Chúa Nhật 8 Thường Niên Năm A: Đặt Thiên Chúa vào chỗ tối thượng

Vào năm 1911, nước Anh đã cho hạ thủy con tầu Titanic, chiếc tầu hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ. Người ta quy tập những kỹ sư tài giỏi để thiết kế và trang bị con tầu với những vật dụng tối tân nhất để con tầu xứng đáng được mệnh danh là ‘Không thể chìm’ (unsinkable boat). Trên thành tầu, người ta treo một tấm bảng lớn với khẩu hiệu ngạo nghễ ‘There is no God’ (ở đây không có Thiên Chúa). Thế rồi, con tầu đã va vào một tảng băng ngầm và từ từ chìm sâu giữa lòng đại dương bao la trước con mắt kinh hoàng của gần hai ngàn du khách. Chỉ có vài trăm phụ nữ và trẻ em được cứu sống nhờ những chiếc thuyền cứu hộ. Toàn bộ số hành khách còn lại đã bị chôn sống giữa biển khơi mênh mông. Biến cố về con tầu lịch sử này là một minh chứng cho chúng ta thấy rằng khi con người chối bỏ Thiên Chúa, họ đang đi đến chỗ hủy diệt.

Đặt Thiên Chúa vào chỗ tối thượng (in primacy)

Bài Tin mừng hôm nay bắt đầu với lời cảnh báo nghiêm khắc của Chúa Giêsu : “Không ai có thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được”. Chúa đã mạnh mẽ và quyết liệt tuyên chiến với tiền bạc. Khi người ta thượng tôn tiền bạc, đặt của cải làm thước đo mọi giá trị, họ sẽ từ từ khai tử Thiên Chúa. Tiền bạc như một thứ ngẫu tượng cuốn hút tất cả mọi người không loại trừ ai. Khi con người chạy theo nó, tôn sùng nó, họ sẽ rơi vào tội thờ ngẫu tượng (idolatry) giống như dân Do Thái đã tôn thờ con bò vàng năm xưa. Có lần Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã cảnh báo những nguy cơ làm xói mòn đức tin của các tín hữu và biến chúng ta trở thành những kẻ vô thần trong thực hành, đó là sống theo chủ nghĩa duy vật (materialism), sống theo chủ nghĩa hưởng thụ (consumerism) và sống theo chủ nghĩa tục hóa (secularism). Sống theo chủ nghĩa duy vật là phải làm sao kiếm được thật nhiều tiền bằng bất cứ giá nào, bất chấp những quy luật luân lý, và bóp nghẹt ngay cả tiếng nói của lương tâm. Nguy cơ này tấn công tất cả mọi người chúng ta, từ giáo dân đến các linh mục hay tu sỹ. Cũng vậy, nếp sống hưởng thụ cũng là một hình thái của chủ nghĩa vô thần. Nhiều bạn trẻ thời nay vẫn hay đề cao khẩu hiệu ‘Cứ việc ăn cho đã, ngủ cho sướng, chơi bời cho thỏa thích’. Não trạng sống hưởng thụ như thế đang dần biến chúng ta trở thành những con người vô thần và từ từ gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, giống như khẩu hiệu người ta trưng ra trên con tầu Titanic năm xưa ‘Ở đây không có Thiên Chúa”. Chủ nghĩa tục hóa là hệ quả của 2 lối sống trên. Khi sống hưởng thụ và đề cao tiền bạc, con người chẳng còn thiết tha đến việc cầu nguyện hướng về Thiên Chúa. Mọi sinh hoạt hằng ngày chỉ được phủ bao bằng một lớp vỏ thế tục mà thôi. Việc cầu nguyện từ từ trở nên lạc lõng và sẽ bị rơi dần vào quên lãng. Vì vậy, lời cảnh báo của Chúa Giêsu hôm nay không phải chỉ là một sự nhắc nhở, nhưng còn là một lời tuyên chiến mạnh mẽ, đặc biệt đối với những ai muốn trở thành môn đệ của Chúa một cách đích thực.

