Cái chết là ẩn số lớn nhất mãi luôn đeo bám phận người. Làm người ai cũng phải chết. Ẩn số này là bài toán không có lời giải đối với bao triết gia cũng như các lãnh tụ tôn giáo từ xưa đến nay. Nhưng đáp án cho bài toán nan giải này đã được Chúa Giêsu khải thị trong trình thuật Tin Mừng hôm nay. Trước khi cho Lazarô sống lại, Chúa đã nói với Matta: “Thầy là sự Phục sinh và là Sự Sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy thì không bao giờ phải chết”. Phép lạ làm cho Lazarô trỗi dậy sau 4 ngày được mai táng trong huyệt mộ đã chứng minh quyền năng Thiên Chúa nơi Đức Giêsu.
Chúa khóc
Đứng trước cái chết của Lazarô, Chúa Giêsu đã thổn thức, đã xao xuyến trong lòng và đã khóc (c 33, 38). Chúa Giêsu là một Thiên Chúa rất Thiên Chúa, đồng thời cũng là một con người rất con người. Là Thiên Chúa quyền năng, Ngài có thể làm cho kẻ chết sống lại, điều mà con người không ai có thể làm được. Nhưng, là con người, Chúa cũng từng run sợ khi đối diện trước cái chết. Chung hòa kiếp sống làm người, Chúa vui với kẻ vui, khóc với người khóc. Ngài chung chia niềm vui cũng như nỗi buồn với bất cứ ai. Lặng đứng trước ngôi mộ nơi an táng người quá cố, Chúa Giêsu đã bật khóc.
Chúa Giêsu khóc không phải chỉ vì thương tiếc người bạn thân thiết đã ra đi. Ngài cũng không rơi lệ chỉ để tỏ bày lòng thương cảm đối với 2 chị em Matta và Maria. Nhưng Chúa đã khóc khi nghĩ đến phận người, và chính Ngài cũng đang chung chia thân phận bi thương ấy. Chúa biết trước rằng mình sẽ chết, một cái chết kinh hoàng và khủng khiếp giống như một tên tội phạm bị nhận xuống tận đáy bùn đen của xã hội loài người. Ngài sợ, và nỗi khiếp sợ này được tái hiện rõ nét hơn trong cơn hấp hối nơi vườn cây dầu. Ngài kinh hãi đến độ mồ hôi trộn với máu toát ra. Đứng trước mùi tử khí, Chúa đã khóc, những tiếng khóc kèm theo bao đau đớn vì biết trước rằng, mình sẽ phải nếm trải cái chết giống như vậy.
Chết là gì?
Đây là câu hỏi hóc búa nhất từ xưa đến nay. Đây cũng còn là bài toán trầm kha mà bao triết gia đã nhọc công vắt óc suy tư mà mãi vẫn không tìm ra được đáp án. Triết gia Jean Guitton, bạn thân của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 đã kể lại một giai thoại. Hồi còn nhỏ, ban đêm ông ngủ với mẹ. Nhà hàng xóm bên cạnh có người chết. Giữa đêm khuya tĩnh lặng, có tiếng khóc ai oán vang xa nghe thật não nuột. Thằng bé sợ quá ôm chồm lấy mẹ. Nó thì thầm hỏi: “Mẹ ơi, chết là gì hở mẹ?” Bà mẹ trẻ lúng túng không biết trả lời đứa bé thế nào. Bà bật dậy ngồi vào bàn lấy cuốn Kinh thánh ra đọc. Trong Tin Mừng Gioan bà đọc thấy đoạn viết: “Trước lễ vượt qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng (Ga 13,1)”. Gấp sách lại, bà trở về giường và trả lời đứa con: “Con ơi, chết là trở về với Cha và yêu thương đến cùng”. Nơi Đức Giêsu, chết không phải là một dấu chấm hết, kết thúc cuộc đời cách vô nghĩa, nhưng là cửa ngõ mở thông dẫn đến một chân trời mới. Chết không phải là sự ra đi nhưng là cuộc hành trình trở về, trở về với Chúa Cha. Cái chết của Đức Giêsu trở nên cánh cửa đưa dẫn đến sự Phục sinh vinh thắng và đây là đáp án cho mọi ẩn số nơi thân phận bi thương của kiếp người. Thánh Augustinô đã viết: “Có một thời để sống, một thời để chết và một thời để đi vào vĩnh cửu. Thời để sống là lúc chúng ta đi tìm kiếm Thiên Chúa. Thời để chết là lúc chúng ta đến gặp gỡ Ngài. Thời đi vào vĩnh cửu là lúc chúng ta chiếm hữu Ngài cách trọn vẹn”. Đáp án cho bài toán nan giải về sự chết chính là ở đây.
