Chúa Nhật 7 Thường Niên Năm A: Yêu Thương Kẻ Thù

Bộ phim ‘Chú bé Karatê’ (Karate kid) thuật lại câu chuyện về một đứa bé đến gặp một võ sư Nhật Bản để xin thụ giáo. Vị võ sư nhìn vào thằng bé và hỏi: “Con đến xin ta dạy võ để làm gì?” Chú bé thành thật trả lời: “Thưa thầy, con đến xin thầy dạy võ cho con để con về nhà trả thù”. Suy nghĩ một lát, vị võ sư trả lời: “Được, nhưng trước hết con hãy về nhà và đào sẵn 2 cái huyệt, một cái để chôn kẻ thù của con, còn cái kia để chôn chính con”. Vị võ sư đã trích dẫn câu ngạn ngữ Trung Hoa để nhắc cho đứa học trò biết rằng, khi lòng chúng ta mang nặng thù hận và không biết quảng đại tha thứ, chúng ta đang tự đào hố chôn mình.

Nên hoàn thiện như Cha trên trời

Đây là quy chuẩn tuyệt đối và trọn hảo mà Chúa Giêsu đã nêu ra trong bài Tin mừng hôm nay. Sau khi giải thích cho các học trò về các lề luật cũ với 1 chiều kích mới, Chúa đã tóm kết bằng một định thức đơn giản: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”. Thánh Phanxicô Salê, vị Tiến sĩ Đức Ái cũng đã viết trong khảo luận của Ngài: “Con người là sự hoàn thiện của vũ trụ. Tình yêu là sự hoàn thiện của con người. Đức ái là sự hoàn thiện của tình yêu.” Đức ái ở đây là thuộc tính căn bản của Thiên Chúa, như thánh Gioan đã khẳng quyết: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16b). Ngày hôm nay, nhiều cá nhân hay nhiều đoàn thể vẫn hay tổ chức những việc bác ái xã hội. Điều đó rất đáng trân quý. Nhưng nếu không xuất phát từ tình yêu dành cho Thiên Chúa theo khung Đức Ái từ nơi Ngài, thì những công việc từ thiện đó chỉ mang tính hình thức bên ngoài, đôi khi rất giả tạo. Trong 3 năm trời, Đức Giêsu đã bôn ba đi khắp các làng mạc để rao giảng và chữa lành. Những công việc này nhằm quảng diễn lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người. Đức Giêsu không phải là chuyên viên đi làm công tác xã hội. Ngài chẳng bao giờ đi cứu trợ các nạn nhân lũ lụt với các bao gạo hay với các thùng mì gói. Ngài cũng không hề nhúng tay vào việc xây cất các nhà tình thương cho người nghèo, cũng chẳng đem tiền bạc dư thừa đến vùng quê để xây trường học hay bệnh viện. Nhưng Chúa Giêsu đã cho đi tất cả, đã hiến dâng tất cả, đã hiển thị “Đức Ái’ một cách tròn đầy nhất qua chính cái chết của Ngài trên Thập giá. Một nhà tu đức nọ đã phát biểu: “Thiên Chúa đã thực hiện một giấc mơ hết sức điên rồ là phân thây xẻ thịt chính người con một yêu dấu để ban tặng chúng ta. Đó là món quà tình yêu vô giá, cao cả nhất và vĩ đại nhất.  Đức Giêsu cũng đã từng nói với các môn sinh: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống vì bạn hữu (Ga 15,13). Đức Giêsu không phải là nhà mô phạm chỉ biết đứng trên bục giảng và dạy các học trò bằng lý thuyết, nhưng đã hiển thị những lời giáo huấn qua chính gương mẫu cụ thể nơi Ngài. Chúa đi bước trước để mời gọi chúng ta là những môn sinh tiếp bước dấu chân của vị Tôn sư trên con đường trọn lành: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”.

Trong bài đọc 1, tác giả sách Lêvi cũng nhắc lại lề luật cũ mà Đức Chúa đã ban bố trên núi Sinai: “Các ngươi phải thánh thiện, vì ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh”. Nhưng lề luật tuyệt đối này dần dần đã bị xã hội Do Thái cắt nghĩa méo mó với nhiều giới hạn. Ví dụ, yêu mến tha nhân tức là phải thương yêu đồng loại và phải ghét kẻ thù. Điều này Chúa Giêsu đã nhắc lại trong bài Tin mừng hôm nay. Ngài đến trần gian để mặc cho lề luật cũ một chiều kích mới, đó là chiều kích thánh thiêng và tuyệt đối của Đức ái.

