Thỉnh thoảng, đời có những khoảng vui, và trên đường đi cũng có thể bắt gặp những khuôn mặt vui. Nhưng để “đánh giá” niềm vui ấy có thật không thì e rằng có khoảng cách khá xa giữa “cái thấy” và “cái thật”. Làm một phép so sánh, ắt có ngay một kết luận: Vui hiếm, buồn nhiều. Không tin, cứ lắng nghe cuộc sống, ta sẽ có ngay sự đồng thuận.
Trong trái tim đầy muộn phiền của ta có mấy lúc vui? Đôi khi vui đấy rồi buồn đấy vì chính niềm vui ấy lại là nỗi buồn, chẳng hạn nỗi buồn vì niềm vui mất!
Tất nhiên, cuộc đời có nhiều lý do để người ta vui sống. Sự tăng trưởng kinh tế, những khả thể mới về việc làm, những chia lìa rồi hợp lại … tất cả đều là những tín hiệu vui. Lớp đàn em có đủ điều kiện cần thiết, tân tiến để học hành. Lớp trẻ có đủ sức để rộng mở tầm nhìn đến thế giới hiện đại và toàn cầu hóa. Thật thế, những người đã từng kinh qua giai đoạn khó khăn đã có thể nói rằng cuộc sống bây giờ là quá tốt!
Nhưng trong thực tế, người ta khó mà đánh giá về niềm vui bằng “chỉ số của sự bằng lòng” với cuộc sống của con người. (Vì rằng, ai mà biết được bao nhiêu là niềm vui của một người từ “đời xe đạp và cuốc bộ” lên “đời xe hơi”, và của một người bị xe hơi ràng buộc bấy lâu, nay được tự do dạo chơi trên xe đạp!) Và rồi, để cho dễ sống, mỗi ngày ta cố chọn cho mình một chút vui vẻ và bằng lòng với nó.
Riêng đối với những ai phải lo giáo dục người trẻ, mối lo âu là chuyện hằng ngày. Đây là công việc đầy thách đố vì ngoài chuyện vật chất, người ta phải nghĩ đến việc làm thế nào để chuyển tải các “giá trị làm người” cho thế hệ trẻ. Hơn lúc nào hết, chúng ta nghe nói đến những thuật ngữ hết sức chuyên môn về tình trạng người trẻ hôm nay như “sức ép công việc”, “căng thẳng tinh thần”, “chấn thương tâm lý”, “bức xúc sinh – thể lý” và nhiều điều khác nữa. Và những chuyện này nhiều khi được nhắc đến để giúp giải thích cho nguyên nhân của những sai phạm, hay biện minh cho những tiêu cực đã và đang xảy ra trong giáo dục. Và rồi, câu chuyện giáo dục cứ tiếp diễn trong sự lo lắng, ngán ngẩm…
Giáo dục, dù cách nào đi nữa đều phải nhắm đến việc chuyển tải các giá trị sống. Người giáo dục chỉ vui khi thấy các giá trị của điều mình học hỏi, điều mình xác tín và truyền thụ được biến thành hiện thực nơi lớp đàn em. Tất nhiên kết quả giáo dục không thể thấy được một sớm một chiều. Nó cần thời gian để thấm vào trí tuệ và tâm hồn con người. Nó cần thời gian để kiểm định và thể hiện nơi chọn lựa của mỗi cá nhân được giáo dục; và không ai trong chúng ta có thể thúc ép người khác lớn lên trước kỳ hạn hay như ta mong muốn. Niềm vui giáo dục như thế luôn đi kèm sự kiên nhẫn và hy vọng. Nếu không có hai điều này, niềm vui trong giáo dục chỉ là sự vui vẻ tạm thời, làm việc cho qua ngày để tồn tại và sẽ tàn phai trong sự bằng lòng, hời hợt với những gì mình đang làm cho người trẻ. Và rồi, đúng là “đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”, một thế hệ sẽ tiếp tục vòng luẩn quẩn này.
