
Hiệp hội “Đức Mẹ Phù Hộ” (ADMA)
Đào luyện ứng sinh
GẶP GỠ 3
Lòng sùng kính Đức Maria Phù Hộ Các Giáo Hữu
1. Don Bosco và Đức Maria Phù Hộ Các Giáo Hữu
Mẹ Maria Phù Hộ Các Giáo Hữu luôn ở bên cạnh “hướng dẫn và nâng đỡ” Don Bosco. Mẹ chỉ cho ngài cách thức chuẩn bị sứ mệnh (MB I, 96), hướng dẫn bước đi của ngài trong giai đoạn đầu của công cuộc (MB II, 190-191), hướng dẫn các công cuộc phát triển cách vững chắc (MB II, 232-234), chỉ cho ngài phương pháp đào luyện các cộng sự viên và thanh thiếu niên (MB II, 25-27).
Don Bosco đáp lại sự hướng dẫn và nâng đỡ của Đức Maria bằng lòng sùng kính đặc biệt: Mẹ Maria Phù Hộ Các Giáo Hữu. Chúng biết rằng khi Don Bosco bắt đầu suy tư cách nghiêm túc về tước hiệu “Phù Hộ các Giáo hữu”, ngài đã gần 50 tuổi (trước đó là người nữ mục tử [khởi đầu công cuộc] và Mẹ Vô Nhiễm [trong việc sáng lập 2 dòng tu).[1]
Chúng ta biết rằng Đức Giáo Hoàng Piô VII bị Napoleon giam lỏng tại Savona (nước Ý) từ năm 1809 đến năm 1812, và tại Fontainebleau (Pháp) từ 1812 đến 1814. Ngài liên tục khấn xin Đức Mẹ ‘Đấng Phù Hộ Các Giáo Hữu’ che chở và phù trợ. Tại Savona, ngài đặt một triều thiên trên tượng ‘Đức Mẹ của Lòng Thương xót’ và xin Mẹ giúp ngài được giải thoát. Đức Giáo Hoàng được trả tự do, và trên đường trở về Vatican, ngài dừng chân tại Ancona (Ý) và đến trước tượng “Nữ vương các thánh”, dâng lên Mẹ một cây phủ việt bằng vàng để tôn vinh uy quyền của Đức Maria, đồng thời diễn bày lòng tri ân Mẹ vì đã giải thoát ngài. Vì thế, chúng ta thấy trên tượng Đức Mẹ Phù Hộ có mũ triều thiên và một phủ việt cầm trên tay. Vào năm 1815, Đức Giáo Hoàng Piô VII thiết lập phụng vụ mừng kính Mẹ Maria Phù Hộ và ấn định mừng lễ vào ngày 24 tháng 5.
Tước hiệu “Maria Phù Hộ Các Giáo Hữu” rất quan trọng với Don Bosco (tước hiệu này xuất hiện trong Lumen Gentium, được liên kết với tước hiệu “Mẹ Giáo Hội”).[2] Đức Maria Phù Hộ Các Giáo Hữu trở thành Đức Mẹ của Don Bosco và Don Bosco trở thành vị tông đồ quảng bá Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu. Don Bosco xác quyết: “Đức Mẹ muốn chúng ta tôn kính Mẹ dưới tước hiệu Phù Hộ Các Giáo hữu, thời đại thật buồn thảm đến nỗi chúng ta thực sự cần đến Đức Nữ Trinh cực thánh phù giúp trong việc bảo tồn và bảo vệ đức tin Kitô giáo”.[3]
Don Bosco hiểu biết, yêu mến, bắt chước và quảng bá Đức Maria[4] dưới tước hiệu Maria Phù Hộ Các Giáo Hữu. Ngài được Chúa quan phòng chọn để trở thành vị tông đồ nhiệt thành của lòng sùng kính Mẹ Phù Hộ. Tất cả các ơn lạ đã làm cho mọi người chạy theo thánh nhân, thánh nhân đều nói là do Đức Mẹ Phù Hộ thực hiện. Don Bosco luôn nhắc cho mọi người rằng “Anh chị em hãy kêu cầu Đức Mẹ phù hộ, Ngài sẽ không bao giờ bỏ anh chị em”. “Hãy kêu cầu Đức Maria Phù Hộ Các Giáo Hữu, Mẹ rất vui sướng giúp đỡ chúng ta” (MB XVI, 269).
Don Bosco biểu lộ lòng sùng kính đối với Đức Maria Phù Hộ Các Giáo Hữu cách đặc biệt bằng việc xây dựng ngôi thánh đường dâng kính Mẹ ở Valdocco (1868),[5] thành lập hiệp hội sùng kính Đức Maria Phù Hộ Các Giáo Hữu (ADMA, 1869)[6] và dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ (FMA, 1872).
