DẠY TRẺ BIẾT KHEN

Ở trường phổ thông tại thành phố Tôrinô, có một cậu bé thông minh, nhưng lười biếng, không chịu học, người cha bận rộn của cậu đã hỏi thăm bạn hữu xem phải xử sự với cậu thế nào, phải gửi ở đâu để khỏi lây nhiễm ảnh hưởng của những trẻ em hư hỏng. Một người bạn đề nghị:

– Tôi biết một linh mục ở Valdocco mới mở một trường học.

– Tên Ngài là gì?

– Don Bosco.

– À, Don Bosco, nhưng trường của Ngài lại dành cho trẻ em nghèo, nó rất thấp so với địa vị xã hội của chúng ta. Chắc chắn con tôi không thích ứng được.

Nghe biết câu chuyện, cậu bé đang đứng đó nói xen vào:

– Thưa cha, tại sao không? Cha cứ gửi con vào đó và sẽ thấy con sống tốt.

Đêm hôm đó, cậy bé mơ thấy: hình như cậu đang ở trong sân chơi với tờ giấy trong tay, còn các em khác thì vỗ tay mừng một linh mục đứng trên ban công của một ngôi nhà; sau đó cậu chạy lên cầu thang để hôn tay Ngài: linh mục ấy tốt quá. Ngài đã khen cậu: “Con là một đứa trẻ tốt”.

Vài tháng sau, cậu vào Nguyện xá của Don Bosco. Hầu như cậu đã quên giấc mơ. Những ngày đầu cậu thật khổ sở khi phải khép mình vào nếp sống của nhà trường, mà Don Bosco thì vắng nhà. Một ngày kia, thầy giáo đưa cho cậu một xấp giấy bảo mang tới một vị bề trên. Khi lên cầu thang, cậu nghe tiếng vỗ tay. Có chuyện gì thế? Cậu chạy vào sân chơi và lòng đầy phấn khởi. Cậu cũng bắt đầu vỗ tay, và kêu lên: “Hoan hô, hoan hô”. Tất cả đều hướng nhìn Don Bosco vừa trở về sau một thời gian xa vắng; Ngài đứng trên ban công và đáp lại lời chào của các em. Cậu bé nhớ lại giấc mơ: sân chơi, đám trẻ, ngôi nhà, linh mục và xấp giấy trong tay. Cậu rùng mình xúc động. Cậu leo lên cầu thang, chạy trên ban công, hôn tay Don Bosco và nhận được một lời khen: “Con là một đứa trẻ ngoan”. Suốt đời, cậu không hề quên lời khen đó.

Đối với tâm hồn trẻ em, lời khen như thể là ánh sáng mặt trời: nếu không nhận được, trẻ em không phát triển và tấn tới. Hãy dạy cho trẻ em của bạn biết khen người khác, nhất là khen các bạn của chúng với những lời khen nồng nhiệt, và tránh nói những lời phê bình lạnh lùng. Có ai biết được vì đâu mà trẻ em hà tiện lời khen! Có lẽ vì chúng thấy ít có người biết đón nhận lời khen cách thoải mái. Chúng thấy rằng người nhận lời khen thường tỏ ra lúng túng và tự vệ; tuy nhiên lời khen làm cho chúng rất hài lòng.

* Hãy dạy trẻ em biết nói tốt về người khác, biết khen một cách gián tiếp! Các lời khen sẽ dễ chịu hơn, nếu chúng được nhận qua trung gian: qua thư từ hay qua người thứ ba chuyển lại. Những phê bình ác ý tới tai người liên hệ rất nhanh; tại sao những lời khen không có được sự mau lẹ như thế?

* Hãy dạy trẻ em biết rằng những người làm công việc đơn điệu, thấp hèn phải được đánh giá cao: chẳng hạn, người phát thư, người lính biên phòng… Hãy dạy trẻ em biết khen không chỉ những công việc dễ chịu và thích thú, nhưng cả những công việc mệt nhọc, bẩn thỉu, chẳng hạn như quét dọn đường phố. Lời khen phải là phần thưởng dành cho người mẹ đầy hy sinh trong gia đình.

* Theo bản năng, khi chăm sóc các em bé, các bà mẹ đều biết rằng một lời khen có giá trị hơn nhiều lời quở trách. Có một bà mẹ nọ, vì mất kiên nhẫn đã la mắng mấy đứa con đang cãi lộn:

– Có im ngay đi không? Các con không thể chơi đùa êm nhẹ một chút sao?

Một trong những đứa con gái lớn liền trả lời:

– Thưa má, chúng con có thể chơi êm nhẹ được chứ, nhưng khi chúng con làm như vậy, thì má đâu có để ý gì.

Lúc ấy bà mẹ mới hiểu rằng lời khen khích lệ trẻ em biết là chừng nào. Các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng trẻ em có khuynh hướng lặp lại cách vui vẻ các hành vi được tán thưởng.

* Lời nói không mất tiền mua. Một lời khen hầu như chẳng tốn kém gì hay chỉ tốn một chút suy nghĩ, một chút nỗ lực của bác ái: chỉ cần gọi điện để nói một lời thăm hỏi hay năm phút để viết một lá thư thân thiện chất chứa lời khen. Một nhà trí thức lớn đã nói: “Tôi cảm thấy có thể tiếp tục thêm hai tháng nữa chỉ nhờ vào một lời khen hay một câu thăm hỏi”.

* Hãy dạy trẻ em của bạn biết nhận ra những việc tốt, dù lớn hay nhỏ, ở chung quanh chúng và khen các việc đó. Chúng sẽ làm vui lòng nhiều người và sẽ tích lũy được nơi lòng chúng một niềm vui khôn tả.

Tác giả: Lm. Carlô Ambrôgiô SDB
Người dịch: Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB


 

Visited 1 times, 1 visit(s) today