Lazarô đã chết và được Chúa cho phục sinh. Nhưng, chàng thanh niên được Chúa cho sống lại chỉ là tạm thời. Cuối cùng anh cũng phải chết một lần nữa, phải đi vào thân phận cát bụi. Khởi đầu mùa chay thánh với việc cử hành nghi thức xức tro, Giáo hội đã nhắc lại cho chúng ta về chân lý này.
Ta là Sự Phục sinh và là Sự Sống
‘Phép lạ xảy ra là để anh em tin’ (c 15). Chúa Giêsu đã nói trước như thế. Trong sách Tin Mừng thứ tư, thánh Gioan đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại đích nhắm của Ngài là: “Tin vào Đức Giêsu – Đấng Kitô, và ai tin thì có sự sống đời đời”. Cũng vậy, việc Chúa cho Lazarô sống lại không phải nhằm phô diễn một kỳ tích để cho thiên hạ vỗ tay. Chúa cũng không thực hiện phép lạ chỉ vì có lòng thương cảm mang tính riêng tư đối với các thành viên trong gia đình Bêtania, mặc dầu người Do Thái xầm xì: “Kìa xem, ông ta thương Lazarô biết mấy”. Trước khi làm phép lạ, Chúa đã nói với Matta “Thầy là sự sống lại và là sự sống” và Ngài hỏi tiếp “Chị có tin như thế không”(c.26).
Trong các trình thuật của Gioan, đức tin luôn là điều kiện để dẫn tới các phép lạ.
Lời tuyên bố của Chúa Giêsu trên đây không phải là một lối nói cường điệu hóa như trong xã hội thời nay, nhiều người vẫn hay ‘nổ’ một cách kênh kiệu và khá lố bịch. Đức Giêsu là Thiên Chúa đầy quyền năng, một Thiên Chúa hằng sống, Đấng không bao giờ phải chết, nhưng Ngài đã đi vào trần gian, mang lấy kiếp người hèn hạ và đã đón nhận cái chết một cách bi thương. Đây là một nghịch lý cao cả và nghịch lý đó đã được giải mã nơi biến cố Phục sinh. Vì vậy, Giáo hội hôm nay muốn nhắc lại để chúng ta xác tín điều mà Chúa công bố: “Tôi là Sự Phục sinh và là Sự Sống”.
Kết luận
Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu trên giường hấp hối đã thì thào nói với các chị em trong cộng đoàn: “Em sắp chết, nhưng không phải em chết mà em đang tiến về cõi sống”. Trong tập sách ‘Nhật ký một tâm hồn’, chị thánh cũng ghi lại: “Ơn gọi của tôi là tình yêu. Tình yêu là tất cả. Tình yêu vượt mọi thời gian và không gian. Ơn gọi của tôi không là gì khác ngoài tình yêu.” Tình yêu chính là tên gọi của Thiên Chúa như Thánh Gioan tông đồ đã khẳng quyết. Ai ở trong tình yêu người đó ở trong Thiên Chúa và sẽ không bao giờ phải chết, bởi vì Thiên Chúa là Đấng bất tử. Tư tưởng thần học này cũng được lập lại trong phụng vụ hôm nay để chúng ta suy gẫm. Trong sứ điệp mùa chay năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng mời gọi chúng ta hãy thực hành tình yêu cách cụ thể, đừng bắt chước thái độ sống của người phú hộ giàu có keo kiệt khi đối mặt với Lazarô nghèo khổ (Lc 16, 19-31). Nơi người phú hộ, sự ham mê của cải, thói ưa thích những lạc thú chóng qua và hay phô trương cái tôi, là ba hình thái loại trừ tình yêu chân thực, gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống và cuối cùng sẽ bị án phạt đời đời.
Trong mùa chay thánh, xin Chúa giúp chúng ta thực hiện cuộc hoán cải nội tâm để luôn biết bám chặt vào Đức Giêsu, Đấng là Sự Phục sinh và là Sự Sống, và là đối tượng duy nhất của đức tin nơi chúng ta.
Lm. Văn Hào, SDB