Đừng lo lắng về ngày mai

Khi chúng ta đặt Thiên Chúa vào chỗ tối thượng, tâm hồn chúng ta sẽ tìm được sự an bình, bởi vì ‘Chúa là núi đá nơi con nương ẩn’ (Tv 94,16). Thiên Chúa, Đấng chúng ta tôn thờ không phải là một vị thần khắc nghiệt ở tít trên cao, trái lại, Ngài là một người Cha nhân hậu và phủ bóng yêu thương trên tất cả, người tốt cũng như kẻ xấu. Chúa Giêsu còn dùng hai hình ảnh rất dung dị về những cánh chim trời và bông hoa ngoài đồng để nhắc cho chúng ta giáo huấn này. Nhìn vào thực tế, ai cũng phải bươn chải để kiếm sống. Nhu cầu cơm áo gạo tiền là nhu cầu rất cụ thể hằng ngày. Từ chỗ cần tiền đến chỗ làm bất cứ điều gì để có tiền, chỉ cách nhau một bước chân. Có lẽ nhiều người nghĩ rằng điều Chúa nói hôm nay – ‘Đừng lo lắng về ngày mai’ – chỉ là lý thuyết và không sát thực tế. Song, nếu đi sâu vào giáo huấn của Chúa dưới ánh sáng Thập giá, chúng ta mới có thể cảm thấu những chân lý sâu xa mà Chúa muốn diễn bày. “Hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và đức công chính của Người… Đừng lo lắng về ngày mai. Ngày nào có sự khốn khó của ngày đó”. Tin tưởng vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa, không phải là một thái độ ỷ lại trong biếng nhác, nhưng chính là tinh thần làm việc không mệt mỏi để kiếm tìm những giá trị trường tồn, chứ không phải hướng đến những của cải chóng qua. Thánh Augustinô đã nói: “Điều linh thánh nhất trong mọi điều linh thánh, là làm việc vì thiện ích các linh hồn. (Divinissimum divinorum est opere ad lucrum animarum).

Kết luận

Trong tập sách ‘Lạy Chúa, tại sao Ngài vẫn thinh lặng’, Cha Guise Đinh Thanh Bình, SDB có ghi lại cảm nghiệm của Ngài để chia sẻ với chúng ta. Tác giả viết:

“Vào năm 1986, khi nghe tin bố tôi qua đời, tâm hồn tôi chết lặng. Một người cha mà tôi hết lòng quý mến đã không còn nữa. Hai tháng sau, khi niềm đau chưa nguôi, tôi lại nhận được một hung tin khác như sét đánh ngang tai – Em trai tôi chết trong một tai nạn giao thông khủng khiếp.

Từ phương trời xa, tôi gào thét, vật vã trong đau đớn tột cùng. Đây là đứa em trai mà cả gia đình tôi đều thương yêu và đặt trọn niềm hy vọng. Cả một bầu trời như sụp đổ dưới chân tôi. Cho đến hôm nay, khi mẹ tôi nhắc đến bố và em trai tôi, bà vẫn khóc. Sau khi em tôi chết, tôi vào nhà thờ một mình lúc tan lễ, khi không còn một bóng người. Tôi đứng dưới chân Thánh giá và gào thét thật lớn : “Chúa ơi, sao Chúa gửi đến cho con những đau khổ lớn lao và dồn dập như vậy?”. Đáp lại câu hỏi của tôi chỉ có một sự tĩnh lặng hoàn toàn. Trên thập giá, Chúa không nói gì, đôi mắt Chúa nhắm nghiền và đôi tay vẫn luôn giang rộng. Suốt 2000 năm qua, Chúa vẫn mãi lặng thinh như thế, nhưng qua sự im lặng ấy, tôi biết Chúa vẫn đang nói, đang trả lời cho câu hỏi của tôi”.

Tôi cảm nhận rằng Chúa vẫn luôn thương yêu tôi. Chúa luôn quan phòng che chở cho tôi. Tôi còn cao quý hơn những con chim sẻ hay những cánh hoa đồng nội. Chúa luôn mời gọi tôi hãy đặt Ngài vào chỗ tối thượng, và Chúa còn nói với tôi ngày hôm nay: “Đừng lo lắng về ngày mai… Ngày nào có sự khốn khó của ngày ấy”.

Xin Chúa dạy con luôn biết tín thác, cho dù cuộc sống con có tràn ngập cay đắng hay bầm dập.

Đừng lo lắng chi cả. Qủa thật, ngày nào vẫn luôn có sự khốn khổ của ngày đó.

Văn Hào, SDB

Visited 4 times, 1 visit(s) today