EAO – Jakarta, ngày 06 tháng 8 năm 2024 – Đại hội Salêdiêng Sư Huynh vùng EAO lần thứ 8 đã chính thức khai mạc, do Tỉnh dòng Salêdiêng Indonesia (INA) đăng cai tổ chức tại trung tâm mục vụ Puspas Samadi ở Klender, Đông Jakarta. Chủ đề của đại hội năm nay là “Sống giấc mơ của Don Bosco cho giới trẻ ngày nay theo bước chân của Thánh Artemides Zatti, Bậc đáng kính Simon Srugi và Chân phước Steven Sandor,” suy tư về việc đào sâu ơn gọi Salêdiêng Sư Huynh và chia sẻ những thực hành tốt nhất giữa các tỉnh dòng .
Được tổ chức sáu năm một lần, Đại hội Salêdiêng Sư Huynh vùng EAO quy tụ các Salêdiêng Sư Huynh từ khắp khu vực để trao đổi kinh nghiệm và giải quyết những thách thức đương đại. Sự kiện năm nay đã thu hút hơn một trăm Salêdiêng Sư Huynh, cùng với một số Salêdiêng Linh mục từ tất cả các Tỉnh dòng Salêdiêng trong khu vực và các đại diện của Cố vấn Trung ương. Cha Giuse Nguyễn Thịnh Phước – cố vấn vùng EAO chào mừng các tham dự viên và chuyển tải thông điệp ủng hộ và cầu nguyện của Bề Trên Cả cho sự thành công của đại hội.
Phiên buổi sáng có bài phát biểu quan trọng của thầy Jean-Paul Muller, SDB, Tổng quản lý trung ương, ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quay trở lại tầm nhìn của Don Bosco đối với các Salêdiêng Sư Huynh, nhấn mạnh sự cần thiết phải được loan báo và làm gương cho giới trẻ. Ngài nhấn mạnh rằng Salêdiêng Sư Huynh phải lệ thuộc vào Thiên Chúa, thiết lập các mối quan hệ có ý nghĩa và sống một cuộc sống cộng đoàn được đánh dấu bằng việc cầu nguyện và làm việc. Ngài nhấn mạnh rằng Salêdiêng Sư Huynh không nên là những nhân vật đơn độc mà nên tích cực tham gia vào đời sống cộng đoàn và chăm sóc lẫn nhau.
Thầy Muller cũng bàn luận về Hệ thống giáo dục Dự phòng, lưu ý đến sức mạnh lâu dài của nó trong việc biến đổi những thách thức và thúc đẩy niềm hy vọng nơi giới trẻ. Ngài thừa nhận rằng trong khi yêu thương người khác khiến người ta dễ bị thiệt thân thì tấm gương của các Thánh Salêdiêng khuyến khích sự kiên trì và lòng can đảm.
Buổi chiều, các tỉnh dòng trình bày đánh giá các nghị quyết của Đại hội lần thứ 7 tổ chức tại Việt Nam. Sau thời gian nghỉ ngơi ngắn, những tham gia dự viên được trải nghiệm văn hóa, học chơi Angklung, một loại nhạc cụ bằng tre truyền thống, dưới sự hướng dẫn của một người dạy trẻ em đặc biệt.
Buổi tối bao gồm phần trình diễn văn hóa, trong đó các tỉnh dòng giới thiệu các khía cạnh di sản của đất nước họ. Ngày kết thúc bằng việc lần hạt và kinh tối, sau đó những tham dự viên trở về nơi ở của mình, sẵn sàng cho các hoạt động ngày hôm sau.
Nguồn: https://www.bosco.link/webzine/96051
Chuyển ngữ: Augustinô Đỗ Phúc, SDB