Mở đầu Sứ điệp ngày Thế Giới các bệnh nhân 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ngỏ lời với các bệnh nhân và với những người phục vụ: “Anh chị em thân mến, việc phục vụ của Giáo hội cho các bệnh nhân và cho những ai chăm sóc họ phải luôn được tiếp tục canh tân mạnh mẽ, trong sự trung thành với sứ mệnh của Thiên Chúa (x. Lc 9: 2-6; Mt 10: 1-8; Mc 6: 7-13) và noi theo mẫu gương rất hùng hồn của Đấng sáng lập và là Tôn sư. Năm nay chủ đề của Ngày Thế Giới Bệnh Nhân được giới thiệu cho chúng ta lấy từ lời của Chúa Giêsu, khi bị treo trên thập giá, Người đã nói với Mẹ của mình là Đức Maria và thánh Gioan: “Này là con bà…. Này là Mẹ con”. Và từ giờ đó môn đệ đón Mẹ về nhà mình” (Ga 19,26-27).
Trên thập giá, Chúa Giêsu đã lo lắng cho Giáo hội và toàn thể nhân loại, và Đức Maria được mời gọi chia sẻ chính sự lo lắng ấy… (số 1). Mẹ là người mẹ yêu thương và sinh ra những đứa con có khả năng yêu thương theo lệnh truyền của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, ơn gọi làm mẹ của Đức Maria là chăm sóc cho các con cái của Mẹ, qua thánh Gioan và toàn thể Giáo hội. Toàn thể cộng đoàn các môn đệ được mời gọi tham dự vào ơn gọi làm mẹ của Đức Maria (số 2).
Ơn gọi hiền mẫu này của Giáo hội hướng đến những người túng thiếu và bệnh tật được cụ thể hóa, qua 2000 năm lịch sử, qua hàng loạt những sáng kiến phong phú hữu ích cho các bệnh nhân. Không bao giờ được quên lịch sử về sự cống hiến này. Lịch sử ấy vẫn tiếp tục cho đến ngày nay, trên toàn thế giới (số 4).
Ngày thế giới các bệnh nhân sẽ được cử hành vào ngày 11.2.2018, lễ nhớ Đức Trinh Nữ Maria Lộ Đức. Những ai phục vụ bệnh nhân, hãy noi gương Đức Giêsu, luôn gần gũi, thăm viếng và chữa lành các bệnh nhân và hãy cầu nguyện: “Xin Mẹ giúp các bệnh nhân biết sống kết hiệp sự đau khổ của mình với Đức Giêsu, và xin Mẹ nâng đỡ những ai đang chăm sóc họ”.
Đọc Phúc Âm, chúng ta thấy Chúa Giêsu luôn tỏ ra đặc biệt quan tâm tới những người yếu đau. Nhiều câu chuyện chữa lành tuyệt vời được kể lại: “Thiên hạ đem đến cho người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền, những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt và Người đã chữa họ.” (Mt 4,24); “Chúa Giêsu trên núi đi xuống, đám đông lũ lượt đi theo Người. Và kìa, một người phong hũi tiến lại…Người giơ tay đụng vào anh và bảo, tôi muốn, anh sạch đi. Lập tức, anh được sạch bệnh phong hủi.” (Mt 8,1-3); “Chúa Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường của họ, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa các bệnh hoạn tật nguyền.” (Mt 9, 35)…
Quan niệm của Cựu Ước cho rằng bệnh gắn liền với tội. Bệnh tật như là một sự trừng phạt bởi tội lỗi gây ra. Vì thế, người ta xa lánh bệnh nhân, nhất là bệnh phong cùi. Đó là một bệnh nan y bị mọi người kinh tởm, không chỉ vì sự dơ bẩn “ô uế theo luật Do thái”, hay lây nhiễm, mà còn bị xa lánh như xa lánh kẻ tội lỗi.
Trong Đạo Do Thái, người mắc bệnh phong bị gạt ra ngoài lề xã hội. Họ không được sống chung với thân nhân trong xóm làng. Họ bị xua đuổi vào trong rừng núi hay trong sa mạc. Họ phải ăn mặc rách rưới. Đi đến đâu phải kêu lên: “Ô uế, ô uế”, cho mọi người biết mà tránh xa. Ai tiếp xúc với người bệnh phong đều bị coi là ô uế. Ai đụng chạm vào người bệnh phong bị coi như người mắc tội rất nặng. Chẳng ai dám đến gần người bệnh phong.
Người bệnh như thế, không những bị những vết thương trên thân xác hành hạ đau đớn mà còn bị những nỗi đau, nỗi nhục trong tâm hồn dằn vặt khổ sở. Họ bị xã hội khinh khi loại trừ. Họ bị một mặc cảm chua chát dày vò. Nhân phẩm không được tôn trọng, họ sống mà coi như đã chết.