Vài phác họa về niềm vui và đề xuất để sống trong niềm vui theo Kitô giáo
Khi được hỏi “niềm vui thật là gì” và “niềm vui hệ tại điều chi”, chắc chắn mỗi người đều có những kinh nghiệm để chia sẻ, nhưng chung lại, có thể tóm lược niềm vui ở một vài cảm nhận như: Niềm vui là cảm xúc khi mình được đáp ứng một nguyện vọng, khi làm xong một công việc được giao phó, khi tìm thấy một câu trả lời cho vấn đề mình đang suy nghĩ, khi gặp lại một người đã xa cách, khi hàn gắn lại được những rạn nứt trong một mối tương quan nào đó, khi hài lòng vì những gì mình mơ ước đã và đang trở thành hiện thực…
Ai cũng biết và cảm nhận rằng niềm vui có nhiều cung bậc khác nhau, có thể thoáng qua phút chốc, hoặc có thể kéo dài và bền lâu. Ai khôn thì chọn cho mình thứ niềm vui lâu bền, còn dại thì nhặt lấy thứ chóng qua.
Niềm vui trong Kitô giáo
Trong suy tư kitô giáo, niềm vui được nói đến là niềm vui ở chiều sâu mà không đau khổ nào chạm tới được. Niềm vui này không hệ tại ở cái được mất, ở cái giầu nghèo, nhưng được cảm nghiệm và diễn đạt thông qua lối sống theo các nhân đức. Với Đức Tin đó là sống trong tương quan với Thiên Chúa; với Đức Ái là yêu thương và chia sẻ cuộc sống với anh chị em; với Hy vọng là suy nghĩ và hành động vì một tương lai tốt lành sẽ đến cho tất cả mọi người. Trên cơ sở này thì niềm vui Ki-tô giáo là niềm vui vừa cao, vừa sâu, vừa rộng và cũng hết sức thực tế.
Bạn có thể hình dung niềm vui này nơi những ki-tô hữu đầu tiên: «Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ» (Cv 2, 46-47).
Trong số các văn bản Kitô giáo thời các giáo phụ, được viết khoảng những năm 120-140, bạn có thể đọc đoạn văn tuyệt vời này:
«Hãy đuổi cho xa khỏi bạn sự muộn phiền, vì đó là cô em gái của sự nghi ngờ và giận dữ. Bạn sẽ là một người không biết phân định nếu không hiểu rằng nỗi buồn là điều tai ác nhất trong tất cả những cảm xúc, và nguy hại đến các con cái của Thiên Chúa: nó hủy hoại con người và xua đuổi Chúa Thánh Thần ra khỏi tâm hồn bạn. Hãy làm sao cho bản thân bạn được trang bị bởi niềm vui, vì đó là điều luôn luôn đẹp lòng Thiên Chúa. Một người có niềm vui sẽ làm điều tốt, nghĩ về những điều tốt và tránh những điều xấu. Ngược lại, một người buồn rầu luôn nghĩ những điều tiêu cực và làm những việc không tốt. Hậu quả tồi tệ trước hết là người đó làm buồn lòng Chúa Thánh Thần, Đấng cho ta biết rằng con người không bắt nguồn từ đau khổ nhưng từ niềm vui. Hệ lụy tiếp theo là bỏ bê việc cầu nguyện và ngợi khen Chúa, và phạm tội… Hãy giữ mình khỏi nỗi buồn xấu xa này, và bạn sẽ sống trong Thiên Chúa. Những ai sống trong Thiên Chúa sẽ bỏ xa những phiền buồn và mặc cho mình tất cả niềm vui» (Giáo phụ Erma, Lời khuyên răn thứ mười).
