Đôi dòng suy tư nhân ngày nhà giáo Việt nam 20/11 – Sống cùng với học sinh

     Bạn thân mến, khi viết nên những dòng suy tư về giáo dục nhân ngày nhà giáo 20/11, tôi tự hỏi, bạn là ai khi đang đọc những tư tưởng đơn sơ này: Bạn là một nhà giáo hay bạn là một học sinh? Tuy nhiên, có lẽ điều đó không quan trọng, bởi vì chung quy, tất cả chúng ta đều đã và đang trải qua những năm tháng sống trong những khung trời giáo dục, cho dù chúng ta đang đóng những vai trò khác nhau trong xã hội này.

     Khi nhìn lại bầu khí giáo dục mà bạn đã và đang trải qua, có lẽ dù là nhà giáo dục hay là người được thụ hưởng giáo dục, bạn cũng sẽ chân nhận một điều rằng, chúng ta đã nói quá nhiều, đã dạy và học quá nhiều, chúng ta truyền đạt và răn dạy nhau quá nhiều. Và trong vòng xoáy của giáo điều ấy, chúng ta bị cuốn đi, bị lạc hướng trong việc hiểu biết nhau. Thầy cô không hiểu học trò, học trò không hiểu thầy cô. Điều đó cũng đúng thôi, bởi vì điểm chung của thầy và trò phần lớn chỉ là kiến thức trong những giờ chính quy.

     Trong khi đó, yếu tố thiết yếu để tạo nên một dòng chảy chung trong tương quan thầy trò chính là “sự hiện diện”, là “sống cùng với nhau”. Don Bosco, một nhà giáo dục đại tài đã khám phá ra con đường ấy, đến độ “ngài tận dụng mọi cơ hội để sống giữa trẻ em hoặc tham dự các trò chơi ngoài sân hay ngồi trên đồng cỏ, với bảy hay tám vòng trẻ em vây quanh chăm chú nghe ngài nói, như thể những bông hoa hướng về mặt trời.” (Carlo Ambrogio, Giáo dục theo gương Don Bosco).

     Đến đây, tôi và bạn tự hỏi chính mình rằng, trong khi dạy dỗ con em hay học trò của mình, chúng ta đã có bao nhiêu lần cùng ngồi trò chuyện, cùng vui chơi với các em? Những điều tưởng như đơn giản nhưng lại là chìa khóa để chúng ta có thể hiểu nhau, có thể đi tới chân trời tâm hồn của nhau. Chẳng lạ gì khi một đứa trẻ dễ dàng gần gũi với cha mẹ, trò chuyện và thổ lộ mọi sự với cha mẹ, đó là bởi vì cha mẹ có thời gian để cùng chơi, nói chuyện, là một người bạn với con của mình. Chẳng lạ gì khi thầy cô có thể dễ dàng chinh phục được học trò, không phải bởi kiến thức cao sâu, mà là bằng một “sự hiện diện”, bằng sự quan tâm và hỏi han trong những giờ chơi, những giờ tán gẫu…

     Từ đó, thầy và trò không còn cần phải nói quá nhiều, dày vò nhau quá nhiều, nhưng lại có thể bắt được tần số của nhau và làm trổ sinh hoa trái của giáo dục. Khi tới giai đoạn mà sự hiểu biết nhau đạt tới một mức độ cao, thì chỉ cần một cái vỗ vai, hay một cái nhìn, một nụ cười thôi, thì thầy và trò cũng có thể hiểu nhau và cùng nhau tạo nên một bầu khí của gia đình.

     Và để có thể đi tới chân trời tâm hồn của nhau, chúng ta cần có một đam mê, đam mê ở cùng với học sinh. Với lòng yêu mến, chúng ta dễ dàng chấp nhận hy sinh thời gian, sức lực, chịu mệt mỏi, để bắc những chiếc cầu nối đôi bờ của những tâm hồn lại với nhau. Và như thế, giáo dục quả thực như Don Bosco đúc kết, chính là “chuyện của con tim”.

     Kính chúc quý Thầy cô giáo, những người đang ngày đêm vất vả với sứ mệnh trồng người, một ngày nhà giáo thật ý nghĩa và dồi dào lòng yêu mến, để tiếp tục vững bước trong hành trình đưa đò đầy gian nan của mình.

Lm. Augustinô Đỗ Phúc, SDB

Visited 22 times, 1 visit(s) today