GIÁ NHƯ…

Mặt sưng tím, thâm đen, đôi mắt u buồn và ngấn lệ. Tôi biết chắc là em lại đánh nhau với lũ bạn. Sở hữu đặc tính nghịch ngợm, khá hiếu chiến và ương ngạnh như thế thì việc đánh nhau đối với em là chuyện thường.

Hôm nay em ngồi thu mình trong góc sân, dửng dưng, mặc người cười nói đùa vui. Tính cách em thật khác so với mọi ngày, khác với con người năng động và quậy phá mà tôi từng biết về em. Cho dù không để ý nhiều đến em, nhưng sự tò mò chỗi dậy, bứt tôi ra khỏi trò vui với một số em: Cớ sao cu cậu lại ru rú ở góc sân một mình thế? Có chuyện gì xảy ra chăng? 

Tôi tiến lại gần nhưng em chẳng nhìn vào mặt tôi. Em quay sang một hướng khác. Tôi ngồi xuống bên em, tỉnh như không nhìn thấy trạng thái ấy. Tôi cố đùa cho em vui, lấy ngón tay gõ gõ vào cái hàm bạnh ra của em. Chợt em đưa tay lên, gạt phắt những ngón tay đùa nghịch của tôi. Hành động đột ngột của em làm tôi chột dạ: Chưa khi nào em đối xử với tôi như thế. Ngày thường em rất thân thiện với tôi.

Tôi đoán mình đã làm điều gì đó nghiêm trọng với em, hoặc có thể tôi có dính líu ít nhiều đến cái nguyên do khiến khuôn mặt sưng húp kia của em. Vì thế, tôi nhẹ nhàng năn nỉ em cho tôi biết câu chuyện. Đầu tiên em nín thinh rồi sau cùng, tuôn theo những dòng lệ là những lời nghèn nghẹn.

Em kể, ngày hôm qua khi tôi đang đứng cổng trường khi sắp tan giờ học, em đã tí tởn chạy đến xin phép tôi được về nhà trước. Tôi hỏi lý do, nhưng em không trả lời. Nghĩ là em ma mãnh gạt tôi, nên tôi nhất định không đồng ý, trừ phi em nói ra lý do. Lúc ấy, cho dù em tha thiết khẩn nài, tôi vẫn một mực bắt em ở lại. Nhìn bóng em quay gót buồn thiu, tôi lại còn mừng trong lòng vì cho rằng mình đã lật tẩy được thói chiêu trò của em.

Chỉ vì về trễ mà em đã không bán được hết tệp vé số, là bổn phận một đứa trẻ lên 9 như em phải hoàn thành, theo như lệnh của “ông bố hờ”. Bởi thời gian này người ta chuộng loại vé số điện tử nên em cần phải đi nhiều nơi hơn, năn nỉ nhiều hơn, và tức nhiên cần nhiều thời gian hơn. Nhưng tôi đã không hiểu!!! Trận đòn thừa sống thiếu chết ngày hôm qua em chịu cũng là bình thường đối với em, nhưng nó trở nên đau hơn và làm em ấm ức hơn, đó là vì tôi: Một người em tin và kính trọng, đã không hiểu em, lại còn nghi ngờ em. Nghe đến đây, cổ họng tôi nghẹn ứ. Tôi không biết phải nói lời nào cho phải.

Thinh lặng một hồi lâu, rồi tôi cũng lấy hết sự can đảm nơi mình để nói lên lời xin lỗi với em. Một lời xin lỗi kèm theo đó là cả một nỗi day dứt trong chính bản thân mình. Em lặng thinh, nhưng rồi em bỗng òa khóc. Tiếng khóc như muốn xóa tan những vết thâm tím trên khuôn mặt em; tiếng khóc như muốn làm tan chảy đi nỗi đau đớn và uất ức nghẹn ngào trong tâm hồn em; và tiếng khóc cũng như muốn xóa tan đi tất cả những ký ức đã ẩn sâu trong con người của em. Tôi ôm em vào lòng và cứ để cho em được khóc để vơi đi tất cả, và cũng để vơi đi cả cõi lòng của tôi nữa.

Giá như tôi hiểu em hơn. Giá như tôi đừng dương dương tự đắc với nỗi khoái chí của người ra lệnh đòi phải có được lý lẽ. Giá như con tim tôi nhạy cảm hơn… Nhưng còn nhiều cái giá như khác cần được nói lên: Giá như em được sinh ra và lớn lên trong tình yêu thương của gia đình; giá như em được chăm sóc và dạy dỗ theo điều hay điều tốt của tình người; giá mà em được đến trường để học và để sống trong tình yêu thương của thầy cô và bạn bè sớm hơn; giá như tất cả mọi người đều có một tâm hồn nhạy cảm trước những nỗi bất hạnh của em;  giá như cuộc đời này tràn ngập tình yêu thương, tình nhân loại để em bước vào đời;  

Giá như và giá như…. tình yêu thương là nguồn mạch sống của muôn người thì bao trẻ thơ không còn sống bơ vơ, bao em nhỏ không còn bị chơi vơi không lối về, và bao cuộc đời không còn lầm lũi bước đi không nhà không cửa.

Người viết: Hải Văn, SDB


Visited 2 times, 1 visit(s) today