Để sống niềm vui Kitô giáo trong ngày hôm nay
Trong bài giảng ở Nhà nguyện Thánh Marta, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã có những phân tích và lời khuyên rất thú vị về việc sống niềm vui khi phân biệt giữa “sự vui vẻ tạm thời và hời hợt” với “niềm vui sâu xa”:
«Kitô hữu là người của niềm vui. Đúng, điều này chính Chúa Giêsu và Giáo Hội dạy chúng ta, trong thời gian này một cách đặc biệt. Niềm vui này là gì? Sự vui vẻ ư? Không, hai điều đó không giống nhau. Vui vẻ là tốt, nhưng niềm vui mà chúng ta đang nói là chuyện khác. Đó một cái gì đó không mang tính tạm thời hay phụ thêm; đó là một cái gì đó sâu sắc hơn; đó là một món quà. Sự vui vẻ, điều mà chúng ta muốn sống mọi ngày, trong sự tạm thời sẽ biến thành mờ nhạt, hời hợt, và cũng dẫn chúng ta đến tình trạng thiếu sự khôn ngoan Kitô giáo, nó biến chúng ta thành khờ dại. Tất cả mọi thứ là vui vẻ? Không! Niềm vui là chuyện khác. Niềm vui là một món quà từ Thiên Chúa. Nó lấp đầy chúng ta từ bên trong. Đó là việc “xức dầu hoan lạc” của Chúa Thánh Thần. Và niềm vui này là sự đảm bảo rằng Chúa Giêsu ở với chúng ta».
Người kitô hữu có niềm vui sẽ sống trong sự bình an, và đó là tặng ân của Chúa Giê-su Phục sinh và của Thánh Thần, và niềm vui của họ phải được chia sẻ. Đức Giáo Hoàng Phanxico nhấn mạnh:
«Nếu chúng ta chỉ muốn dành niềm vui này cho chính bản thân mình thì cuối cùng ta “bị bệnh” và trái tim của chúng ta trở nên “dúm dó”; khuôn mặt của chúng ta không chuyển tải được niềm vui nhưng là nỗi âu lo, u sầu, mà đó không phải dấu chỉ của sự khỏe mạnh. Đôi khi các Kitô hữu như thế có khuôn mặt u sầu hơn “ớt ngâm giấm”, trong lúc chỉ cần một chút niềm vui là sẽ có một cuộc sống tươi đẹp.
Niềm vui không thể dừng lại: nó phải đi. Niềm vui là một đức hạnh trong cuộc hành hương. Đó là một món quà ra đi, đi trên con đường của cuộc sống, đi với Chúa Giêsu, cùng với Chúa Giêsu rao giảng niềm vui, trải dài và mở rộng đường Tin mừng. Niềm vui là một trong những nhân đức tuyệt vời của những con người vĩ đại – người biết đứng trên sự nhỏ nhặt, yếu kém của nhân tính và không để cho những điều này lôi cuốn, để rồi không muốn tham gia vào những công việc trong cộng đồng Giáo Hội. Họ luôn luôn nhìn về phía chân trời mới».
Niềm vui đích thực là một hồng ân giúp con người thay đổi chính mình và lớn lên trong Thần Khí Chúa. Niềm vui đích thực chỉ có được khi con người biết hướng thiện và khao khát những điều tốt lành. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc nhở:
«Đó là một hồng ân giúp chúng ta đạt đến những phẩm hạnh của sự cao thượng. Kitô hữu là người biết sống cao thượng, họ không thể là “kẻ yếu tim”. Và cao thượng là phẩm tính của người biết sáng tạo, luôn luôn đi về phía trước, với hồng ân tràn đầy của Chúa Thánh Thần. Niềm vui, đó một ân sủng mà chúng ta phải cầu xin Chúa.
Một cách đặc biệt trong thời gian này, Giáo Hội mời gọi chúng ta cầu nguyện cho niềm vui và cho những mong ước của con người, về những gì mang lại điều thiện hảo cho đời sống của người Kitô hữu…
Điều mong ước thiện hảo của ta càng nhiều bao nhiêu, niềm vui sẽ càng lớn lao bấy nhiêu. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ân sủng và món quà này của Ngài: niềm vui Kitô giáo. Xin Ngài giúp chúng ta tránh xa buồn rầu, xa những sự vui vẻ đơn giản. Niềm vui thật là một chuyện khác. Đó là một hồng ân cần phải cầu xin từ Thiên Chúa».
Khi bạn vui là lúc bạn sống. Chúc tất cả mọi người xa gần quanh tôi tràn đầy “niềm vui đích thực”, niềm vui làm nảy mầm nhiều hy vọng mới từ những khó khăn thử thách và từ những đòi hỏi của cuộc sống đang cần nhiều sáng kiến và nhiều kiên trì hơn trong việc giáo dục.
Lê An Phong, SDB