Chúa Nhật 4 Mùa Chay Năm A: Hai Dạng Thức Mù Lòa

Thánh sử Gioan đã dành trọn chương 9 trong sách Tin mừng của Ngài để thuật lại câu chuyện Chúa chữa anh mù bên hồ Si-lô-ác và một lần nữa, từ từ vén mở cho chúng ta chiêm ngắm chân dung cứu thế của Đức Giêsu. Ngài chính là ‘Ánh sáng trần gian’ (c.5). Thánh Gioan viết lại giai thoại này với mục đích duy nhất như đã nói trong phần kết của cuốn sách : ‘Những điều đã được chép ở đây để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Ngài (Ga 20,31)’. Đích nhắm ấy cũng được thể hiện rõ nét trong trình thuật hôm nay.

Hai sự mù lòa: Mù về thể lý và mù trong tâm hồn

Người thanh niên trong câu chuyện bị mù từ bẩm sinh. Nỗi khát khao duy nhất nơi anh ta là muốn được nhìn thấy. Thế giới của ánh sáng và cảnh vật chung quanh đã hoàn toàn khép lại. Nếu chúng ta có dịp đến thăm những người khiếm thị tại các mái ấm, chúng ta sẽ cảm thấu niềm khát khao nơi những con người bất hạnh này mãnh liệt như thế nào. Họ muốn tiếp cận với thế giới bên ngoài nhưng không thể. Chàng thanh niên bên hồ Si-lô-ác năm xưa cũng thế. Vào thời Chúa Giêsu, số phận của họ còn nghiệt ngã hơn nhiều. Xã hội lúc đó vẫn kết án và ‘đóng đinh’ người mù với những thành kiến xấu, vì nghĩ rằng anh bị Thiên Chúa trừng phạt do tội chính anh ta gây nên, hoặc do tội tiền nhân để lại. Ngay cả các môn đệ cũng nghĩ như thế (c.2). Do vậy vào thời Chúa Giêsu, dường như những người mù bị xã hội cô lập hoàn toàn. Họ sống cũng giống như những kẻ đã chết rồi. Nhưng may mắn, chàng thanh niên mù đã gặp được Đức Giêsu và Ngài đã chữa lành cho anh ta.

Nhưng, ngoài sự mù lòa thể lý còn có sự mù lòa tâm linh nghiêm trọng hơn rất nhiều. Đây là căn bệnh từ trong tâm hồn mà chính Đức Giêsu đề cập tới trong bài Tin mừng hôm nay, nhắm thẳng vào những người Pharisêu. Chúa nói : “Tôi đến thế gian để xét xử, cho người mù được xem thấy và kẻ xem thấy lại trở nên mù” (c.34). Khi nghe thế, những người Pharisêu tức tối và hỏi ngược lại : “Thế ra chúng tôi cũng đui mù cả hay sao?” (c.40). Chúa Giêsu đã vạch trần sự cố chấp và kiêu ngạo nơi họ, và Ngài xem đó là một tội ác (c.14). Đây chính là sự mù lòa nghiêm trọng phát xuất từ tâm hồn chai cứng của những người biệt phái năm xưa, và cũng có thể ẩn tàng nơi chính tâm hồn của mỗi người chúng ta ngày hôm nay.

Tiến trình chữa lành

Nếu chúng ta chỉ đọc qua bản văn một cách sơ sài mà không thấu triệt ý nghĩa thần học được thánh Gioan trình bày, chúng ta sẽ xem việc Chúa chữa anh mù là một công việc phản khoa học. “Ngài nhổ nước miếng xuống đất, trộn vào bùn và xức vào mắt người mù (c.6).” Có lẽ không ít người cảm thấy khó chịu và khó chấp nhận động thái xem ra mất vệ sinh đến thế. Nếu chỉ nghĩ đơn thuần như vậy, thì quả thật, đầu óc chúng ta cũng quá tối tăm và thiển cận. Đây chỉ là những hành vi mang tính biểu tượng nhằm khải thị những chân lý sâu xa hơn nhiều. Vả lại, thánh Gioan đã viết sách Tin mừng cách nay cả 20 thế kỷ, theo văn phong và não trạng y khoa lúc bấy giờ. Theo cách diễn tả của Gioan, Chúa chẳng khác gì một lang băm nhà quê. Song, điều mà thánh Gioan muốn trình bày chính là nêu bật dung mạo cứu thế của Đức Giêsu, là ‘Thầy thuốc’ vĩ đại và toàn hảo nhất. Ngài đến trần gian để giải cứu chúng ta thoát khỏi bóng đêm và sự mù lòa trong tội lỗi. Chúa trộn nước miếng xuống đất, nhào thành bùn như để nhắc nhở về thân phận của mỗi người chúng ta, vốn phát xuất từ bụi đất và sẽ trở về với đất bụi. Mọi người đều được sinh ra trong tội lỗi, và chúng ta đừng bao giờ nhìn người khác bằng cặp mắt Pharisêu, vẫn hay kết án tha nhân, còn mình thì không. Trong tiến trình chữa lành anh mù, giai đoạn cuối cùng Chúa nói với anh ta, là hãy đến hồ Si-lô-ác để rửa. Không phải vô tình mà thánh Gioan đã chú thích ngay sau đó hạn từ ‘Si-lô-ác’, tiếng Aram nghĩa là ‘Người được sai phái tới’ (c.7). Người được sai phái ở đây chính là Chúa Giêsu, Đấng được Chúa Cha sai đến trần gian để thực hiện ơn cứu độ. Trong máu của Người, mọi bùn đất tội lỗi chúng ta đều được rửa sạch, và nhờ thế chúng ta mới có thể ‘thấy’ được nguồn sáng cứu độ.