Trong chương 13 thơ thứ nhất gởi giáo đoàn Côrintô, Thánh Phaolô đã nêu ra những cách thức cụ thể để thực thi Đức ái. ‘Bài ca Đức Ái’ được thánh Phaolô viết ra, vang vọng lại những giáo huấn mà Chúa Giêsu nói tới trong bài Tin mừng hôm nay.

Hãy yêu kẻ thù

Giáo huấn này xem ra có vẻ nghịch thường và rất khó chấp nhận. Con người từ xưa đến nay vẫn sống theo nguyên tắc mà triết gia Darkwin đã đề xướng: “Sống là tranh đấu” (struggle for life). Phải chiến đấu chống lại kẻ thù. Người Việt Nam vẫn thường nghe câu tục ngữ ‘Giặc đến nhà đàn bà cũng phải đánh’. Chẳng có ai khi bị người ta tát má bên này lại giơ cả má bên kia ‘kính mời’ đối phương tát tiếp. Qủa là những huấn giáo ngược ngạo và chướng tai. Chúng ta chẳng lạ gì khi thấy một số các môn đệ đã bỏ đi sau khi nghe Chúa Giêsu công bố những điều nghịch thường. Họ không thể chấp nhận và nói với nhau: “Lời này chói tai quá, ai nghe cho nổi” (Ga 6,60).

Chỉ đi sâu vào mầu nhiệm Thập giá, chúng ta mới dần cảm thấu những nghịch lý nơi giáo huấn của Đức Giêsu. Trên con đường dẫn đến núi Sọ, Chúa Giêsu bị người ta chửi bới, bị tát vào mặt, bị nhổ nước bọt tỏ dấu khinh bỉ, bị đội triều thiên bằng gai nhọn để chế giễu,… Ngài vẫn câm nín như ‘Con chiên hiền lành bị đem đi xén lông mà không kêu ca hay mở miệng’. Trước khi tắt thở, Chúa còn ngỏ lời với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Đây là cách thái tuyệt hảo nhất để quảng diễn Đức ái mà Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta.

Kết luận

Thời thế chiến thứ hai có một tên trùm mật vụ khét tiếng của phát xít Đức tên là Ithacos. Anh có bề dầy nổi bật về những thành tích tàn phá Giáo hội, sát hại các linh mục và đập phá các nhà thờ, trong đó có nhà thờ thánh Phaolô ngoại thành. Sau năm 1945, phát xít Đức thất trận. Anh ta bị bắt và bị kết án tử hình. Trong trại giam chờ ngày hành quyết, anh đã viết thơ xin Đức Thánh Cha Piô XII tha thứ và mong muốn được xưng tội. Đức Thánh Cha đã chấp thuận và gửi một linh mục đến giải tội cho anh ta. Ngài còn trao tặng kẻ sát nhân một cỗ tràng hạt và nhờ linh mục giải tội đem đến. Anh ta rất cảm động và nói với Cha giải tội: “Thưa Cha, tội con đáng nguyền rủa vì đã tàn phá Giáo hội cách khủng khiếp. Con bị kết án là điều hợp lẽ công bằng. Nhưng con rất cảm động vì Đức Thánh Cha đã tha thứ cho con, và đó là điều con không bao giờ dám nghĩ tới. Xin Cha hãy đeo cỗ tràng hạt này vào cổ con vì con hoàn toàn bất xứng. Bây giờ, con cảm thấy rất bình an dù phải đón nhận cái chết”. Sự tha thứ đã giúp hoán cải một tâm hồn, cho dù người đó đã từng là kẻ thù của chúng ta.

Mỗi lần tham dự Thánh lễ, chúng ta vẫn lớn tiếng cất lên lời kinh ‘Xin Cha tha cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ mắc nợ chúng con’. Tất cả chúng ta đều là tội nhân, là ‘kẻ thù’ của Thiên Chúa, vì đã chống lại Thiên Chúa mỗi khi chúng ta phạm tội. Chúng ta đã được Thiên Chúa tha thứ và chữa lành. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta hãy khắc sâu lời giáo huấn của Chúa Giêsu ngày hôm nay: “Hãy yêu thương kẻ thù… và anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”.

Văn Hào, SDB

Visited 1 times, 1 visit(s) today