Noi gương Don Bosco, các Salêdiêng cổ võ lòng sùng kính Đức Maria Phù Hộ Các Giáo Hữu của ngài qua việc lần hạt Mân Côi hằng ngày, kinh cầu xin Đức Maria Phù Hộ kết thúc nguyện gẫm, kính nhớ Mẹ Phù Hộ vào ngày 24 mỗi tháng, phép lành của Thiên Chúa nhờ sự chuyển cầu của Mẹ Phù Hộ (gọi tắt là phép lành Mẹ Phù Hộ),[7] tràng hạt sống (tràng hạt liên kết) trong tháng Đức Mẹ, cử hành tuần chín ngày mừng lễ Mẹ Vô Nhiễm và Mẹ Phù Hộ,[8] viết thư cho Đức Mẹ vào ngày 24 tháng 5,[9] siêng năng đọc “lời nguyện tắt”: Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu, cầu cho chúng con.[10]
- Don Bosco thành lập Hiệp hội Mẹ Phù Hộ (ADMA)
Được Chúa Thánh Thần thúc đẩy và đáp ứng những nhu cầu cấp bách và dấu chỉ của thời đại, Don Bosco đã hình thành nhiều nguồn lực tông đồ khác nhau và một phong trào rộng lớn những con người hoạt động vì lợi ích của giới trẻ và các tầng lớp lao động.
Hiệp hội Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu (ADMA), gọi tắt là Hội “Mẹ Phù Hộ”, do thánh Gioan Bosco thành lập “để thúc đẩy việc tôn thờ Thánh Thể và sùng kính Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu”.
Hiệp hội được thành lập theo giáo luật tại Đền thờ Đức Mẹ Phù Hộ ở Tôrinô vào ngày 18 tháng 4 năm 1869, và được Don Bosco “xem như là một thành phần không thể thiếu của dòng Don Bosco”.[11]
Đức Giáo Hoàng Piô IX phê chuẩn Hiệp hội vào ngày 5 tháng 4 năm 1870, thuộc về Gia đình Salêdiêng.
Với Sắc lệnh ngày 5 tháng 4 năm 1870, Đức Giáo Hoàng Piô IX đã phê chuẩn Hiệp hội với năng quyền quy tụ các nhóm khắp nơi trên thế giới cùng tên gọi và mục đích.
Ngày 5 tháng 7 năm 1989, cha Bề Trên Cả Egidio Viganò cùng với Ban Tổng Cố Vấn chính thức công nhận Hiệp hội Đức Mẹ Phù Hộ thuộc Gia đình Salêdiêng.
Tòa Thánh, thông qua Bộ Đời sống thánh hiến và Tu đoàn tông đồ, đã phê chuẩn Nội Quy Hiệp hội Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu vào ngày 7 tháng 10 năm 2003.
- Tóm tắt việc thành lập Hiệp hội Đức Mẹ Phù Hộ (ADMA)
Don Bosco đã thành lập Hiệp hội “Đức Mẹ Phù Hộ” (ADMA: Association of Devotees for Maria Auxiliarum Christianorum) để cuốn hút phần lớn các người tín hữu vào linh đạo và vào sứ mệnh của dòng Salêdiêng Don Bosco như nhóm thứ hai của công cuộc của ngài.
- Đấng sáng lập: Cha Thánh Gioan Bosco
- Ngày thành lập: Ngày 18 tháng 4 năm 1869
- Nơi thành lập: Tại Đền thờ Đức Mẹ Phù Hội ở Torino- Valdocco.
- Tên gọi của hiệp hội: Hiệp Hội Đức Mẹ Phù Hộ (ADMA).
- Ngày được công nhận bởi Giáo quyền: 05. 4 .1870 bởi Đức Giáo Hoàng Piô IX.
- Trở thành thành viên của Gia đình Salêdiêng: 05.7.1989.
- Sống Năm Thánh với Đức Maria
Trong Năm Thánh 2025, chúng ta hãy quyết tâm sống đẹp lòng Chúa, qua việc sống thân tình hơn với Đức Maria.
Lần chuỗi Mân Côi hằng ngày. Trong nhiều lần hiện ra, Mẹ Maria luôn nhắc nhở chúng ta lần chuỗi Mân Côi: “Hãy năng lần hạt Mân Côi”.
Kinh Mân Côi là bản tóm lược Tin Mừng, diễn tả các mầu nhiệm của Đức Kitô và các mầu nhiệm của Đức Maria.[12] Thật vậy, kinh Mân Côi suy niệm về sự nhập thể và cuộc đời ẩn giấu của Đức Kitô (các mầu nhiệm mùa vui), những khoảnh khắc đặc biệt trong cuộc đời công khai của Ngài (năm sự sáng), những khổ đau trong cuộc Thương Khó (mùa thương) cũng như cuộc vinh thắng khi Ngài phục sinh (mùa mừng). Với lời kinh Ave Maria, kính mừng Maria, những biến cố chính trong cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô đang diễn ra cho chúng ta. Kinh Mân Côi giúp chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô ngày một sát hơn cho đến khi chúng ta đạt tới sự thánh thiện.
