YANGON, Miến Điện (CNS) – Từ ngày 27.11, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã đến thăm đất nước Miến Điện trong 4 ngày và được các em thiếu nhi trong trang phục truyền thống chào đón tại phi trường cùng với các vị Giám mục của Miến Điện.
Nghi thức chào đón Đức Thánh Cha tại phi trường Yangon được cử hành cách vắn gọn với sự hiện diện chào đón của vị đặc sứ Tổng thống, vì nghi thức chào đón chính thức sẽ được cử hành vào ngày hôm sau tại Naypyitaw, thủ đô của đất nước này kể từ năm 2005.
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã có một “cuộc thăm viếng xã giao” với các vị lãnh đạo của giới quân sự quyền lực của đất nước. Đức Thánh Cha đã tiếp kiến Tướng Min Aung Hlaing cùng với 3 tướng lãnh khác và một Trung tá tại toà Tổng Giám mục Yangon, nơi Đức Thánh Cha đang lưu ngụ trong những ngày này.
Greg Burke, Giám đốc của Văn phòng Báo chí Vatican, đã nói với các phóng viên rằng cuộc gặp gỡ đã diễn ra trong vòng 15 phút. Sau khi trao đổi về “những người trách nhiệm lớn nhất của đất nước vào giai đoạn chuyển đổi này”, hai bên đã trao tặng quà cho nhau.
Greg Burke cho biết Đức Thánh Cha đã trao tặng Tướng Min Aung Hlaing một chiếc mề-đai để kỷ niệm cuộc thăm viếng đất nước Miến Điện của ngài, còn vị Tướng đã trao tặng Đức Thánh Cha “một chiếc đàn harp hình chiếc thuyền và một chén cơm được trang trí hoa văn đẹp”.
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã có lịch trình gặp vị tướng vào buổi sáng cuối cùng tại Miến Điện ngày 30.11. Dầu đất nước Miến Điện đang trong giai đoạn chuyển đổi từ việc cai trị quân sự sang thể chế dân chủ, vị Tướng vẫn nắm quyền lực để chỉ định một số nhà lập luật và một số vị bộ trưởng chính phủ. Greg Burke còn cho biết dù đây chỉ là một “cuộc thăm viếng xã giao” chứ không phải là một cuộc chào đón chính thức, nhưng cuộc thăm viếng này dường như đi ngược với những thủ tục bình thường, đó là việc Đức Thánh Cha thường có những cuộc gặp gỡ đầu tiên với những vị giới chức là đầu của quốc gia hay của chính phủ.
Greg Burke không cho biết Đức Thánh Cha Phan-xi-cô có đề cập cách nào đó đến sự kỳ thị người Rohingya, một bộ tộc thiểu số Hồi giáo hiện sinh sống ở bang Rakhine của Miến Điện hay không. Bộ tộc này vốn bị đối xử như những người ngoại bang trong đất nước. Vị tướng Min Aung Hlaing đã từng bị những tổ chức nhân quyền lên án về những biện pháp khắc nghiệt bất công của ông đối với cộng đồng người Rohingya sau những cuộc tấn công vào những nhóm vũ trang nhỏ bé của người Rohingya.
Đức Thánh Cha đã đến đất nước Miến Điện trong chuyến bay đêm kéo dài hơn 10 giờ bay từ Rô-ma. Các em thiếu nhi trong những trang phục truyền thông, đại diện cho một phần của các bộ tộc thiểu số tại Miến Điện, đã cùng với 100 em thiếu nhi khác với váy và áo pun màu trắng, tay cầm logo của cuộc thăm viếng, chào đón Đức Thánh Cha.
Dọc con đường từ phi trường vào trong thành phố, người ta thấy treo những biểu ngữ chào đón: “Nhiệt liệt chào đón Đức Thánh Cha Phan-xi-cô”.
Vì chuyến bay cất cánh muộn về đêm, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô chỉ dành cho các phóng viên một ít thời gian hơn thường lệ. Ngài không nói gì về những điểu mong đợi trong chuyến thăm viếng này, chỉ nói rằng ngài được cho biết thời tiết tại Yangon thì nóng và ngài hy vọng các phóng viên không phải vất và nhiều.
Như thường lệ, Đức Thánh Cha đã gởi điện tín cho các vị lãnh đạo của 13 quốc gia mà ngài đã bay qua trong lần này, kể cả nước Ý.
Trong điện tín gởi cho Tổng thống Ý là Sergio Mattarella, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nói rằng ngài đến thăm viếng đất nước Miến Điện và Bangladesh từ ngày 27.11 đến ngày 02.12 như là “một người hành hương hoà bình, để khích lệ những cộng đồng Công giáo nhỏ bé nhưng rất nhiệt thành, đồng thời để gặp gỡ các tín hữu của những tôn giáo khác”.
Đa số dân chúng tại Miến Điện theo đạo Phật, trong khi đa số những người Bangladesh lại theo Hồi giáo. Đức Thánh Cha đã có những cuộc gặp gỡ những nhà lãnh đạo các tôn giáo tại cả hai quốc gia.
Văn Chính, SDB chuyển ngữ