Nhà văn Hy Lạp Nikos Nazantzakis đã viết một câu chuyện ngụ ngôn như sau: Có hai người thợ săn lên rừng giăng lưới bắt chim. Họ thu được một mẻ lưới khá nhiều, nhưng phần đa là những con chim gầy yếu và khó bán. Cả hai bàn tính sẽ nhốt những con chim vào trong một chiếc lồng sắt để vỗ béo một thời gian, sau này đem bán sẽ có lợi hơn. Trong một tháng được nuôi nhốt, những con chim quen dần với cảnh chim lồng cá chậu và ăn uống thỏa thích, chỉ duy nhất có một con không chịu ăn, vì nó vẫn nhớ tới bầu trời mênh mông bên ngoài, nơi nó được tự do bay nhảy. Nó vốn đã gầy lại càng gầy thêm. Thế rồi, đến ngày đem chim đi bán, hai người thợ săn thò tay vào lồng để bắt từng con một. Cả bầy chim hoảng loạn tìm cách thoát thân nhưng không làm sao chui ra được vì chúng đã được vỗ béo và mắt lưới nơi cái lồng chật chội lại quá dầy. Chỉ duy nhất con chim gầy do đã nhịn ăn nhiều ngày qua, chỉ cần lách nhẹ một cái là có thể bay ra, về lại khung trời xưa cũ. Nhà văn kết luận: Con chim gầy kia là một con chim khôn ngoan vì nó đã hy sinh từ bỏ những vui thú trong cái lồng chật chội để tìm lại tự do cho chính mình. Câu chuyện ngụ ngôn có thể khởi dẫn, giúp chúng ta suy tư về sứ điệp lời Chúa được trình bày trong phụng vụ hôm nay. Chúa mời gọi chúng ta phải sống khôn ngoan trong tinh thần tỉnh thức và sẵn sàng, như những cô trinh nữ thức suốt đêm chờ chàng rể đến với đèn thắp sáng trên tay.
Bí quyết khôn ngoan: Memento finis
‘Memento finis’ có nghĩa là ‘Hãy nghĩ đến cùng đích mai sau’. Trong bài đọc 1, tác giả sách khôn ngoan đã viết: “Đức Khôn ngoan sáng chói và không hề tàn tạ. Để tâm suy niệm về Đức Khôn ngoan là đạt được sự minh mẫn toàn hảo. Ai vì Đức Khôn ngoan mà thức khuya dậy sớm sẽ mau trút được mọi lo âu”. Đức Khôn ngoan mà tác giả nói ở đây là chính Đức Chúa, Đấng mà mọi người chúng ta phải luôn quy hướng về. Ngày xưa, các triết gia Hy Lạp cũng hay suy tư về sự khôn ngoan theo cái nhìn triết học, nhưng họ chưa biết Thiên Chúa là ai, và những suy tư của họ chỉ dừng lại trên lãnh vực thuần lý nơi đầu óc con người. Triết gia Diogène đã nói: “Bí quyết sự khôn ngoan ở đời là ‘Hỡi người, hãy nghĩ đến cùng đích mai sau’. Triết gia Socrate cũng nói tương tự khi truyền đạt cho các học trò của ông rằng: “Ở đời, ta thường rơi vào 3 điều ngu xuẩn nhất, đó là không biết những gì cần phải biết, tò mò muốn biết những gì ta không nên biết và tưởng rằng đã biết những gì chúng ta thực sự chưa biết”. Ông cắt nghĩa tiếp, cái biết cần thiết nhất trên đời là ta cần phải biết cuộc sống ta từ đâu đến, ta đang sống để làm gì và cuộc sống mai sau của chúng ta sẽ đi về đâu. Những tư tưởng triết học đó cũng rất hữu ích để chúng ta quy chiếu vào sứ điệp Chúa nói hôm nay, qua hình ảnh 5 cô khôn ngoan và 5 cô khờ dại thức đêm đón chú rể đến. Khôn ngoan trong tỉnh thức và chờ đợi là điều cần thiết với điều kiện là những cây đèn phải được thắp sáng. Đèn muốn được thắp lên phải châm đầy dầu. Đây là dầu của đức tin khi chúng ta biết quy hướng cuộc sống về với Chúa. Đây cũng là dầu của đức ái với những việc làm cụ thể, như thánh Giacôbê đã dạy: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”.
