôn giáo đích thực của Tin Mừng. Thanh thiếu niên sẽ tự nhiên từ khước thứ tôn giáo chỉ có luật lệ, cấm đoán và hăm dọa. Đó không phải là thứ tôn giáo của Đức Kitô.

* Đâu là mục tiêu mà cha mẹ và người giáo dục cần giới thiệu cho thanh thiếu niên? Trước hết, cần giúp chúng trở nên người trưởng thành và biết gánh vác trách nhiệm, xác tín được rằng không có Thiên Chúa và đức tin thì đời sống sẽ trở thành một bài toán vô nghiệm và không thể chấp nhận được. Tốt nhất là làm sao hướng dẫn chúng tự khám phá ra những điều ấy. Chẳng hạn khi nói về tình yêu, hãy gợi ý cho chúng khám phá đâu là tình yêu đích thật. Hãy để cho chúng đạt tới những điều được Tin mừng xác nhận và vui hưởng những kết quả ấy.

Tác giả: Lm. Carlô Ambrôgiô SDB
Người dịch: Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB

[1] Và cũng có nghĩa bóng: nghệ nhân làm những việc tỉ mỉ cách kiên nhẫn.


Visited 1 times, 1 visit(s) today