Tin Mừng Chúa Nhật VI kể câu chuyện: Chúa Giêsu đã vượt qua những biên giới cấm kỵ khi đến gần người bệnh phong. Người còn đưa tay chạm vào thân mình lỡ loét ấy. Lòng thương yêu đã khiến Chúa Giêsu làm tất cả. Vì thương người bệnh, Chúa Giêsu đã bất chấp những điều được coi là cấm kỵ của Đạo Do Thái.
Khi chữa khỏi bệnh phong, Chúa Giêsu giải thoát người bệnh khỏi những đau đớn phần xác. Từ nay, anh không còn bị những vết thương hành hạ. Thân thể anh trở nên lành lặn. Da dẻ anh trở lại hồng hào tươi tắn. Khuôn mặt anh rạng rỡ.
Khi chữa khỏi bệnh phong, đồng thời Chúa Giêsu cũng giải phóng anh khỏi những mặc cảm đè nặng tâm hồn bao năm tháng qua. Khi chạm đến thân thể anh thì Người cũng chạm đến tâm hồn anh. Trước kia anh cảm thấy bị mọi người xa lánh, nay qua Chúa Giêsu anh cảm thấy mọi người gần gũi thân thương. Trước kia anh cảm thấy bị khinh miệt, nay anh cảm thấy được trân trọng. Trước kia anh cảm thấy bị bỏ rơi, nay anh cảm thấy đựoc yêu thương vỗ về.
Muốn cho mọi người chấp nhận anh tái hội nhập vào đời sống xã hội, Chúa Giêsu bảo anh đi trình diện với Thầy Cả theo luật định. Trước kia anh bị loại trừ, bị gạt ra bên lề xã hội, nay anh được đón nhận anh trở lại với xã hội loài người. Nhân phẩm được phục hồi, danh dự được tôn trọng. Giờ đây anh có thể tự tin, vui sống giữa mọi người như mọi người.
Chúa Giêsu đã chữa lành thể xác và tâm hồn của người bệnh phong. Chính thái độ tin tưởng, đơn sơ của anh đã chạm đến lòng thương xót của Chúa. Phép lạ phát sinh từ lòng tin của bệnh nhân và từ ý muốn đầy quyền năng của Chúa Giêsu.
Có một môn đệ theo gương Thầy Chí Thánh đã đến ở giữa người cùi, cùng sống và đã chết giữa họ. Đó là Cha Đamiên “Tông Đồ người hủi”. Ngài đã được Giáo Hội phong Thánh. Trong cuốn sách “Những người lữ hành trên đường hy vọng”, Đức Hồng y Fx. Nguyễn Văn Thuận đã kể chuyện cuộc đời Cha Đamien.
Molokai, quần đảo xa xăm ấy nằm cô đơn giữa lòng Thái Bình Dương mênh mông. Trên đảo toàn là người hủi: cụt tay, đứt chân, mắt đui, môi lở, răng rụng… Một hôm, Đức Giám Mục đặc trách quần đảo này gióng tiếng kêu gọi các Linh mục ở Âu Châu tình nguyện hy sinh sang đó phục vụ. Một Linh mục trẻ, đẹp trai, thông minh, khoẻ mạnh hăng hái đáp lời. Đó là Cha Đamien, người về sau được thêm biệt danh: “Tông Đồ người hủi”.
Chiều hôm đó, trong Nhà thờ ở đảo Molokai đông nghẹt những người hủi da ngăm đen với mùi hôi tanh nồng nặc, Đức Giám mục đứng trên Bàn thờ quay xuống giới thiệu với Giáo Dân: “Các con thân mến, các con hằng mong ước có một Linh mục đến cùng các con, thì đây, cha Đamien, một Linh mục người Bỉ sẽ sống chung với các con từ nay cho đến chết. Các con có sung sướng không ?”
Cả Nhà thờ xôn xao, thì thầm to nhỏ. Cha Đamien đứng cạnh Đức Giám mục chẳng hiểu tý nào. Rồi họ từ từ tiến lên Cung Thánh, dáng điệu chất phác đơn sơ. Cha Damien càng nhìn thấy họ đến gần mình thì càng sởn tóc gáy. Họ trông như những thây ma còn sống, như những quái thai mất hẳn dáng người. Họ làm gì đây? Họ tiến đến bên cha sờ vào mặt, vào tay, vào áo cha…
Cha hỏi Đức Giám Mục: “Thưa Đức Cha, họ làm gì thế? Họ nói gì thế?” Đức Cha trả lời: “Họ nói, họ không thể tưởng tượng được một người ở phương xa, chẳng bà con huyết thống gì với họ, còn trẻ, đẹp trai, không bệnh tật như cha, tự nhiên lại đến phục vụ họ trên mảnh đất khốn cùng này. Họ không tin mắt mình nên mới đến sờ mó vào người cha, xem thử cha có thực sự bị phung hủi như họ không. Rồi họ nói với nhau: “Không, Cha đẹp quá!”.