Tỉnh thức và sẵn sàng
Trong thời gian qua, nhiều nơi trên thế giới đã phải hứng chịu nhiều thiên tai khá trầm trọng như những cơn bão lũ ở miền Bắc, ở miền Trung, nạn động đất xảy ra ở Mêxicô hồi tháng Tám, trận lũ lụt ở Houston nước Mỹ… Nhiều cái chết xảy ra bất ngờ không ai biết trước. Một gia đình ở Mêxicô đang bồng một đứa bé đến nhà thờ xin rửa tội, bất ngờ cơn động đất xảy ra. Đứa bé đã chết, bị chôn vùi trong đống đổ nát. Bà mẹ cũng chết. Niềm vui chưa kịp đến đã kéo theo bao nhiêu tang tóc. Hằng ngày, chúng ta thấy biết bao tai nạn xảy ra ngoài đường phố. Những nạn nhân tử vong không bao giờ nghĩ rằng hôm đó là ngày cuối cùng trong cuộc đời của họ. Sứ điệp Chúa nói hôm nay vẫn luôn mang tính thời sự cho tất cả mọi người chúng ta, đặc biệt đối với các bạn trẻ. Chúng ta đừng ngủ quên trên những gì chóng qua mà quên mất cùng đích mai sau. Trong trận động đất năm 1996 tại tiểu bang California bên Hoa Kỳ, người ta đào bới trong đống đổ nát và tìm thấy một cô gái, là một nữ ca sĩ nổi tiếng và cũng khá xinh đẹp. May mắn cô gái vẫn còn sống. Thu hết tàn lực cuối cùng, cô hỏi bác sĩ: “Liệu tôi có thể sống được bao lâu nữa ? Bác sĩ trả lời: “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức, nhưng tối đa cô chỉ còn sống được 4 tiếng đồng hồ nữa thôi”. Nghe nói vậy, cô gái bật khóc và rên rỉ: “Thôi, trễ mất rồi”. Khi Cha thánh Gioan Bosco hỏi các học sinh đang chơi trong sân trường: “Giả như một vài tiếng đồng hồ nữa Chúa sẽ gọi chúng con, chúng con phải làm gì?” Duy có một mình Đaminh Saviô trả lời “Nếu một lát nữa con sẽ chết, sẽ về với Chúa, con vẫn tiếp tục chơi bình thường”. Hai thái độ hoàn toàn khác nhau. Khác nhau ở chỗ là một người luôn sống trong tỉnh thức và sẵn sàng còn người kia thì không.
Chết không phải là hết
Con người khác con vật, vì con người chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng có linh hồn. Linh hồn không bị tiêu tan cho dầu thân xác con người bị tiêu hủy. Vì vậy, chết không phải là hết, không phải là dấu chấm hết, kết tận cuộc sống chúng ta một cách vô nghĩa. Đây là chân lý mà thánh Phaolô đã gợi nhắc trong bài đọc 2 của phụng vụ hôm nay: “Nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an nghỉ trong Đức Giêsu sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng với Ngài” (1 Thes 4,14).
Trong những tuần lễ cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo hội nhắc lại cho chúng ta những chân lý về mầu nhiệm cánh chung. Trong kinh tin kính, chúng ta vẫn tuyên xưng ‘Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin có sự sống đời đời’. Tin vào cuộc sống mai sau mời gọi chúng ta luôn sống trong tỉnh thức và sẵn sàng. Đó là thái độ khôn ngoan mà các bài đọc lời Chúa hôm nay gợi mở.
Nhiều bạn trẻ ngày nay đang lao đầu vào một cuộc sống hiện sinh mang tính chất vô thần. Họ dấn mình vào những cuộc ăn chơi tác tráng, sống một cách buông thả để thỏa mãn và không bao giờ nghĩ đến tương lai. Họ cố gắng tìm cách kiếm tiền, càng nhiều càng tốt bằng mọi giá. Khi có tiền, họ mặc sức ăn chơi để hưởng thụ. Hạn từ ‘enjoy’ tức hưởng thụ, là một hạn từ rất quen thuộc trong tầng lớp giới trẻ bên xã hội Âu Mỹ và ngày nay giới trẻ Việt Nam cũng đang có xu hướng sống như vậy. Lối sống hưởng thụ (consumérism) đang dần gặm nhấm đức tin nơi chúng ta và đây là một chiêu bài ma quỷ tung ra rất có hiệu quả để làm mất đi định hướng nơi các Kitô hữu.
Kết luận
Chúng ta mhớ lại lời căn dặn của thánh Phêrô. Trong lá thư thứ nhất, Ngài đã viết: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức vì ma quỷ, thù địch anh em như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự” (1P 5,8-9). Lời căn dặn của vị Thánh Tông Đồ vẫn luôn là bài học quý giá và cần thiết cho chúng ta hôm nay, khi đang sống giữa một thế giới ngả theo trào lưu tục hóa và vô thần.
Lm. GB. Trần Văn Hào, SDB