Chúng ta có thể lần hạt bất kỳ lúc nào có thể, dù là trên đường đi làm, khi đi bộ, hoặc là một phần trong giờ cầu nguyện hàng ngày của chúng ta.
Năng đọc lời nguyện tắt: Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu, cầu cho chúng con.
Cử hành tuần chín ngày kính Mẹ Phù Hộ mỗi tháng (15-23):[13]
* Dấu thánh giá
* Kinh Lạy Cha
* Kinh Kính Mừng
* Kinh Sáng Danh
* “Chúng con thờ lạy và ngợi khen bí tích cực trọng là Mình Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô ngự thật trên bàn thờ”.
* Kinh Lạy Nữ Vương
* “Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu, cầu cho chúng con”
- Ý cầu nguyện tuần chín ngày tháng 2 (15-23/2):
1) Cầu nguyện cho ơn gọi linh mục tu sĩ
2) Cầu nguyện cho các công cuộc Tây Bắc (Lào Cai, Sử Pán [Sapa], Hương Tran [Phú Thọ])
[1] X. Chrys Saldanha, Khám phá đời thánh hiến Salêdiêng, 188.
[2] “Với tình từ mẫu, Mẹ Maria chăm sóc những anh em của Con Ngài đang lữ hành trên dương thế và đang gặp bao nguy hiểm, thử thách, cho đến khi họ đạt tới hạnh phúc quê trời. Vì thế, trong Giáo Hội, Ðức Nữ Trinh được kêu cầu qua các tước hiệu: Trạng Sư, vị Bảo Trợ, Ðấng Phù Hộ và Ðấng Trung Gian” (Lumen Gentium, 62).
[3] MB VII, 334.
[4] X. Phaolô VI, Tông huấn Marialis cultus (2 tháng 2 năm 1974).
[5] Tháng 12 năm 1862, Don Bosco tuyên bố ý định xây dựng thánh đường kính Mẹ Phù Hộ. Vào đầu năm 1863, Don Bosco tiến hành mọi việc để có được giấy phép; vào năm 1865 lễ đặt viên đá đầu tiên và năm 1868 và năm 1868, Vương Cung Thánh Đường Maria Phù Hộ Các Giáo Hữu được khánh thành. Nhân dịp này, Don Bosco viết quyển Mẹ Maria được khẩn cầu dưới tước hiệu Mẹ Phù Hộ (Giovanni Bosco, Maraviglie della Madre di Dio invocata sotto il titolo di Maria Ausiliatrice, Tipografia dell’oratorio di san Francesco di Sales, Torino 1868).
[6] ADMA: Association of Devotees for Maria Auxilium Christianorum. Ngày 05.7.1989, cha Bề Trên Cả Egidio Viganò công nhận Hiệp Hội sùng kính Đức Mẹ Phù Hộ thuộc về Gia đình Salêdiêng.
[7] Công thức Phép lành do Don Bosco soạn thảo và được bộ Phụng tự phê chuẩn ngày 18 tháng 5 năm 1878 (x. Preghiamo. Maria Ausiliatrice, Elledici, Torino 2007,11).
[8] “Chúng ta hãy tận dụng những dịp tốt vào tháng Mẹ Maria, tuần chín ngày kính Mẹ, các ngày lễ kính Mẹ, để phó thác cho Mẹ Phù Hộ. Ngài chuẩn bị nhiều ơn để ban cho những ước muốn của chúng ta! Ơn thiêng liêng, ơn vật chất, ơn sức khỏe, ơn học hành và cho cha mẹ chúng ta” (MB XIII, 407-408).
[9] Trong Tuần chín ngày mừng lễ Đức Maria Phù Hộ Các Giáo Hữu, các tín hữu được mời gọi viết thư cho Đức Maria: Tâm sự, kể chuyện, cầu nguyện với Mẹ, bỏ vào phong bì dán kín và để vào hòm thư đặt trong nhà thờ. Trước Thánh Lễ mừng kính Mẹ Phù Hộ vào ngày 24 tháng 5, sẽ có nghi thức đốt thư, và sau Thánh Lễ mọi người sẽ được nhận lại thư trả lời của Đức Mẹ (bằng một tấm ảnh Mẹ Phù Hộ có ghi những lời khuyên hoặc những ý tưởng sống tốt).
[10] X. Hiến Luật Salêdiêng, 92; Quy Chế Salêdiêng, 74; Adriaan Van Luyn, Maria nel carisma salesiano, LAS, Roma 1987, 17.
[11] Pietro Ricaldone, Maria Ausiliatrice, Colle Don Bosco 1951, 83.
[12] Gioan Phaolô II, Rosarium Virginis Mariae, chương 2.
[13] X. Cộng thể Salêdiêng cầu nguyện, Trong đối thoại với Chúa, 69-70.