Dần dần, cha Đamien hoà đồng được với họ. Ngài không còn cảm thấy tởm gớm họ như ngày đầu. Nói đúng hơn, ngài quá yêu Chúa Giêsu bị bỏ rơi trong họ nên chẳng còn thấy e sợ, gớm ghiếc chi. Một ngày kia, đến lượt cha cũng bị mắc bệnh phong hủi. Thân hình cha lở loét, nhức nhối. Mặt mày cha sù sì, đen đủi, u nần trông rất dễ sợ.
Một số báo ở Bỉ đăng hình cha Đamien để mô tả sự hy sinh vĩ đại của cha. Bà cụ thân sinh của cha mắt mờ không đọc được, nhìn vào bức hình cũng chẳng nhận ra nổi người con yêu. Bà hỏi các con trong gia đình: “Hình ai đây mà trông mà trông ghê sợ vậy?” Các con đều trả lời mẹ: “Thưa mẹ, đó là một trong những người hủi trên đảo Molokai của anh Đamien đấy”. Qua mặt được bà cố, nhưng họ lại nhìn nhau và không ai bảo ai, tất cả đều xót xa rơi lệ… Cha Đamien đã sống với người hủi cho đến chết. Tình yêu Chúa đã giúp cha hy sinh suốt đời vì họ.
Ở Việt Nam có hai trại cùi lớn: trại Di Linh trên đường lên Đà Lạt và trại Quy Hoà ở ngoại ô thị xã Quy Nhơn. Đức Cha Jean Cassaigne đã gắn bó với anh em dân tộc K’Hor ở Di Linh bị phong cùi một thời gian dài, rồi sau 15 năm làm Tổng Giám mục Sài gòn, đã lại xin tình nguyện quay trở về sống giữa những người bệnh cùi ở Di Linh. Ngài sống với họ thêm 18 năm rồi lây bệnh và qua đời năm 1973. Trái tim của người Việt Nam và cả thế giới đều rung cảm, ai cũng cảm phục tấm gương chứng nhân của ngài.
Cha Paul Mahu, một Linh mục người Pháp đã từ giã quê hương với cuộc sống tiện nghi đến sống giữa những người cùi ở Quy Hoà cho đến chết. Xác ngài được chôn cất ngay giữa làng cùi bên cạnh những người ngài thương yêu nhất.
Ngày nay các Giáo Xứ khắp nơi gần xa thường tổ chức hành hương đến Di Linh, Quy Hoà để viếng mộ Đức Cha Cassaigne và Cha Mahu, thăm viếng và tặng quà cho các bệnh nhân.
Các Nữ Tu của các Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn và Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ đã đến sống phục vụ giữa những người bị xã hội xa lánh loại trừ. Chính tình yêu Chúa Kitô đã thúc đẩy các môn đệ đến sống với họ, yêu mến họ, chăm sóc phục vụ họ.
Chúa Giêsu đã cúi xuống, sờ đến người cùi và họ liền được lành sạch. Các môn đệ của Chúa cũng sờ vào người cùi, sống với người cùi đem lại cho họ tình thương, bình an và niềm vui.
Tinh thần dấn thân phục những người cùng khổ mang một ý nghĩa Tin Mừng sâu xa như lời Đức Thánh cha Bênêđictô trong Sứ điệp ngày Thế giới các bệnh nhân 2012: “Sự quan tâm và chăm sóc mục vụ cho các bệnh nhân, một đàng là dấu chỉ sự dịu hiền của Thiên Chúa đối với người đang đau khổ, và đàng khác mang lại lợi điểm tinh thần cho cả các Linh mục và toàn thể cộng đoàn Kitô, với ý thức rằng những gì được làm cho người bé nhỏ nhất, chính là làm cho Chúa Giêsu” (số 3).
Để phục vụ bệnh nhân theo đức ái Kitô giáo, Đức Thánh cha Phanxicô mời gọi hãy sống niềm tín thác: “Chúa Giêsu đã để lại nơi món quà dành cho Giáo hội quyền năng chữa lành của Người: “Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin… nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ (Mc 16,17-18). Chúng ta đọc thấy trong sách Tông đồ Công vụ diễn tả những hoạt động chữa lành của thánh Phêrô (Cv 3,4-8) và của thánh Phaolô (Cv 14,8-11). Món quà của Chúa Giêsu thích hợp với nhiệm vụ của Giáo hội. Giáo hội biết rằng phải mang vác trên mình các bệnh nhân với cái nhìn đầy âu yếm và từ bi của chính Chúa. Mục vụ chăm sóc sức khỏe vẫn còn và luôn là nhiệm vụ thiết yếu và cần thiết, sống động với một đà tiến được đổi mới khởi đi từ các giáo xứ cho đến những trung tâm chăm sóc sức khỏe tốt nhất”. (số 6).
“Lạy Đức Maria, Mẹ hiền diệu, chúng con muốn phó dâng tất cả các bệnh nhân trong thể xác và tinh thần, để Mẹ nâng đỡ họ trong niềm hy vọng. Chúng con cũng xin Mẹ giúp chúng con biết đón nhận các anh chị em bệnh nhân”. (Số 7).
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An