Con đường dẫn đến đức tin

Sau khi được sáng mắt, anh mù đã gặp lại Chúa Giêsu và Ngài hỏi anh ta : “Anh có tin vào Con Người không? Kết thúc tiến trình chữa lành, anh ta sấp mình phủ phục trước mặt Chúa và tuyên xưng: “Thưa thầy tôi tin”. Lộ trình đức tin của anh mù rất giản đơn. Trước hết, anh ta ý thức về sự khốn cùng nơi mình và khao khát vươn lên. Thứ đến, anh đến gặp Chúa Giêsu và Ngài ban tặng anh một thang thuốc quý, đó là ‘lấy bùn bôi vào mắt’ của anh. Song thực ra, thang thuốc vô giá anh có được chính là việc anh gặp được Chúa Giêsu và được Ngài sờ chạm đến. Cuối cùng anh đến hồ Si-lô-ác để rửa và thấy được. Thực ra anh mù đã được rửa trong ‘Đấng được sai tới’ và đã ‘thấy’, đã bắt đầu đi vào hành trình đức tin. Đây cũng là những giai đoạn thông thường trong lộ trình của chúng ta trên con đường tìm kiếm Chúa. Giai đoạn nào cũng quan trọng. Nhưng điều cần thiết trước tiên, là chúng ta cần phải nhận ra sự khốn cùng nơi thân phận tội lỗi của mình để biết chạy đến với Chúa và tiếp cận Ngài. Khi đã được sáng mắt, tức là đã ‘thấy’, chúng ta hãy sống theo lời khuyên của thánh Phaolô, được đọc lại trong bài đọc 2 hôm nay : “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ trong Chúa, ‘anh em là ánh sáng’. Trở nên ánh sáng để soi dẫn người khác là bản chất ơn gọi Kitô hữu nơi chúng ta.

Kết luận

Tại Lộ Đức ngay cổng vào có 1 bức tượng người mù khá ấn tượng. Chủ nhân là 1 doanh nhân Công giáo giàu có nhưng đã mất đức tin từ lâu. Ông ta không còn đến nhà thờ nữa, cũng chẳng còn tin vào Chúa một chút nào. Ông không muốn đi hành hương, nhưng vì nể vợ, nhất là thương đứa con gái tật nguyền, ông đã chấp nhận đi cùng với gia đình đến Lộ Đức. Đứa bé đã sốt sắng cầu nguyện với Đức Mẹ để xin ơn chữa lành, không phải cho em nhưng cho chính ông bố của em. Chúa đã chấp nhận và ông đã khôi phục lại được đức tin vốn bị đánh mất từ lâu. Ông cho tạc bức tượng người mù để ám chỉ về chính ông, một con người mù lòa trong đức tin nay được sáng mắt nhờ sự can thiệp của Đức Maria.

Có bao giờ chúng ta nhận ra sự mù lòa nơi chính mình hay chưa, hay chúng ta vẫn tưởng rằng mình sáng mắt như những người Pharisêu trong bài Tin mừng hôm nay ? Chúng ta hãy học lấy thái độ khiêm tốn của anh mù bên hồ Si-lô-ác, năng đến với Chúa để được Chúa yêu thương và chữa lành.

Lm. Văn Hào, SDB

Visited 17 times, 1 visit(s) today